Một quốc gia, một xã hội muốn an bình, hưng thịnh thì mỗi gia đình phải an bình, hưng thịnh. Thời xưa, có rất nhiều gia tộc hưng thịnh suốt hàng trăm năm bởi vì cổ nhân rất coi trọng luân thường đạo lý, các phép tắc, đạo xử thế giữa các thành viên trong gia đình. Điều này đã mang đến phúc đức lâu dài cho gia đình và gia tộc.
Có một kiến giải rất hay về các thành viên trong gia đình như sau: Người già là sao Thiên Đức trong nhà, nên cần lấy đức làm gốc. Vợ chồng là sao Thiên Cát trong nhà, nên cần lấy tình thương yêu làm gốc. Cha mẹ là sao Thiên Phúc trong nhà, nên cần lấy việc tu thân làm gốc. Con cái là sao Thiên Quý trong nhà, nên cần lấy hiếu làm gốc. Anh chị em là sao Thiên Phụ trong nhà, nên cần lấy nghĩa làm gốc.
Nếu trong gia đình, người già mà vô đức thì cả nhà gặp tai ương. Con cái mà bất hiếu thì cả nhà không có phúc báo. Người đàn ông không có chí thì cảnh nhà không thịnh. Người phụ nữ không nhu hòa thì hao phí sạch tài vận của gia đình.
Cổ nhân giảng rằng, đạo đức là quy luật của trời đất, bổn phận là quy luật của cá nhân. Một khi con người đi ngược lại với quy luật thì sẽ gặp hoạ nạn, tai ương. Các gia tộc, gia đình thời cổ thông thường đều quy tụ xung quanh nhau, đều là “tam tứ đại đồng đường”, nhiều người sống gần nhau. Để duy trì một gia đình hòa thuận, hưng thịnh, cổ nhân đều tuân theo những đạo lý nhất định.
Trong gia đình cho dù là ai mắc lỗi, hay có họa nạn gì, xảy ra chuyện thị phi gì thì người già đều có tiếng nói trọng yếu nhất. Người già là sao Thiên Đức, lấy đức làm gốc. “Đức” là yếu tố đảm bảo cho sự sinh tồn và hòa thuận của gia đình.
Người già trải qua một đời, chứng kiến một đời, nên đều có những mặc khải riêng, không ít người hiểu rõ tài vận của đời người là đến từ đâu. Một người có hạnh phúc hay không, không nằm ở việc họ có bao nhiêu tiền, mà nằm ở việc họ có biết đủ hay không. Tiền bạc đâu cần quá nhiều, đủ dùng là được. Cơm no áo ấm, vô ưu vô lo là hạnh phúc, không bệnh tật, chẳng tai ách là phúc phận.
Chúng ta thường nghe những người già trước đây hay khuyên con cái sống phải “tích đức” bởi vì họ biết được rằng mọi phúc báo của một người đều là từ đức mà sinh ra. Đúng như cổ nhân thường giảng: “Tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phú quý”. Những lời này quả thực rất có đạo lý, cũng là thể hiện ra trí tuệ uyên thâm của cổ nhân. Trong dòng chảy lịch sử, trong nền văn hóa truyền thống, những câu chuyện “tổ tiên tích đức, con cháu sống khá giả” có rất nhiều.
Vợ chồng là sao Thiên Cát, là ngôi sao may mắn trong gia đình, lấy lòng biết ơn và tình yêu thương làm gốc. Giữa vợ chồng mà không có tình yêu thương và lòng biết ơn thì không thể xây dựng một gia đình hạnh phúc mỹ mãn.
Người xưa tin rằng, kiếp này hai người xa lạ có thể đến bên nhau, là do nhân duyên từ tiền kiếp, nhờ mệnh trời xếp đặt, được cha mẹ đồng ý mà kết nghĩa vợ chồng. Trong ân ái vợ chồng thì “ân” đứng trước “ái”, giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, hơn nữa trong “ái” (yêu) cũng có lý tính, vì thế mới có thể chung sống hòa hợp cùng nhau đến già.
Vào thời xa xưa, nam nữ khi chưa vái lạy Trời Đất, tổ tiên, chưa được sự đồng ý của cha mẹ, mà đã sinh sống cùng nhau, thì bị coi là việc trái với luân thường đạo lý. Bởi vì đó là đặt “ái” lên trên “ân” Trời Đất, “ân” cha mẹ. Đã đặt “ái” lên trên “ân” rồi thì trong cuộc sống tương lai sẽ rất khó mà có thể giữ được ân nghĩa vợ chồng nữa.
Người xưa viết chữ “ái” là “愛”, gồm có chữ Thụ “受” (tiếp nhận, nhận lấy, chịu đựng) được tách ra để một chữ Tâm “心” (trái tim) xen vào giữa. Có nghĩa là khi hai người yêu thương nhau, họ sẽ nhận lấy tình cảm của đối phương, hơn nữa còn phải tiếp nhận những điều hay dở của đối phương, bao dung đối phương. Tình cảm ấy cũng được giấu kín, kìm nén ở trong lòng, như trái tim chen lẫn ở giữa, không phô trương lộ liễu.
Giữa vợ chồng cần biết ơn nhau, “nam cảm nữ ân”, “nữ cảm nam ân”.
“Nữ cảm nam ân” bởi vì trong hôn nhân, người vợ nhận được sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ của người chồng. Người phụ nữ xưa khi được gả đến nhà chồng là hoàn toàn giao phó cuộc đời cho người chồng, tin tưởng vào người chồng. Không chỉ cô gái mà cả cha mẹ và gia đình cô cũng tin tưởng vào người chồng mà cô được gả làm vợ. Cho nên, người chồng có trách nhiệm với cuộc đời người vợ, đồng thời phải giữ tín nhiệm giữa vợ chồng, có vậy mới xứng với sự cảm ân của người phụ nữ.
“Nam cảm nữ ân” bởi vì người vợ là người chủ nội, có vị thế quan trọng nhất trong gia đình. Cổ ngữ có câu: “Con trai lớn mà không có vợ thì của cải không có chủ”. Khi đã là vợ chồng rồi thì người vợ trở thành người quản gia. Vào thời xưa, khi người chồng làm quan thì người vợ cất giữ con dấu, bởi vì thời xưa làm quan mà đánh mất con dấu thì có thể phạm tội chém đầu. Theo lẽ này, người chồng đã mang tính mạng của mình giao cho người vợ, đây chẳng phải là cái ân rất lớn mà người vợ đã làm cho người chồng sao?
Cha mẹ là sao Thiên Phúc trong nhà, lấy tu thân làm gốc. Làm cha mẹ, muốn giáo dục con cái thì phải bắt đầu từ bản thân mình. Cổ nhân giảng: “Chỉ khi một người không ngừng tận sức giáo dục chính mình, người ấy mới có thể giáo dục tốt người khác”. Khổng Tử cũng bàn rằng: “Dục giáo tử tiên chính kỳ thân”, ý nói muốn dạy con trước tiên cha mẹ phải ngay chính lại mình. Đây chính là nguồn gốc của cách nói “thân giáo”, tức là lấy thân mình là gương trong việc giáo dục.
Trong quá trình con trưởng thành, cha mẹ là những người mà con tiếp xúc sớm nhất, cũng là những người mà con bắt chước theo nhiều nhất, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến con. Vì vậy, mỗi lời nói, hành vi, nhất cử nhất động của cha mẹ đều tác động mạnh đến sự hình thành nhân cách của con trẻ. Muốn con trở thành người như thế nào, cha mẹ trước tiên hãy trở thành người như thế ấy.
Ngày nay không khó để gặp rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, trẻ con không biết gì cho nên nói như thế nào cũng không gây ảnh hưởng to lớn. Thậm chí không ít người lớn cho rằng trẻ con nhanh quên, nên rất nhiều khi chỉ là nói cho có để đứa trẻ nghe lời. Nhưng loại tư tưởng này là sai lầm trong cách giáo dục gia đình, lâu dần sẽ đem lại hậu quả có hại cho nhân cách và tương lai của con trẻ.
Yêu cầu của cổ nhân đối với việc giáo dục con trẻ là rất cao, thậm chí phụ nữ mang thai đã rất nghiêm khắc trong việc ngôn hành rồi. Khi mang thai, người mẹ không chỉ phải chú ý đến từng cử chỉ hành vi bên ngoài của bản thân mình mà từng suy nghĩ bên trong nội tâm cũng phải được coi trọng. Sách Liệt Nữ thời xưa viết rằng: “Người phụ nữ thời xưa khi mang thai, ngủ không nằm nghiêng, đứng không nghiêng lệch, ngồi không xiên vẹo, không ăn thức ăn có vị khác lạ, đồ bất chính thì không ăn, nơi bất chính thì không ngồi, mắt không nhìn chỗ tà sắc, tai không nghe lời dâm dục, đêm ngâm thơ đọc sách. Làm được như vậy, con sinh ra sẽ hình dáng cân đối, đoan chính, có tài đức hơn người”.
Trong lịch sử, rất nhiều danh nhân, hiền tài đều dạy con bằng cách lấy tu thân làm gốc. Họ đều sống vô cùng thanh liêm, giản dị và lấy đó làm gương để con cái sống coi trọng đức, thanh liêm chính trực.
Con cái là sao Thiên Quý trong nhà, nên phải lấy hiếu làm gốc. Nếu cha mẹ yêu thương chúng ta thì việc chúng ta hiếu thuận với cha mẹ là điều không khó và nhiều người có thể làm được. Nhưng nếu cha mẹ chán ghét chúng ta, mà chúng ta vẫn thủy chung hiếu thuận cha mẹ, đó mới là phù hợp với tiêu chuẩn hiếu thuận của người xưa và điều này không phải ai cũng làm được.
Mỗi người cha, người mẹ đều không phải là một người hoàn hảo, đều có khuyết thiếu này khuyết thiếu khác. Tuy nhiên, đây không phải là điều để lấy làm lý do mà không hiếu thuận với cha mẹ mình. Ví như có người cha tính tình nóng nảy thô bạo, có người mẹ “nặng bên này nhẹ bên kia”, có người cha có quan niệm cứng nhắc, có người mẹ trí tuệ thấp kém, có người còn có thân thể không được lành lặn, đủ đầy… Đặc biệt, một số cha mẹ khi về già thì tính tình càng khó, sinh hoạt thay đổi, bệnh tật triền miên…
Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ cũng là đối tượng đầu tiên nhất trong quá trình trưởng thành, làm người tốt của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều phải bắt đầu từ chỗ thấu hiểu bậc sinh thành mà học tập cách bao dung và thương yêu.
Vô luận cha mẹ là người ra sao, chúng ta đều phải yêu thương, hiếu thuận và kính trọng họ. Một người mà ngay cả cha mẹ mình cũng không bao dung được thì tương lai sao có thể bao dung được khuyết điểm của bạn đời, khuyết điểm của người khác đây? Thậm chí, cho dù người này ở đâu đi nữa thì nhân duyên cũng sẽ không được tốt đẹp.
Một người không rộng lượng thì sống trên đời sẽ gặp nhiều chông gai và tiền đồ cũng khó thành. Như thế sao có thể hạnh phúc, vui sướng? Khi đã về già, con cái cũng trưởng thành, lúc ấy cần con cái thì con cái cũng sẽ tính toán chi li với họ. Đây kỳ thực cũng là một loại nhân quả báo ứng.
Kỳ thực, một người không có lòng hiếu thuận với đấng sinh thành, ắt chẳng thể trao tình yêu của mình cho người khác, lại càng chẳng thể nói tới việc quan tâm tới sự hưng vong của quốc gia, dân tộc.
Anh chị em là sao Thiên Phụ trong nhà, nên phải lấy nghĩa làm gốc. Nghĩa chính là giúp đỡ nhau một cách vô điều kiện, không tiếc cho đi, không vụ lợi cho bản thân. Khi một người gặp nạn thì những người còn lại phải trợ giúp phù hợp với khả năng của mình.
Người xưa giảng “hiếu đễ”. Chữ “Đễ” (“悌”, kính nhường) được tạo thành bởi chữ “Tâm” (“心”, trái tim, tấm lòng) và chữ “Đệ” (“弟”, em trai). Chữ “tâm” đứng bên cạnh chữ “đệ” biểu thị ý nghĩa rằng, anh trai quan tâm, chăm nom cho em trai, em gái. Trong tim người anh có người em, chính là sự yêu thương chân thành giữa anh và em.
Anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan. Chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu. Giữa anh chị em mà không thể tương thân tương ái thì cha mẹ nhất định sẽ lo lắng, việc hiếu đạo là không vẹn tròn. Cho nên, hiếu kính cha mẹ thì trước hết anh chị em phải hòa thuận, tương thân tương ái, người trên nhường nhịn người dưới, người dưới kính trọng và nghe lời người trên.
Trải qua dòng sông dài lịch sử, có rất nhiều gia tộc đã hưng thịnh suốt hàng trăm năm mà không suy. Xét cho cùng cũng chính là phúc báo của việc họ sống có Đạo và gia tộc có truyền thống hành thiện tích đức, có gia phong sâu dày. Đây vừa là những giá trị cốt lõi của gia tộc, cũng là những bài học quý giá cho hậu nhân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Nói năng cẩn trọng thể hiện nhân phẩm của một người
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…