Trong cuộc chiến chống Tống năm 1077, Đại Việt toàn thắng do trên dưới đồng lòng quyết tâm phá giặc. Tuy nhiên trong sử nhà Tống còn tiết lộ chi tiết khác liên quan đến thất bại của quân Tống, đó là việc bất hòa của hai chủ tướng cầm quân.
Khi chọn người làm chủ tướng tiến đánh Đại Việt, Tống Thần Tông vì muốn đánh chắc thắng chắc nên đã chọn Triệu Tiết là quan văn, từng đỗ tiến sĩ làm chủ tướng. Triệu Tiết vốn giỏi đánh bằng nhân tâm, thích dùng mưu kế hơn là bày binh bố trận.
Triệu Tiết trước đây vốn bảo vệ biên giới phía tây nước Tống chống lại Tây Hạ, lập công lớn, chiêu dụ được dân chúng vùng biên giới, lấn dần sang đất Tây Hạ. Triệu Tiết dùng nhiều chính sách linh hoạt thu phục người Phiên ở Tây Hạ, khiến nhà Tống nhiều lần không động đến binh đao mà được đất, Tống Thần Tông nhiều lần khen ngợi và thăng chức cho Triệu Tiết.
Năm 1072 ở Đại Việt, vua Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên thay khi mới 7 tuổi. Tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch cho rằng đây là cơ hội tốt để đánh Đại Việt, đồng thời tiến cử để Triệu Tiết làm chủ tướng.
Tống sử ghi chép rằng phong cho Triệu Tiết làm An Nam hành doanh kinh lược, còn Lý Hiến làm phó tướng. Sau đó lại chép rằng Tiết và Hiến không hợp nhau nên bãi chức của Hiến.
Trong lúc này, quân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt tiến binh thần tốc, phá tan các căn cứ quân Tống ở bên giới đến tận Ung châu.
Tống Thần Tông nôn nóng muốn trả đũa Đại Việt nên quyết định nhượng bộ Tây Hạ ở phía Tây, cắt đất dâng cho nước Liêu ở phía Bắc, nhằm huy động các cánh quân tinh nhuệ xuống phía Nam tiến đánh Đại Việt.
Tống sử chép rằng, Tống Thần Tông đã hỏi Triệu Tiết xem ai có thể lĩnh ấn phó tướng, Tiết đã đề xuất Quách Quỳ vì phối hợp với nhau khá ăn ý khi đánh quân Tây Hạ vùng biên giới, đồng thời sẵn lòng để Quách Quỳ làm chủ tướng, còn bản thân Tiết làm phó.
Do nôn nóng nên Tống Thần Tông cũng không muốn đánh chắc thắng chắc nữa mà cần đánh nhanh thắng nhanh. Quách Quỳ đang chỉ huy quân tinh nhuệ nhà Tống chặn quân Tây Hạ ở biên giới phía tây bắc, là con trai thứ của danh tướng Quách Bân thời Bắc Tống, vốn là tướng giỏi binh thư và trận pháp. Vì vậy Tống Thần Tông đã thuận theo ý Triệu Tiết, phong Quách Quỳ làm chủ tướng.
Việc hoán đổi vị trí chủ tướng và phó tướng còn có một nguyên nhân nữa, vì trước đây Tể tướng Vương An Thạch là người được lòng Hoàng đế đã tiến cử Triệu Tiết, nay Tống Thần Tông không còn tín nhiệm Vương An Thạch nữa nên quyết định thuận luôn theo lời Triệu Tiết để ông ta làm phó tướng, Quách Quỳ làm chủ tướng.
Triệu Tiết cùng Quách Quỳ bàn kế đánh Đại Việt thì hai người không còn hợp ý nhau như trước nữa. Triệu Tiết muốn dùng sách lược thu phục lòng người dân tộc thiểu số ở biên giới, chiêu nạp những kẻ hai lòng, được lòng người rồi đưa quân đến sẽ đánh dễ dàng hơn. Nhưng Quách Quỳ không theo kế ấy mà muốn tiến binh đánh nhanh thắng nhanh theo ý Hoàng đế.
Khi tiến quân vào Đại Việt, Triệu Tiết muốn chia quân làm 3 cánh thủy bộ cùng tiến, hỗ trợ lẫn nhau. Quách Quỳ không nghe theo, vì theo cách ấy các cánh quân chờ nhau sẽ tiến rất lâu, trong khi đó nhà Tống đang muốn đánh nhanh thắng nhanh. Triệu Tiết phải làm theo ý chủ tướng, nhưng không phục, từ đó trở đi hai tướng tách ra chỉ huy quân của mình cùng tiến mà ít có mối liên kết với nhau, khiến sức mạnh quân Tống suy giảm.
Thực tế cuộc chiến cho thấy, khi bộ binh quân Tống tiến sâu vào, Lý Thường Kiệt bố trí hệ thống phòng ngự có chiều sâu trên sông Như Nguyệt, quân Tống không có thủy binh đành dừng lại.
Trong khi đó thủy binh quân Tống có đến 5-6 vạn quân với hàng trăm chiến thuyền do Dương Tùng Tiên chỉ huy tiến sâu vào Đại Việt, nhưng đến Đông Kênh thì bị lọt vào trận địa mai phục của quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên chỉ huy, lại không có bộ binh yểm trợ, quân Tống thua to, hàng trăm chiến thuyền bị chìm, hàng vạn quân bị tiêu diệt, Dương Tùng Tiên phải chỉ huy tàn quân chạy thoát về vùng biển Liêm châu lập thủy trại cố thủ.
Bộ binh quân Tống tiến trước nhưng rồi chờ mãi không thấy thủy binh đến phối hợp, Quách Quỳ đành cho quân đóng chiến thuyền vội vàng, rồi làm cả cầu phao để cho quân vượt sông. Tuy nhiên quân Đại Việt phòng thủ nhiều tầng đã đẩy lui được quân Tống.
Không vượt sông được, nhận thấy tầm quan trọng của thủy binh, Quách Quỳ đành cho quân hạ trại chờ thủy binh đến. Quân Tống đóng quân ở phía bắc sông như Nguyệt, nhưng vì hai chủ tướng mâu thuẫn nên trại quân Quách Quỳ và Triệu Tiết cách nhau đến 60 dặm (30 cây số).
Thấy quân Tống mệt mỏi, quân Đại Việt chú ý đến cánh quân phía đông của Quách Quỳ, vượt sông nhắm vào cánh quân này. Hai tôn thất nhà Lý là Hoằng Chân và Chiêu Văn cũng từng đánh vào quân Quách Quỳ và hy sinh.
Thấy quân Đại Việt liên tục tập kích cánh phía đông, quân Tống tập trung chú ý phòng thủ nơi đây. Đúng lúc đó quân Đại Việt bất ngờ vượt sông đánh một trận lớn vào cánh quân phía tây của Triệu Tiết. Hai quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết ở cách nhau quá xa, không thể hỗ trợ được cho nhau, vì thế quân Triệu Tiết bị đánh bất ngờ nên thảm bại, thiệt hại rất lớn, phải bỏ chạy sang trại của Quách Quỳ.
Quân Tống lương cạn, thủy quân chờ mãi trong vô vọng, đúng lúc này Đại Việt chủ động nghị hòa, quân Tống liền đồng ý ký bản nghị hòa để rút quân về nước. Trong cuốn “Nhị Trình di thư” của nhà Tống có ghi chép về việc này rằng: “May được lời giặc nói nhũn, liền nhân đó giảng hòa. Nếu không có lời quy thuận của giặc thì làm thế nào?”
Quân Tống rút về nước, kiểm lại binh mã thì 10 vạn quân chủ lực chỉ còn lại 23.400 lính; 20 vạn phu phen còn lại chưa đầy một nửa; 5-6 vạn thủy binh thì chỉ còn lại tàn quân.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…