Hà Tiên trước đây vốn là vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Đến cuối thể kỷ 17 đầu thế kỷ 18, một người Hoa là Mạc Cửu đã đến nơi đây, biến Hà Tiên thành thương cảng sầm uất và trù phú. Từ đó họ Mạc thay nhau cai quản vùng đất này.
Khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh, một số quan tướng nhà Minh không theo nhà Thanh mà chọn cách xuống phía nam, một số đến cảng Phố Hiến ở Đàng Ngoài.
Trong khi đó, một số khác chọn vào Đàng Trong và được chúa Hiền cho đến khai phá vùng Nông Nại (Đồng Nai ngày nay), trấn Định Tường (thuộc Mỹ Tho), Bàn Lân, Lộc Đã (tức Biên Hòa, Đồng Nai ngày nay). Tại những vùng này họ mở mang đất đai, lập phố chợ, giao thông buôn bán. Dần dần các tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, Indonesia đến đây ngày càng tấp nập.
Khi Hoàng đế Khang Hy dẹp loạn Tam Phiên ở Vân Nam, Quảng Đông và Phúc Kiến, một số người Hán không chịu sự đô hộ của ngoại tộc liền rời đi, trong đó có Mạc Cửu người Quảng Đông. Mạc Cửu tập hợp gia đình, binh sĩ cùng một số sĩ phu, tất cả khoảng 400 người đi xuống phương nam trú ngụ ở Kinh đô Nam Vang của Cao Miên (Tức Phnom Penh).
Tuy nhiên lúc này nội tình Cao Miên rất rối ren, Mạc Cửu lại thấy ở phủ Sài Mạt (nay là tỉnh Kampot) có nhiều dân tộc cùng định cư sinh sống như người Việt, người Hoa, người Cao Miên và người Indonesia nên đến đây lập nghiệp.
Thấy có vùng đất hoang chưa được khai phá và Triều đình không quản lý, Mạc Cửu quyết định chuyển tới. Cả “Gia Định thành thông chí” và “Đại Nam liệt truyện” đều ghi chép rằng Mạc Cửu nhờ đào được một hầm bạc nên trở nên giàu có hơn.
Mạc Cửu huy động dân khai phá thành lập thôn xã, phát triển đến tận đảo Koh Tral (tức Phú Quốc) nhưng không thu tô thuế, tổ chức cho buôn bán trao đổi sản phẩm để thu lợi, vì thế mà dân chúng nghe tiếng đến ngày càng đông, vùng đất này thời đấy được gọi là Mường Khảm (tức Hà Tiên sau này).
Dần dần ghe thuyền các lái buôn và cả người nước ngoài cũng đến mua bán khiến nơi đây ngày càng sầm uất, càng ngày càng trù phú và thịnh vượng, các phố chợ sầm uất mọc lên.
Sự trù phú của Mường Khảm cũng bay xa. Quân Xiêm La biết được đã cho quân tiến đến cướp bóc, một số người cho rằng Mạc Cửu bị bắt, sau đó ông trốn thoát được nhưng không dám về Hà Tiên ngay. Đến năm 1700 khi tình hình đã ổn, ông mới trở về Hà Tiên.
“Mạc Thị gia phả” lại ghi chép rằng:
“Tướng nước Tiêm (Xiêm La) thấy ông Thái Công (Mạc Cửu) người có vẻ hùng nghị, nên rất yêu mến, rồi dụ khéo ông đem về nước, ông bất đắc dĩ phải theo về Tiêm La. Vua thấy dung mạo ông, rất vui mừng và giữ ông ở đấy. Sau ông phải nói khéo với những bầy tôi thân cận của vua nước Tiêm, xin cho ông ra ở nơi bãi bể núi Vạn Tuế, thuộc địa của nước Tiêm. Chợt gặp lúc nước Tiêm có nội biến, ông mới ngầm đem những người dân theo ông cùng về đất Long Cả (Lũng Kỳ)”.
Mường Khảm phát triển thành thương cảng sầm uất, người Hoa ở Vịnh Thái Lan nghe tiếng cũng lần lượt đến đây xin lập nghiệp. Vùng đất này trở thành trung tâm phồn vinh với tên gọi mới là Căn Khẩu Quốc, Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc túc vùng đất giàu có.
Cùng với sự phát triển của Hà Tiên, các toán cướp cùng quân Xiêm La thường đến cướp bóc vùng này. Quân Xiêm La được trang bị chính quy khiến Mạc Cửu không thể ngăn được. Ông tính đến việc nhờ thế lực hùng mạnh giúp mình chống lại.
Lúc này Cao Miên suy yếu thường bị Xiêm La uy hiếp, trong khu vực chỉ có Đàng Trong của chúa Nguyễn mới đủ sức chống lại Xiêm La.
Năm 1708, Mạc Cửu cho người dâng thư lên chúa Nguyễn Phúc Chu xin được quy thuận, sáp nhập vùng Căn Khẩu Quốc, đảo Phú Quốc vào lãnh thổ Đàng Trong. Sách “Gia Định thành thông chí” chép rằng:
“Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy”.
Chúa Nguyễn Phúc Chu đồng ý, đồng thời cho Mạc Cửu làm Tổng binh tước Cửu Ngọc hầu trấn giữ vùng đất này. Và cho đổi tên mới là trấn Hà Tiên.
Về tên gọi Hà Tiên sách “Gia Định thành thông chí” chép rằng:
“Tương truyền ở đây thường có tiên xuất hiện trên sông, do đó mới đặt tên là Hà Tiên (tiên trên sông).”
Tuy nhiên trong cuốn “nghiên cứu Hà Tiên” của tác giả Trương Minh Đạt thì giải thích rằng: Sông Prêk Ten ngày nay thì khi xưa người Khmer gọi là Tà Ten (Tà nghĩa là sông), sau này đọc thành Hà Tiên.
Thương cảng Hà Tiên ngày một phát triển và thành cảng quan trọng của Đông Nam Á, sầm uất vượt trội so với các cảng ở Vịnh Thái Lan. Sách “Gia Định thành thông chí” mô tả rằng:
“Trước kia kinh doanh, đường phố ngang dọc, cửa nhà liên tiếp. Người Kinh, người Trung Quốc, người Cao Miên, người Chà Và (Java) theo từng loại mà họp ở. Thuyền biển, thuyền sông đi lại như mắc cửi, là một nơi đô hội miền biển”.
Năm 1735 Mạc Cửu mất, thọ 80 tuổi, con là Mạc Thiên Tứ lên kế vị, được chúa Nguyễn cho tiếp tục coi quản vùng đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ tiếp tục cho khai phá miền Tây Nam bộ, giúp Hà Tiên ngày càng phồn thịnh
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…