Văn tự Trung Hoa cổ đại có nội hàm rất phong phú, từ ngữ đơn giản nhưng ý vị sâu xa. Thông thường, người ta chỉ sử dụng một chữ làm thành một từ. Ví dụ, thời nay, “chính trị” (“政治”) được sử dụng như là một từ, nhưng thời cổ đại “chính” là một từ và “trị” là một từ.
Về chữ “Chính” (政), “Thuyết văn giải tự” viết rằng: Bên trái của chữ “Chính” (政, chính trị) là chữ “Chính” (正, ngay chính, chân chính) vừa biểu âm vừa biểu ý. Bên phải của chữ “Chính” là chữ “Văn” (文) là biểu ý. Hai chữ hợp lại, chữ “Chính” (政) nghĩa là lấy chính đạo, lập thân và làm việc chân chính, lấy phương thức “văn” đến để cai trị mà đạt được “bình thiên hạ”.
Chữ “Trị” (治) thời cổ đại đại biểu cho một trạng thái xã hội tốt đẹp, đối lập với loạn (乱). Cổ nhân thường đem chữ “trị loạn hưng suy” đặt cạnh nhau để đàm luận. “Trị” là kết quả của “Chính”, có “Chính” mới có “Trị”, mất “Chính” thì sẽ mất “Trị” và sinh ra loạn.
Nội hàm của chữ “Chính” (政) là phù hợp với đặc tính vũ trụ. Người xưa nói, Thần Phật là dùng từ bi thiện tâm để cai quản thế giới của họ, còn bậc Đế Vương ở nhân gian thì dùng “Chính” để cai quản đất nước của mình.
Mở đầu của cuốn “Thượng Thư” viết về Đế Nghiêu như sau: Đế Nghiêu lấy việc tu đức của bản thân làm khởi đầu, khiến cho 9 tộc hòa thuận, dựa vào đó mà trấn an dân chúng, cuối cùng đạt được kết quả “vạn bang” dung hợp. “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” là đạo lý mà người xưa noi theo. Trong đó, bắt đầu từ việc chính lại bản thân mình, dần dần tác động đến người khác, cứ như vậy, không ngừng gây ảnh hưởng đến phạm vi rộng lớn hơn.
Hoàng đế các triều đại trong lịch sử cũng noi theo cách ấy. Phàm là những Vương triều thịnh thế, thiên hạ thái bình thì đều nhất định là bản thân Hoàng đế rất chính, đại thần rất chính, quan lại rất chính, sau đó là dân chúng rất chính. Nếu bản thân Hoàng đế không chính thì dẫn theo tầng tầng bên dưới sẽ hỗn loạn, dần dần dẫn đến kết cục mất nước, diệt gia, tang thân.
Không chỉ Hoàng đế phải tu thân trì chính mà các vương công đại thần cũng phải giữ tâm cho chính, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Hoàng đế hàng ngày đều phải cử hành hội triều, cùng với các quần thần nghị sự. Ngoài gián quan, công khanh đại phu, còn phải có quan tiến gián để giúp Hoàng đế. Trong lịch sử có không ít các câu chuyện về việc hiền thần chính khí khuyên can, Hoàng đế tiếp thu lời khuyên can mà trị vì được đất nước hưng thịnh, thiên hạ thái bình.
Trong lịch sử, Hoàng đế triều Đường, Đường Thái Tông được đánh giá là vị Hoàng đế giỏi nhất về tiếp thu ý kiến. Ông giỏi về việc tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài, đồng thời tiếp thu ý kiến quần chúng, cùng các đại thần bàn bạc quốc sách. Gián ghị đại phu Ngụy Trưng là người trung thành, thẳng thắn đã đưa ra hơn 200 điều tiến gián với Hoàng đế. Ông không chỉ đưa ra những ý kiến đúng đắn về các vấn đề quốc gia mà còn thường xuyên chỉ ra những thiếu sót và khuyết điểm của Hoàng đế một cách thẳng thắn. Trong cuốn “Thập tiệm bất khắc chung sơ”, Ngụy Trưng chỉ ra 10 sai lầm và thiếu sót của Hoàng đế Đường Thái Tông khiến Hoàng đế vô cùng xấu hổ. Nhưng Hoàng đế vẫn coi ông là hiền sỹ và trọng dụng, thậm chí còn lấy 10 điều đó làm 10 điều răn để chấp chính.
Hoàng đế thời cổ đại không chỉ có khả năng tự khắc chế bản thân mà còn rất văn minh. Từ triều đại nhà Tùy Đường đã có chế độ phân quyền. Mệnh lệnh của Hoàng đế ban xuống sẽ phải qua tỉnh xét duyệt, hơn nữa tỉnh có quyền trả lại chiếu mệnh của Hoàng đế. Tống Thái Tổ còn đưa ra lời thề không giết đại thần và ngôn quan, điều này cũng tương đương với quyền tự do ngôn luận thời nay.
Kỳ thực, Quân Vương thời cổ đại cũng không phải là bộ dạng chuyên quyền chuyên chế, kiêu căng ngạo mạn như trong các tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên, các Hoàng đế của các triều đại trong lịch sử cũng có những vấn đề riêng cá nhân, những cách làm có chút khác nhau, nhưng nhìn chung, các hoàng đế cổ đại đều dùng lý niệm “Chính” để cai trị đất nước. Đặc biệt là bắt đầu từ triều đại nhà Hán, Hoàng quyền đều bị tư tưởng Nho gia ước thúc, nền “nhân chính” được các Hoàng đế hướng tới.
Trong chư tử bách gia, vô luận là “nhân” của Nho gia, “đạo” của Đạo gia, hay “kiêm ái” của Mặc gia thì đều nhấn mạnh chính tâm, chính thân. Ngay cả học thuyết binh gia cũng giảng đạo làm tướng phải bắt đầu từ bản thân mình, thương yêu binh sĩ thì mới có thể giành được thắng lợi.
Bên phải của chữ “Chính” (政) là chữ “Văn” (文) chứ không phải “Võ” (武), đây cũng là nội hàm cơ bản của các khái niệm truyền thống về “chính” và “trị”. Vậy “Văn” được hiểu như thế nào?
Khởi điểm của văn hóa Trung Hoa là văn hóa lễ nhạc. Trong “Hoàng Đế Nội Kinh”, cuốn sách bao gồm những lời luận đạo của Hoàng Đế và Kỳ Bá, viết rằng: “Thiên hữu ngũ âm, nhân hữu ngũ tạng. Thiên hữu lục luật, nhân hữu lục phủ.” (Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng. Trời có lục luật, người có lục phủ). Ý nghĩa chính là nói rằng, ngũ âm và lục luật của Thiên thể cùng với ngũ tạng và lục phủ của con người là có sự đối ứng với nhau. Đức âm nhã nhạc chứa đựng năng lượng thuần khiết, có thể thích ứng với sự vận động của vạn vật trong trời đất, làm lợi cho đạo dưỡng sinh thân thể, cũng có thể thiện hóa vạn vật. (Xem thêm: Bách bệnh sinh ra bởi khí và được chấm dứt bởi âm nhạc)
Thời đại Đế Thuấn, lễ nhạc được xem là có thể giáo hóa dân chúng, nâng cao đạo đức con người, đạt tới cảnh giới thiên nhân hợp nhất. Đế Thuấn bổ nhiệm ông Quỳ làm quan Điển nhạc, dùng âm nhạc để chỉ dạy con cái của Đế Vương và Vương tôn quý tộc, bồi dưỡng đức tính ngay thẳng ôn hòa, khoan hậu kính cẩn, cương nghị mà không hung bạo. Dùng thơ để biểu đạt chí hướng, dùng lời ca để ngâm xướng các tác phẩm thơ. Lời ca và giai điệu phải hài hòa, âm luật phải phù hợp với ngũ thanh, bát bộ nhạc khí phải diễn tấu nhịp nhàng không loạn. Nhạc Thiều chính là có tác dụng này.
“Văn” là trái với “Võ”. Đối với võ, cổ nhân sử dụng rất thận trọng. Vũ lực chính là ở vào hoàn cảnh bất đắc dĩ mới dùng. Lão Tử nói: “Không dùng binh cưỡng chế thiên hạ”, Tôn Tẫn cũng nhấn mạnh “Thắng ở đạo”. Trong “Lễ Ký” viết: “Văn Vương lấy văn trị, Vũ Vương dùng võ trị”.
Mỗi lần thay đổi triều đại, giành được thiên hạ rồi thì Quân Vương sáng suốt không nên dùng vũ lực để cai trị đất nước. Thời cổ có cách nói: “Trên ngựa được thiên hạ, dưới ngựa trị thiên hạ”, nói cách khác “chính trị” nhất định phải dùng văn, không thể dùng võ. Võ là bạo lực, là cưỡng chế, là sát phạt, đặc biệt là vũ lực phi chính nghĩa thì lại càng là cách mà người xưa khinh bỉ.
Hai từ “văn hóa” của người Trung Hoa cũng có ý tứ chính là dùng “văn” để cảm hóa con người. Hoàng đế dùng văn để cảm hóa chư hầu, đại thần. Quan viên dùng văn để cảm hóa dân chúng. Người trong nước dùng văn để cảm hóa người ngoại quốc. Nhờ đó mà đạt đến thịnh thế “bình thiên hạ”. Đây mới chính là cách cai trị tốt nhất, là “chính” và “trị” chân chính.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…