Trong lịch sử, nhiều vị Đế vương và tướng lĩnh trước khi hiển đạt thì những người am hiểu âm dương thuật số đã có thể dựa vào các đặc điểm trên thân thể mà thấy được những dấu hiệu, từ đó tiên đoán chính xác con đường làm quan của họ. Trong sử sách có ghi chép lại rất nhiều những sự tình như vậy.
Dưới đây là những câu chuyện tiên đoán chuẩn xác về vận mệnh của một số tể tướng thời nhà Đường được ghi chép trong “Thái Bình Quảng Ký”. “Thái Bình Quảng Ký” là một tuyển tập các câu chuyện do vị Hoàng đế thứ hai của nhà Tống là Tống Thái Tông ra lệnh cho Lý Phương cùng 11 vị quan khác biên soạn.
Viên Thiên Cang là một đại sư nổi tiếng về tướng mệnh thời kỳ Hoàng đế Đường Thái Tông. Cuốn “Thôi Bối Đồ” do ông và Lý Thuần Phong cùng biên soạn đã tiên đoán các sự kiện lịch sử của Trung Quốc trong hơn một nghìn năm kể từ thời nhà Đường, hết thảy đều ứng nghiệm. Viên Thiên Cang từng được mẹ của Lý Kiệu ở huyện Tán Hoàng, tỉnh Hà Bắc mời đến xem tướng.
Ngay từ nhỏ, Lý Kiệu vốn đã rất có tài năng. Năm 15 tuổi, Lý Kiệu đã tinh thông “Ngũ kinh”, năm 20 tuổi đã đỗ tiến sĩ. Năm người anh em của Lý Kiệu đều chết trước 30 tuổi, điều này khiến mẹ ông ngày đêm lo lắng rằng ông cũng sẽ giống như vậy. Vì thế, bà đã mời Viên Thiên Cang đến xem tướng.
Lúc đầu, Viên Thiên Cang nhìn tướng mặt Lý Kiệu và tiên đoán: “Lang quân thần khí thanh tú, nhưng thọ không dài, e rằng không quá được 30”. Mẹ của Lý Kiệu nghe con không thể sống được quá 30 tuổi thì càng buồn rầu hơn. Lý Kiệu lúc ấy danh tiếng đã rất cao và không tin lời tiên đoán này.
Vì thế, mẹ của Lý Kiệu đã thỉnh mời Viên Thiên Cang xem xét lại. Viên Thiên Cang sau khi xem xét lại mấy lần, vẫn nói: “Mệnh của cậu ấy đúng là như thế”.
Đêm đó, Viên Thiên Cang ở lại nhà họ Lý và ngủ cùng giường với Lý Kiệu trong phòng làm việc. Vừa lên giường, Viên Thiên Cang đã ngủ thiếp luôn nhưng Lý Kiệu vẫn chưa đi ngủ. Đến canh 5, Viên Thiên Cang tỉnh dậy, ông phát hiện thấy Lý Kiệu nằm bên cạnh mình không có tiếng thở. Thấy kỳ lạ, ông đưa tay ra thử, dưới mũi cũng không có hơi thở. Ông kinh ngạc và quan sát một lúc lâu thì mới nhận ra rằng Lý Kiệu đang thở bằng tai.
Ngày hôm sau, Viên Thiên Cang nói với mẹ của Lý Kiệu rằng Lý Kiệu thở như một con rùa, và đây là tướng của đại quý, trường thọ. Nhưng Viên Thiên Cang nói với Lý Kiệu rằng mặc dù tương lai sẽ đại quý trường thọ, nhưng không được tham phú quý và phải sống một cuộc sống thanh bần.
Sau này quả đúng như lời Viên Thiên Cang đã nói, vào thời kỳ Võ Tắc Thiên và Đường Trung Tông, Lý Kiệu đã được phong làm tể tướng ba lần. Ông sống rất giản dị. Võ Tắc Thiên đã nhiều lần đến phủ của Lý Kiệu và thấy màn trướng của ông được làm bằng lụa thô, bà cảm thán nói: “Tể tướng của một nước mà dùng màn trướng như vậy là làm mất thể diện nước lớn”. Vì thế Võ Tắc Thiên đã ban tặng Lý Kiệu một cái màn trướng thêu dành cho hoàng cung, nhưng Lý Kiệu ngủ trong đó trằn trọc không yên, căn bản là không ngủ được. Ông bèn dâng tấu nói: “Thần lúc nhỏ được người xem tướng nói không phù hợp với vinh hoa, cho nên ngủ không yên”. Võ Tắc Thiên thở dài hồi lâu, rồi đành để Lý Kiệu dùng màn trướng cũ.
Lý Kiệu vóc người thấp bé, mũi hay miệng không có phúc tướng, nhưng cốt tướng lại không giống những người bình thường khác nên có mệnh làm tể tướng. Sau đó, ông bị giáng chức vào thời Đường Duệ Tông và Huyền Tông, và bị quy trách nhiệm trong cuộc nổi loạn của Vi Thái hậu. Ông bị bệnh mất ở tuổi bảy mươi khi đang đương chức.
Trương Quýnh Tàng là đại sư về tướng mệnh nổi tiếng nhà Đường cùng thời với Viên Thiên Cang. Một hôm, khi đi ngang qua cửa một gia đình, ông thấy một đứa trẻ chạc bảy tám tuổi, bèn nói với cha mẹ đứa trẻ rằng: “Đứa trẻ này có cốt pháp rất lạ, có phúc lộc, cần chăm sóc và dạy dỗ tốt”. Đứa trẻ này tên là Lưu Nhân Quỹ. Ông học hành chăm chỉ từ khi còn nhỏ và sau này trở nên nổi tiếng với học vấn uyên bác.
Thời Đường Thái Tông, Lưu Nhân Quỹ làm Huyện úy huyện Trần Thương, tỉnh Thiểm Tây. Trương Quýnh Tàng bị đày đến Kiếm Nam, khi đi qua Kỳ Châu, Thứ sử Kỳ Châu biết ông là người có tài liền mời ông xem tướng cho quan viên cấp dưới xem có ai làm tới chức quan ngũ phẩm không. Khi nhìn thấy Lưu Nhân Quỹ, Trương Quýnh Tàng đột ngột thay đổi sắc mặt và nói với Thứ sử: “Đã nhìn thấy quý nhân rồi”.
Trong triều, Lưu Nhân Quỹ nổi tiếng dám nói thẳng. Sau khi Đường Cao Tông lên ngôi, Lưu Nhân Quỹ liên tiếp giữ các chức vụ như Thứ sử Thanh Châu, Thứ sử Đới Phương Châu, Đồng trung Thư môn hạ Tam phẩm (tương đương với Tể tướng). Trong thời gian này, ông đã gặp lại Trương Quýnh Tàng.
Trương Quýnh Tàng nói rằng ông đã nhìn thấy một cậu bé ở huyện Úy Thị cách đây 20 năm, cốt pháp của đứa trẻ rất giống của Lưu Nhân Quỹ, nhưng lúc đó ông không hỏi tên đứa bé. Lưu Nhân Quỹ cười nói: “Đó là tôi”. Trương Quýnh Tàng lại tiên đoán: “Ông sẽ không rời tứ phẩm, nếu phạm tội nặng thì cũng làm tam phẩm trở lên”.
Sau này, Lưu Nhân Quỹ đắc tội với Trung thư Thị lang Lý Nghĩa Phủ, và bị giáng làm Thứ sử Thanh Châu, khi Cao Tông đưa quân đi chinh phạt Bách Tể, ông phụ trách vận chuyển đường biển. Lúc ấy, Lý Nghĩa Phủ biết rõ là thời điểm không thích hợp nhưng vẫn cưỡng ép thúc giục Lưu Nhân Quỹ ra khơi. Kết quả là thuyền gặp cuồng phong bị chìm và thương vong nghiêm trọng.
Triều đình phái Giám sát Ngự sử Viên Dị Thức đến thẩm vấn và kết án tử hình Lưu Nhân Quỹ. Sau khi vụ án kết thúc, Lưu Nghĩa Phủ đã nói với Đường Cao Tông: “Nếu không chém Lưu Nhân Quỹ, thì không thể tạ lỗi với dân chúng”. Có quan đại thần đã nói thẳng: “Bão biển nổi lên, không thể dựa vào sức người mà dự liệu được”. Vì thế, Đường Cao Tông hạ lệnh ân xá, chỉ cách chức Lưu Nhân Quỹ và lệnh cho ông đi theo quân đội với thân phận thường dân.
Về sau, Lưu Nhân Quỹ dốc sức ở Liêu Đông. Trong thời gian trấn thủ Bách Tế, ông đã cứu viện nước Tân La và đánh bại liên quân Oa Quốc, Bách Tế trong trận Bạch Giang Khẩu, đạt được uy danh chấn động thiên hạ. Một thời gian, ông nhận lệnh phòng chống Thổ Phồn. Khi Võ Tắc Thiên trị vì, Lưu Nhân Quỹ giữ chức Lưu thủ Tây Kinh và được phong làm Lạc Thành Quận Công.
Tề Quốc Công Ngụy Nguyên Trung, người từng giữ chức tể tướng trong thời kỳ của Võ Tắc Thiên cũng được Trương Quýnh Tàng tiên đoán đúng. Khi còn trẻ, Ngụy Nguyên Trung quanh năm mãi không thăng chức. Vì vậy, ông đến gặp Trương Quýnh Tàng nhờ đoán xem vận mệnh của mình ra sao. Nhưng thái độ của Trương Quýnh Tàng rất lạnh lùng, không nói một lời nào. Ngụy Nguyên Trung tức giận nói: “Tôi không quản ngàn dặm xa tới tìm ngài để mong được chỉ giáo, nhưng ngài lại trơ ra. Chẳng có thành ý là sao? Thôi, khốn cùng hiển đạt, phú quý, nghèo hèn của con người đều là ông Trời an bài, ngài có thể đoán trước được cái gì chứ?” Nói xong liền chuẩn bị rời đi.
Trương Quýnh Tàng vội vàng đứng dậy can ngăn và nói: “Lộc tướng của ngài đúng là ở vào lúc tức giận mới có thể nhìn ra. Sau này, ngài sẽ được phong chức rất cao và làm quan đến tể tướng”. Quả nhiên, năm 700, sau khi Địch Nhân Kiệt qua đời, Ngụy Nguyên Trung trở thành tể tướng.
Ngoài ra, 3 người là Diêu Nguyên Sùng, Lý Quýnh Tú, Đỗ Cảnh Thuyên, từng làm tể tướng dưới thời Võ Tắc Thiên, trong một lần tuyển chọn quan chức của triều đình, cũng từng đến thăm Trương Quýnh Tàng và hỏi về quan lộ. Trương Quýnh Tàng nói: “Cả ba người đều có thể làm tể tướng. Diêu Nguyên Sùng là người phú quý nhất và có thể làm tể tướng nhiều lần”. Quả đúng như vậy, Diêu Nguyên Sùng vào thời Đường Huyền Tông cũng lại được phong làm tể tướng.
Bùi Quang Đình là con trai của Bùi Hành Kiệm, một vị tướng thời nhà Đường, nhờ danh thế của gia đình nên vào làm quan. Ông từng giữ các chức vụ Thái thường Tự thừa, Tư mã Dĩnh Châu, Lang trung Tư môn, Lang trung Binh bộ… và được phong làm Tể tướng thời Hoàng đế Đường Huyền Tông. Thời ấy, rất nhiều người cho rằng dùng võ tướng làm tể tướng là chuyện thật khó tin, ngay cả tể tướng Diêu Nguyên Sùng cũng nghĩ như vậy.
Trước khi Bùi Quang Đình làm tể tướng có một chuyện xảy ra như sau. Một ngày nọ, một người giỏi đoán tướng đến bái kiến Diêu Nguyên Sùng, Diêu Nguyên Sùng đã bảo ông ta núp sang bên cạnh và nhìn xem ai trong số các quan sau này có thể trở thành tể tướng. Sau khi quan sát, người này nói Bùi Quang Đình sẽ làm Tể tướng. Diêu Nguyên Sùng vô cùng khó hiểu, bởi vì Bùi Quang Đình khi đó vẫn còn là một võ tướng. Vì vậy, ông đã mời Bùi Quang Đình đến nhà, và để người xem tướng ẩn sau tấm rèm để xem lại tướng mặt của Bùi Quang Đình một lần nữa.
Sau khi Bùi Quang Đình rời đi, người xem tướng một lần nữa khẳng định Bùi Quan Đình sẽ là tể tướng. Diêu Nguyên Sùng nói: “Người có thể làm tể tướng nhất định phải có thể trợ giúp Thiên tử thành tựu được nghiệp lớn, không phải người như Bùi Quang Đình. Tôi đã từng nói chuyện với anh ta, anh ta không phải là người giỏi việc thế sự, hơn nữa tài văn chương thì bình thường, học vấn lại thấp. Làm sao có thể làm tể tướng được?”.
Người xem tướng nói: “Điều Diêu công nói là tài khí, còn điều tôi nói là mệnh. Tài và mệnh vốn khác nhau”. Diêu Nguyên Sùng im lặng và không tin.
Sau đó, Bùi Quang Đình quả thực lên làm tể tướng trong vài năm. Trong khi giữ chức, ông đã đề xuất một chế độ dùng người mới, lấy kinh nghiệm làm tiêu chuẩn để lựa chọn nhân tài. Trong lịch sử, Bùi Quang Đình cũng được coi là một danh tướng.
Cổ ngữ có câu: “Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu”. Ý tứ chính là muốn nói rằng từ thời khắc một người được sinh ra thì phú quý, nghèo hèn, phúc lộc và trường thọ, hết thảy đều đã được định sẵn rồi. Chỉ là thuận theo sự thiện ác của người đó mà hiển lộ ra hay bị triệt tiêu mất mà thôi.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…