Hoàng Đôn Hòa: Truyền kỳ về một danh y của nước Việt
- Trần Hưng
- •
Vào thời kỳ Nam Bắc Triều, tương truyền rằng năm 1533 có bệnh dịch tràn lan khắp nơi, nhiều người chết, ngay cả gia súc cũng chết hàng loạt, nhiều thầy lang không hiểu rõ là bệnh gì. Sau đó người dân lan truyền một bài thuốc rất kỳ diệu có thể trị khỏi bệnh, nhưng bài thuốc này lại rất đơn giản, chỉ là loại lá cây mọc ven đường, rất dễ kiếm. Nhờ bài thuốc này mà chẳng mấy chốc dịch bệnh hết. Lúc này người dân mới truyền nhau rằng người nghĩ ra bài thuốc này là lương y Hoàng Đôn Hòa ở làng Đan Khê (nay là làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Đam mê thảo mộc từ nhỏ
Vào đầu thế kỷ 16, dưới mái tranh nghèo làng Đan Khê, Hoàng Đôn Hòa được sinh ra và lớn lên. Từ nhỏ cậu bé Đôn Hòa đã ham mê tìm hiểu cây cỏ, thường hỏi han các cụ trong làng, rồi dần dần biết rõ dược tính của các loại cây khắp miền.
Lớn lên Đôn Hòa thi đỗ Giám sinh nhưng ông không muốn ra làm quan mà chỉ dạy học trong làng. Đồng thời ông thực hiện ước mơ ấp ủ từ bé là được hành nghề y chữa bệnh cho người.
Khi dịch bệnh tràn lan khắp nơi vào năm 1533 dưới thời vua Lê Trang Tông, bài thuốc đơn giản lại dễ tìm của ông đã đẩy lui dịch bệnh. Ông cũng phát thuốc, chu cấp gạo tiền cho người dân, cứu sống được nhiều người. Người dân xem ông như Hoa Đà, Biển Thước tái thế, coi ông là phúc tinh, danh tiếng ông cũng vang xa.
Nên duyên với công chúa
Về sau tại kinh thành, có một vị công nương lâm bệnh nặng, các quan ngự y trong Triều lần lượt đến nhưng bệnh không thuyên giảm. Vua rất lo lắng, cho mời nhiều danh y giỏi đến, nhưng họ đều bó tay. Có người trong triều liền tâu lên rằng ở Đan Khê có Hoàng Đôn Hòa chữa bệnh nổi tiếng, dập tắt dịch bệnh, nhiều người được chữa khỏi.
Vua liền cho người đến tận nơi mời Đôn Hòa chữa bệnh. Nhờ tài năng của ông, bệnh của vị công nương kia đã khỏi. Vua mến tài Đôn Hòa, bèn gả một vị công chúa tên là Phương Anh cho ông.
Mặc dù được gả công chúa nhưng Hoàng Đôn Hoà không ham giàu sang phú quý, mà xin Vua cho được về quê chữa bệnh cho dân nghèo, vì nơi đó cần đến mình hơn. Vua cố giữ ông nhưng không được.
Công chúa Phương Anh cũng xin Vua được về quê cùng chồng, đổi tên thành Phương Dung, bỏ lại sự giàu sang phú quý của một công chúa, về làng Đan khê dưới mái nhà tranh.
Về làng Đan Khê, công chúa sống hòa thuận cùng dân làng, trở thành nàng dâu hiếu thuận được dân làng quý mến.
Đôn Hoà chỉ dạy lại y thuật cho công chúa, nhờ đó kiến thức của Phương Dung ngày càng cao. Công chúa cùng chồng bào chế thuốc cứu chữa cho dân làng. Thời gian này Hoàng Đôn Hòa cũng viết xong cuốn “Hoạt nhân toát yếu” với hơn 300 bài thuốc cùng bài tập dưỡng sinh. Cuốn sách này trở thành trở thành tài liệu quý báu của những lương y sau này.
Lập công được phong Hầu
Đến đời vua Lê Thế Tông, quân nhà Mạc chiếm đóng Thái Nguyên, triều đình muốn cất quân đi đánh nhưng e ngại nơi đây lam sơn chướng khí khiến binh lính bị bệnh. Năm 1574, Vua trưng tập Hoàng Đôn Hòa đi phục vụ quân sĩ, giữ chức Điều bộ lục quân.
Đôn Hòa dùng thuốc hoàn tán chế sẵn cùng các vị thuốc có ở địa phương để chữa bệnh cho binh sĩ và người dân khỏi bị sốt rét và thổ tả. Trong khi đó, công chúa Phương Dung cùng những người giúp việc liên tục cấp phát thuốc men.
Cuối cùng quân nhà Lê cũng thắng trận trở về. Hoàng Đôn Hòa được thăng chức Thị nội Thái y viện thủ phiên, đứng đầu coi việc chữa bệnh trong cung. Ngoài ra ông còn được phong tước Lương Dược Hầu.
Tuy vậy, Đôn Hòa không muốn lưu lại kinh thành mà xin trở về quê, vua Lê Thế Tông nài không được. Đôn Hòa về quê nhà, mở lớp dạy học trò và đi khắp nơi chữa bệnh cho thiên hạ.
Ngày nay Viện nghiên cứu Hán Nôm vẫn lưu giữ một số bài thuốc của Hoàng Đôn Hoà. Ngoài ra nhiều bài thuốc của ông còn được ghi chép trong cuốn “Hoạt nhân toát yếu”.
Tưởng nhớ
Sự tận tình tìm thuốc quý chữa bệnh cho dân của Hoàng Đôn Hòa và công chúa Phương Dung được người dân làng Đa Sỹ lưu truyền đến nay. Công chúa Phương Dung không quản khó nhọc cùng chồng lội suối lên non tìm cây thuốc quý đưa về trồng, lại chăm chỉ bào chế thuốc.
Hoàng Đôn Hoà không chỉ quan tâm đến thuốc trị bệnh, ông cũng coi trọng khí công, nhắc đến phép thanh tâm quả dục để dưỡng sinh. Những điều này đều có trong cuốn sách “Hoạt nhân toát yếu”.
Sau khi vợ chồng Hoàng Đôn Hòa mất, người dân lập miếu thờ, dân làng ghi tạc 3 bức hoành phi “Âm dương hợp đức”, “Lương y quốc”, “Thọ tư dân”. Nhiều câu chuyện về hai vợ chồng danh y được người dân nhớ mãi. Người dân xem ông như “Dược vương” và khắc câu đối thờ Hoàng Đôn Hoà:
Trung nhạc giáng thần, hộ quốc huân cần lưu yếu diệm.
Dược vương xuất thế, hoạt nhân công đức mẫn hoàn doanh.
Nghĩa là:
Thần trung nhạc giáng sinh giúp nước ân cần lưu phương châu ngọc.
Dược vương xuất thế cứu người công đức khắp cõi bao la.
Sau khi Hoàng Đôn Hoà mất, cuốn “Hoạt nhân toát yếu” phát huy tác dụng chữa bệnh trong dân gian. Các Triều đại Lê Trung Hưng và nhà Nguyễn đã sắc phong cho Hoàng Đôn Hòa là “Lương dược đại vương”, công chúa Phương Dung là “Từ thục trinh ý kỵ nương”. Còn nhiều các sắc phong nữa, tổng cộng có 42 sắc phong của các đời Vua khác nhau.
Tương truyền rằng hai thế kỷ sau, một học trò kế thừa các bài thuốc của Hoàng Đôn Hòa là Trịnh Đôn Phác cũng một lần nữa vang danh thiên hạ. Trịnh Đôn Phác chữa khỏi nhiều chứng bệnh nan y cho người dân, được làm Thủ phiên tại Thái y viện. Trong lần đi sứ, ông đã trổ tài chữa được bệnh nan y tại triều đĩnh Mãn Thanh. Có nơi nói là chữa cho Hoàng đế Càn Long, có nơi nói là chữa cho Hoàng hậu, nơi lại nói là chữa cho người trong hoàng thất. Trịnh Đôn Phác nhờ việc này mà được phong Lịch thế y.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử danh y