Lịch sử từ Panduranga đến Bình Thuận

Panduranga là tên của một vị thần trong tín ngưỡng Chăm Pa, cũng là tên vương quốc của người Chăm Pa, có lịch sử từ xa xưa, trải qua giai đoạn lâu dài, đến thời chúa Nguyễn thì trở thành lãnh thổ của Đàng Trong, ngày nay là các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận.

Lịch sử xa xưa

Panduranga có lịch sử từ xa xưa, sau đó trở thành một chư hầu của Đế quốc Phù Nam. Sau khi Phù Nam bị người Khmer diệt, người Chăm Pa đã có cơ hội xây dựng Vương quốc Lâm Ấp hùng mạnh rộng lớn. Nhưng khi người Chăm Pa sang nhà Đường cống nạp xin thần phục thì nhà Đường lại gọi tên cũ là Panduranga, tiếng Hán thì gọi là Hoàn Vương, mang ý nghĩa vương quyền trở về quê cũ.

Đến thế kỷ thứ 9, Đế quốc Khmer lớn mạnh hùng bá khắp nơi. Từ năm 854 đến 875, Đế Quốc Khmer nhiều lần xâm chiếm và cướp phá Panduranga.

Sau này Panduranga giành được độc lập và được đổi tên thành Campapura, nghĩa là đất nước của người Chăm, tiếng Tây phương gọi là Champa, tiếng Việt gọi là Chiêm Thành.

Vua Lê Thánh Tông tiến đánh Chiêm Thành

Tháng 8 âm lịch năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt, sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép như sau:

“Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp”.

Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông cấp tốc chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Ngày 5 tháng 2 âm lịch năm 1471, Trà Toàn sai em của mình cùng 6 tướng dẫn 5 vạn quân đến đánh doanh trại Đại Việt. Ngày 6 vua Lê sai 3 vạn quân bí mật vào cửa biển Sa Kỳ để chặn đường quân Chiêm rút về; đồng thời sai tướng Nguyễn Đức Trung đưa quân đến chân núi mai phục.

Khi 5 vạn quân Chiêm đến, vua Lê Thánh Tông cho quân đánh trống trận, giương cao cờ, ba quân hò reo khí thế dậy đất. Thấy quân Việt rất đông, sĩ khí lại rất hăng, quân Chiêm vội rút vào thành Chà Bàn, nhưng quân Việt bố trí mai phục sẵn xông ra đánh khiến quân Chiêm bị tử trận rất nhiều.

Ngày 27 vua Lê cho quân đánh tan quân Chiêm ở thành Thị Nại. Ngày 28 quân Đại Việt tiến đến Kinh thành Chà Bàn, bao vây nhiều vòng. Dù Trà Toàn nhiều lần đem lễ vật xin hàng, nhưng vua Lê Thánh Tông quyết phải bắt sống Trà Toàn nhằm giải quyết triệt để mối họa ở phương nam.

(Tranh minh họa của Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Quân Đại Việt đóng thang để vượt tường thành, đồng thời cũng phá được cửa đông và tiến vào thành. 4 vạn quân Chiêm bị tiêu diệt, 3 vạn quân cùng vua Trà Toàn bị bắt. Trà Toàn bị giải về Nghệ An, nhưng trên đường do lo lắng quá đã sinh bệnh mà chết.

Tướng Chiêm là Bô Trì Trì tự xưng Chúa, rồi cho người mang lễ vật đến xin thần phục vua Lê.

Vua Lê Thánh Tông cho sáp nhập vùng đất phía bắc đèo Cù Mông vào lãnh thổ Đại Việt, tức vùng đất thuộc Quảng Nam ngày nay. Vùng đất còn lại phía nam đèo Cù Mông được chia làm 3 nước là ba nước Hoa Anh (Phú Yên ngày nay), Nam Bàn (Tây Nguyên ngày nay) và Đại Chiêm.

Đại Chiêm chính là vùng đất thuộc hai xứ Kauthara (Khánh Hòa nay) và Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), vua Lê phong cho Bô Trì Trì làm Vương ở Đại Chiêm. Sau này Hoa Anh được sáp nhập vào Đại Chiêm.

Mối quan hệ với chúa Nguyễn

Năm 1558, Nguyễn Hoàng làm trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam, được tôn là chúa Nguyễn, sau đó thực hiện chính sách khai khẩn dần vào phương nam. Vùng đất Thuận-Quảng nhờ đó dần dần được mở rộng và sung túc, biên giới mở rộng đến Bình Định giáp với Chiêm Thành.

Năm 1578, Chiêm Thành đưa quân vượt biên giới đánh chiếm vùng đất của chúa Nguyễn. Lương Văn Chánh vâng lệnh Chúa đưa quân chặn lại và đánh bại quân Chiêm. Quân Chiêm thua trận bỏ chạy, Lương Văn Chánh cho quân đuổi theo vượt biên giới tiến vào vùng đất Hoa Anh, tiến đánh thành An Nghiệp, đây là một trong những kinh thành đồ sộ và kiên cố nhất trong lịch sử Chiêm. Dù thế quân chúa Nguyễn vẫn hạ được thành, đẩy quân Chiêm về phía nam.

Sau chiến thắng ngày, người Việt tiếp tục nam tiến, di dân đến vùng đất Hoa Anh khai phá đất đai, dựng làng mở xóm. Dù người Việt có công khai phá vùng đất nơi đây thành trù phú, nhưng chỉ là dân cư ngụ chứ chưa có địa vị làm chủ thật sự. Quân Chiêm thường tiến đánh đuổi và giết những người Việt cư trú nơi đây.

Năm 1611, Chiêm Thành lại cho quân quấy rối vùng biên giới Hoa Anh, chúa Nguyễn sai viên tướng ngươi Chiêm là Văn Phong tiến đánh quân Chiêm bảo vệ người Việt, chiếm giữ luôn vùng đất Hoa Anh, sáp nhập vào lãnh thổ vùng đất này và đổi tên Hoa Anh thành Phú Yên. Đồng thời chúa Nguyễn cũng cho quân đến bảo vệ Bãi Cát Vàng (nay gọi là quần đảo Hoàng Sa) trên biển Đông.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép sự kiện này như sau:

“Tân hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự là Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy.”

Mất vùng đất Hoa Anh, Chiêm Thành chỉ còn lại Panduranga.

Xây dựng vương quốc hùng mạnh

Năm 1627, Po Rome lên ngôi Vua của Chiêm Thành, vua Po Rome giúp người Chiêm đoàn kết thành một khối thống nhất, văn hóa phát triển rực rỡ. Vua cho xây dựng đập thủy lợi MaRen (thuộc Ninh Thuận ngày nay).

Nền thương mại của vương quốc lúc nãy cũng phát triển rực rỡ, không chỉ giao thương với các nước trong khu vực mà với cả các nước châu Âu, xuất khẩu được các mặt hàng quý hiếm như kỳ nam, trầm hương, v.v…

Xây dựng được một đất nước có văn hóa, thương mại, kinh tế phát triển, Chiêm Thành đã hùng mạnh hơn, lúc này vua Po Rome tính tiếp đến chuyện lấy lại các vùng đất cũ đã mất, mà đối trọng chủ yếu là chúa Nguyễn. Thông qua quan hệ, Chiêm Thành muốn có được liên minh quân sự với các nước ở vùng Mã Lai, nhập khẩu vũ khí phương Tây, xây dựng quân đội hùng mạnh.

Cuộc hôn nhân giúp chúa Nguyễn hòa hoãn với Chiêm Thành

Năm 1620, chúa Trịnh vô cớ gây chiến nên chúa Nguyễn quyết định hoàn toàn đoạn tuyệt với việc nộp cống thuế cho Đàng Ngoài. Mối quan hệ Đàng Trong – Đàng Ngoài ngày càng xấu đi.

Năm 1627, chúa Trịnh Tráng thống lĩnh 20 vạn đại quân theo 2 đường thủy bộ tiến đánh Đàng Trong nhưng không sao vượt qua phòng tuyến quân chúa Nguyễn.

Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên trả lại sắc lệnh cho chúa Trịnh Tráng, đánh dấu mốc chuyển từ chính quyền địa phương thành chính quyền độc lập.

Từ đó Chúa Trịnh luôn tìm cơ hội để đem quân tiến đánh Đàng Trong.

Do phải đưa quân chủ lực chặn quân Trịnh phía bắc, chúa Nguyễn lo Chiêm Thành ở phía nam tiến đánh thì Đàng Trong có thể gặp nguy cơ 2 đầu thọ địch. Đồng thời, việc Chiêm Thành ngày càng mạnh mẽ, mua được vũ khí của phương Tây cũng khiến chúa Nguyễn chú ý. Quân sư Đào Duy Từ hiến kế để chúa Nguyễn gả công chúa cho vua Po Rome, hòa hoãn với Chiêm Thành, giữ yên biên giới phía nam.

(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trong “Lược sử dân tộc Chăm” có ghi chép rằng chúa Nguyễn cho con gái là công nữ Ngọc Khoa theo một đoàn thương gia đến Chiêm Thành buôn bán hàng hóa. Vua Po Rome mê mẩn trước sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Ngọc Khoa.

Ngọc Khoa là em gái của công nữ Ngọc Vạn, là người nổi tiếng đẹp tuyệt trần lúc đó, chúa Sãi quyết định gả con cho vua Po Rome. Cuốn “Nguyễn Phúc tộc thế phả” ghi chép rằng: “Năm Tân Mùi (1631) bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (chúa Sãi) gả cho vua Chiêm Thành là Po Rome. Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước Việt-Chiêm được tốt đẹp”.

Từ đó chùa Nguyễn yên tâm ở phương nam không còn lo Chiêm Thành bất ngờ tấn công phía sau nữa, chỉ lo đưa quân phòng thủ phía bắc ngăn quân chúa Trịnh

Vua Po Rome chặt cây Kraik

Trong lịch sử Chăm Pa, vua Po Rome được xem là vị Vua anh minh giúp Chăm Pa cường thịnh. Tuy nhiên sai lầm của Vua khiến Chăm Pa thảm bại và phải lệ thuộc vào Đàng Trong của chúa Nguyễn.

Khi vào cung, công nữ Ngọc Khoa lấy tên Chăm Pa là Bia Ut Yuôn. Trước đó vua Po Rome đã có 2 người vợ là hoàng hậu chánh thất Bia Than Cih và thứ hậu Bia Than Can. Nhưng chỉ một thời gian ngắn Ngọc Khoa đã khiến cả hoàng hậu chánh thất Bia Than Cih và thứ hậu Bia Than Can phải vào hậu cung.

Theo cuốn “Lược sử dân tộc Chăm” thì sau một thời gian Ngọc Khoa trở thành Hoàng hậu Chiêm Thành, đột nhiên sau đó việc buôn bán với Bồ Đào Nha bị dừng lại mà không rõ lý do vì sao, cũng không rõ có liên quan đến Ngọc Khoa hay không.

Thời gian này người Việt đi qua Panduranga để đến vùng Thủy Chân Lạp (bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay) để khai phá và định cư rất nhiều, hẳn đã có sự giúp đỡ của Ngọc Khoa nên người Việt mới có thể đi qua Panduranga dễ dàng.

Còn có một chuyện kể thế này. Ở Chiêm Thành, cây Kraik linh thiêng, người Việt gọi là là cây Vắp (ở Sài Gòn có quận Gò Vấp chính là nói chệch từ “Vắp” thành “Vấp”). Người Chăm Pa tin rằng cây Kraik là cây hộ mệnh cho vương quốc Chăm Pa. Vì thế mà cây Kraik được người Chăm tôn thờ và bảo vệ.

Đến một ngày hoàng hậu Ngọc Khoa đột nhiên bị bệnh nặng, nói rằng sức khỏe của mình bị cây Kraik đe dọa, chừng nào cây Kraik còn thì mình còn bệnh nặng. Không muốn chặt bỏ cây Kraik, vua Po Rome mời hết các danh y trong nước cố chữa cho Hoàng hậu, nhưng bệnh vẫn không giảm.

Vua Po Rome đành lệnh cho quân chặt cây Kraik. Dù cho cả Triều thần ngăn cản, nhưngVua vẫn lệnh cho binh lính đi chặt cây. Theo ghi chép của người Chăm Pa, binh lính đã chặt cây Kraik trong dinh điện vốn được xem là để hộ mênh cho Chăm Pa. Thế nhưng khi binh lính chặt cây Kraik thì cây phun máu, binh lính chết ngay tại chỗ, còn bệnh của Hoàng hậu Ngọc Khoa lại thêm nặng.

Vua Po Rome phải tự tay cầm gươm để chặt cây Kraik, Vua chặt đúng 3 nhát thì cây Kraik đổ xuống, tiếng đổ vang tận trời, máu cây chảy 7 ngày mới hết. Cây Kraik chảy hết máu và chết thì Hoàng hậu Ngọc Khoa cũng hết bệnh và khỏe mạnh bình thường.

Chiêm Thành thảm bại

Chiêm Thành dưới sự trị vì của Po Rome ngày càng hùng mạnh và không thần phục cống nạp cho Đàng Trong nữa, vua Po Rome trở mặt sẵn sàng gây chiến. Năm 1651 chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân tiến đánh, vua Po Rome cho quân ứng chiến.

Trong cuộc hỗn chiến giữa 2 bên, vua Po Rome bị trúng kế và bị bắt giải về Huế, trên đường đi vua Chiêm tự sát. Người Chăm Pa cho rằng Hoàng hậu người Việt là Ngọc Khoa đã làm Vua mê muội, làm Vua chặt cây Kraik khiến thần linh nổi giận không phù hộ cho Chăm Pa nữa.

Số phận của Ngọc Khoa không thấy sử Việt nói đến, người Chăm chủ yếu có hai truyền thuyết. Một là Hoàng hậu Ngọc Khoa bị người Chăm bắt vì tội làm mê muội Vua, nên đã tự sát. Truyền thuyết thứ hai là Ngọc Khoa xin về nước thăm mẹ bị ốm, Ngọc Khoa về nước thì quân Việt cũng tiến đánh Chiêm Thành.

Phủ Bình Thuận

Vua Po Rome mất, vua Bà Tấm (Po Nraup) lên thay và phải thần phục Đàng Trong. Vua Bà Tấm có ý định lấy lại các vùng đất đã mất, trước mắt là vùng đất Hoa Anh cũ, lúc đó đã đổi tên thành Phú Yên.

Tuy nhiên thất bại trước đó của vua Po Rome cũng khiến Chiêm Thành suy yếu, năm 1653 dù chưa phục hồi sức mạnh nhưng Bà Tấm đã vội đưa quân quấy nhiễu Phú Yên. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Hùng Lộc đưa quân đến Phú Yên, một cuộc chiến nổ ra, quân Chiêm thất bại phải chạy về.

Hùng Lộc cho quân đuổi theo vượt biên giới qua đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi đến tận Kinh thành nước Chiêm. Vua Bà Tấm hoảng sợ bỏ chạy khỏi Kinh thành, rồi cho con là Xác Bà Ân dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn đồng ý, cho lấy sông Phan Rang làm biên giới, sáp nhập cùng đất Kauthara tức Khánh Hòa ngày nay vào lãnh thổ Đàng Trong lập thành phủ Thái Khang và Diên Ninh.

Đàng Trong cũng cho quân khống chế toàn bộ vùng biển khiến Chiêm Thành không thể giao thương với nước ngoài như trước. Đồng thời cũng lập tuyến đường biển để dân Việt xuống khai phá đất đai ở vùng Thủy Chân Lạp.

Lúc này Po Thot lên ngôi vua Chiêm, dù phải thần phục Đàng Trong nhưng vẫn âm thầm tìm cách khôi phục sức mạnh để phản công lấy lại đất đai đã mất. Các ghi chép của giáo sĩ phương Tây cho thấy Chiêm Thành muốn liên kết với phương Tây cũng như các nước trong khu vực.

Năm 1659, Bà Tranh (Po Sout) lên ngôi Vua, tiếp tục tìm cách khôi phục sức mạnh cho Chiêm Thành để lấy lại các vùng đất cũ. Năm 1690, nhận thấy quân đội đã mạnh hơn, Bà Tranh cho quân tiến đánh phủ Thái Khang và Diên Ninh. Từ năm 1690 đến 1692, quân Chiêm liên tục quấy nhiểu đốt phá, giết hại người Việt tại 2 Phủ này.

Năm 1692, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân đánh tan quân Chiêm ở Thái Khang và Diên Ninh, đuổi theo vượt biên giới đánh vào Kinh thành nước Chiêm ở Panduranga.

Năm 1693, quân chúa Nguyễn bắt được vua Chiêm là Bà Tranh, đem giam ở Hòn Chén, năm sau 1694 thì Bà Tranh mất.

Chúa Nguyễn cho sáp nhập vùng đất cuối cùng của Chiêm Thành là Panduranga vào lãnh thổ, bặt tên là trấn Thuận Thành, sau đổi tên thành phủ Bình Thuận.

Khu tự trị

Năm 1694, em của Bà Tranh là Kế Bà Tử nghe theo người Mãn Thanh là A Ban tập hợp binh lực tiến đánh quân Việt. Quân Chúa Nguyễn đưa viện binh từ Bà Rịa tới cũng bị đánh bại. Quân Chiêm đánh chiếm Phan Rí, bao vây Phan Rang, quân chúa Nguyễn ít hơn nên cố thủ trong thành. Quân Nguyễn từ Bình Khang tới ứng cứu khiến quân Chiêm phải lui binh.

Nhận thấy người Mãn Thanh là A Ban chính là nguyên nhân chính dẫn đến người Chiêm nổi loạn, chúa Nguyễn cho quân tập trung đánh A Ban khiến A Ban thua trận phải chạy trốn.

Lúc này để giữ yên người Chiêm, tránh họ nổi loạn, chúa Nguyễn đã đồng ý ký hòa ước cho khôi phục vương quốc Chăm Pa với hình thức là một khu tự trị, lấy lại tên cũ là Thuận Thành Trấn, trực thuộc lãnh thổ Đàng Trong, phong Kế Bà Tử làm Thuận Thành vương, hàng năm phải cống nạp chúa Nguyễn.

Từ đó trấn Thuận Thành yên bình, người Chăm được yên ổn nên không còn chống đối nữa. Người Việt cũng đến đây khai phá, lập làng ngày càng đông.

Năm 1697, chúa Nguyễn lập phủ Bình Thuận, trấn Thuận Thành giống như một khu tự trị trực thuộc phủ Bình Thuận, được đặt riêng biệt chỉ có người Chăm, người Việt định cư ở các khu vực khác xung quanh Trấn này.

Năm 1828, trấn Thuận Thành đặt dưới sự bảo hộ của Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt. Năm 1832 Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng phá bỏ cơ chế tự trị, thành lập phủ Ninh Thuận trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Ngày nay thủ phủ Panduranga xưa kia là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận. Panduranga cũng là vùng đất cuối cùng sáp nhập vào Đại Việt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Biểu tình ôn hòa chống NATO biến thành bạo động tại Montreal, Canada

Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…

20 phút ago

Quảng Nam: Một điểm trường vừa khánh thành bị sập do đồi sạt lở

35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…

44 phút ago

Iran công bố động thái hạt nhân mới

Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…

45 phút ago

Mưa lũ, sạt lở, nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Bình Định bị chia cắt

Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…

1 giờ ago

Đi tiểu nhiều, ù tai là triệu chứng thận hư, xoa bóp có thể cải thiện triệu chứng

Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…

2 giờ ago

TQ: Một vụ nổ lớn ở Sơn Đông, nghi gài bom vào nhà quan chức thôn [VIDEO]

Một vụ nổ xảy ra tại khu dân cư ở Tân Châu (tỉnh Sơn Đông,…

2 giờ ago