Thông tin về hình ảnh Đập Tam Hiệp chụp từ vệ tinh Google bị biến dạng gần đây đã lan truyền rộng trên mạng Trung Quốc, khiến cho người dân dưới vùng hạ lưu lo lắng về nguy cơ vỡ đập. Truyền thông Trung Quốc trong mấy ngày qua cũng đã tăng cường trấn an, nhưng các thông tin lại không đồng nhất: có thông tin nói đập Tam Hiệp không biến dạng, có thông tin nói đã biến dạng, nhưng là trạng thái co giãn, có thông tin nói một bức ảnh vệ tinh khác của Google cho thấy đập hoàn toàn bình thường….
Ngày 4/7, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã đăng một bức ảnh đập Tam Hiệp độ phân giải cao do vệ tinh Apstar 6 chụp, đồng thời bác tin đồn trên mạng: “Cơ quan chức năng đích thân kiểm nghiệm, đập Tam Hiệp không có vấn đề gì !!!”
Ngày 5/7/2019, Tân Kinh báo (The Beijing News) ra bài viết “Tin đồn ‘Đập Tam Hiệp biến dạng’ trên mạng – Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc công bố ảnh vệ tinh bác tin đồn: Không có vấn đề gì”. Bài viết nói, gần đây, một một tin tức lan truyền trên mạng nói “Đập Tam Hiệp đã bị biến dạng và sẽ vỡ”, bức ảnh đính kèm thông tin cho thấy tổng thể đập Tam Hiệp bị uốn cong rõ rệt.
Ngày 6/7, tờ Tân Kinh báo tiếp tục đăng bài “Nhóm chuyên gia: Công trình Tam Hiệp vận hành hoàn toàn đáng tin cậy, đập bị biến dạng thuộc trạng thái co giãn?” Tờ báo này dẫn thông tin từ Weixin của Tập đoàn Tam Hiệp Trường Giang thừa nhận đập có biến dạng. Sau khi liệt kê ra hàng loạt những hạng mục và chỉ số kiểm nghiệm từ năm 2006 – 2019, tờ báo này cho biết, các chỉ số đều nằm trong phạm vi thiết kế cho phép.
Trung Tân Xã (China News Service) còn cho biết, ảnh vệ tinh đập Tam Hiệp biến dạng chụp ngày 23/2/2018, do Google chụp thông qua một vệ tinh dân dụng của đối tác thương mại, còn bức ảnh vệ tinh Google chụp vào tháng 9/2018 lại cho thấy đập Tam Hiệp vẫn bình thường.
Trước đó, trang tin The Paper của nhà nước Trung Quốc cũng từng chỉ ra “tin đồn đập Tam Hiệp biến dạng có thể bị vỡ” là tin giả. Tờ báo này nói, kiểm tra ảnh vệ tinh của QQ Map cho thấy, tổng thể đập Tam Hiệp không bị biến dạng.
Đập Tam Hiệp là khu vực cấm quân sự của chính quyền Trung Quốc, có lực lượng quân đội hùng hậu canh giữ, ngay cả bộ đội tên lửa cũng luôn túc trực 24 giờ. Do bản đồ của Baidu không cung cấp hình ảnh rõ nét về khu vực này, nên người bên ngoài rất khó có thể tìm hiểu về hiện trạng của đập. Tuy nhiên, một bên đập Tam Hiệp có thiết kế đài quan sát, nên du khách vẫn có thể quan sát phía bên ngoài đập ở cự ly gần.
Thực tế, đập Tam Hiệp đã được cho là ẩn hoạ lớn của dân tộc Trung Hoa, khu vực lân cận thường xuyên xảy ra thảm họa như hạn hán và địa chấn, khu vực hồ chứa cũng từng xuất hiện các vụ sạt lở. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân ảnh vệ tinh của Google khiến cho người dân và truyền thông của Trung Quốc quan tâm đến vậy.
Năm 1992, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân đã thúc đẩy xây dựng đập Tam Hiệp, từng gây tranh cãi lớn trong giới học thuật Trung Quốc. Trong biểu quyết tại Quốc hội Trung Quốc vào năm 1992 có gần 1/3 số đại biểu phản đối xây dựng con đập. Nhiều học giả cho rằng, xây đập sẽ gây ra nhiều thảm họa về sinh thái và địa chất, tính an toàn của cả con đập cũng rất khó đảm bảo.
Năm 1991, giáo sư vật lý Trung Quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang) đã xuất bản một bài báo cho biết, nguy hại khi đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ làm 6 tỉnh vùng hạ du sông Dương Tử bị tràn ngập nước, hàng trăm triệu người sẽ rơi vào đường cùng. Ông cũng cho rằng đập Tam Hiệp sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu có kẻ thù bên ngoài tấn công.
Ông Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc cũng từng dự đoán 12 loại hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau khi hoàn thành đập Tam Hiệp: ảnh hưởng bờ đê vùng hạ du sông Dương Tử; cản trở vận tải đường thủy; vấn đề di dân; vấn đề bùn tích lũy; suy giảm chất lượng nước; không đủ công suất phát điện; thời tiết bất thường; những trận động đất thường xuyên; tình trạng lây lan bệnh sán lá máu; ảnh hưởng xấu cho sinh thái; lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn; cuối cùng là sức ép gây vỡ đập. Vì nguyên nhân này mà ông không được mời tham gia dự án Tam Hiệp.
Trước khi bắt đầu trữ nước Tam Hiệp vào năm 2003, đoàn kiểm tra công trình Tam Hiệp của Chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập, thông tin gây lo ngại trong cộng đồng.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng sống tại Đức cũng nhận định, đập Tam Hiệp không phải như tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc sẽ có tuổi thọ lên đến 500 – 1.000 năm, mà chỉ từ khoảng 50 – 100 năm là sẽ phải phá bỏ con đập này.
Có thể nói, vấn đề an toàn của đập Tam Hiệp từ lâu đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ cả trong và ngoài Trung Quốc, việc kênh truyền thông nhà nước thừa nhận đập Tam Hiệp bị biến dạng càng khiến người dân lo lắng. Mới đây nhất, trưa ngày 7/7, báo Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời của nhân viên công tác của danh thắng thác Tam Hiệp tại Nghi Xương cho biết, khu thắng cảnh thác Tam Hiệp sẽ tạm dừng kinh doanh từ ngày 6 – 13/7, thời gian hoạt động sẽ có thông báo khác. Trong thời gian này, khu thắng cảnh sẽ tạm ngừng đón du khách tới thăm quan.
Trí Đạt
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…