Dù Kiều Công Tiễn làm phản, giết cha nuôi là Dương Đình Nghệ, rước quân Nam Hán vào nhà, bị Ngô Quyền giết chết, nhưng cháu nội ông là Kiều Công Hãn lại một lòng phò tá cho Ngô Quyền, góp công lớn đánh bại quân Nam Hán, chấm dứt thời kỳ ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ lâu dài cho dân tộc.
Nhằm giành lại độc lập cho dân tộc, thoát khỏi đô hộ phương bắc, Dương Đình Nghệ đã tìm được 3.000 bậc tuấn kiệt dưới cờ nghĩa của mình, gọi họ là “giả tử” tức con nuôi. Trong 3.000 trang tuấn kiệt này nổi lên có Kiều Công Tiễn và Ngô Quyền.
Dương Đình Nghệ có người con gái là Dương Như Ngọc nổi tiếng xinh đẹp. Khi con gái đến tuổi kén chồng, Dương Đình Nghệ mở cuộc thi kén rể, cuối cùng Ngô Quyền đánh bại Kiều Công Tiễn và sánh duyên cùng Như Ngọc.
Năm 931, Dương Đình Nghệ từ Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) kéo quân tiến đánh thành Đại La (sau này đổi tên thành Thăng Long), quân Nam Hán thua to phải chạy về nước. Dương Đình Nghệ khôi phục lại Giang Sơn, xưng là Tiết Độ Sứ, ông giao cho các tướng lĩnh trấn giữ cai quản các nơi.
Tháng 3/937, Kiều Công Tiễn ra tay sát hại bố nuôi Dương Đình Nghệ nhằm cướp ngôi báu, chiếm thành Đại La.
Từ Ái Châu, Ngô Quyền cùng vợ để tang cha, rồi chuẩn bị hội quân đến Đại La hỏi tội Kiều Công Tiễn. Hay tin, Kiều Công Tiễn lo lắng, liền cho người mang vàng bạc châu báu bí mật sang Nam Hán nhờ mang quân cứu viện.
Con trai của Kiều Công Tiễn là Kiều Công Chuẩn cố ngăn cha làm việc này nhưng không được. Lo lắng Giang Sơn lại lâm cảnh ngoại xâm, mất nước, ông liền viết thư nêu rõ việc cha mình cầu viện Nam Hán, rồi đưa thư cho con trai mình là Kiều Công Hãn đến Ái Châu trao tận tay cho Ngô Quyền. Sau đó, Kiều Công Chuẩn đưa gia đình đi ở ẩn.
Tin tức mà Kiều Công Hãn báo cho Ngô Quyền là hết sức quan trọng, quyết định vận mệnh dân tộc, bởi nhờ đó mà Ngô Quyền mới biết quân Nam Hán chuẩn bị tiến đánh, và mới chuẩn bị cho kế hoạch vừa diệt phản nghịch Công Tiễn, lại sẵn sàng đối phó với quân Nam Hán.
Kiều Công Hãn đoán trước quân Nam Hán sẽ sang bằng đường biển, ông hiến kế với Ngô Quyền rằng: “Nam Hán là nước nhỏ ở vùng duyên hải, nhân nhà Đường tan rã mà nổi lên chiếm một vùng đất ở phía Đông Nam mà dựng thành nước, quân đội mạnh về thủy chiến. Nếu sang nước ta, tất chúng sẽ lấy đường biển mà tiến, qua sông Bạch Đằng để vào Đại La. Ta nên bày trận đánh chúng ngay khi mới vào cửa sông Bạch Đằng”.
Ngô Quyền nhanh chóng đưa quân đến thành Đại La diệt được Kiều Công Tiễn, sau đó theo lời của Kiều Công Hãn chuẩn bị một trận địa sẵn ở sông Bạch Đằng.
Tại sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cho quân tiếp chiến với quân Nam Hán rồi giả thua rút chạy. Quân Nam Hán thừa thắng đuổi theo rồi rơi vào bãi cọc nhọn cắm sẵn trên sông, các thuyền lớn bị đâm vào cọc nhọn đều tan vỡ. Lúc này phục binh của quân Việt cũng tiến đánh khiến quân Nam Hán thiệt hại vô số, hoàng tử Hoằng Thao cũng bị chết trong trận này.
Nghe tin thất bại và con trai tử trận, vua Nam Hán là Lưu Cung thất vọng não nề, không còn tâm trạng kéo quân sang, thậm chí cho rằng tên Lưu Cung là xấu và xui xẻo nên sau đó đã đổi tên thành Lưu Yểm.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng lần thứ nhất đã chấm dứt ngàn năm đô hộ bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ, độc lập lâu dài cho dân tộc.
Sau khi lên ngôi, Ngô Quyền phong cho Kiều Công Hãn làm Đề sát.
Năm 944, Ngô Quyền mất nhường ngôi cho con là Ngô Xương Ngập, nhưng Dương Tam Kha lại cướp ngôi của cháu khiến Ngô Xương Ngập phải bỏ trốn.
Kiều Công Hãn vẫn trung thành với nhà Ngô, ông cùng một số tướng lật đổ Dương Tam Kha, đưa Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập lên ngôi.
Vài năm sau khi Ngô Xương Ngập mất, trong nước các Sứ quân nổi lên khắp nơi. Trong một lần dẫn quân đánh Sứ quân, Ngô Xương Văn tử trận.
Hai Vương họ Ngô đều mất, trong nước càng loạn, hình thành 12 Sứ quân. Kiều Công Hãn kéo quân đến quê ở Phong Châu, chiếm thêm 2 châu và tự xưng là Kiều Tam Chế, trở thành một trong mười hai Sứ quân.
Sau này Kiều Công Hãn có ý đưa con trai Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí lên ngôi Vua. Tuy nhiên năm 967, ông bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại, thành Phong Châu thất thủ. Ông đưa quân về Ái Châu liên kết xới Ngô Xương Xí, tuy nhiên ông bị thổ hào địa phương chặn đánh khiến bị thương nặng, chạy đến làng An Lũng (nay thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) thì mất.
Nhớ ơn Kiều Công Hãn, người dân tại nhiều địa phương lập đền thờ, suy tôn là Thần Long Kiều. các triều đại sau này phong ông là Long Kiều Linh thánh, Chiêu ứng quốc công.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…
Tiếng đàn du dương của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử cựu cầu thủ bóng bầu dục…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố vào thứ Sáu (22/11) rằng ông…