Mẹ hiền dạy con: Chỉ lấy bổng lộc thuộc về mình
- An Hòa
- •
“Hiền mẫu sinh hiền tử”, từ xưa đến nay có rất nhiều chí sĩ yêu nước thương dân, hay những bậc lương đống tài năng đức hạnh của quốc gia đều là do một tay người mẹ hiền đức nhẫn nhục chịu đựng gian khổ mà nuôi dạy thành. Lý Xa, quan Giám sát ngự sử triều Đường là một người trong số ấy.
Vào những năm đầu thời nhà Đường có một người tên là Lý Xa, người Cao Ấp, Hà Bắc, gia cảnh bần hàn. Cha Lý Xa mất sớm vì bệnh tật, mẹ là Lý phu nhân vất vả nuôi nấng con, cho con học hành và dạy con trở thành một người trong sạch.
Dưới sự chỉ dạy ân cần của người mẹ hiền, Lý Xa thông minh hiếu học, sau này đã đỗ đạt thành danh và ra làm quan. Sau khi bước vào con đường làm quan, Lý Xa luôn nhớ kỹ lời dạy bảo của mẹ, thanh liêm, trong sạch nên được dân chúng yêu kính. Bởi vì ông thanh chính liêm khiết lại có nhiều công trạng nên được Hoàng đế Võ Tắc Thiên đưa vào kinh thành, phong làm Giám sát Ngự sử, chủ quản việc khảo sát quan lại, tuần tra quận huyện và điều tra hình ngục…
Một lần, khi Lý Xa đang ở trong nhà riêng để thẩm duyệt hồ sơ vụ án thì có một tiểu lại phụng mệnh đến giao gạo (lương bổng). Khi người nhà đong gạo thì phát hiện ra số gạo lớn hơn quy định ba hộc. Lý Xa cảm thấy rất kỳ lạ. Vị tiểu lại giải thích rằng, đây là tục lệ đã được áp dụng từ nhiều năm nay, trước đây khi giao gạo cho các Ngự sử khác cũng đều làm như vậy.
Lý Xa nghiêm mặt nói: “Ta là quan phụ trách kiểm tra hàng trăm quan lại trong triều đình, làm sao có thể phạm pháp được? Nhận nhiều hơn ba hộc, không có công mà hưởng lộc là không thể được”. Sau đó, ông yêu cầu tiểu lại mang số gạo thừa đi. Nhưng tiểu lại đến đây theo lệnh của cấp trên, không dám tự mình quyết định, nên đã nói khéo để từ chối yêu cầu của Lý Xa, đồng thời cam đoan lần sau sẽ không chiểu theo lệ cũ mà làm như thế nữa.
Lý Xa thấy thế thì suy nghĩ một lát, ngẫm lại triều chính đang trong cảnh xuống dốc, không thể lập tức sửa ngay được. Vì thế, ông không kiên trì giữ ý kiến của mình. Không ngờ Lý phu nhân biết chuyện, đã gọi con vào nghiêm mặt nói: “Con trai, điều này tuyệt đối không được phép, mẹ chỉ ăn phần cơm thuộc về con, còn phần dư ra thì một hạt cũng không thể giữ lại!”
Lý Xa biết rằng mình đã sai, nhưng bởi vì đã đồng ý với tiểu lại rằng “lần sau không làm như thế nữa”, bây giờ rút lại lời thì cảm thấy có phần mất mặt. Vì thế, ông đã nói với mẹ mình: “Con đã dặn tiểu lại lần sau không được chiếu theo lệ này nữa!”
Lý phu nhân vừa nghe xong thì giận dữ nghiêm giọng nói: “Lần sau không thể chiếu theo lệ này nữa là câu không nên nói ra. Con thân là quan kiểm tra hàng trăm quan lại trong triều mà bản thân lại như thế nào?”
Lý Xa nghe xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, liên tục dập đầu tạ tội với mẹ, rồi ngay lập tức trở lại sảnh trước, lấy ra ba hộc gạo thừa và yêu cầu tiểu lại mang về. Đồng thời, ông còn trả cho tiểu lại tiền cước phí. Tiểu lại cảm động nói: “Tiền cước phí, tuy rằng triều đình đã có quy định rõ ràng nhưng từ trước đến nay, không biết đã giao gạo cho quan Ngự sử bao nhiêu lần, nhưng tôi chưa từng được trả tiền công một lần”.
Sau khi tiểu lại đi rồi, Lý phu nhân lại nói với con trai: “Lúc nghèo hèn thì phải có chí khí, lúc làm quan thì phải trong sạch. Ba hộc gạo tuy rằng gia trị không nhiều nhưng lại làm vấy bẩn đạo đức người làm quan. Làm việc phải vô tư, không sợ quyền thế, không ức hiếp người dân yếu nhược. Mẹ có thể tình nguyện cùng con quay về quê hương, con cày cấy, mẹ đan giày cỏ, sống một cách trong sạch!”
Lý Xa nghe xong lời của mẹ, suy nghĩ thật lâu, cuối cùng quyết định thức suốt đêm để viết bản luận tội việc quan chức quản kho lương thực đã gửi gạo bừa bãi để lấy lòng người khác. Ông cũng kiến nghị triều đình rằng các quan chức lớn nhỏ phải trả lại số gạo thừa mà mình đã nhận trước đây đồng thời trả số tiền cước phí đáng lẽ phải trả.
Lý phu nhân không bởi vì con trai mình đã thành công danh, thân ở địa vị cao mà buông lơi yêu cầu nghiêm khắc đối với con. Chính nhờ sự nghiêm khắc ấy mà Lý Xa luôn giữ được mình thanh liêm, chính trực trên con đường làm quan. Đây cũng là bài học rất hữu ích trong việc giáo dục con cái.
Theo ZhengJian.org
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa chí khí thanh liêm Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa