Trong cuộc đời tu hành của mình, Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông từng bị một thích khách đến chùa ám sát. Ông biết trước sự tình ấy và đã không chỉ hóa giải được oán duyên giữa hai người mà còn khiến cho tên thích khách buông dao, thức tỉnh lại thiện lương trong tâm. Việc này được ghi chép lại trong cuốn “Thần tăng truyện”.
Vào triều đại nhà Đường, hòa thượng Thần Tú và bạn đồng học là Huệ Năng đều có đức hạnh tương đương nhau. Ở phía Bắc, hòa thượng Thần Tú rất được các vương công quý tộc tôn sùng, người dân kinh thành ai ai cũng tỏ lòng tôn kính ông. Theo lời giới thiệu của hòa thượng Thần Tú, Hoàng đế Võ Tắc Thiên đã mời hòa thượng Huệ Năng đến kinh thành nhưng Huệ Năng lại khéo léo từ chối. Huệ Năng nói với sứ giả rằng: “Sư phụ đã dặn rằng tôi có duyên với phương Nam, không được làm trái lại”. Vì thủ giữ lời dặn dò của sư phụ, hòa thượng Huệ Năng đã không đi đến phía Bắc. Vậy là hòa thượng Thần Tú ở phía Bắc truyền đạo còn hòa thượng Huệ Năng ở phía Nam truyền đạo. Từ đó, Thiền Tông được chia thành hai tông phái Bắc và Nam.
Khi hòa thượng Huệ Năng truyền đạo thì tên tuổi ngài truyền rộng khắp vùng đất Lĩnh Nam. Người khắp mọi nơi đều tìm đến ngài, khao khát được nghe ngài giảng đạo. Hòa thượng Thần Tú là người có phẩm hạnh, độ lượng, nghe thấy danh tiếng của hòa thượng Huệ Năng ngày càng lan rộng thì trong tâm cũng không động. Nhưng một số đệ tử của ông ở chùa Ngọc Tuyền thì trong lòng lại cảm thấy lo lắng bất an. Những người này liền ở sau lưng hòa thượng Thần Tú mà suy nghĩ nhiều cách hại Huệ Năng, nhưng mãi vẫn chưa thống nhất được.
Một người trong số họ tên là Chí Minh đã đưa ra chủ ý rằng: “Tôi có một người bạn tên là Trương Hành Xương, ông ấy là người hành hiệp giúp người yếu thế, có võ nghệ cao cường, có thể nhờ cậy”. Mọi người đều thấy cách này không ổn, nhưng nhất thời chẳng nghĩ ra được cách nào hay hơn, bèn dặn đi dặn lại rằng: “Chỉ điểm vừa tới mức thì dừng”.
Thế là Chí Minh tìm đến Trương Hành Xương, nói với ông ta rằng hòa thượng Huệ Năng đã sai trái như thế nào và căn dặn ông ta hãy dạy dỗ Huệ Năng. Chí Minh còn nói với Trương Hành Xương rằng sau khi công việc hoàn thành sẽ thưởng cho mười lượng vàng. Trương Hành Xương ngay đêm đó đã lặng lẽ xuất phát và mang theo một con dao sắc bén. Ông ta ngày đêm đi về nơi hòa thượng Huệ Năng ở.
Một ngày, hòa thượng Huệ Năng lên đàn giảng Pháp, trời đất sông nước mênh mông trước mặt, vạn dặm trong veo như tấm gương, bỗng nhiên chỉ thấy một người mặt đầy sát khí đang gấp gáp tiến về hướng Tào Khê. Hòa thượng Huệ Năng đã sớm tu luyện xuất ra được thần thông nên biết trước việc gì sắp xảy ra với mình. Tuy vậy ông vẫn giảng Pháp, nét mặt không chút biến đổi.
Vào buổi tối, hòa thượng Huệ Năng đặt mười lượng vàng lên chỗ ngồi của mình rồi khép hờ cửa phòng phương trượng, thổi tắt đèn, sau đó đi ngủ. Khi màn đêm buông xuống, Trương Hành Xương đến chùa, nhảy qua tường vào bên trong. Qua hai canh giờ, ông ta nhẹ nhàng đẩy cửa phòng phương trượng, nghe thấy tiếng thở đều đều của Huệ Năng, liền giơ con dao sắc lên nhưng lại chợt nhớ ra lời Chí Minh đã nhiều lần dặn mình liền hạ dao xuống. Rồi ông ta lại nghĩ: “Đã khó khăn để đến được đây rồi thì sao không làm triệt để luôn, nếu hôm nay giết Huệ Năng khi về chưa biết còn có thêm vàng”.
Chỉ sai khác một niệm, tâm ác đã nảy sinh, ông ta bèn rút con dao ra và chém một nhát nhưng chỉ nghe thấy tiếng ‘choang’. Trương Hành Xương cảm thấy như chém vào tảng đá, dao bị nảy ngược trở lại. Ông ta kinh sợ, không kịp suy nghĩ gì thêm, lại liên tiếp chém hai nhát nhưng dao đều bị nảy bật ra. Ông ta chợt nghe thấy tiếng hòa thượng Huệ Năng nói: “Kẻ ác to gan, sao vẫn chưa bỏ dao xuống. Kiếm chính thì không tà, kiếm tà thì không chính. Ngươi bị người ta lợi dụng, hành thích người thiện lương, sao có thể làm thương một sợi lông của ta được!”.
Hòa thượng Huệ Năng biết nguyên nhân Trương Hành Xương đến, đó là bởi vì trong một đời trước đây ông đã từng nợ Hành Xương tiền và trong đời này Trương Hành Xương đến để đòi nợ. Huệ Năng nói với ông ta: “Ta chỉ nợ ngươi mười lượng vàng, chứ không nợ ngươi mạng người”.
Trương Hành Xương vừa nghe xong thì khiếp sợ, quỳ sụp xuống đất, thành tâm sám hối trước hòa thượng Huệ Năng, đồng thời phát thệ nguyện xuất gia làm tăng nhân để bù đắp lại lỗi lầm của mình.
Hòa thượng Huệ Năng lấy vàng đưa cho Trương Hành Xương và nói ông ta hãy mau chóng rời đi để tránh bị người biết được. Đồng thời Huệ Năng cũng dặn dò Hành Xương rằng nếu muốn xuất gia thì ngày khác lại đến, nhất định sẽ thu nhận ông ta. Về sau, Trương Hành Xương quả thực đã thực hiện lời thề, xuất gia làm tăng nhân, hơn nữa tu hành còn rất tinh tấn.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tống Bảo Lam
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…