“Giới tử thư” là điều Gia Cát Lượng viết để gửi cho con trai là Gia Cát Chiêm chỉ một năm trước khi ông qua đời. Toàn bộ bức thư chỉ có hơn 80 chữ, nhưng lại trở thành một trong những bức thư gửi con nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ đại, cũng là một trong những gia huấn giáo dục con tinh giản, ngắn gọn nhất.
Gia Cát Lượng không chỉ có một cuộc đời phi phàm khi còn sống, mà danh tiếng của ông còn lưu truyền mãi đến tận ngày nay. Hậu duệ của Gia Cát Lượng đời đời đều xuất hiện nhân tài. Thôn Gia Cát bố cục thần kỳ, suốt vài trăm năm đều may mắn thoát nạn khói lửa binh đao, người trong thôn đa số thuần phác thiện lương, giỏi văn, giỏi trị liệu. Có thể nói là dòng họ Gia Cát đời đời đều có phúc.
Nhắc đến gia huấn của dòng họ này, thì không thể không nói tới “Giới tử thư”, bức thư chỉ hơn 80 chữ mà Gia Cát Lượng gửi cho con trai một thời gian ngắn trước khi ông qua đời. Nội dung của nó tuy ngắn gọn, nhưng lại có ảnh hưởng sâu rộng tới con em trong họ:
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi. Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học. Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học. Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính. Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời. Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn.”
Bản dịch của dịch giả Nam Phương
Nguyên văn:
“Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phù học tu tĩnh dã, tài tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học. Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính. Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế. Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập!”
Gia Cát Lượng khuyên con rằng, đạo của người quân tử không nằm ngoài việc “tu thân”, “dưỡng đức”. Muốn tu thân cần phải tĩnh tâm, muốn dưỡng đức cần phải cần kiệm. Tĩnh tâm tu thân thì mới có thể nhìn xa trông rộng. Cần kiệm dưỡng đức thì mới có thể nuôi chí lớn.
Muốn thành tài thì cần nỗ lực học tập, mà để được như vậy thì tâm cần phải tĩnh. Tâm tĩnh mới không bị ảnh hưởng bởi ngoại vật, không bị ảnh hưởng bởi lòng tham. Đạo học không phải là để làm quan, càng không phải là để lợi dụng địa vị có được mà phát tài. Đạo học cũng không giới hạn ở việc biết được một vài kỹ năng kỹ thuật, có được kiến thức ở các phương diện chuyên môn nào đó như ngày nay thường thấy. Bởi vì “học cần tâm tĩnh”, mà “tĩnh để tu thân”, nên học tập chính là quá trình tu thân vậy.
Bởi vì là quá trình tu thân, nên muốn học cần phải có chí lớn, phải kiên trì bền bỉ, không thể giữa đường đứt gánh, cũng không có đường tắt trong nghiệp học. Do đó “biếng nhác” và “nóng nảy” chính là hai tính xấu ngăn trở con đường thành tựu cuộc đời.
Người không chú trọng “tu thân”, “dưỡng đức”, thì cả đời sẽ theo đuổi những thứ phù du – tiền tài danh lợi – thậm chí đến khi về già nhiều người vẫn không thể ngộ ra, vẫn mệt mỏi trong vòng xoáy cuộc đời. Cuối cùng thân tâm rã rời như ngôi nhà rách tả tơi, trong lòng trống rỗng, hối hận thì đã muộn.
Trong guồng quay hiện đại gấp gáp này, người ta thật khó mà giữ tâm tĩnh lặng, mọi sự đều quá vội vàng, lời nói việc làm đều là “tự thị nhi phi” (tưởng là vậy mà thực ra không phải vậy), vạn sự vạn vật đều thiếu khuyết linh hồn, mất mát lương tri. Quả thật là đáng thương, cũng thật là đáng sợ…
Quang Minh
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…