Một ngày tháng sáu, từ Bangkok tôi đi “bụi” đến Ayutthaya bằng xe lửa. Nhà ga Hualamphong tuy không phải là ga chính nhưng khang trang.Từ đây cứ một tiếng có một chuyến “tàu chợ” đi Chiang Mai – một điểm du lịch nổi tiếng của Thailand. Lên tàu này đi khoảng hai giờ thì đến Ayutthaya – kinh đô cổ từng tồn tại hơn 400 năm từ giữa thế kỷ 14 đến nửa cuối thế kỷ 18.
Nằm cách thủ đô Bangkok 76km về phía bắc, thành cổ Ayutthaya trải rộng trên diện tích tới 2.556km2. Đây thật sự là một trong những di sản văn hóa có sức hấp dẫn nhất ở Thailand bởi vẻ huy hoàng của 4 thế kỷ lịch sử còn lưu lại qua hàng trăm công trình kiến trúc đền tháp và phế tích nguy nga lộng lẫy chủ yếu được xây bằng gạch nung đỏ au. Trong khoảng thời gian một, hai ngày ngắn ngủi bằng xe tuk tuk đi từ di tích này đến di tích khác chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.
Quần thể di tích khá đa dạng: còn tương đối nguyên vẹn như tu viện Wat Phra Chao Phya-thai nằm ở phía đông nam của cổ thành. Từ trong thành phố có thể nhìn thấy ngôi tháp lớn của tu viện được xây dựng vào năm 1357 dành cho các vị sư đi học đạo từ Sri Lanka trở về. Năm 1592, một ngôi chùa lớn tại đây với ý tưởng kiến trúc khổng lồ này sẽ tương xứng với ngôi chùa lớn của Wat Pukhao Thong (ngôi chùa được xây dựng vào thời đại Sukhothai trước đó). Tổ hợp kiến trúc Wat Yai Chaimongkhon gồm tu viện, mộ tháp và chùa chiền, trong đó có ngôi mộ tháp lớn nhất và hai tượng Phật khổng lồ bên gốc cây hoa đại hàng trăm năm tuổi.
Trong khu di tích có rất nhiều nhóm đền tháp được xây dựng theo triết lý Ấn Độ cổ đại: mỗi nhóm đền tháp biểu trưng cho một tiểu vũ trụ có ngọn núi thiêng ở trung tâm là “trục xuyên vũ trụ”, những bức tường tượng trưng giới hạn vũ trụ và đại dương vô cùng vô tận… Ngôi tháp lớn nhất trong quần thể di tích cao tới 35m, bốn phía đều có bậc cầu thang dốc đứng dẫn lên đỉnh. Từ hành lang chạy quanh ngôi mộ tháp lớn nhất sẽ quan sát được một khỏang không gian rộng lớn chan hóa ánh nắng tới tận chân trời và tòan bộ thành cổ. Tám ngôi tháp nhỏ hơn nằm ở bốn góc hình vuông và bốn góc hình tứ giác được nối với nhau bằng các trường lang dài, dọc các trường lang là 120 bức tượng Phật với tư thế và dáng điệu trầm mặc. Hầu hết các pho tượng bằng đá sa thạch đều bị mất đầu do sự phá hủy trong thời kỳ chiến tranh với Mianmar vào giữa thế kỷ 18. Ngắm nhìn và ghé chân chụp hình bên những bức tượng này là khỏanh khắc rất ấn tượng, lưu lại cảm xúc khó phai mờ cho nhiều du khách.
Kinh đô Ayutthaya còn là “thành phố của những phế tích” bởi hàng trăm bức tường, ngọn tháp, ngôi đền sụp đổ chỉ còn một phần hay bị phá hủy hết chỉ còn nền móng… tất cả đều được bảo tồn cẩn trọng. Một số kiến trúc có phần trùng tu bằng vật liệu mới nhưng không hề gây ra sự phản cảm vì được phục chế lại kỹ càng đến từng chi tiết nhỏ. Một số đền tháp khác được phục dựng gần như tòan bộ, kể cả những bức tượng Phật khổng lồ. Nhưng tất cả đều hài hòa một cách kỳ lạ với nhau và với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Được biết công tác trùng tu ở đây tiến hành hàng chục năm qua, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã kiên nhẫn tìm lại từng chút một những gì thời gian đã lấy mất.
Ayutthaya là Công viên di sản văn hóa bởi khắp nơi màu xanh của cây cổ thụ và thảm cỏ mượt mà xen giữa những phế tích kiến trúc, không khí trong lành, yên tĩnh, từ đường phố đến khu di tích rất sạch sẽ. Ayutthaya còn được mệnh một ốc đảo của những chùa chiền bên dòng sông Chaophraya. Người Thailand đến đây không chỉ là đến một di sản văn hóa của quá khứ mà họ đến đây để thăm viếng rất nhiều ngôi chùa còn lại từ xa xưa. Phật giáo chính là sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, phải chăng nhờ vậy mà ngày nay Thailand đã bảo tồn rất tốt những di sản văn hóa của tổ tiên, trước hết vì người dân Thái, vì quốc gia mình và sau đó cống hiến cho thế giới.
Ayutthaya được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1991.
Meuang Boran – còn gọi là Ancient Siam – cách trung tâm Bangkok khoảng hơn 70 km về phía đông, là một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất thế giới.
Buổi sáng mưa tầm tã. Thoát khỏi những con đường kẹt xe và không khí nhộn nhịp ngày cuối tuần của Bangkok, khi chúng tôi đến Meuang Boran trời đã hửng nắng, một không gian thoáng đãng và yên tĩnh mở ra trước mắt. Nhân kỷ niệm 50 năm xây dựng khu công viên văn hóa nên ngày cuối tuần này khách tham quan được miễn phí. Bãi đỗ xe bên ngoài không rộng lắm, có nơi cho thuê xe và quầy bán vé. Giá vé không đắt: 300 baht cho người nước ngoài và 100 baht cho người Thái (100 baht bằng khoảng 70 ngàn đồng). Hầu hết các em học sinh thuê xe đạp, từng nhóm khách thuê chung 1 chiếc xe golf tự lái hoặc mua vé xe bus. tùy xe 2, 4 hay 6 chỗ có giá từ 150 baht đến 450 baht/giờ.Khách muốn đi xe vào công viên thì mua vé. Tất cả các loại xe chỉ chạy trên những đường lớn xuyên qua công viên, du khách xuống xe đi bộ vào xem khu vực nào mình thích. Dù đi bằng xe hơi nhưng trong một ngày cũng khó có thể tham quan hết bảo tàng ngoài trời khổng lồ này.
Trong khuôn viên rộng gần 1km vuông có hình dáng như đất nước Thailand thu nhỏ, hơn 100 di tích kiến trúc nổi tiếng tiêu biểu cho lịch sử – văn hóa đã được phục dựng lại tại vị trí chính xác về mặt địa lý, nhờ vậy du khách được khám phá những di sản văn hóa trên khắp đất nước Thailand, từ những đền tháp thời kỳ Ayutthaya đến những ngôi làng cổ với nhà sàn bên sông, từ cung điện, chùa chiền, bảo tháp đến những khu phố cổ buôn bán sầm uất, rồi công viên và những bức tượng kể lại nhiều câu chuyện nổi tiếng đến những ngôi chùa, dinh thự của người Hoa… Hàng loạt các công trình kiến trúc, biểu tượng nghệ thuật, kết hợp với những nghề thủ công, cảnh quan và môi trường tự nhiên được bố trí hài hòa, Ancient Siam đã làm cho du khách cảm nhận được quá trình lâu dài, liên tục của lịch sử, văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật và phong tục lối sống của người Thái từ thời cổ cho đến nay.
Người chủ trương xây dựng và đầu tư cho công trình này là một tỷ phú Thailand. Ông dành gần như toàn bộ tài sản của mình cho việc nghiên cứu và xây dựng công trình với sự hỗ trợ của các chuyên gia lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật của Bảo tàng lịch sử quốc gia để đảm bảo tính chính xác và khoa học. Có thể nhận biết điều này qua việc bảo tồn và phục dựng cả ba loại hình di tích ở đây.
Loại một là những dấu tích khảo cổ học thuộc những thời kỳ khác nhau được phát hiện tại đây. Nếu di tích chỉ còn nền móng của đền tháp, kiến trúc thì khai quật nhằm làm rõ phạm vi, cấu trúc của di tích. Sau khi nghiên cứu đầy đủ, một “mô hình di tích” nhỏ hơn (tỷ lệ khoảng 1/3) được xây dựng căn cứ vào dấu tích còn lại. Du khách vừa ngắm nhìn kiến trúc mới vừa có thể nhận biết các dấu tích cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Cách phục dựng này không làm ảnh hưởng đến di tích khảo cổ, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức đồng thời cũng để phân biệt rõ dấu tích cổ còn lại và “bản sao” được xây mới. Nếu di tích còn lại một phần thì được bảo tồn chu đáo nhưng không xây lại tòan bộ kiến trúc mà chỉ trùng tu từng bộ phận như hàng cột hay bức tường, một phần đền tháp. Cách làm khác nhau với hai loại di tích khảo cổ vừa giúp du khách hiểu biết về các kiến trúc cổ vừa cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của những phế tích lịch sử, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn để nghiên cứu khoa học và học tập.
Loại công trình thứ hai tại đây là những cung điện, chùa chiền… được phục dựng nguyên vẹn về hình dáng và trang trí tuy kích thước nhỏ hơn. Vật liệu xây dựng và chất liệu trang trí rất cầu kỳ, rực rỡ… Bên trong công trình đồng thời là những bảo tàng trưng bày cổ vật, hội họa, điêu khắc, đồ trang sức quý giá. Đặc biệt sưu tập những tượng Phật bằng nhiều chất liệu trong các ngôi chùa, sưu tập ngọc xá lỵ… thực sự là những “báu vật quốc gia”.Rất nhiều du khách Thái đến viếng chùa lễ Phật tại đây bởi những ngôi chùa này thực sự là chốn tâm linh chứ không chỉ để tham quan.
Lọai di tích thứ ba làm tôi đặc biệt thích thú: những “làng văn hóa dân tộc” độc đáo, đó là phố thị cổ và làng ven sông. Phần lớn đều là những ngôi nhà gỗ cổ được mua từ nhiều nơi mang về dựng lại ở đây, kiến trúc trang trí theo lối xưa, đồ đạc trong nhà đều là cổ vật, những ngôi nhà như những “bảo tàng gia đình” của người Thái, người Hoa mà ngày nay khó còn tìm thấy vì những đô thị cổ đã thay đổi rất nhiều. Hai bên con đường nhỏ lát gạch sạch sẽ xuyên qua “thị trấn” có những cửa hàng bán đồ lưu niệm, gốm sứ, tơ lụa, rạp múa rối bóng truyền thống… vừa gợi lại không khí phố thị cổ xưa vừa phục vụ du khách.
Trên một khúc sông được dựng lại cả một ngôi làng toàn nhà sàn: nhà ở, hàng ăn, chùa, nhà thờ… những người phụ nữ chèo xuồng chở đồ ăn, trái cây, thi thoảng ghé vào bờ bán cho du khách. Mấy nhà hàng bán những món ăn Thái khá ngon với giá phải chăng, khách vừa được nghỉ ngơi thoải mái vừa tìm hiểu văn hoá ẩm thực Thailand. Người dân Bangkok và những thành phố lân cận thường xuyên đến đây để được sống trong cảnh quan và sinh hoạt truyền thống nay chỉ còn duy trì ở miền quê.
Để phục vụ cho việc phục dựng và trùng tu quần thể di tích còn có cả xưởng phục chế, sửa chữa đồ gốm, đồ đất nung và đồ gỗ. Ngoài những người kinh doanh hàng lưu niệm, quán ăn, công viên văn hóa này còn có cả một “đội quân” là nhân viên bảo vệ, vệ sinh, trồng và chăm sóc cây cối, vườn hoa, công nhân trong các xưởng phục chế… ước tính cả ngàn người. Toàn bộ chi phí cho công trình gồm thiết kế, xây dựng mới, khai quật và trùng tu di tích, bảo tồn bảo quản, lương nhân viên… hiện nay đều từ tài sản của chủ nhân công trình.
Mueang Boran thực sự là một công trình văn hóa hiện đại xứng tầm với những di sản văn hóa mà nó phục dựng. Có thể coi chuyến tham quan một ngày tại đây như một hành trình đi qua lịch sử toàn bộ vương quốc Thailand.
Đến Bangkok vào dịp cuối tuần, bạn và tôi đi chợ Chatuchak không chỉ để thỏa mãn thú vui shopping của phụ nữ mà còn để được tận mắt chứng kiến một “thiên đường mua sắm” – như nhiều người Việt đi du lịch Thailand truyền nhau.
Ngôi chợ bắt đầu họat động thường xuyên vào đầu những năm 1960 và chỉ mở vào hai ngày cuối tuần nên mỗi ngày ước tính có đến hàng trăm ngàn lượt khách. Tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1km vuông, chợ được “quy hoạch” như ô bàn cờ tạo thành những khu vực bán những chủng loại hàng khác nhau. Cổng chợ mở ra tất cả những con đường xung quanh tỏa đi nhiều phía, thuận tiện cho du khách đến chợ từ bất cứ khu vực nào của thủ đô Bangkok và vùng lân cận nên hầu như không có tình trạng kẹt xe trước cổng chợ mặc dù xe taxi, xe du lịch thường xuyên thả và đón khách. Một ga metro lớn sát bên là đầu mối giao thông thuận tiện cho rất nhiều du khách tới chợ.
Có thể coi chợ Chatuchak là chợ của hàng may mặc bởi số lượng gian hàng bán quần áo may sẵn, vải vóc… chiếm gần một nửa trong số hơn 15.000 gian hàng trong chợ, chưa kể những sạp hàng trên vỉa hè những con đường xung quanh. Số lượng kế là những gian hàng giày dép, thủ công mỹ nghệ bằng gỗ, mây tre đan, đồ tơ lụa vải, gốm, da, nhựa đậm đà màu sắc Thailand. Rồi hàng tiêu dùng, ẩm thực, trái cây… Có cả một số gian hàng cổ vật (tôi đứng tần ngần mãi trước quầy hàng nhỏ xíu bày những chiếc rìu đá, rìu đồng và những phế phẩm trong quá trình chế tác công cụ của người xưa cách nay hàng ngàn năm). Hàng hóa trưng bày gọn gàng, thứ tự, dễ nhìn dễ lấy. Đặc biệt từ những gian hàng trên con đường xung quanh chợ đến những lối đi giữa những gian hàng đều sạch sẽ, hầu như không có rác. Thùng rác để khắp nơi nhưng cả người bán người mua đều có ý thức giữ vệ sinh chung. Lệnh cấm hút thuốc trong chợ đã được thực hiện hàng chục năm nay, nếu hút bị phạt 2000 bath (khoảng 70 USD). Chợ đông là thế nhưng không quá ồn ào, không trả giá lớn tiếng hay cãi lộn, không tiếng loa cảnh báo trộm cắp hay rao hàng ầm ĩ. Ngay tại các cổng chợ có quầy đổi tiền, máy ATM, trạm cảnh sát du lịch và một bảng lớn trưng hình ảnh những kẻ móc túi để mọi người cảnh giác. Nói chung, đi “chợ trời” nhưng du khách không bị cảm giác bất an.
Khách mua hàng cũng tỷ lệ theo số lượng các loại hàng hóa: khu vực quần áo may sẵn, giày dép từ sáng đến chiều lúc nào cũng tấp nập người xem người thử, hầu như ai cũng mua được những món hàng mình thích thú. Hàng thun, vải cotton, hàng tơ lụa, hàng da… luôn là ưu tiên hàng đầu. Mẫu mã rất đa dạng phong phú, giá cả hợp lý, dễ mua, thái độ người bán hàng vui vẻ, bán được hay không cũng nhẹ nhàng cám ơn, người mua có thể trả giá chút ít, người bán nếu không bớt thì nhã nhặn giải thích là hàng đã hạ giá hết mức, cả hai bên cùng vui lòng. Nụ cười thường trực trên gương mặt những người bán hàng, giọng nói, giọng rao hàng trầm bổng nghe như hát. Tôi đến rất sớm khi chợ còn đang mở cửa dọn hàng, trong các gian hàng không thấy có nhang đèn cúng mở hàng, khi tôi thử xem hàng và trả giá nhưng không mua thì cũng không bị đốt “phông lông” hay bị người bán mắng mỏ, khó chịu. Hàng hóa gọn gàng ngăn nắp, màu sắc hài hòa đẹp mắt.
Ở một gian hàng bán áo thun bất chợt tôi nhìn thấy một chiếc áo có in dòng chữ “Not made in China”. Thấy hơi lạ, tôi hỏi: “Mẫu áo này không còn? Áo này bán cho khách du lịch à?” – “Xin lỗi vì mẫu này mới hết, nhiều người Thái cũng mua”. Người bán vui vẻ trả lời. Tôi hiểu dòng chữ trên áo kia là một thông điệp khẳng định “chủ quyền” sản xuất bởi phần lớn hàng trong chợ do Thailand sản xuất có nhãn hiệu rõ ràng. Đây còn là thông điệp thể hiện trách nhiệm với người mua hàng về chất lượng hàng hóa của Thailand.
Tại một số trung tâm thương mại những nhãn hàng nổi tiếng cũng có 2 loại giá rõ ràng: hàng nhập khẩu giá cao và giảm giá ít; hàng hiệu nhưng do Thailand sản xuất giá rẻ hơn, giảm giá cũng nhiều hơn. Sự công khai này vừa dễ dàng cho người mua đồng thời cũng đảm bảo cho giá trị của các thương hiệu hàng ngoại trên đất Thailand. Một sự sòng phẳng làm hài lòng du khách.
Bangkok đang là mùa du lịch cao điểm nhưng du khách vắng hơn mọi năm, tình trạng này phản ánh ảnh hưởng khá rõ của khủng hoảng kinh tế. Tuy vậy khách du lịch đến chợ Chatuchak vẫn rất đông, bạn tôi nói vui: hình như vào cuối tuần du khách ở Thailand đều tập trung về đây. Đến chợ để biết về “văn hóa chợ” của người Thái, để mua hàng hóa vừa túi tiền và yên tâm không bị “lừa” không bị mua hớ. Và chợ Chatuchak đã hoàn thành chức năng của mình: giúp du khách tiêu tiền thoải mái, hợp lý, vui vẻ, và chắc chắn nhiều du khách sẽ còn trở lại.
Quanh quẩn cả buổi sáng trong chợ Chatuchak tôi cứ băn khoăn tự hỏi: vì sao chúng ta không có một ngôi chợ lớn như vậy để bán hàng Việt Nam chất lượng tốt và phong phú mẫu mã chủng loại, vừa cho “người Việt dùng hàng Việt” vừa phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. Chúng ta có nhiều công ty gia công may mặc hàng xuất khẩu nhưng thị trường trong nước thì hầu như bỏ ngỏ cho hàng hóa nước ngoài. Nếu ta sản xuất nhiều hàng chất lượng cao để “xuất khẩu tại chỗ” thu hút khách nước ngoài đến mua sắm như Thailand thì đây là một nguồn thu lớn, đồng thời hệ thống nhà hàng khách sạn cũng sẽ tăng công suất. Cùng với các sản phẩm du lịch khác, chất lượng dịch vụ và chất lượng hàng hóa, nét đẹp của “văn hóa chợ Việt”… sẽ hấp dẫn và lưu giữ du khách hơn nhiều lần những khẩu hiệu tuyên truyền bóng bẩy mà thiếu chiều sâu văn hóa.
Phát triển du lịch bền vững chính từ những điều giản đơn như thế.
Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ trang blog: haukhaoco2010.blogspot.com
TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…