Văn Hóa

Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục

Thời kỳ thuộc Hán, quan lại nhà Hán đến Giao Chỉ nhiều kẻ tham lam, vơ vét của quý. Năm 34 SCN, Nhà Hán cử Tô Định đến làm Thái thú Giao Chỉ. Tô Định là kẻ tham lam, nâng thuế để vơ vét của dân, lại bắt dân chúng vào rừng xuống biển ngò ngọc trai, vật quý khiến dân chúng khắp nơi oán thán. Trước cuộc khởi nghĩa của Hai Ba Trưng đã có nhiều cuộc khởi nghĩa khác chống lại nhà Hán, tiêu biểu có thể kể đến là khởi nghĩa của Thục Nương ở Tiên La, Thái Bình.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

“Nữ tiên hạ thế”

Theo gia phả họ Vũ cùng các thư tịch cổ thì họ Vũ Công gốc vốn là người Việt Thường, theo thời gian dòng họ này chuyển đến sống ở hữu ngạn sông Lô, đến thời thuộc Hán có ông Vũ Công Chất làm thầy giáo. Thời ấy chưa phổ biến chữ Hán mà dùng chữ Khoa Đẩu, ông Chất dạy chữ Khoa Đẩu cho dân chúng. Vũ Công Chất cũng là Hào trưởng của vùng.

Vũ Công Chất có người vợ là Hoàng Thị Mầu cũng là người Việt Thường. Năm 17 SCN vào ngày rằm bà Mầu sinh được người con gái ở trang Phượng Lâu (nay là thôn Phượng Lâu, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đặt tên là Vũ Thị Thục.

Lớn lên Vũ Thị Thục là cô gái nết na xinh đẹp, lại đảm đang, giỏi văn chương chữ nghĩa giống cha, lại cũng mê tập võ thuật, học được nghề thuốc và luyện võ do cha mẹ truyền lại. Vũ Thị Thục nết na xinh đẹp nên được dân chúng ví là “Nữ tiên hạ thế”.

Năm 16 tuổi Vũ Thị Thục cùng gia đình dạy dân làm nghề nông, cùng cha mẹ chỉ bảo dân quần tụ phát triển các thôn xã.

Năm Vũ Thị Thục 18 tuổi thì cha mẹ nhận trầu cau làm lễ gả cho Phạm Danh Hương – con của Hào mục ở Liệp Trang. Bấy giờ tên tục gọi bà là Thục Nương.

Tránh đại nạn, lập căn cứ chống quân Hán

Thục Nương đang chờ ngày cưới chính thức thì tai họa ập đến. Thái thú Tô Định nghe nói về sắc đẹp của Thục Nương nên muốn lấy về làm thiếp nhưng bị từ chối. Tô Định liền cho mời Vũ Công Chất và Phạm Danh Hương đến rồi ép phải gả Thục Nương nhưng cả hai đều không chịu. Ép người không được Tô Định liền khép vào tội phản quốc và đem giết đi, rồi cho quân đến trang Phượng Lâu bắt Thục Nương về.

Thục Nương củng một ít người thân tín đột phá vòng vây chạy ra sông Hồng lên thuyền đi mãi đến Tiên La (Thái Bình). Tại đây được sự giúp đỡ của dân chúng, Thục Nương lập căn cứ chống quân Hán, tự xưng là Bát Nạn tướng quân, lại giúp dân phát triển nông nghiệp. Căn cứ nơi đây vô cùng vững chắc khiến quân Tô Định nhiều lần tiến đánh nhưng đều thất bại.

Sau này chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống quân Hán ở huyện Mê Linh. Nhận thấy trong nước có nhiều cuộc khởi nghĩa nhưng rải rác ở các nơi không tập hợp được thành sức mạnh, hai chị em liền cho người đưa thư gửi đến thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa với mong muốn tập hợp làm một ở Mê Linh.

Bát Nạn cùng thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa lần lượt đưa quân đến Mê Linh dưới cờ nghĩa của Hai Bà Trưng, được phong làm “Đông Nhung đại tướng quân”.

Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng xuất quân ở Hát Môn, chia quân tiến đánh các nơi. Hai Bà Trưng chiếm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v. tức bao gồm cả tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông Trung Quốc ngày nay.

Sách sử nhà Hán có ghi chép lại rằng:

“Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức năm 40 sau công nguyên), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá quận. Trưng Trắc là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi Sách người Chu Diên, rất hùng dũng. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Do vậy, những người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Gồm chiếm được 65 thành tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú chỉ giữ được thân mình mà thôi.”

Quân Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán đến tận hồ Động Đình (nằm giữa tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc ngày nay). Trưng Trắc lên ngôi Vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía nam núi Ngũ Lĩnh). Vua Trưng phong cho Vũ Thị Thục là Bát Nạn đại tướng quân Trinh Thục công chúa.

Cuộc chiến chống quân Hán

Đầu năm 42 sau công nguyên, vua Hán là Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện cùng Phó tướng Lưu Long và Đoàn Chí đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam.

Mã Viện đưa 30 vạn quân Tiến đánh, nhưng các nữ tướng Lĩnh Nam là Thánh Thiên, Phật Nguyệt, Trần Quốc chỉ huy quân Lĩnh Nam các trận đánh ở hồ Động Đình và Hợp Phố khiến quân Hán đại bại, Đoàn Chí tử trận, Mã Viện phải xin thêm viện binh.

Có thêm quân tinh nhuệ, Mã Viện không tiến đánh như trước mà ngầm chia làm 2 cánh thủy bộ tiến quân nhằm tránh đụng độ với quân của Thánh Thiên để tiến vào Giao Chỉ. Cánh quân bộ tiến chiếm Thương Ngô rồi cho quân đi ngầm qua Quỷ Môn quan (ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay) lẻn xuống vùng Lục Đầu rồi tiến ngược lên Lãng Bạc. Cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển đến Lãng Bạc. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãng Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).

Nữ tướng Lê Chân chỉ huy quân chặn quân Hán ở vùng biển thuộc quận Giao Chỉ. Bát Nạn cũng đưa quân đến hỗ trợ chặn đánh quân trên bộ nơi cửa biển. Cuối cùng hai bên dàn quân dọc theo cửa sông Bạch Đằng giao chiến.

Lê Chân dùng các thuyền nhỏ nhẹ nhưng cơ động áp sát đánh thuyền nặng nề của quân Hán, phía trên bờ Bát Nạn cũng đưa quân tiến đánh khiến quân Hán bị thiệt hại. Nhưng dần dần quân Hán nhờ các chiến thuyền to cùng nhiều loại vũ khí khác nhau phù hợp địa hình đánh lui được quân Lĩnh Nam. Lê Chân cùng Bát Nạn phải lui quân.

Hai Bà Trưng cùng Bát Nạn, Lê Chân và các tướng khác tiến đánh quân Hán ở Lãng Bạc. Quân Lĩnh Nam có được chiến thắng ban đầu, nhiều tướng quân Hán tử trận như Bình Lục hầu Hàn Vũ. Tuy nhiên quân Hán tăng cường thêm quân dần lấy lại thế chủ động tấn công.

Không ngăn được quân Hán, Bát Nạn tướng quân theo Hai Bà Trưng rút quân đến Cẩm Khê lập căn cứ chống quân Hán. Các trận đánh rất ác liệt từ mùa hè năm 42, đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ.

Quân Lĩnh Nam từ Cẩm Khê rút đi theo hai cánh chính: Một cánh đường bộ Hai Bà Trưng chỉ huy, một cánh theo đường thủy do nữ tướng Lê Chân chỉ huy. Cánh quân của Hai Bà Trưng bị quân Hán tiến đánh sát, cùng đường Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát bảo toàn danh tiết. Các tướng lĩnh khác của Lĩnh Nam vẫn tiếp tục chỉ huy các cánh quân của mình chống quân Hán nhưng lại nằm ở các nơi mà không có liên kết.

Cuộc chiến cuối cùng của Bát Nạn

Bát Nạn cùng số quân theo mình đến vùng ven biển Lục Hải (thuộc Thái Bình ngày nay), là vùng sình lầy với rừng ngập mặn. Mã Viện cho quân kéo đến vây kín mấy vòng nhằm tuyệt lương khiến quân Lĩnh Nam phải hàng.

Quân Hán vây đánh liên tục, Bát Nạn cho quân chống trả quyết liệt. Sau 42 ngày cầm cự thì quân Lĩnh Nam hết lương. Quân Hán thừa cơ kéo đến rất đông nhưng quân sĩ Lĩnh Nam ai cũng quyết đánh đến cùng chứ không hàng khiến quân Hán tử trận rất nhiều.

Bát Nạn cưỡi ngựa cùng số quân còn lại tả xung hữu đột mở con đường máu đánh thoát ra ngoài. Phá được vòng vây chạy đi, Bát Nạn nhìn lại thì thấy quân sĩ của mình đều đã nằm lại cả chỉ còn một mình ra đi.

Chạy đến gò Kim Quy thì cả người cùng ngựa đều mệt mỏi, Bát Nạn kiệt sức vì mang nhiều vết thương. Trong khi quân Hán đang đuổi đến, Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục đành tuẫn tiết để không sa vào tay giặc, lúc đó là ngày 17 tháng 3 âm lịch năm 43.

Người dân hay tin liền đem Bát Nạn giấu rồi chôn trong khu rừng hoang vu. Quân Hán lùng sục nhưng không thấy dấu tích Bát Nạn tướng quân đâu bèn rút đi.

Tìm Bát Nạn không được, Mã Viện liền cho quân truy sát họ Vũ ở Phượng Lâu quê nhà của bà. Họ Vũ nơi đây phải chạy đến vùng rừng núi hoang vu ở Thiên Thai thuộc Bắc Ninh tránh nạn.

Sau khi giặc rút, dân chúng thương tiếc dựng tạm đền thờ bằng tranh tre bên mộ bà, sau đó thì thay bằng gỗ và đá ong vững chắc, sau này gọi là Đền Tiên La.

Tưởng nhớ

Đền Tiên La ở Thái Bình là nơi thờ phụng Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục suốt cho đến 200 năm trước đây. Theo thời gian vị trí đền thay đổi. Sau năm 1975, trước nhu cầu của dân chúng, ngôi đền được phục dựng lại tại gò Kim Quy nơi nữ tướng tuẫn tiết trước sự truy đuổi của quân Hán. Trước đây đền Tiên La mở lễ hội tưởng nhớ tướng quân Bát Nạn từ ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngày nay lễ hội tổ chức từ ngày mùng 10 đến 20 tháng 3 âm lịch, chính hội là ngày 17 cũng là ngày mất của tướng quân Bát Nạn.

Nơi quê nhà của Vũ Thị Thục ở Phượng lâu, dân chúng cũng lập đền Bát Nạn, hàng năm đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ đến bà vào ngày 28 tháng 3 âm lịch.

Ngoài ra, ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, cũng có đền Tân La thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục. Xưa kia ở đây lễ hội kéo dài suốt tháng 3 âm lịch, có lễ rước nước từ sông Hồng về cùng các trò chơi dân gian thu hút rất đông người tham gia. Ngày nay lễ hội chỉ tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

7 lời khuyên giúp cư xử lịch sự và nhã nhặn với người khác

Một trong những nhược điểm của văn hóa tự nhiên là chúng ta ít chú…

25 phút ago

Tại sao New York Times vẫn tiếp tục công kích Shen Yun?

Trong vòng chưa đầy 5 tháng, New York Times đã đăng ít nhất 9 bài…

25 phút ago

Câu chuyện giáo dục: Đi học quên mang đồ cũng có chỗ tốt

Những phiền phức và thắc mắc khó giải trong mắt người lớn chúng ta, lại…

34 phút ago

Lịch sử dòng họ Vũ Công: Từ Phượng Lâu đến Đông Cao

Dòng họ Vũ Công ban đầu định cư ở Phượng Lâu. Dòng họ này 2…

38 phút ago

Vài tấm gương phụ nữ đức hạnh thời nhà Nguyễn

Vào thời nhà Nguyễn, phụ nữ đức hạnh sẽ được địa phương tâu về Kinh…

49 phút ago

Cổ nhân dùng “nghĩa” đối đãi với hôn ước

Hôn ước là lời cam kết hứa hẹn trọng đại trong đời người...

58 phút ago