Vào thế kỷ 17, 18 thời chúa Nguyễn, Hội An là thương cảng sầm uất, giao thương nhộn nhịp với các khu phố dành cho người nước ngoài, được đánh giá là thương cảng tiêu biểu của châu Á.
Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho lập trấn dinh Quảng Nam, đồng thời cho con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên trông coi vùng dất này.
Năm 1604, chúa Nguyễn Hoàng chia tách, sắp đặt lại hệ thống hành chính ở Thuận – Quảng. Thời điểm này trên các đồ tịch, thư tịch, bia ký xuất hiện tên làng, xã Hội An như “Thiên Nam Tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá Vẽ; bia “Phổ đà sơn linh trung Phật” ghi tên và địa chỉ những người góp tiền xây chùa, có những người ở làng, xã Hội An.
Thời kỳ này ở Hội An người dân chủ yếu sống bằng nghề lúa nước, trồng hoa màu và cây ăn trái. Dựa vào địa thế sông ngòi chằng chịt thông ra biển nên việc đánh bắt hải sản cũng rất tấp nập. Ngoài ra ở đây còn có nghề gốm, dệt, mộc…
Hội An gần nơi hợp lưu của ba con sông Thu Bồn, Cổ Cò và Trường Giang trước khi đổ ra cửa biển Đại Chiêm, vì thế mà thuận lợi buôn bán. Các chợ và bến thuyền hình thành để buôn bán trao đổi giữa các làng với nhau và với thuyền buôn nước ngoài.
Năm 1613, chúa Nguyễn Hoàng mất, con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay. Chúa ban hành rất nhiều chính sách về dân sự nhằm xây dựng chính quyền Đàng Trong hùng mạnh cũng như ổn định cuộc sống dân chúng. Người dân tin yêu gọi là chúa Sãi, chúa Bụt.
Chúa Sãi cho mở hải cảng ở Quảng Nam để thông thương với nước ngoài, trong đó cảng Hội An là lớn nhất, đồng thời viết thư mời các thương nhân nước ngoài đến buôn bán.
Người Hoa đến đây giao thương sớm nhất, do ở phía nam Trung Quốc rất cần những mặt hàng như muối, vàng, quế…
Nhiều ghi chép lịch sử cho thấy Hội An nằm ở ngã tư quốc tế khi nằm trên giao lộ hải trình từ tây sang đông, từ bắc xuống nam. Các lái buôn người Hoa, Nhật Bản và người phương Tây bị cuốn hút bởi các sản vật như trầm hương, kỳ nam, vàng bạc, tổ yến, sừng tê giác, ngà voi, tơ lụa, mía đường, khoáng sản… Những người Hoa cũng đến nơi đây định cư, trở thành cư dân quan trọng thứ hai (sau người Việt), hình thành phát triển Hội An thành thương cảng nổi tiếng.
Thời kỳ này, nhà Minh cho phép giao thương với các nước Đông Nam Á, nhưng lại cấm xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng sang Nhật Bản. Vì thế Mạc Phủ cho các thuyền Châu Ấn của mình đến giao thương với Đông Nam Á và mua các vật liệu cần thiết của Trung Quốc. Nơi thuyền Châu Ấn của Nhật giao thương nhiều nhất chính là cảng Hội An.
Rất nhiều thương gia Nhật Bản và phương Tây đã đến giao thương, biến Hội An thành đô thị, hải cảng quốc tế tiêu biểu ở châu Á. Các khu phố người nước ngoài được hình thành ở Hội An, mà sớm nhất chính là Khu phố của người Hoa và người Nhật.
Năm 1617, khu phố người Nhật được hình thành và phát triển đến cực thịnh, qua bức họa “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” của Chaya Shinroku có thể thấy tòa nhà 2,3 tầng bằng gỗ.
Về việc hình thành khu phố của người Hoa và người Nhật, một người phương Tây là Giáo sĩ Cristophoro Borri có ghi chép rằng:
Vào năm 1618, “vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn đã cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ với số người của họ để dựng lên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng ta có thể nói có hai thành phố, một của Trung Quốc, một của Nhật Bản. Họ sống riêng biệt đặt quan cai trị riêng và theo phong tục tập quán của mỗi nước”.
“Người Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”.
“Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.
Năm 1621, Cristophoro Borri có ghi chép rằng: Đàng Trong khi ấy hơn 100 dặm (một dặm bằng 1,6 km) có hơn 60 cảng đều thuận tiện cập bến. “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và là nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán. Thành phố này gọi là Faifo”
Theo ghi chép từ năm 1651 của thuyền trưởng người Hà Lan Delft Haven thì có 60 căn nhà người Nhật ở bờ sông, nhà được xây bằng đá để tránh hỏa hoạn.
Với chính sách thông thoáng khuyến khích giao thương của chúa Nguyễn, Hội An ngày càng phát triển, các nước phương Tây đến giao thương ngày càng đông. Việc giao thương với các nước phương Tây cũng có mâu thuẫn nhưng chúa Nguyễn không e ngại hay bênh vực nước nào, không khiến việc giao thương bị ảnh hưởng.
Cristophoro Borri cũng có ghi chép rằng khi nhiều tàu của Hà Lan đến đây, đối thủ là người Bồ Đào Nha phản ứng:
“Vì thế người Bồ ở Macao mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan là địch thủ của họ”.
“…Tuy nhiên, phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán với nước ông. Các sứ giả phải nại nhiều lý do mới được như ý sở cầu”.
Việc giao thương với người Nhật lên đến cực thịnh cho đến năm 1635 thì Mạc phủ Tokugawa thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng. Việc này khiến giao thương của Nhật ở Hội An cứ lu mờ dần, người Hoa dần thay thế vai trò của người Nhật.
Sau khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh, người Hoa chọn đến Đàng Trong rất nhiều, dần dần thay thế người Nhật trong việc giao thương buôn bán, ngoài ra các tàu buôn của phương Tây cũng đến giao thương nhiều.
Khu phố sầm uất dọc bờ sông kéo dài 3-4 dặm (khoảng 6 km), dân cư ở đây chủ yếu là người Phúc Kiến ăn mặc theo trang phục nhà Minh. Nhiều người Hoa khi đến đây đã kết hôn với người Việt.
Năm 1695 một người Anh là Thomas Bowyear của Công ty Đông Ấn đến Hội An đã rất ấn tượng, nên đã đàm phán với chúa Nguyễn xây dựng một phu phố của người Anh nơi đây, tiếc rằng việc đàm phán không thành, nhưng có để lại ghi chép rằng:
“Khu phố Faifo này có một con đường nằm sát với sông. Hai bên đường có khoảng 100 ngôi nhà xây dựng san sát nhau. Ngoại trừ khoảng bốn năm ngôi nhà là của người Nhật còn lại toàn bộ là của người Hoa. Trước kia, người Nhật đã từng là cư dân chủ yếu của khu phố này và là chủ nhân phần lớn của các hoạt động thông thương ở bến cảng Hội An. Bây giờ, vai trò thương nghiệp chính đã chuyển sang cho người Hoa. So với thời kỳ trước thì không được sầm uất, nhưng hàng năm ít nhất cũng có từ 10 đến 12 tàu của các nước Nhật Bản, Quảng Đông, Xiêm, Campuchia, Manila, và có cả tàu của Indonesia cũng đến cảng thị này.”
Cũng trong năm 1695, thiền sư =Thích Đại Sán khi đến đây đã gi lại trong cuốn “Hải ngoại ký sự” của mình rằng:
“… xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại cửa Hội An… Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi xôn xao, kẻ gánh gồng, người ta đi chợ từ sáng… ở đây rau quả, cá, tôm họp mua bán suốt ngày”
Việc giao thương ở Hội An cũng giúp cho nhiều ngành nghề phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa như nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, khai thác và sơ chế lâm thổ sản, v.v… Đồng thời, hệ thống giao thông cũng được phát triển.
Hội An trở thành thương cảng sầm uất bậc nhất, được đánh giá là thương cảng tiêu biểu của châu Á, nổi tiếng thế giới.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…