“Gia Định tam gia” nổi tiếng của nhà Nguyễn

Vùng đất Gia Định thời nhà Nguyễn sản sinh ra 3 nhân vật xuất chúng, được gọi là “Gia Định tam gia” gồm Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh. Cả 3 đều là học trò xuất sắc của danh sư nổi tiếng Võ Trường Toản.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trịnh Hoài Đức

Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh lập ra triều đại mới, nhiều người Hoa không theo nhà Thanh, chọn đến Đại Việt. Năm 1679, nhóm người Hoa của Trần Bình Xuyên khoảng 3.000 người trên 50 thuyền đến Đàng Trong, xin làm dân xứ Việt. Chúa Hiền thấy họ cùng quẫn mà đến, lại tỏ lòng trung thực mong được an cư lạc nghiệp nên tiếp nhận. Thấy nhiều vùng đất Cao Miên ở phía nam màu mỡ nhưng chưa được khai phá, Chúa giao cho họ, lại phong cho quan tước ở vùng Gia Định, Nông Nại (Đồng Nai ngày nay).

Sách sách “Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn” của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn có ghi nhận rằng:

“Giữa thế kỷ 18, nhiều quan dân của nhà Minh vì bất phục triều Mãn Thanh mới lên nắm quyền, đã bỏ nước ra đi và Đại Việt là một trong những miền đất họ chọn xin tá túc. Trong số những người này có Trịnh Hội, nguyên quán huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc, theo Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài), vào khai khẩn đất Trấn Biên.”

Trịnh Hòai Đức là cháu 3 đời của Trịnh Hội, sinh năm 1765. Năm 1776 và 1777, quân Tây Sơn đánh Gia Định, tàn phá Cù Lao Phố, người Hoa bị thảm sát, trung tâm thương mại hoàn toàn bị phá hủy. Trịnh Hoài Đức khi ấy mới 10 tuổi, cùng mẹ đến trấn Phiên (tức Gia Định) sinh sống.

Tại trấn Phiên, Trịnh Hoài Đức được theo học với cụ Võ Trường Toản – bậc danh sĩ tài ba ở Nam bộ, là người thầy của rất nhiều danh sĩ. Võ Trường Toản cũng vì lánh nạn Tây Sơn mà định cư dạy học tại đây. Trịnh Hoài Đức theo học 13 năm với thầy cùng các bạn.

Lúc này đất nước có biến đổi, năm 1788, Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nam bộ đã đánh bại quân Tây Sơn ở Gia Định, lấy lại vùng đất Nam bộ. Nguyễn Vương cho mở khoa thi, Trịnh Hoài Đức cùng các bạn học đều ra ứng thí. Thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm quan cho nhà Nguyễn, nhận chức Hàn lâm viện chế cáo.

Năm 1793, Vua tuyển chọn Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm Đông cung thị giảng tức làm thầy dạy cho Thái tử.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi Vua lập ra nhà Nguyễn, hiệu là Gia Long. Trịnh Hoài Đức được phong làm Thượng thư bộ Hộ, làm chánh sứ sang nhà Thanh, áp giải các thủ lĩnh cướp biển Trung Hoa theo Tây Sơn cho nhà Thanh như Đông Hải vương Mạc Quang Phù, Thống lãnh Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài.

Năm 1808, nhà Nguyễn tổ chức bộ máy hành chính, phía nam Gia Đình thành có các trấn là trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Trịnh Hoài Đức được cử làm Hiệp Tổng trấn. Thời gian này ông nghiên cứu lịch sử, văn hóa tập tục, địa lý cùng đời sống dân chúng. Ở mỗi nơi ông khảo kỹ từng ngọn núi, dòng sông, tập tục đời sống dân chúng, rồi viết sách “Gia Định thành thông chí” dâng lên vua Minh Mạng vào năm 1820. Cho đến nay cuốn sách này vẫn còn nguyên giá trị cho những ai muốn khảo cứu vùng đất Nam bộ.

Năm 1821, Trịnh Hoài Đức được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, hàm nhất phẩm, giữ chức Thượng thư bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh. Dù quyền cao chức trọng nhưng ông vẫn không có nhà riêng để làm việc.

“Đại Nam liệt truyện” ghi chép lại rằng: “Đức không có nhà riêng, vua cho 3.000 quan tiền và gỗ, gạch ngói, cho làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi tắm gội. Đức bèn làm vườn quỳ ở phía ngoài cửa Đông. Rồi lại kiêm lĩnh Thượng thư Bộ Lễ.”

Làm quan nhất phẩm, nắm giữ 4 bộ trong tay mà Trịnh Hoài Đức vẫn chưa xây nhà riêng cho mình. Ông cả một đời liêm khiết, không bao giờ động đến của công, quả là một tấm gương sáng về đạo làm quan.

Lê Quang Định

Lê Quang Định người làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên. Cha ông là vị quan nhỏ nhưng mất sớm, gia đình lâm vào cảnh nghéo túng, ông cùng anh trai lặn lội đến Gia Định, rồi theo học với thầy Võ Trường Toản.

Thấy Lê Quang Định thông minh lại ham học, một thầy thuốc là Hoàng Đức Thành đem lòng quý mến liền đưa về nhà nuôi cho ăn học rồi lại gả con gái cho.

Lê Quang Định cùng với Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức là những học trò xuất sắc nhất của Võ Trường Toản. Cả 3 lập “Bình Dương thi xã” cùng ứng khẩu văn chương, được giới văn sĩ hưởng ứng.

Năm 1788, Nguyễn Vương chiếm lai được Gia Định, mở khoa thi kén người tài. Lê Quang Định cùng Trịnh Hoài Đức đăng ký dự thi và cùng đỗ, được cử làm quan cho nhà Nguyễn.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Cuốn “Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn” mô tả rằng:

“Cũng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định đầu quân dưới trướng chúa Nguyễn Ánh từ năm 1788, cũng giữ chức Hàn lâm viện chế cáo, sau chuyển qua chức Điền tuấn mới được thiết lập, cùng với 11 người khác, trong đó có Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu, Hoàng Minh Khánh, chia nhau đi 4 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Vĩnh Trấn và Trấn Định để khuyên nhủ người nông dân ra sức làm ruộng, mộ dân lập làm điền tốt, cấp cho ruộng hoang, trâu cày, nếu không đủ thì nhà nước cho vay, sau mùa gặt thì nộp thóc trả nợ. Điều này cho thấy ngay khi mới khôi phục đất Gia Định, còn muôn vàn khó khăn trước mắt, chúa Nguyễn Ánh đã nghĩ ngay đến việc ổn định đời sống nông nghiệp của người dân, phải là một nhà lãnh đạo có óc nhìn xa trông rộng mới làm được như thế”.

Khi vua Gia Long lên ngôi và lập ra nhà Nguyễn, Lê Quang Định dùng công sức đi khảo cứu các nơi để viết cuốn “Nhất Thống dư địa chí” gồm 10 quyển, ghi chép lại đầy đủ về địa lý nước từ từ Lạng Sơn đến tận Hà Tiên.

“Đại Nam thực lục” có ghi chép nhận xét rằng:

“Phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép lấy, soạn làm 10 quyển”.

Năm 1808, Lê Quang Định đươc cử làm Thượng thư bộ Hộ kiêm coi việc ở Khâm thiên giám. Ông tận tâm với công việc, lập sổ điền, chia đất ruộng làm 5 loại để dễ dàng quản lý, ổn định việc sản xuất. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì năm 1813 ông bị bệnh nặng phải ở nhà.

Vua hay tin liền phái người đến hỏi thăm, lại tặng cả nhân sâm và quế để ông mau hồi phục. Tuy nhiên chẳng bao lâu thì ông mất khiến Vua và Triều đình rất thương tiếc. Vua cho đoàn thuyền hộ tống ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ngô Nhân Tịnh

Ngô Nhân Tịnh là người Minh Hương, ông theo học thầy Võ Trường Toản và là bạn học cùng Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu và Tổ Tông Viên Quang (về sau là Sơ tổ chùa Giác Lâm).

Ông theo giúp Nguyễn Vương, được phong chức Thị độc Viện hàn lâm, sau làm Tham tri bộ Binh.

Khi vua Gia Long lên ngôi, ông giữ chức Hiệp trấn Nghệ An vào năm 1811.

Ngô Nhân Tịnh làm quan thanh liêm mẫu mực, lo cho dân chúng. Mỗi khi dân gặp khó khăn, ông đều dâng sớ về Kinh thành xin hoãn và giảm thuế cho dân và đều được Vua chuẩn y.

Thời gian này ông cùng Đốc Học Nghệ An là Bùi Dương Lịch soạn ra tập “Nghệ An Phong Thổ Ký”.

Nhờ làm tốt công việc, năm 1812 ông được phong làm Thượng thư bộ Công kiêm Hiệp hành Tổng trấn Gia Định và được phong chức Tinh Viễn hầu.

Năm 1813, Ngô Nhân Tịnh cùng Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt cùng 13.000 quân đưa vua Nặc Chân về Cao Miên. Tuy nhiên có người vu cho ông nhận đút lót của Cao Miên, Tổng trấn Lê Văn Duyệt đưa lại y lời như thế tâu lên Vua. Vua bỏ qua không truy cứu vì không có chứng cớ nhưng từ đó không còn tin dùng nữa. Ngô Nhân Tịnh không thể giãi bày được với ai nên uất cho đến lúc mất.

Nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn đánh giá rằng:

“Trong Gia Định tam gia thi, Ngô Nhân Tĩnh là người có nhiều tâm sự trăn trở nhất và cũng là nhà thơ hay nhất. Ông làm quan tới Thượng thư mà vẫn bị vua ngờ vực, không tin tưởng. Vì sao thì chúng ta chưa rõ, song qua một bài thơ của ông, người đọc thấy ở ông có tâm trạng u uẩn chất chứ khá nặng nề.

Nửa ngọn đèn lẻ loi, giấc mông của lữ khách vừa tàn,
Nỗi tâm sự trăm năm càng khó nói ra…”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Tại sao chúng ta luôn không thể đạt được kỷ luật tự giác cao độ?”:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Mỹ cân nhắc thay đổi chiến lược răn đe hạt nhân

Mỹ sẽ xem xét việc điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân của nước…

2 giờ ago

Đồng minh của ông Trump: Ukraine có thể giúp nước Mỹ giàu có

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Ukraine có khoáng sản đất hiếm trị giá…

2 giờ ago

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ di sản văn hóa các dân tộc thiểu số

Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…

10 giờ ago

Kinh tế tuần 18-22.11: Vàng tăng phi mã, tỷ giá kịch trần

Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…

11 giờ ago

Trung Quốc tăng gấp ba lần lượng uranium nhập khẩu từ Nga

Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…

12 giờ ago

Luật sư nhân quyền TQ kể chuyện bị tra tấn bức hại vì ủng hộ Pháp Luân Công

Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…

12 giờ ago