Đạo Đức Kinh vô cùng tôn sùng nước, cho rằng: Nước là thiện nhất, khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, vì nước ở chỗ thấp cho nên gần với đạo; Người ta nếu không tranh với ai, thì cũng không có điều lầm lỗi. Từ đó, Đạo Đức Kinh nêu ra những điều một người cần giữ trong đối nhân xử thế: “Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thì” (Địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ bất động nơi thâm sâu, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc gì thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ).
Nước đã trở thành vật ví von cho ngụ ý về 7 trí huệ đối nhân xử thế trong đời người. Làm được 7 điều này, mới có thể “không tranh, mà gần với Đạo”.
“Cư thiện địa”, nói một cách thông thường là tìm được vị trí phù hợp với bản thân, ở nơi đáng ở. Điều then chốt là phải dựa vào năng lực và tâm tính của bản thân để suy xét về bến đỗ dừng chân trong cuộc đời. Nếu không thanh tỉnh nhận thức rõ bản thân mà “đứng nhầm”, thì sẽ khiến bản thân chịu ảnh hưởng bất lợi.
Mẹ của Mạnh Tử nổi tiếng vì ba lần chuyển nhà cho con. Bà muốn chọn một nơi có thể giúp Mạnh Tử trưởng thành một cách lành mạnh. Nhà Mạnh Mẫu vốn ở gần nghĩa địa, Mạnh Tử nhìn lâu quen mắt, thường cùng bạn mình chơi đùa giả xây mộ và tế mộ. Mạnh Mẫu cho rằng như vậy không tốt, bèn quyết định chuyển nhà. Bên cạnh ngôi nhà mới lại gần một nơi giết mổ. Mạnh Tử có khả năng bắt chước rất nhanh, thế là ông lại học cách mổ lợn, bán thịt của người đồ tể láng giềng. Mạnh Mẫu cảm thấy môi trường này cũng không ổn, lại tiếp tục chuyển nhà. Cuối cùng bà chuyển tới gần Thái Miếu. Mạnh Tử lại học theo lễ nghi của những quan văn ra vào nơi đây khiến Mạnh Mẫu vui mừng, cho rằng đây mới là nơi đáng để định cư.
Đạo Đức Kinh khuyên rằng tâm cần tĩnh tại như nước, không dễ bị ngoại vật can nhiễu và ảnh hưởng. Trong xã hội trọng vật chất, kim tiền ngày nay, làm thế nào mới có thể tránh không bị nhiễm những thói quen xấu, thoát khỏi những nhiễu nhương ngoài xã hội đây? Chỉ có thể thông qua việc học tập tu dưỡng, đề cao tâm hồn mới có khả năng áp chế những ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài.
Có câu rằng “Đại trí nhược ngu”, bậc trí huệ thường thích sự tĩnh lặng trong tâm cảnh, vui với Đạo, không tranh với đời. Họ không thích phô trương thanh thế hay thể hiện trí tuệ hơn người, nhằm tránh sinh lòng đố kỵ, giành giật bon chen danh lợi tình hay khuấy động con người tâm sinh ác niệm nơi thế gian.
Khi giao tiếp giữa người với người, cần luôn giữ tâm hữu hảo, thiện lương, không phân biệt họ là kẻ mạnh hay người yếu. Với người khác đều có thể giữ một tấm lòng nhân không thay đổi. Nho gia có câu nói nổi tiếng rằng: “Điều mình không muốn gặp phải thì đừng làm cho người khác”, đây có thể xem là tiêu chuẩn dễ nhớ trong việc đối xử nhân ái với người khác.
“Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”, lời đã nói ra cần phải giữ chữ Tín. Thành tín là cái gốc lập thân của con người. Hễ mất đi lòng thành tín này thì con người chẳng thể có được chỗ đứng trong trời đất.
Trong “Sử Ký” của Tư Mã Thiên cũng có câu rằng: “Người trong thiên hạ tất bật, bận rộn đều vì chữ lợi này mà đến, người trong thiên hạ rối ren, hỗn loạn đều vì chữ lợi này mà bôn ba”. Mặc dù người trong thiên hạ đều vì lợi mà vất vả, ngược xuôi, nhưng điều quý nhất trong thiên hạ lại là thành tín.
Đạo trị quốc của người xưa không nằm ở việc hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc cá nhân, mà nằm ở chí khí “kinh bang tế thế”, giúp dân cứu đời. Trị quốc cần có phương pháp, không rối loạn, có trật tự rõ ràng, mới có thể nắm vững đại cục. Nhưng cái gốc của trị quốc thì vẫn nằm ở việc tu dưỡng đạo đức của bản thân, điều ấy có thể thấy được xuyên suốt Đạo Đức Kinh.
Cần làm việc phù hợp với khả năng của mình. Tài năng có lớn, có nhỏ, tương ứng với nó cũng có việc khó, việc dễ. Một số việc nếu không đủ sức, thì chẳng nên níu giữ. Một số việc hữu ích trong tầm với, thì không thể không làm. Cưỡng cầu làm những việc quá sức hoặc buông bỏ những việc nằm trong khả năng của mình, đều không phù hợp với “sự thiện năng”.
Có câu “Năng giả đa lao”, những người có tài năng hơn người nên chủ động gánh vác những trọng trách liên quan đến sở trường của mình. Bởi lẽ “Năng lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn”.
Trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc, chỉ có một mình Mặc Tử hành hiệp trượng nghĩa. Bạn của Mặc Tử hỏi: “Ngày nay thiên hạ không ai vì nghĩa, ngài một mình hành nghĩa mà tự chuốc lấy cái khổ, chi bằng đừng làm vậy nữa”.
Nhưng Mặc Tử trả lời: “Hôm nay, thiên hạ không có người hành nghĩa thì anh nên động viên tôi hành nghĩa, cớ chi lại ngăn cản tôi?” Tư tưởng chủ đạo của Mặc gia là tương thân, tương ái, không tranh giành, gìn giữ công bằng, chính nghĩa trong thiên hạ.
Cần nắm vững thời cơ, hành sự lúc thích hợp. Nếu chưa thể nắm vững thì sao? Thỉnh giáo những người có kinh nghiệm là cách hay. Ngoài ra, ôm giữ cách nghĩ hành thiện giúp đời cũng rất tốt. Những việc có ích cho người khác thường là việc nên làm.
Mạnh Tử giảng về cách nắm thời cơ như sau: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Nhân hòa có thể làm nên nghiệp lớn, nhưng để có “nhân hòa” thì thật không phải là việc dễ dàng. “Nhân hòa” chính là lòng người, là sự đồng lòng từ bên trong, không có “nhân hòa” thì không có sức mạnh to lớn.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…