Gần đây, cựu giám đốc chiến lược toàn cầu của Morgan Stanley và chủ tịch của Rockefeller International – ông Ruchir Sharma – đã chỉ ra rằng do việc lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thúc đẩy “thịnh vượng chung” (cộng đồng phú dụ) đã trấn áp tình trạng giàu có quá mức, gây vấn đề rủi ro lớn đối với người giàu tại Trung Quốc, vì vậy hiện nay không có ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Ruchir Sharma là Chủ tịch của Rockefeller International và là cộng tác viên của tờ Economic Times. Các chuyên mục của ông đã xuất hiện trên Wall Street Journal, Financial Times, New York Times và Tạp chí Foreign Affairs.
Tờ Liberty Times (Đài Loan) đưa tin, ông Sharma đã viết trên tờ Financial Times vào ngày 23/9 rằng do lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thúc đẩy chính sách “thịnh vượng chung” và trấn áp tình trạng giàu có quá mức, khiến ở Trung Quốc hiện việc trở nên giàu có không còn là vấn đề vinh dự, mà trái lại dễ tự chuốc nguy hiểm lớn hơn, cho nên hiện nay không ai muốn trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Ông đưa ra một ví dụ, người sáng lập ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo là Hoàng Tranh (Huang Zheng) vào tháng 8 năm nay đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc và xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện truyền thông, nhưng không lâu sau, Pinduoduo đã đưa ra một thông tin tài chính bi quan đến bất ngờ. Giá cổ phiếu của công ty sụt giảm vào ngày hôm sau, và tài sản cá nhân của Hoàng Tranh bốc hơi 14 tỷ USD, và ông đã nhường vị trí người giàu nhất cho người sáng lập Nongfu Spring Chung Thiểm Thiểm. Nhưng sau đó chỉ trong vòng 24 tiếng, Nongfu Spring đưa ra một triển vọng khiến thị trường thất vọng, và Chung Thiểm Thiểm lại rơi khỏi vị trí người giàu nhất.
Trước hiện tượng bất thường trên, cộng đồng mạng phổ biến suy đoán, có thể các ông chủ lớn đang đua hạ giá cổ phiếu công ty của họ để tránh bị chính quyền nhắm tới dưới danh nghĩa “thịnh vượng chung”.
Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào cuối những năm 1970, ông đã loại bỏ thái độ thù địch cũ của chủ nghĩa Mao đối với việc tạo ra của cải. Khi đó nhà cầm quyền Trung Quốc ngày càng nghiêng về chủ nghĩa tư bản, Đặng đã cổ vũ “làm giàu là vinh quang”. Dù thế, vẫn có vấn đề đối với tình trạng giàu có quá mức, ngay cả trong những năm phồn vinh của thập niên 2000, Trung Quốc dường như có giới hạn bất thành văn: tài sản cá nhân không nên vượt 1 tỷ USD.
Vào đầu những năm 2010, Trung Quốc đã chứng kiến ít nhất 2 ông trùm có tài sản ròng lên tới hàng tỷ USD, nhưng rồi họ lại phải ngồi tù vì tội tham nhũng. Một số quan sát cảnh báo quá giàu có ở Trung Quốc là nguy cơ bị chính quyền nhắm đến.
Sau khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng nhắm sâu vào giới thượng lưu, với mục tiêu ban đầu là những nhân vật lớn trong khu vực công, như các “thái tử Đảng”… Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, dường như nhà cầm quyền lại nới lỏng các biện pháp trấn áp, khiến nhiều người giàu Trung Quốc đã tích lũy được khối tài sản vượt ngưỡng 10 tỷ USD: người đầu tiên vượt qua ngưỡng này chính là Jack Ma – nhà sáng lập công ty công nghệ Alibaba.
Trong thời kỳ bùng nổ thị trường này, Trung Quốc có thêm gần 240 tỷ phú, nhiều gấp đôi Mỹ, nhưng tình trạng này đã dần thay đổi sau bài diễn thuyết của Jack Ma vào năm 2020. Jack Ma chất vấn về đường hướng cai trị của ĐCSTQ, cảnh báo việc nhà cầm quyền kiểm soát thị trường quá mức có thể làm chậm quá trình đổi mới công nghệ, cho rằng ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn đang dừng ở “tâm lý cầm đồ”.… Phát biểu ngay lập tức khiến chính quyền ĐCSTQ có hành động trả đũa, và giá cổ phiếu của Alibaba lao dốc, Jack Ma rơi khỏi danh sách người giàu và rút khỏi tầm ảnh hưởng trong công chúng.
Năm 2021 ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch được gọi là “thịnh vượng chung” với mục đích thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, theo giới quan sát, người nghèo ở Trung Quốc không hề trở nên giàu hơn, trong khi người giàu lại trở nên nghèo hơn.
Kể từ khi phong trào “thịnh vượng chung” được phát động, nhiều ông trùm kinh doanh và tài chính đã bị điều tra, giới trẻ Trung Quốc cũng theo đó không còn hăng hái vào các ngành béo bở liên quan như ngân hàng đầu tư, và thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đi xuống.
Trong 3 năm qua, tài sản cá nhân ở Trung Quốc sụt giảm đáng kể, số lượng tỷ phú giảm 35%, số triệu phú rời khỏi Trung Quốc tăng vọt, đạt mức cao nhất là 15.000 vào năm ngoái, trong khi giới siêu giàu trong nước cũng từ bỏ xu hướng sống khoa trương.
Có thể hình dung tình cảnh bi hài của những người giàu hàng đầu Trung Quốc khi so sánh với Ấn độ hay Mỹ: những ông trùm giàu nhất nước Mỹ có thể khởi động chương trình không gian riêng; ở Ấn Độ, họ có thể tổ chức đám cưới tỷ USD cho con cái; nhưng ở Trung Quốc, họ tìm cách xóa bỏ danh hiệu “người giàu nhất”.
Thông tin từ Bloomberg đề cập lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình từ cách đây 3 năm đã phát động chiến dịch nhằm giải quyết khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở Trung Quốc. Giờ đây, nhiều người trong ngành tài chính Trung Quốc trị giá 66.000 tỷ USD đang bắt đầu nhận ra rằng cái gọi là “thịnh vượng chung” có thể đồng nghĩa với việc tài sản của họ bị xói mòn. Ngoài ra, lối sống xa hoa của họ đã bị xã hội lên án, thêm vào tình trạng họ bị cắt lương, khiến có xu thế đang rời bỏ ngành này.
Nhiều nhân viên ngành tài chính Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA Mỹ rằng khi lợi nhuận tốt, tiền thưởng cuối năm thường được nhận vào tháng 4, nhưng năm nay đã sang tháng 8 mà họ vẫn chưa nhận được đồng nào, nghĩa là vô tình thu nhập hàng năm của họ giảm đi 10%-20%. Nhiều người đổ lỗi tất cả cho chiến dịch “thịnh vượng chung” mà ông Tập Cận Bình phát động.
Chiến dịch gây tranh cãi này đã diễn ra được 3 năm. Ngô Tuệ (Wu Hui) – một người làm tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán ở Quảng Châu cho biết, cô đã trải qua hai lần cắt giảm lương lớn từ sau khi kết thúc lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19, trong khi khoản tiền thưởng cuối năm vào năm 2023 chưa được trả, thu nhập hàng năm của cô đã giảm từ hơn 400.000 RMB xuống còn hơn 300.000 RMB. Cô cho biết: “Tiền thưởng cuối năm chiếm 15% thu nhập của tôi, tôi sống tiết kiệm hơn khá nhiều khi chưa được thanh toán khoản tiền này”.
Cô đề cập rằng trấn áp đối với ngành tài chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc cắt giảm lương trong ngành. Cô không khỏi phàn nàn: “Có phải các lãnh đạo lớn (ám chỉ Tập Cận Bình) có vấn đề? Họ nên bắt những quan chức tham nhũng, bắt được một kẻ có thể thu lại hàng trăm triệu RMB. Nếu muốn cắt giảm lương ngành tài chính thì chủ yếu phải dành cho những người lãnh đạo, sao lại tập trung vào những nhân viên vị trí nhỏ như chúng tôi?”
Một trường hợp khác vẫn đang chờ thưởng cuối năm 2023, cô Lưu cho biết đây là lần đầu tiên gặp phải tình huống này kể từ khi gia nhập công ty chứng khoán. Cô nói: “Bây giờ đã là đầu thu, tôi biết hy vọng càng lớn thì thất vọng càng lớn, nhưng tôi không cam chịu. Giá nhà ở Quảng Châu năm nay đã giảm mạnh nhưng tôi không có quyết tâm mua. “Tiền mặt là vua” nên cần giữ tiền, như vậy tôi cảm thấy yên tâm hơn”.
Theo tờ Quan sát Kinh tế (Eeo) của Trung Quốc, trong nửa đầu năm 2024 có rất ít công ty môi giới phát tiền thưởng cuối năm cho năm 2023. Trong số các công ty chứng khoán hàng đầu mang tính biểu tượng như CITIC Securities, China International Capital Corporation, CSC Financial, và Huatai Securities, chỉ có China International Capital Corporation đã phát tiền thưởng cuối năm 2023 vào tháng 5.
Ngoài việc không có tiền thưởng cuối năm, mức lương cũng không khả quan. Dữ liệu do tờ Yicai tổng hợp cho thấy, mức lương chung của nhân viên công ty chứng khoán Trung Quốc trong quý 1/2024 tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2023: trong lĩnh vực môi giới, 57 công ty niêm yết đã trả tổng cộng 120,3 tỷ RMB tiền lương cho nhân viên, giảm khoảng 13% so với 138,8 tỷ RMB cùng kỳ năm ngoái.
Chính sách dùng cách giảm lương của các nhóm thu nhập cao để đạt được “thịnh vượng chung” cho Trung Quốc đã làm dấy lên những nghi ngờ. Giám đốc điều hành của Hiệp hội Động lực Đài Loan (Taiwan Inspiration Association), Tiến sĩ Luật Lại Vinh Vĩ (Lai Rongwei) tại Đại học Lunghwa chỉ ra rằng áp lực kéo dài của những người lao động trong ngành tài chính, đặc biệt là những người ở cấp trung và cấp thấp , có thể gây tác động tiêu cực. Ông nói: “Thịnh vượng chung gần như đã biến thành nghèo đói chung. Giảm lương, thực chất là tấn công và cướp bóc người giàu, biến thành chủ nghĩa săn mồi”.
“Lương bị cắt giảm nhưng vẫn phải duy trì các khoản chi tiêu tương ứng, có thể gây vấn đề làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp, chẳng hạn như hoàn toàn có khả năng nhân viên bán thông tin bí mật hoặc thông tin khách hàng. Đây là bất cập của chính sách buộc người lao động phải mạo hiểm vì sinh kế”, ông Lại Vinh Vĩ nhận định.
Trợ lý nghiên cứu tại Viện 1 thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua, ông Vương Quốc Thần (Wang Guochen) cũng có quan điểm tương tự: “Nếu là sự thịnh vượng chung thì lương của người ở tầng dưới phải được tăng lên, tầng trung ít nhất là không bị giảm lương. Nếu giảm lương chung như vậy thì thực ra gọi là nghèo chung. Tôi cho rằng mục đích vấn đề giảm lương trong ngành tài chính này không phải là vì chia sẻ thịnh vượng”.
Ông tin rằng có thể Tập Cận Bình có những cân nhắc khác: “Tập Cận Bình không muốn ngành tài chính phát triển theo hướng đổi mới tài chính hoặc kết nối tài chính, chỉ muốn làm kiểu tài chính truyền thống đơn giản nhất, do đó lương trong ngành tài chính bị giảm… Vấn đề nữa, ông Tập Cận Bình muốn thúc đẩy mọi người đến các ngành được chính phủ khuyến khích, chẳng hạn như chất bán dẫn… Trong những năm qua có thể thấy thay đổi trong lựa chọn ngành học của các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng và đại học, theo đó, ngành học truyền thống như tài chính và luật đã giảm dần trong khi ngành công nghệ bán dẫn và khoa học kỹ thuật đang trở nên phổ biến hơn, tôi nghĩ đây là xu thế mà chính phủ Tập Cận Bình muốn thấy”.
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…