Trong lịch sử Trung Hoa có tứ đại mỹ nữ, cũng có tứ đại xú nữ (người phụ nữ xấu xí). Tứ đại mỹ nữ là nói về bốn người phụ nữ có nhan sắc nổi danh bậc nhất, trong khi đó tứ đại xú nữ là bốn người phụ nữ xấu xí, nhưng lại được hậu thế tôn vinh không kém phần. Trong tứ đại xú nữ có một vị là vương hậu của nước Tề, có tài trị quốc. Con dâu của bà là Tố Lưu Nữ (cô gái có khối u) dù không nổi danh bằng nhưng cũng là bậc tài đức lưu danh lịch sử.
Vương hậu của Tề Tuyên Vương là xú nữ Chung Ly Xuân, hay còn được người đời gọi là “Vô Diệm Nữ” hay Chung Vô Diệm. Con dâu của bà là vương hậu của Tề Mẫn Vương. Người phụ nữ này cổ dài lại mọc một khối u lớn, nên được gọi là “Tố Lưu Nữ”.
Tố Lưu Nữ mặc dù không có trong danh sách xú nữ, nhưng xét ra câu chuyện của nàng cũng không kém ly kỳ. Người ta nói rằng nước Tề có một cặp mẹ chồng nàng dâu tuy xấu xí nhưng đều vì tài đức kiêm toàn mà trở thành những vị vương hậu được triều đình trân trọng và tôn kính.
Chuyện kể rằng một hôm Tề Mẫn Vương dẫn một đoàn người ngựa đông đảo tới vùng Đông Quách đi tuần. Bách tính nơi này được mở rộng tầm mắt ngắm nhìn phong thái uy nghi của bậc quân vương. Duy chỉ có một cô gái bên đường vẫn chăm chú hái dâu, dường như không mảy may bị ảnh hưởng bởi quân vương. Cô gái này cổ mọc khối u, ngoại hình cũng không mấy bắt mắt.
Tề Mẫn Vương cảm thấy rất kỳ lạ, có đôi chút không phục bèn cho gọi nàng ta tới hỏi han: “Quả nhân đi tuần, ngựa xe đông đảo, bách tính đều buông hết công việc còn đang dang dở, dừng chân ngưỡng vọng. Nhà ngươi lại hái dâu bên đường, đến liếc mắt nhìn cũng không buồn nhìn, là vì cớ gì?”
“Thiếp thân phụng mệnh cha mẹ làm lụng hái dâu, không phụng mệnh ngưỡng vọng đại vương.”
Câu trả lời điềm đạm của cô gái khiến Tề Mẫn Vương kinh ngạc. Nhưng trên cổ nàng lại mọc một cục thịt thừa, quả thực không ưa nhìn chút nào. Tề Mẫn Vương bất giác thở dài: “Khanh quả thực là kỳ nữ, tiếc thay lại mọc một khối u!”
Tố Lưu Nữ không cho đó là đúng, đáp lại rằng: “Chức trách của thần thiếp là tuân thủ nghiêm cẩn bổn phận của mình, không quên những gì được nhận. Nội tâm như vậy, thì bề ngoài mọc u có hề gì?”
Tề Mẫn Vương nghe vậy trong lòng mừng rỡ như nhặt được báu vật, nói: “Quả là bậc hiền nữ!” Thế là trong lòng vua nảy sinh sự ái mộ, muốn đưa nàng ta tiến cung.
Đối diện với vinh hoa phú quý bất chợt như vậy, Tố Lưu Nữ vẫn ghi nhớ lễ pháp, chẳng hề động tâm mà rằng: “Thần thiếp xin được nhận ân điển của đại vương, nhưng chưa nói đôi lời với cha mẹ đã đi theo đại vương, như vậy chẳng phải là chạy trốn hay sao? Đại vương mang thiếp về cung nào có tác dụng gì đây? Làm vậy không hợp với lễ nghi, dẫu chết thiếp cũng chẳng thể làm theo.”
Tề Mẫn Vương cảm thấy xấu hổ vì hành động khinh suất của mình, bèn để Tố Lưu Nữ về nhà, và cử sứ giả tới chuẩn bị hậu lễ, đến nhà nàng rước dâu.
Phụ mẫu của Tố Lưu Nữ vô cùng hoảng sợ, muốn nàng ta tắm gội thay đồ, trang điểm tiến cung. Nàng kiên quyết phản đối, cho rằng làm vậy là thay đổi dung nhan vốn có của mình, nên vẫn ăn vận như thường ngày và theo sứ giả vào cung.
Tề Mẫn Vương dặn dò trước các phi tần rằng: “Người sắp tới là một vị kỳ nữ, có thể răn dạy các ngươi.” Vậy nên các phi tử đều trang điểm lộng lẫy nghênh đón đại giá của Tố Lưu Nữ. Nhưng khi nhìn thấy dung nhan thực của nàng thì vô cùng kinh ngạc, không thể nhịn được, bèn che miệng cười khiếm khuyết của nàng ta.
Tề Mẫn Vương trách mắng các phi tần rằng: “Chỉ là nàng ta không trang điểm, trang điểm hay không khác xa nhau mười phần, trăm phần!” Nhưng vị “kỳ nữ” này lại ung dung đáp rằng: “Trang điểm hay không, khác xa nhau cả nghìn vạn lần còn không hết, sao lại chỉ có trăm lần, mười lần?”
Tề Mẫn Vương thỉnh giáo nguyên do, nàng bèn nhân tiện ví von sự đơn giản với lối sống xa hoa: “Xưa vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Kiệt, vua Trụ đều là thiên tử. Vua Nghiêu, vua Thuấn thi hành nhân nghĩa, sống giản dị, hàng nghìn năm sau vẫn nhận được sự kính ngưỡng của thần dân trong thiên hạ. Vua Kiệt, vua Trụ nhân nghĩa chẳng màng, xa xỉ vô độ, cuối cùng thân vong quốc diệt, nghìn năm sau vẫn bị thiên hạ chê cười.”
Nghe tới đây các phi tần vô cùng hổ thẹn, Tề Mẫn Vương do vậy bèn lập Tố Lưu Nữ làm hoàng hậu, phò trợ mình cai quản thiên hạ.
Từ đó, Tề Mẫn Vương sống nơi cung thất thấp, cho san phẳng đầm ao, những nơi hưởng lạc, giảm thiểu quy mô yến ấm, ca múa, chuyên tâm lo liệu việc triều chính.
Hậu cung dưới ảnh hưởng của Tố Lưu Nữ, cũng thi nhau thay những trang phục giản dị. Rất mau chóng, nước láng giềng cũng được cảm hoá, các chư hầu tới bái kiến quân vương. Quốc lực của nước Tề đã đạt tới đỉnh cao thịnh vượng dưới sự trị vì của Tề Mẫn Vương.
Tuy vậy sau khi nước Tề mạnh rồi, Tề Mẫn Vương bắt đầu kiêu căng và có phần tàn bạo, đuổi Mạnh Thường Quân, khinh thường vua nước khác, dẫn đến gặp họa suýt chút nữa thì mất nước, và bỏ mạng dưới tay tướng nước Sở.
Các sử gia cho rằng, sự hưng thịnh của Tề bấy giờ có phần công phò trợ giáo hoá không nhỏ của Tố Lưu Nữ “thông đạt lễ nghĩa”.
Thánh hiền Khổng Tử từng cảm thán mà rằng: “Ta chưa từng gặp người hiếu đức như hiếu sắc”. Vậy mà Tề Mẫn Vương và phụ thân của ông đều minh chứng được tầm quan trọng của việc trọng đức. Một người phụ nữ hiền đức, có tấm lòng lương thiện còn có sức mạnh hơn nhiều so với dung mạo của nàng ta.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…