Chuyện Sĩ Nhiếp giúp Giao Châu bình yên sung túc, tránh nạn Tam Quốc

Trong thời kỳ bắc thuộc, không phải vị quan cai trị nào từ phương bắc cử đến cũng như nhau. Nếu gặp quan cai trị tàn bạo như Tô Định, Chu Ngung, người Việt sẽ nổi lên. Nhưng cũng có những vị quan nhân đức giúp đời sống người dân ổn định mà đền thờ cùng những câu chuyện vẫn còn đến ngày nay. Đây chính là trường hợp của Sĩ Nhiếp, người được Ngô Sĩ Liên gọi là “Vương” của Giao Chỉ.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Vào thời kỳ Hậu Hán, nhà Hán suy yếu, Đổng Trác làm loạn muốn cướp ngôi, 18 lộ chư hầu nổi dậy, Trung Quốc bước vào giai đoạn lịch sử binh đao, chiến trận khắp nơi, rồi hình thành thế cục Tam Quốc. Thế nhưng Giao Châu dù thuộc nhà Hán lại tách biệt ra, không bị cuốn vào máu lửa binh đao, mà lại có được giai đoạn yên ổn, dân chúng no ấm. Đây là công của Sĩ Nhiếp vậy.

Xuất thân

Vào thời vua Hán Hoàn Đế, có ông Sĩ Tứ làm Thái thú quận Nhật Nam (Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Tổ tiên ông vốn là người Vấn Dương ở nước Lỗ, khi xảy ra loạn Vương Mãng cướp ngôi, tổ tiên ông đã chạy đến Giao Châu lánh nạn, ở quận Thương Ngô (Quảng Tây ngày nay), và đến đời ông thì được làm Thái thú quận Nhật Nam.

Giao Châu thời Đông Hán cũng khá lớn, không chỉ gồm phần lãnh thổ phía bắc Việt Nam ngày nay, mà còn gồm cả vùng đất thuộc Trung Quốc ngày nay.

Ông Sĩ Tứ sinh được con trai trưởng ở quê nhà tại Thương Ngô, đặt tên là Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp lớn lên, được đưa đến kinh đô học tập, thi đỗ Hiếu liêm và được bổ nhiệm làm Thượng thư lang.

Bước đầu không có thực quyền

Khi ông Sĩ Tứ mất, Sĩ Nhiếp về chịu tang cha ở Thương Ngô. Sau đó Sĩ Nhiếp thi đỗ Mậu tài và được bổ nhiệm làm Huyện lệnh huyện Vu Dương. Rồi lại đổi làm Thái thú trông coi cả 7 quận của Giao Châu.

Sĩ Nhiếp đóng đô ở Luy Lâu thuộc quận Giao Chỉ. Luy Lâu thời bấy giờ là thủ phủ của cả một Giao Châu rộng lớn, là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn nhất Giao Châu. Luy Lâu khi đó vốn ở rất xa Kinh đô nhà Hán.

Trước khi Sĩ Nhiếp được cử làm Thái thú, cuộc khởi nghĩa của Lương Long làm chủ Giao Châu suốt 3 năm, sau đó vua Hán cử Chu Tuấn đến mới dẹp yên được (Xem bài: Hai lần họ Lương khởi nghĩa thời Bắc thuộc). Do đó thế lực của Chu Tuấn tại Giao Châu rất mạnh.

Thời Hậu Hán ở Trung Quốc có nhiều biến động lớn, Chu Tuấn đã trợ giúp cho giới thượng lưu đến Giao Châu tránh nạn, ông lại nắm được binh lực. Con trai của ông là Chu Phù được cử làm Thứ sử Giao Châu.

Thái thú Sĩ Nhiếp là người đứng đầu, nhưng Thứ sử là do Triều đình cử, có nhiệm vụ giám sát và bẩm báo về Triều đình theo định kỳ. Chu Phù dựa vào thế lực của cha mình nhằm dung túng cho thuộc hạ làm loạn khắp nơi khiến dân chúng oán thán.

Năm 195, Chu Tuấn mất, thế lực họ Chu suy yếu hẳn. Chu Phù dung túng thuộc hạ Ngu Bao, Lưu Ngạn làm Trưởng lại Giao Châu nhưng chuyên ức hiếp dân chúng.

Năm 200, Chu Phù bị dân chúng đánh đuổi, phải chạy ra đường biển nhằm chạy thoát, nhưng cuối cùng vẫn bị dân chúng giết chết (Theo “Đông Quán Hán ký” phần “Chu Phù truyện”).

Sau khi diệt được Chu Phù, dân chúng cũng đánh đuổi Ngu Bao và Lưu Ngạn khiến cả hai phải chạy trốn khỏi Giao Châu.

Nhà Hán lụn bại, phó thác Giao Châu cho Sĩ Nhiếp

Sau khi quyền lực của gia tộc họ Chu sụp đổ, Sĩ Nhiếp có cơ hội để xây dựng Giao Châu. Ông cử 3 người em của mình là Sĩ Nhất, Sĩ Vi, và Sĩ Vũ lần lượt làm Thái thú Hợp Phố, Cửu Chân và Nam Hải. Ông cũng dung nạp các sĩ phu trước đây đã theo Chu Tuấn.

Lúc này ở Trung Nguyên, Tào Tháo mạnh mẽ uy hiếp vua Hán. Năm 201, Tào Tháo nhân danh Hán Hiến Đế cử Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu, nhưng đến năm 206 Trương Tân bị bộ tướng của mình là Khu Cảnh giết chết.

Nghe tin Trương Tân chết, vua Hán gửi thư cho Sĩ Nhiếp có đóng dấu ấn nói rằng:

“Giao Châu ở cõi xa, một dải sông biển ở phía nam, ơn trên không truyền đến, nghĩa dưới bị nghẽn tắc, thế mà nghịch tặc Lưu Biểu lại sai Lại Cung dòm ngó đất Nam, nay cho khanh làm Tuy Nam trung lang tướng trông coi bảy quận, lĩnh Thái thú Giao Châu như cũ”. (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Bức thư của vua Hán cho thấy nhà Hán đang lụn bại nên cũng không thể quản Giao Châu được nữa, mọi việc giao lại cho Sĩ Nhiếp. Từ đó Sĩ Nhiếp xây dựng một Giao Châu ít lệ thuộc vào nhà Hán, đứng ngoài các cuộc tranh chấp xưng hùng xưng bá thời Tam quốc.

Sĩ Nhiếp cai quản Giao Châu

Sĩ Nhiếp ngầm giúp Giao Châu thoát khỏi các mệnh lệnh từ nhà Hán. Ông trị quốc quốc kính trên nhường dưới nên rất được lòng dân, khiến vùng đất Giao Châu yên bình, trở thành nơi lánh nạn của các danh sĩ nhà Hán tránh nạn binh đao Tam Quốc.

Dù Sĩ Nhiếp không xưng Vương, nhưng dân chúng đều tôn kính gọi ông là Vương, các nhà sử học sau này cũng gọi ông là Vương.

Sử thần Ngô Sĩ Liên viết về ông trong Đại Việt Sử ký Toàn thư như sau:

“Vương độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Danh sĩ Nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người.”

Sĩ Nhiếp đích thân dạy chữ Hán và Thi, Thư cho dân chúng. Các bậc sĩ phu người Hán đến Giao chỉ lánh nạn cũng dạy chữ và truyền văn hóa cho người Việt, các bài văn khắc trên tấm bia đều bằng chữ Hán.

Các làng nghề cũng phát triển mạnh trong thời gian này, đặc biệt là khu lực Luy Lâu với hàng chục làng nghề như đúc đồng, canh cửi, làng tranh, v.v..

Chính vì Sĩ Nhiếp có công truyền dạy chữ nghĩa và văn hóa mà các đời Vua sau này sắc phong cho ông là “Nam Giao Học Tổ”; đến thời nhà Tràn lại sắc phong cho ông là “Thiện cảm Gia ứng Linh vũ Đại vương ”; ngoài ra còn có nhiều sắc phong của các đời Vua khác nhau.

Năm 207, một viên quan nhà Hán ở Giao Châu là Viên Huy gửi một bức thư cho Thượng thư lệnh là Tuân Úc rằng:

“Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn 20 năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả thị truyện, [tôi] đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ. Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ (chỉ những người truyền Đạo) đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được”. (Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư)

Sĩ Nhiếp thần phục nhà Ngô

Sau hơn 30 năm Giao Châu yên bình, đến năm 220 thì thế cục Tam Quốc có biến động lớn. Tào Tháo mất, con trưởng là Tào Phi lên kế vị ngôi Vua nước Ngụy. Ngay trong năm này Tào Phi cướp ngôi của Hán Hiến Đế, xưng là Hoàng Đế nước Ngụy.

Ngay sau đó Lưu Bị cũng lên ngôi Hoàng Đế lập ra nước Thục Hán để tiếp tục dòng dõi nhà Hán. Tôn Quyền lên ngôi Ngô Vương và đến năm 229 thì lên ngôi Hoàng Đế Đông Ngô, định đô ở Nam Kinh. Thế chân vạc Tam Quốc hình thành.

Trước tình thế thay đổi, để giữ Giao Châu được yên ổn, Sĩ Nhiếp liền thần phục nhà Ngô. Ông cũng thuyết phục được thủ lĩnh các bộ lạc ở vùng núi Quế Châu theo Tôn Quyền.

Những động thái của Sĩ Nhiếp khiến Tôn Quyền tin tưởng, nhờ đó mà vùng đất Giao Châu tiếp tục được yên ổn.

Năm 226, Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi. Đánh giá về công đức của ông, sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng:

“Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. Tục truyền rằng sau khi vương chết đã chôn, đến cuối thời nhà Tấn đã hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là ‘Tiên Sĩ Vương’. Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư)

“Con không hiền”

Sau khi Sĩ Nhiếp mất, con trai ông là Sĩ Huy tự làm Thái thú Giao Châu.

Về phía nhà Ngô, Tôn Quyền thấy các quận phía nam của Giao Châu quá xa xôi, nên cắt từ phía bắc Hợp Phố trở ra bắc thuộc Quảng Châu, từ Hợp Phố xuống nam là Giao Châu và giao cho Trần Thì làm Thái thú, cho Sĩ Huy làm Thái thú quận Cửu Chân, các con khác của Sĩ Nhiếp vẫn được trọng dụng.

Khi Thái thú mới là Trần Thì đến Giao Châu thì mới biết Sĩ Huy đã tự ý lên làm Thái thú mà không báo trước. Sĩ Huy mang quân ra chống cự. Thuộc hạ của Sĩ Nhiếp là Hoàn Lân can ngăn Huy nhưng bị Huy giết chết.

Gia đình của Huy liền hợp binh đánh Sĩ Huy khiến Sĩ Huy phải đóng cửa thành cố thủ. Quân Ngô hay tin Sĩ Huy làm phản thì kéo quân sang diệt. Sĩ Huy.

Sĩ Huy bị quân cả trong lẫn ngoài tiến đánh thì biết không địch nổi, phải ra chịu tội rồi bị giết chết. Vì Sĩ Huy phản lại nhà Ngô nên anh em nhà họ Sĩ cũng không được tin dùng nữa.

Sử thần nhà Trần là Lê Văn Hưu viết rằng:

“Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí. Tiếc rằng con nối không gánh vác nổi cơ nghiệp của cha, để cho bờ cõi nước Việt đã toàn thịnh mà lại bị chia cắt, đáng buồn thay!” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

6 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

7 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

10 giờ ago