Từ xưa đến nay, dẫu sự kiện nào xảy ra trong xã hội, bao gồm cả chiến tranh, đều là một lần cơ hội để con người lý giải về đạo nghĩa. Kết cục của một cuộc chiến không chỉ thể hiện nơi thành bại, mà còn thể hiện ở vấn đề thu phục nhân tâm, “vi chính dĩ đức”. Vậy nên muốn thúc đẩy nền chính trị, nếu không xuất phát từ nền tảng đạo đức và quy về đạo đức, thì chắc chắn chẳng thể thông thuận, chẳng thể thực sự giành được thắng lợi.
Tuân Ngô, một trong sáu đại thần lục khanh của nước Tấn thời Xuân Thu, dẫn binh công phạt Tiên Ngu, bao vây Cổ quốc. Cổ quốc có người ngầm báo tin sẽ chuẩn bị làm nội ứng, chuẩn bị dẫn người ra hàng. Tuân Ngô không tiếp nhận, cũng không đồng ý. Tuỳ tùng tả hữu hai bên nói: “Không cần sử dụng tới vũ lực mà có thể giành được thành trì, một chuyện tốt như vậy, sao lại không làm?”
Tuân Ngô nói:
“Nếu có người dẫn người dân trong thành của chúng ta làm phản, chúng ta chắc chắn sẽ thù hận người này. Hiện giờ người khác dẫn người trong thành của họ làm nội ứng, vì sao chúng ta lại chỉ biết vui mừng? Khen thưởng cho kẻ phản đồ Cổ quốc bị người khinh ghét, thì sau này chúng ta làm thế nào mới có thể dựng lập uy tín được đây? Nếu không ban thưởng cho kẻ phản đồ, thì chúng ta lại thất tín, sao dám lấy được lòng tin của thiên hạ? Lực lượng đủ thì tiến công, không đủ thì lui binh, tuỳ sức mà hành. Chúng ta không nên vì muốn giành được thành trì mà tiếp cận với kẻ gian tà. Làm như vậy là làm chuyện thất đức, cái được chẳng thể bù cho cái mất!”
Thế là Tuân Ngô cho giết kẻ báo tin, chỉnh đốn lại phương pháp phòng ngự, tiếp tục bao vây Cổ quốc 3 tháng.
Lúc này, Cổ quốc lại có người xin đầu hàng, Tuân Ngô cho người Cổ quốc vào tấn kiến. Sau khi quan sát người đó, ông nói rằng: “Nhìn sắc mặc các ngươi, thì thấy các ngươi vẫn có cơm ăn áo mặc. Tạm thời hãy trở về tu sửa lại thành trì của các ngươi.”
Các tướng lĩnh nói: “Có thể giành được thành trì mà không phải chiếm đoạt, lại không khiến quân nhân, bách tính phải cực nhọc, tổn hao vũ khí, tài vật mà không làm, thì khi trở về sao có thể ăn nói với bậc quân vương?”
Tuân Ngô đáp:
“Giành được một thành trì chỉ là chuyện nhỏ, khiến người dân hiểu được đạo nghĩa mới là chuyện lớn. Giành được thành trì mà khiến người dân lười nhác, thì thành trì này có tác dụng gì? Khi giành được thành trì, lại có thể khiến bách tính thông hiểu đạo nghĩa, mà dốc sức thực thi, không sinh hai lòng, chẳng phải là điều tốt nhất hay sao?”
Sau này, khi nghe nói lương thực của Cổ quốc đã hết, lực lượng cũng cạn kiệt, Tuân Ngô mới công phá Cổ quốc, nhưng không sát hại dân thường dẫu chỉ một người.
Lại có một chuyện khác về cuộc chiến giữa nước Tống và nước Tào như sau.
Thời kỳ đầu Xuân Thu, nước Tống được tôn xưng là một cường quốc. Nước Tào là một nước nhỏ, nhưng không chịu thuần phục. Vậy nên Tống Tương Công chỉ huy quân đội bao vây nước Tào.
Đại thần Tử Ngư nói với Tống Tương Công rằng:
“Chu Văn Vương nghe nói đạo đức Sùng quốc hỗn loạn, nên đi công phá Sùng quốc. Công phá 30 ngày, Sùng quốc vẫn không chịu đầu hàng. Chu Văn Vương lui binh về nước, tu tâm giáo hoá thần dân trong nước. Sau đó lại tiếp tục đi công phá, bách tính Sùng quốc cảm thấy đức hạnh của Chu Văn Vương cao dày, bèn tới doanh trại của Chu Văn Vương đầu hàng. Hiện nay quân vương, đức hạnh của ngài e rằng vẫn còn khiếm khuyết chăng? Nếu như vậy mà công phá nước Tào, sao có thể làm gì được họ? Chi bằng học theo tiền nhân lui binh về nước, kiểm điểm lại đức hạnh của bản thân. Nếu quả thực không có khiếm khuyết gì thì lại tiếp tục xuất binh cũng không muộn.”
Tống Tương Công bèn học theo, lui binh rút về nước, tu sửa bản thân, giáo hoá dân chúng, tôn sùng đạo đức, kính trọng người già, yêu mến trẻ nhỏ.
Nhà Chu ban đầu chỉ là một tiểu quốc, nhân lực, vật lực đều kém xa so với nhà Ân Thương. Nhưng nhờ sửa đức mà nhà Chu lại dần dần đánh bại nhà Ân. Điều này không chỉ là cách vận dụng chiến lược, sách lược, hay dựa vào vũ lực, mà có thể xây dựng uy quyền. Đây kỳ thực là một quá trình thu phục nhân tâm trong thiên hạ, là biểu hiện của trí huệ “Vi chính dĩ đức”, dùng đức trị quốc.
Khổng Tử coi vấn đề căn bản của trị quốc là vấn đề đạo đức, gói gọn trong bốn chữ “Vi chính dĩ đức” (Luận Ngữ – Vi Chính). Thước đo đạo đức cao thấp được sử dụng làm tiêu chuẩn để kiểm nghiệm một nền chính trị tốt hay xấu. Quá trình trị quốc cũng chính là quá trình giáo hoá đạo đức.
Tư tưởng “Vi chính dĩ đức” thời xưa được gọi bằng nhiều tên khác nhau, Mạnh Tử gọi là “Nhân chính”, Hắc Tử gọi là “Khiêm Ái”, Tuân Tử gọi là “Vương chế”. Dẫu cách gọi khác nhau, nhưng đều là dùng đạo đức để trị quốc cả.
Chữ “Đức” vào thời Tây Chu bắt đầu được sử dụng rộng rãi, và liên quan mật thiết tới việc thực thi nền chính trị. Trong chữ Kim Văn, có thể thấy rất nhiều chữ “Đức” được chạm khắc nổi.
Có thể nói rằng đạo đức và chính trị liên quan mật thiết với nhau, đây không phải là hiện tượng riêng biệt trong nền văn hóa Trung Hoa, nền cộng hòa của nước Mỹ cũng được xây dựng trên nền tảng đạo đức Kitô giáo. Việc chỉ ra và hệ thống hóa tư tưởng này, đặt nó lên một địa vị sùng kính, sẽ phát huy tác dụng to lớn trong việc duy trì trật tự xã hội.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…