Tranh vẽ Antonio Stradivari. (Tranh: Viktor Bobrov, Wikipedia, Public Domain)
Đàn violin hay vĩ cầm được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại nhạc cụ nhờ vào khả năng biểu cảm độc đáo có thể mô phỏng giọng hát của con người, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc giữa nghệ sĩ và khán giả. Violin còn chiếm giữ vị trí chủ đạo trong dàn nhạc giao hưởng, là nhóm nhạc cụ đông nhất, thường đảm nhiệm giai điệu chính, trưởng dàn nhạc (concertmaster) cũng là một người chơi violin. Từ các buổi hòa nhạc trang trọng đến các bản nhạc phim hiện đại, violin hiện diện như một biểu tượng vượt thời gian, kết nối quá khứ và hiện tại. Cây đàn này cũng có một lịch sử phát triển lâu dài và đầy thú vị, bắt nguồn từ châu Âu thời Trung Cổ và đạt đến đỉnh cao tại vùng Cremona, Ý vào thế kỷ 17–18.
Trong lịch sử, có ba nhạc cụ được coi là tiền thân trực tiếp của violin gồm:
Violin được cho là đã ra đời vào khoảng đầu thế kỷ 16, kết hợp các đặc điểm kỹ thuật và thiết kế từ những nhạc cụ trên để tạo ra một nhạc cụ có âm thanh tương tự tiếng hát, và đặc biệt phù hợp với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau.
Cây đàn violin với hình dáng giống như hiện nay bắt đầu xuất hiện tại Bắc Ý vào khoảng năm 1550. Người đặt nền móng cho hình dáng và cấu trúc chuẩn mực của violin là Andrea Amati (khoảng 1505–1577), một nghệ nhân nổi tiếng ở Cremona. Ông là người đầu tiên chế tác thành công những cây đàn violin có 4 dây, sử dụng gỗ phong (cho mặt trên và cạnh), gỗ vân sam (cho mặt dưới), và thiết kế hệ thống phím đàn.
Kể từ Amati, sự thay đổi của violin chủ yếu sẽ là ở những chi tiết nhỏ được các thế hệ sau tối ưu, như độ dài cổ đàn, độ cong và độ dày mỏng của mặt đàn, các tinh chỉnh về kích thước hình dáng… Tuy nhiên về mặt tổng thể thì cây đàn violin đã được định hình. Do vậy người ta coi Amati là “cha đẻ của đàn violin”.
Amati không chỉ góp phần định hình hình dáng violin mà còn truyền dạy kỹ thuật cho thế hệ sau. Đặc biệt, cháu ông là Niccolò Amati đã hoàn thiện nhiều yếu tố âm học, đồng thời đào tạo ra hai tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử chế tác đàn violin: Antonio Stradivari và Giuseppe Guarneri.
Thế kỷ 17 và 18 là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật chế tác violin, và Cremona chính là tâm điểm. Hai cái tên nổi bật nhất vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay là Antonio Stradivari và Guarneri del Gesù.
Antonio Stradivari (1644–1737), học trò của nhà Amati, đã chế tác hơn 1.100 cây đàn trong suốt sự nghiệp của mình, trong đó khoảng hơn 600 cây còn tồn tại đến ngày nay. Các cây đàn Stradivarius nổi tiếng với âm thanh trong, thanh thoát, sắc nét và cân bằng giữa các dây, khả năng truyền âm xa và rõ. Stradivarius cũng là một nghệ nhân chú trọng đến ngoại hình của đàn, với những cây đàn khảm mang đậm tính nghệ thuật. Các cây đàn Stradivarius hiện nay được định giá hàng triệu đô la và được các nghệ sĩ violin hàng đầu săn đón.
Trong khi đó, Giuseppe Guarneri del Gesù (1698–1744) là một thành viên trong dòng họ làm đàn Guarneri. Ông là đối trọng hoàn hảo với Stradivari. Sự nổi tiếng của Stradivarius đã khiến việc làm đàn của dòng họ Guarneri gần như lụn bại. Và trong quá trình chịu đựng sự túng quẫn do việc kinh doanh sa sút, Guarneri đã đi theo một chiều hướng âm thanh hoàn toàn khác. Các cây đàn của ông được mô tả là có âm trầm mạnh mẽ, đầy nội lực, sâu lắng. Ngày nay, các cây đàn của Guarneri cũng được định giá ngang ngửa so với đàn Stradivarius. Và người ta nói rằng những nghệ sĩ nổi tiếng nhất khi mới bắt đầu đã lựa chọn đàn Stradivarius vì khả năng điều khiển dễ dàng, nhưng ở vào thời điểm kết thúc sự nghiệp lại bày tỏ lòng yêu thích đối với đàn của Guarneri vì khả năng tạo ra âm thanh như mong muốn.
Dưới đây là âm thanh của 2 cây đàn Strad và Guaneri được nghệ sĩ Augustin Hadelich sử dụng trong cùng bản Caprice số 24 gam La thứ của Niccolò Paganini:
Augustin Hadelich cũng nói rằng nguyên nhân anh chuyển qua sử dụng cây Guarneri là vì cây đàn này có thể tạo ra được âm thanh mà anh mong muốn nhưng không thể tạo ra được trên cây Strad mà anh từng sử dụng.
Sau thời hoàng kim của Cremona, nghệ thuật chế tác violin có phần chững lại. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, việc chế tác đàn violin một lần nữa hồi sinh và trở nên phổ biến trên toàn châu Âu nhờ công lao của thế hệ đi sau, mà tiêu biểu là Jean-Baptiste Vuillaume (1798–1875), một nghệ nhân chế tác đàn người Pháp.
Vuillaume là người phục dựng và sao chép lại hàng trăm cây đàn Stradivarius và Guarneri bằng kỹ thuật cực kỳ tinh vi. Ông không chỉ làm đàn mà còn là nhà sưu tầm các cây đàn cổ nổi tiếng. Nhiều cây đàn Stradivarius tồn tại đến nay chính nhờ công của Vuillaume.
Vuillaume còn cộng tác với các nghệ sĩ nổi tiếng như Henri Vieuxtemps và Joseph Joachim, giúp violin lan rộng đến các nước như Đức, Nga, Anh.
Chính nhờ Vuillaume, việc chơi violin không còn là đặc quyền của giới quý tộc, mà dần trở thành bộ môn âm nhạc phổ thông trong các học viện âm nhạc, nhà hát.
Violin đã trở thành nhạc cụ không thể thiếu trong các dàn nhạc giao hưởng, các buổi hòa nhạc cung đình, và âm nhạc thính phòng.
Kể từ thế kỷ 19, violin đã không còn chỉ xuất hiện trong âm nhạc cổ điển châu Âu. Nó thâm nhập vào âm nhạc dân gian của Ireland, Romania, Hungary, Ấn Độ. Cây đàn này cũng trở thành nhạc cụ trung tâm trong giáo dục âm nhạc toàn cầu, được dạy từ cấp tiểu học đến nhạc viện.
Cây đàn violin không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là biểu tượng của văn hóa và nghệ thuật châu Âu. Đó là những tiền thân cổ xưa như rebec, vielle đến thiết kế định hình của Amati, là sự theo đuổi thẩm mỹ và âm thanh trong sáng của Stradivari hay những âm trầm dữ dội và sâu lắng của Guarneri, violin đã trải qua một hành trình dài hàng thế kỷ để đạt đến vị trí đặc biệt trong thế giới âm nhạc. Ngày nay, tiếng đàn violin vẫn ngân vang trong các buổi hòa nhạc lớn, trong các lớp học nhạc nhỏ, và trong trái tim của hàng triệu người yêu nhạc trên khắp thế giới.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Ông Phan Đức Dũng, Vụ trưởng Vụ Quốc phòng, an ninh, đặc biệt, ngã tử…
Lực lượng cứu hộ Quảng Ninh tìm thấy thi thể nữ tại Cửa Dứa, nghi…
Cựu Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo rằng không thể thay đổi hoặc đàm…
Căng thẳng biên giới âm ỉ giữa Thái Lan và Campuchia đã bùng phát thành…
Ông Gordon Chang rằng kế hoạch về trí tuệ nhân tạo (AI) được Tổng thống…
Có nhiều loại “nghèo”, nghèo về điều kiện sống, nghèo về tinh thần và có…