Làm cha mẹ, cách dạy con lý tưởng nhất chính là “thân giáo”, lấy mình làm gương, cho con học theo. Trong văn hóa truyền thống thì cách giáo dục này được đặc biệt chú trọng. Một người cha, một người mẹ biết sống siêng năng, tiết kiệm, thì tất sẽ giáo dục nên một người con thanh liêm, cần mẫn.
Trịnh Thiện Quả là một vị quan đại thần Tùy Đường, có cha là tướng quân Bắc Chu. Lúc Trịnh Thiện Quả ra đời không lâu thì cha bị chết trận, ông được kế thừa tước vị của cha. Năm Khai Hoàng thứ nhất thời Tùy Văn Đế, Trịnh Thiện Quả được phong Võ Đức quận công. Năm mười bốn tuổi, ông được thăng làm Thứ sử Nghi Châu, Thứ sử Cảnh Châu và sau đó là Thái thú quận Lỗ. Trịnh Thiện Quả là do một tay mẹ ông vất vả nuôi nấng dạy bảo, bà không chỉ nói mà còn tự bản thân làm việc một cách siêng năng để cho con học theo.
Mẹ của Trịnh Thiện Quả là Thôi Thị, góa chồng ở tuổi 20, xuất thân từ gia đình dòng dõi Nho học. Bà là một người hiền đức thông minh, làm việc đều có nguyên tắc. Bởi vì đã đọc qua rất nhiều sách cho nên bà rất am hiểu về phương pháp xử lý sự vụ ở các địa phương.
Lúc Trịnh Thiện Quả làm Thứ sử Nghi Châu, mỗi lần Trịnh Thiện Quả đến phòng lớn xử lý công việc, bởi vì lo rằng con còn quá nhỏ tuổi có thể xử lý các việc không được thỏa đáng, Thôi Thị thường ngồi trên giường sau bức bình phong lắng nghe. Nếu như nghe thấy phán đoán của con trai mình là có lý, Thôi Thị sẽ trở về phòng phía sau với tâm trạng rất vui mừng. Còn nếu bà nghe thấy con trai mình hành sự không công bằng hoặc tức giận một cách tùy tiện thì bà sẽ trở lại phòng phía sau trùm chăn mà khóc, cả ngày cũng sẽ không ăn. Lúc này, Trịnh Thiện Quả sẽ quỳ sát bên giường thỉnh tội, không dám đứng dậy.
Nhìn thấy thái độ của con trai, Thôi Thị sẽ dạy bảo: “Mẹ không phải tức giận con mà là cảm thấy hổ thẹn với Trịnh gia chúng ta. Sau khi mẹ được gả vào Trịnh gia, vẫn luôn lo liệu việc trong nhà cho nên hiểu rõ phẩm hạnh của người nhà họ Trịnh. Con mất đi một người cha là một vị trung thần, làm quan thanh liêm chính trực, không thiên vị ai, cuối cùng hy sinh vì nước. Mẹ hy vọng con phải giống như cha của mình, có được phẩm hạnh tốt như vậy”.
Bà cũng nói thêm với con: “Con nhỏ tuổi đã thành trẻ mồ côi, mẹ lại là một quả phụ, tình yêu thương thì có đủ nhưng lại khuyết thiếu uy nghiêm, nếu vì thế mà con không hiểu biết lễ, làm sao con có thể kế thừa phẩm chất thực sự của cha? Hơn nữa, khi con còn là đứa trẻ đã kế thừa tước vị của cha, làm quan lớn, đây lẽ nào là dựa vào tài năng của con mà có được hay sao? Sao con có thể không suy nghĩ điều này mà ngông cuồng tức giận như vậy? Làm việc tùy hứng, kiêu căng hưởng lạc thì sẽ làm lỡ việc nước”.
Vì để con hiểu được đạo lý phải làm việc siêng năng cần cù, Thôi Thị còn đích thân ra sức thực hành. Bà thường xuyên tự mình quay sợi, dệt vải không ngừng nghỉ cho đến tận nửa đêm. Trịnh Thiện Quả thấy mẹ làm việc như vậy thì khuyên can bà: “Con làm quan tam phẩm, bổng lộc cũng đủ dùng, sao mẹ phải làm việc vất vả như vậy làm gì?”
Thôi Thị nói với con rằng: “Bổng lộc hiện giờ của con là thiên tử vì báo đáp cho sự hy sinh của cha con mà ban cho, con nên chia cho người thân để chương hiển ân trạch mà cha con nhận được thay vì chỉ để cho mẹ và con hưởng thụ một mình. Hơn nữa, kéo sợi và dệt vải là bổn phận của người phụ nữ, từ hoàng hậu cho đến vợ của các đại phu và học giả, họ đều có việc riêng phải làm. Nếu lười biếng sẽ kiêu căng, buông thả. Mẹ mặc dù không hiểu lễ, nhưng làm sao có thể hủy hoại thanh danh của mình?
Thôi Thị dù làm vợ quan lớn, con cái đạt chức vị cao được hưởng bổng lộc lớn nhưng bà luôn sống đơn giản, tiết kiệm. Bà thường mặc quần áo bằng vải thô như những người dân thường và không bao giờ tùy tiện bước ra khỏi nhà. Ngay cả việc ăn uống trong cuộc sống hàng ngày của bà cũng rất đạm bạc, tiết kiệm. Trừ những trường hợp như cúng tế Thần linh, tổ tiên hay mở tiệc chiêu đãi tân khách ra thì trên bàn ăn thường không tùy tiện có rượu thịt. Tất cả những thứ nếu không phải do mình tự chế tác, trong vườn nhà có được hoặc là Hoàng thượng ban tặng cho thì cho dù là quà của họ hàng thân thích tặng cũng đều không bao giờ qua được cổng nhà bà.
Dưới sự dạy bảo của mẹ, Trịnh Thiện Quả cả đời làm quan thanh liêm chính trực tiết kiệm, không chuộng lối sống xa hoa. Ông thường mang bữa ăn từ nhà đến nơi làm việc. Tiền bạc được cấp cho, ông hoặc từ chối, hoặc sẽ dùng để sửa chữa những phần bị hư hỏng của nha môn và phân phát cho người cần kíp. Khi Tùy Dượng Đế phái Ngự sử đại phu Trương Hành đến xem xét đánh giá Trịnh Thiện Quả, Trương Hành đã đánh giá ông là người có công tích bậc nhất thiên hạ. Cũng bởi vì thế, Trịnh Thiện Quả được trao tặng chức quan Quang lộc khanh.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…