Văn Hóa

Chuyện Hoàng đế thưởng phạt phân minh trong giáo dục con

Tùy Văn Đế Dương Kiên thưởng phạt phân minh trong việc dạy dỗ con cái, đối với con ruột quyết không nuông chiều, thiên vị. Nếu con phạm phải lỗi lầm lớn thì Tùy Văn Đế sẽ bãi bỏ hết tước vị, và giáng con xuống làm dân thường. 

(Tranh: History.com, Public Domain)

Tùy Văn Đế Dương Kiên có tất cả năm người con trai, người con cả tên là Dương Dũng, người con thứ tên là Dương Quảng (sau này kế vị, trở thành Tùy Dạng Đế), ba người con còn lại là Dương Tuấn, Dương Tú và Dương Lượng. Dương Kiên trải qua khó khăn gian khổ, cuối cùng sáng lập ra cơ nghiệp nhà Tùy. Bởi vì là Hoàng đế khai quốc cho nên ông hiểu sâu sắc những gian nan thống khổ trong việc gây dựng sự nghiệp, càng hiểu hơn về sự khó khăn trong việc giữ gìn những thứ đã tạo dựng nên, vì thế ông vô cùng chú ý đến việc giáo dục con cái.

Trong số các Hoàng đế trong lịch sử, sự nghiêm khắc trong giáo dục của Tùy Văn Đế có thể nói là nổi bật. Những ghi chép dưới đây được trích ra trong cuốn “Tùy thư. Văn tứ tử truyện”.

Người con trai thứ ba của Tùy Văn Đế là Dương Tuấn, tự là A Chi, được phong làm Tần Vương. Dương Kiên tương đối coi trọng người con trai thứ ba này. Lúc Dương Tuấn 30 tuổi, ông đã bổ nhiệm cho Dương Tuấn rất nhiều chức vị quan trọng trong triều đình, ở bên ngoài thì dẫn binh trấn thủ. Lúc mới bắt đầu, Dương Tuấn rất được lòng mọi người. Dương Kiên nghe được danh tiếng tốt của con trai thì vui mừng, liền bổ nhiệm cho con làm tổng quản Dương Châu, cai quản việc quân của nhiều châu quận, canh giữ Dương Châu.

Hơn một năm sau, Dương Tuấn lại được chuyển sang làm tổng quản Tịnh Châu. Thời điểm ấy, Dương Tuấn vẫn một lòng một dạ lo cho công việc nên danh tiếng vẫn còn rất tốt. Tùy Văn Đế nghe biết thì đặc biệt ban thưởng cho con.

Nhưng một đoạn thời gian sau, Dương Tuấn dần dần sống xa xỉ, công khai vi phạm chiếu chỉ của triều đình bằng cách cho vay tiền và thu lãi ở địa phương, khiến cho người dân và quan chức bên dưới khốn khổ. Lúc ấy Dương Kiên đang đề xướng chính sách chăm lo việc nước, tôn sùng tiết kiệm và giản dị. Sau khi nghe chuyện của Dương Tuấn, ông đã cố ý phái sứ giả đến điều tra sự việc.

Kết quả là sau khi điều tra, sứ giả đã xác thực có việc như vậy, hơn nữa sự việc còn liên lụy đến hơn một trăm người. Về lý, việc triều đình cử người đến điều tra chuyện phi pháp này là hoàn toàn đúng, nhưng Dương Tuấn lại ỷ vào việc mình là con trai của Hoàng đế, không những không ăn năn mà còn tăng cường xây dựng cung điện xa hoa và lộng lẫy. Bản thân Dương Tuấn còn thường tự mình chế tạo những đồ dùng tinh xảo và dùng châu ngọc làm trang sức cho các vương phi. Dương Tuấn còn dùng phấn hương vẽ lên các bức tường, dùng vàng và ngọc xây dựng các bậc thang. Xà và cột trong cung điện cũng được trang trí bằng gương hoặc châu ngọc. Dương Tuấn còn thường xuyên tổ chức yến tiệc vui chơi và uống rượu cùng các tân khách và kỹ nữ trong cung điện này.

Tùy Văn Đế rất bất mãn với người con xa hoa dâm dật này nên đã bãi bỏ hết chức vị của Dương Tuấn và để Dương Tuấn sống ở trong kinh thành mà không giao cho bất kể chức vị gì. Lúc này, Tả võ vệ tướng quân Lưu Thăng đã xin với Tùy Văn Đế, nhưng Tùy Văn Đế thẳng thắn trả lời: “Pháp luật không thể vi phạm”. Lưu Thăng lại một lần nữa tiến gián, Tùy Văn Đế vì thế mà rất phẫn nộ, lúc này Lưu Thăng mới từ bỏ ý định thuyết phục Hoàng đế.

Sau đó, đại thần Dương Tố lại tìm một cơ hội thích hợp khác nói với Tùy Văn Đế: “Căn cứ lỗi lầm của Tần vương thì Tần vương không đáng phải chịu xử phạt nặng như vậy, thỉnh bệ hạ một lần nữa suy xét!”

Dương Kiên nói với Dương Tố: “Chu Công thời xưa, em trai là Quản Thúc và Thái Thúc có ý đồ tác loạn, ông theo pháp luật xử chết Quản Thúc, bắt nhốt Thái Thúc. Trẫm còn kém Chu Công, không thể tùy ý mà làm được!” Sau này, Tùy Văn Đế không còn cho phép bổ nhiệm lại Dương Tuấn nữa. 

Về sau, Dương Tuấn bị bệnh nặng, phái sứ giả đưa đến gặp Tùy Văn Đế để tạ tội. Tùy Văn Đế nghiêm túc giáo dục con: “Ta đã sáng lập cơ nghiệp to lớn này, lại tự mình đi đầu làm gương, hy vọng quan lại dân chúng thiên hạ bảo vệ giang sơn. Ngươi là con ta lại muốn phá hoại nghiệp lớn trăm cay nghìn đắng mới tạo dựng nên được, ta thật không biết phải trách phạt ngươi thế nào”. Dương Tuấn nghe xong thì vừa cảm thấy sợ hãi vừa cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

Không bao lâu sau Dương Tuấn vì bệnh nặng mà chết. Tùy Văn Đế lệnh đem toàn bộ những vật xa xỉ mà Dương Tuấn dùng khi còn sống thiêu hủy đi, còn việc tang của Dương Tuấn thì được tổ chức hết sức đơn giản tiết kiệm, lưu lại bài học cho người đời sau.

Khi quan lại xin ý chỉ về việc lập bia cho Dương Tuấn, Hoàng đế cũng không đồng ý.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Tăng Kính Hiền
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

An Hòa

Published by
An Hòa

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

48 phút ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

2 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

2 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

3 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

4 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

5 giờ ago