Dòng họ Nguyễn thôn Cựu Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản, Nam Định) là gia tộc khoa bảng nổi tiếng, nhiều người là bậc danh y.
Cựu Hào là ngôi làng cổ, có từ thời Vua Hùng với tên gọi là Kẻ Sặt. Đến thời Lê Trung Hưng, Cựu Hào nổi tiếng bởi nhiều người đỗ đạt khoa bảng, làm ngự y trong Triều.
Theo gia phả dòng họ, cụ thủy tổ có tên hiệu là Pháp Chính từ vùng Kẻ Mơ (Hoàng Mai – ngoại thành Thăng Long) đến Cựu Hào lập nghiệp, sau đó dòng họ xuất sinh ra được nhiều bậc hiền tài.
Người đỗ khai khoa cho dòng họ là Nguyễn Xưởng, đỗ cử nhân khoa thi năm 1786, làm quan giữ chức Tả mạc trấn Kinh Bắc, Huấn đạo phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá).
Nguyễn Xưởng có 6 người con trai, 3 người con gái. Một người con gái được Vua phong cho là Liên Hoa công chúa, con trai tên là Nguyễn Truyền được cha cho theo học nghề y chữa bệnh cho dân chúng, làm nghề y nổi tiếng, được xem là danh y.
Nguyễn Truyền truyền nghề lại cho con là tú tài Nguyễn Hướng. Nguyễn Hướng vừa chữa bệnh vừa viết sách đúc kết kinh nghiệm chữa bệnh, rồi truyền lại cho con là Nguyễn Định.
Nguyễn Định vừa học y vừa theo khoa bảng, 2 khoa thi liền đỗ tú tài nên gọi là Tú kép. Ông chủ yếu theo cha nghiên cứu sâu về y lý, đúc kết nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu viết thành sách, rồi mở trường thuốc dạy cho học trò.
Nguyễn Định có 2 người con là Nguyễn Phối và Nguyễn Ninh cũng giỏi nghề thuốc. Theo Tộc phả thì năm 1888, vua Thành Thái bị bệnh hiểm nghèo, ngự y chữa không hết, nghe tin họ Nguyễn ở Cựu Hào giỏi nghề thuốc đã cho truyền vào cung. Nguyễn Định cùng hai con đã chữa khỏi bệnh cho nhà Vua.
Vua mời 3 cha con ở lại chữa bệnh trong Hoàng cung, tuy nhiên Nguyễn Định cùng Nguyễn Ninh đều từ chối. Nguyễn Phối ở lại chữa bệnh trong Hoàng cung và được phong là Điều hộ, sau 2 năm được phong là Ngự y.
Nguyễn Ninh về làng vừa chữa bệnh cho dân, vừa dạy ở trường thuốc, học trò của ông rất nhiều người thành đạt chữa bệnh cho dân chúng.
Từ đó họ Nguyễn ở Cựu Hào truyền đời làm nghề y, đến thế kỷ 20 có Nguyễn Cạnh mới 12 tuổi đã giỏi nghề y, bắt mạch chữa bệnh cho dân. Năm 1958, ông sáng lập Hội Đông y nay là Hội Y học dân tộc huyện Vụ Bản.
Tiếp nối truyền thống dòng họ, ngày nay họ Nguyễn ở Cựu Hào có 30 người là bác sĩ, giáo sư y khoa, lương y.
Một người con khác của Nguyễn Xưởng là Nguyễn Hoàn giỏi toán pháp lại thông y lý, ông kết hôn vối cô con gái của cử nhân Huấn đạo Phạm Đình Dự rồi sinh ra các con Nguyễn Thuyên, Nguyễn Thành, Nguyễn Ngọc Đường.
Nguyễn Thuyên đỗ cử nhân khoa thi năm 1825, làm quan suốt 25 năm qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Năm 1834, Nguyễn Thuyên được thăng làm Đốc học tỉnh Thanh Hóa. Do có nhiều công lao đóng góp trong việc dạy học, ông được phong làm Phụng nghi đại phu.
Đến đời vua Thiệu Trị, biết ông là người có tài, Vua cử ông làm Hàn lâm Thị giảng học sĩ, rồi gọi về kinh thành phong làm Giám sát ngự sử kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Từ đó Nguyễn Thuyên vừa giảng dạy tại trường Quốc Tử Giám, vừa vào Kinh thành dạy cho con cháu Hoàng thân quốc thích. Năm 1845 ông kiêm thêm chức Chưởng ấn kinh kỳ, năm sau Vua thăng chức ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám và đổi tên ông là Nguyễn Công Hợp.
Suốt 17 năm dạy học, Nguyễn Thuyên góp công đào tạo ra nhiều nhân tài, như các Thám hoa Phan Thúc Trực, Nguỵ Khắc Đàn, Đặng Văn Kiều; các Tiến sĩ như Bùi Thúc Kiên, Trần Huy Côn, Đặng Huy Trứ, Ngô Phùng, Đặng Văn Bá.
Nhân dịp Nguyễn Thuyên 60 tuổi, vua Tự Đức cho phép Nguyễn Thuyên mặc đại triều phục để học trò làm lễ Khánh thọ. Vua Tự Đức ban tặng cho ông khánh vàng, tự tay đề từ hai bức đại tự “Kính Trai”, “Nghĩa Phương” (Kính trọng thay sự thanh bạch giản dị, đẹp đẽ thay sự nhân nghĩa).
Năm 1853, Nguyễn Thuyên mất ở tuổi 64, vua Tự Đức thương tiếc, ban sắc chỉ phong cho ông làm “Trung thuận đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu tán trị Doãn Nguyễn Hầu”. Hàng trăm học trò của ông làm quan trọng ngoài Triều đều đến đưa tiễn thầy.
Nhớ ơn thầy, học trò của ông đã xây dựng từ đường sớm hôm thờ phụng thầy. Văn bia từ đường ca ngợi ông là người thanh liêm giản dị suốt đời chuyên tâm dạy học, mong có nhiều học trò đỗ đạt phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Họ Nguyễn ở Cựu Hào còn có Nguyễn Văn Tính sinh năm 1860, thông minh từ nhỏ. Khoa thi năm 1890 Nguyễn Văn Tính dự kỳ thi Hương và đỗ loại ưu, được đặc cách không dự kỳ thi Hội mà vào thẳng kỳ thi cuối cùng là thi Đình.
Nguyễn Văn Tính thi đỗ cao nên được dân chúng gọi là “ông Tú Trạng”. được nhà Vua ban tặng biển gỗ thếp vàng 4 chữ “Ấn tứ vinh quy” cùng cờ vải đỏ có chữ vàng “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”.
Dù được bổ nhiệm làm quan, nhưng nhận thấy Triều đình quy thuận người Pháp, năm 1907 Nguyễn Văn Tính từ quan tham gia “Đông kinh nghĩa thục”, mở lớp dạy học và chữa bệnh miễn phí cho dân chúng, lại giúp dân làm nông.
Nguyễn Văn Tính nổi tiếng hay chữ nên thường hay được mời viết bi ký, câu đối, đại tự cho các đền miếu. Ông cũng có các tác phẩm như Thiên Bản lục kỳ ký, Thiên Bản diên cách chí, Minh kính chí.
Nguyễn Văn Tính mất năm 1930, năm 1931 con cháu đã xây dựng từ đường thờ ông. Hiện nay từ đường vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa như sắc phong, bằng cấp, cờ, biển, câu đối, đại tự.
Hàng năm tại từ đường Nguyễn văn Tính, lớp con cháu của hòng họ Nguyễn ở Cựu Hào đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của nhà khoa bảng, danh y trong dòng họ, đồng thời là dịp tưởng nhớ và học hỏi theo lời dạy của tổ tiên.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…