Lê Văn Hưu là nhà sử học nổi tiếng thời Trần. Ông là tác giả bộ “Đại Việt sử ký” – bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam.
Lê Văn Hưu là người làng Thần Hậu, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Xã Thiệu Trung xưa kia vốn là đất của cụ tổ khai sáng dòng họ Lê, là quan trấn quốc bộc xạ Lê Lương thời Đinh Tiên Hoàng. Lê Văn Hưu là cụ tổ đời thứ 7 của dòng họ này.
Theo cuốn Lê Thị gia phả thì Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần 1230, thuở nhỏ là người khôi ngô, tuấn tú, tư chất thông minh. Có một giai thoại về ông như thế này:
Một hôm đi ngang qua lò rèn, thấy người thợ đang rèn những cái dùi sắt, cậu bé Lê Văn Hưu muốn xin một cái về để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy cậu bé mới tí tuổi đầu đã chăm lo việc học hành, bèn ra một vế đối để thử tài như sau:
“Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở.”
Lê Văn Hưu liền đối lại rằng:
“Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.”
Người thợ rèn ngạc nhiên khen ngợi mãi rồi tìm một cái dùi đẹp nhất tặng cho cậu bé.
Tất nhiên, thời đó nước ta dùng chữ Hán, chữ Nôm, chứ không dùng chữ latin như hiện tại, các thanh điệu và từ láy cũng khác, nên vẫn cần phải kiểm chứng bằng bản tiếng Hán (nếu có) mới có thể khẳng định giai thoại này.
Năm Đinh Mùi 1247 thời vua Trần Thái Tông, triều đình tổ chức khoa thi, đây là khoa thi lần đầu tiên có danh hiệu tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa).
Năm ấy nước ta có được vị trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi, nhỏ tuổi và nổi tiếng với nhiều giai thoại còn lưu truyền đến tận ngày nay. Đồng thời, Lê Văn Hưu 18 tuổi cũng đỗ bảng nhãn, tức chỉ sau trạng Hiền.
Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được giữ chức Kiểm pháp quan, Đinh bộ thượng thư, rồi sau được thăng làm Hàn lâm học sĩ kiêm Giám tu ở Quốc sử viện.
Ông được vua Trần Thái Tông tin tưởng cho làm thầy dạy trực tiếp cho hoàng thân quốc thích, trong đó có con trai vua là Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải. Sau này Trần Quang Khải trở thành thừa tướng đầu triều các đời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông.
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu biên soạn “Đại Việt sử ký”, được xem là bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam.
“Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển được hoàn thành vào năm 1272, ghi lại những sự kiện quan trọng chủ yếu suốt 15 thế kỷ của đất nước, từ thời đại Triệu Đà tới thời Lý Chiêu Hoàng. Sau khi hoàn tất ông được nhà vua khen ngợi và phong thưởng.
Sau khi quân Minh xâm chiếm Đại Ngu (tên nước thời nhà Hồ) đã đem cuốn “Đại Việt sử ký” sang Trung Quốc. Đến thời nhà Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên căn cứ vào bộ “Đại Việt sử ký” cùng các cuốn sử khác để viết thành “Đại Việt sử ký toàn thư”, còn cuốn “Đại Việt sử ký” đến nay đã thất lạc.
Trong “Đại Việt sử ký ngoại kỉ toàn thư” Ngô Sĩ Liên đã đánh giá như sau:
“Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi.”
Sách “An Nam Chí Lược” của Lê Tắc có đoạn đánh giá về Lê Văn Hưu như sau:
“Lê Văn Hưu vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu Minh Vương, đổi làm Kiểm Pháp Quan, sửa sách Việt chí”
Lê Văn Hưu mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất (tức 9 tháng 4 năm 1322), thọ 92 tuổi. Mộ ông được an táng ở cánh đồng Mả Giòm, thuộc địa phận xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay mộ vẫn còn tấm bia được dựng từ thời vua Tự Đức ghi lại tiểu sử và công lao của ông.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…