Một vấn đề căn bản bên trong cuộc “đấu tranh” xã hội tại Hoa Kỳ

Vì sao một số cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ vừa qua lại kết thúc trong bạo loạn và đập phá? Thực chất đây không phải là lần đầu tiên những cuộc “nổi loạn” tương tự xuất hiện. Một cư dân mạng đã tổng kết một số vụ việc không kém phần căng thẳng dưới thời tổng thống Obama: Vụ Trayvon Martin 17 tuổi bị bắn chết 26/2/2012 tại Sanford Floria; Vụ Michael Brown 18 tuổi bị bắn chết tại Ferguson, Missouri; Vụ Walter Scott 50 tuổi bị bắn chết tại North Charleston, South Carolina, vụ Freddie Gray 25 tuổi bị chết ở Baltimore, Maryland… Tất cả đều từng dẫn đến bạo loạn và căng thẳng. Dù vậy, chưa có lần nào người ta lại có “cảm giác trên truyền thông” rằng xã hội Hoa Kỳ chia rẽ như hiện tại. Có một vấn đề hết sức căn bản trong cuộc đấu tranh xã hội hiện nay tại Hoa Kỳ mà nhiều người không hiểu được, mà bản chất của vấn đề này nằm ở cách xã hội nhìn nhận và giải quyết xung đột. Hiểu rõ vấn đề không khó, nhưng thoát khỏi nó lại đòi hỏi một quyết tâm không nhỏ.

Nhiều người biểu tình tập trung trước Nhà Trắng ở Washington DC ngày 30/5/2020. (Ảnh: Bgrocker, Shutterstock)

Khi nhìn nhận một vấn đề, xã hội hiện đại nói chung thường có chiều hướng chia làm ít nhất hai phía, và phía nào cũng có những lập luận nghe hợp tình hợp lý, phía nào cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình. Trong rất nhiều trường hợp, người ở bên nào cũng có chiều hướng tin rằng họ đã làm đúng, rằng họ là những người tốt, họ bị thuyết phục rằng hành động của mình là không sai, ít nhất là trong một khía cạnh nào đó. Tất nhiên, lòng tốt trong xã hội là điều cần thiết, nhưng liệu những điều nghe “có vẻ chính nghĩa” có thật sự là đúng hay không? Thật ra ngay khi chọn phe, bạn đã rơi vào một cái bẫy. Ở phe nào không quan trọng bằng việc thấu hiểu bản chất của các mâu thuẫn xã hội đang diễn ra trước mắt chúng ta.

Muốn thật sự hiểu được điều này, chúng ta trước hết cần phải nói rộng hơn một chút. Có rất nhiều người đã nói rằng xã hội thế giới về cơ bản đang bị tả hóa. Nó có nghĩa là gì?

Các nhà chính trị học thường phân chia cánh tả và cánh hữu, trong đó chủ nghĩa cộng sản nằm ở phía cực tả. Trong lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản có một phần rất rõ ràng bàn về các cuộc đấu tranh xã hội, nó cũng là trọng tâm của lý thuyết cộng sản. Người cộng sản phân chia xã hội thành các giai cấp khác nhau và đề xướng đấu tranh giai cấp: vô sản đấu với tư sản, nông dân đấu với địa chủ, công nhân đấu với chủ nhà máy, người nghèo đấu với người giàu, v.v.. Nguyên nhân của việc này thoạt nghe rất hợp lý: vì công bằng, vì cuộc sống, vì lương tâm. Chẳng phải rất nhiều người đã say mê tin theo nó hay sao? Tất nhiên, ngày nay người ta đều hiểu rằng đó là dối trá, nhưng không ít người vẫn bị khúc mắc trong tâm, không biết là sự phân chia đó sai ở đâu.

Kỳ thực, bản chất của việc phát động đấu tranh xã hội không liên quan gì đến công bằng hay lương tâm cả. Bản chất của đấu tranh xã hội đã được nói trắng ra trong tuyên ngôn của những người cộng sản, đó chính là giành lấy quyền lực, là cướp chính quyền, tạo nên một nhà nước chuyên chính. Trong quá trình kích động thù hận, chia rẽ cộng đồng, lực lượng chính trị cực tả lợi dụng sự mềm yếu của nhân tính và đạo đức, thừa cơ đoạt quyền, hoặc gây hỗn loạn. Đây chính là bản chất đích thực của nó.

Một đặc trưng của phương pháp đấu tranh xã hội này là khi chia rẽ cộng đồng thì kích động và gieo rắc thù hận, không cho phép con người có quyền lựa chọn. Bạn chỉ có thể chọn hoặc là bên này, hoặc là bên kia, bạn không thể lựa chọn đứng giữa (ôn hòa). Đây là bẫy logic cơ bản thường xuyên được phe cực tả sử dụng.

Lấy một ví dụ, công nhân và chủ nhà máy tồn tại một mối quan hệ cộng sinh. Chủ nhà máy cung cấp việc làm cho công nhân, cho phép công nhân hưởng lợi từ công việc của mình. Công nhân làm việc và tạo ra nguồn lợi cho nhà máy, từ đó chủ nhà máy có thể vận hành bình ổn và tuần hoàn lành mạnh công việc kinh doanh. Mối quan hệ cộng sinh này tất nhiên sẽ có sự tham gia của nhân tính, công nhân có thể biếng nhác, chủ nhà máy có thể bóc lột, nhưng đây lại là mâu thuẫn xã hội thường tình có thể xảy đến trong bất cứ mối quan hệ nào. Xã hội tự nhiên vốn đã có cách điều tiết cân bằng nó, ví dụ công nhân bỏ đi hết thì chủ nhà máy sẽ rơi vào tình trạng đình trệ hay phá sản, hay người làm không tốt thì có thể bị chủ nhà máy đuổi việc. Khi sự cộng sinh có mâu thuẫn không thể giải quyết, nó sẽ sụp đổ, để rồi một quan hệ cộng sinh mới giữa công nhân mới và chủ nhà máy mới lại được thiết lập ra. Đây không phải là mâu thuẫn sống chết.

Bởi thế, khi cố gắng làm như những gì chủ nghĩa cộng sản “giảng”, phá vỡ mối quan hệ cộng sinh này, thì người ta không biết rằng họ lại rơi vào một mối quan hệ mới: quan hệ giữa công nhân nhà máy và chính phủ vô sản. Cũng như thế, mối quan hệ này có sự tham gia của nhân tính, và đủ loại mặt xấu cũng theo đó mà thể hiện ra. Cứ tiếp tục chạy theo lý thuyết cộng sản, bao cấp, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, thì người ta sẽ thấy mâu thuẫn không thể giải quyết nổi.

Những người vẫn loanh quanh với lý thuyết cộng sản thường bênh vực rằng những kẻ áp dụng lý thuyết cộng sản vào thực tiễn toàn làm sai lệch đi, toàn làm méo mó nó. Kỳ thực cái những người cực tả “giảng” và cái họ thực sự “mong muốn” là hoàn toàn khác biệt. Đây là bản chất thực sự của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vậy có người bảo: “Đối với người cộng sản, hãy nhìn vào hành động, đừng nhìn vào lời nói”.

Phong trào đấu tranh xã hội cực tả có hình thức như sau:

Phóng đại một cách phiến diện các loại vấn đề xã hội do đạo đức bại hoại gây ra, rồi giải thích rằng nguyên nhân căn bản của những vấn đề này không phải là do đạo đức suy thoái, mà là do thể chế xã hội đã sinh bệnh rồi, mà nguyên nhân sinh bệnh là do tồn tại loại áp bức nào đó, và người ta ắt phải tìm ra kẻ áp bức này, rồi kích động đấu tranh giai cấp để giải quyết “tệ nạn xã hội”. Trong việc đấu tranh này, người đứng sau kích động cuối cùng sẽ là người hưởng lợi, đạt được mục đích chính trị.

Lãnh đạo cộng sản Cuba, Fidel Castro, đã tuyên bố với người Cuba rằng “kẻ thù chung của nhân dân” là sự “hủ bại” của Fulgencio Batista cùng những người ủng hộ ông, và cái gọi là sự “áp bức” của chủ đồn điền là căn nguyên của mọi “bất công”, “bất bình đẳng”. Chủ nghĩa cộng sản hứa hẹn lật đổ những kẻ “áp bức” để lập nên “xã hội bình đẳng“ không tưởng, từ đó khơi dậy sự thù hận, đấu tranh giữa những người Cuba với nhau, trải đường cho cộng sản chuyên chính đoạt quyền ở Cuba.

Ở Trung Quốc “phát kiến” của Mao Trạch Đông là hứa hẹn với nông dân sẽ “chia ruộng đất”, hứa hẹn cho công nhân làm “chủ” nhà máy, hứa hẹn với phần tử trí thức về “tự do, hoà bình, dân chủ”, khiến nông dân và địa chủ, công nhân và nhà tư bản, phần tử trí thức và chính phủ quốc dân đấu đến mức anh chết tôi sống, từ đó Đảng thừa cơ đoạt quyền.

Ở Algeria, lãnh đạo cộng sản Ahmed Ben Bella phát hiện ra việc khuấy động tranh chấp tôn giáo, và các nhóm dân tộc là con đường tắt để giành chính quyền, bởi vậy đã kích động hận thù, giết chóc giữa các môn đồ Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, giữa người Ả Rập và người Pháp, trở thành bàn đạp cho Ben Bella thành lập nên chính quyền cộng sản.

Đối với một quốc gia như Hoa Kỳ, các nhà lập quốc đã dùng Hiến pháp để lập quốc, mỗi công dân đều phải biết và tuân thủ Hiến pháp. Xã hội thông qua gia đình, giáo hội, cộng đồng mà hình thành mối liên kết bền vững. Bởi vậy, quan niệm giai cấp trong toàn xã hội tương đối yếu, phương thức đấu tranh giai cấp khó mà có tác dụng. Nhưng không có xã hội nào sau khi tha hóa mà không có điểm yếu.

Có những cuộc đấu tranh xã hội đã chia rẽ Hoa Kỳ vô cùng sâu sắc, mà đằng sau nó đều có bóng dáng của tư tưởng cực tả. Không có một mâu thuẫn nào dưới đây là mâu thuẫn sống chết, nhưng nó luôn luôn vướng vào bẫy logic mà chủ nghĩa cộng sản đặt ra:

  • Cuộc đấu tranh giữa các dân tộc thiểu số hơn như người da đen, người Hồi giáo, người châu Á, người gốc La-tinh với người da trắng.
  • Cuộc đấu tranh giữa những người khác giới, ví dụ như vận động nữ quyền khiêu chiến với chế độ xã hội truyền thống.
  • Cuộc đấu tranh giữa những nhóm người có xu hướng giới tính khác, như vận động quyền lợi của người đồng tính (LGBT), thậm chí vận động tạo ra những nhóm người mang giới tính mới.
  • Cuộc đấu tranh phân hóa người của các tôn giáo và mượn “đa dạng văn hoá” để khiêu chiến với văn hóa truyền thống và di sản phương Tây.
  • Cuộc đấu tranh phân hóa các nhóm người mang quốc tịch khác nhau, chẳng hạn thông qua cổ động ủng hộ “quyền lợi” của di dân phi pháp mà tạo ra xung đột giữa “người nước ngoài” và “người trong nước”.
  • Cuộc đấu tranh giữa dân chúng và người hành pháp, kích động đối kháng giữa thường dân và cảnh sát, giữa dân nhập cư phi pháp và viên chức di dân liên bang, giữa cảnh sát bang và viên chức di dân liên bang.
  • v.v…

Khi xã hội Hoa Kỳ bị phân hóa đến mức càng ngày càng nhỏ vụn, bất kể người nào chỉ cần nói một câu, làm một việc gì sơ suất đều có thể chọc giận một nhóm người khác, thậm chí dẫn đến tranh chấp, xung đột. Đấu tranh đã trở thành trạng thái bình thường của xã hội, đây chính là điều mà phe cực tả vận dụng thuần thục.

Năm 1931, trong vụ án các cậu bé Scottsboro, chín thanh niên da đen bị buộc tội cưỡng hiếp hai phụ nữ da trắng, gây xung đột nghiêm trọng giữa người da đen và người da trắng ở Mỹ. Đảng Cộng sản Mỹ lập tức phát động người da đen biểu tình, lợi dụng vụ án này để đóng vai người chủ trì công đạo cho người da đen, đã thu hút một lượng lớn người ủng hộ, trong đó có Frank Marshall Davis, người sau này trở thành cố vấn của một tổng thống cánh tả.

Năm 1935, tại khu người da đen ở Harlem, New York, phát sinh bạo loạn do tin đồn một đứa trẻ da đen ăn trộm đồ ở cửa hàng bị đánh chết. Đảng Cộng sản Mỹ lập tức lợi dụng vụ việc này để tổ chức người da đen biểu tình thị uy quy mô lớn ở Washington DC. Leonard Patterson, sau khi ra khỏi Đảng Cộng sản Mỹ đã tiết lộ rằng bản thân năm đó nhận được lệnh tổ chức cuộc biểu tình này. Patterson kể về việc những người cộng sản đã được huấn luyện các thủ đoạn của chủ nghĩa Lenin nhằm xúi giục và kích động xung đột ra sao. Họ học cách biến biểu tình thành bạo động bạo lực và ẩu đả đường phố, cũng như cố ý tạo ra xung đột không đâu có.

Ở Mỹ hiện nay, mỗi vụ xung đột, bạo loạn quy mô lớn đều không thiếu bóng dáng của các tổ chức cộng sản. Năm 1992, đoạn băng hình về Rodney King, một cư dân da đen ở Los Angeles, vì lái xe khi say rượu đã bị cảnh sát da trắng đánh đập trong khi bắt giữ, được công bố trên truyền hình. Vụ án được phán quyết xong, khi nhóm người biểu tình hòa bình chuẩn bị giải tán thì đột nhiên có người dùng tấm biển kim loại nện vào một chiếc xe ô tô đang qua đường, cuộc biểu tình nhanh chóng thăng cấp thành một vụ bạo loạn, cướp bóc, đốt phá quy mô lớn.

Cảnh sát trưởng Sherman Block của quận Los Angeles, khi được hỏi về sự tham gia của đảng viên Đảng Cộng sản Mỹ trong cuộc bạo loạn, cho biết: “Nhóm người này ở trong đó phóng hỏa, đập phá, cướp bóc.” Trong mấy ngày bạo loạn, các trường học và trên đường khắp nơi đều có truyền đơn của các tổ chức cộng sản như Đảng Cộng sản Cách mạng Mỹ, Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa, Đảng Lao động Tiến bộ, Đảng Cộng sản Mỹ. Có tờ rơi có câu: “Vì phán quyết hôm nay phục hận!… Hãy mang súng ống tới đây!” Một cảnh sát ở Los Angeles tiết lộ: “Trước khi tuyên bố phán quyết, họ đã đang phát truyền đơn rồi.”

Ở châu Âu, sự phổ biến rộng khắp của trào lưu tư tưởng và chính sách chủ nghĩa xã hội đã là sự thực không phải bàn. Mỹ là một quốc gia đặc thù, và cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi vận động chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu vô cùng cuồng nhiệt thì sự phát triển của nó ở Mỹ lại rất hữu hạn. Nhưng tình thế từ đó đến nay đã thay đổi rất nhiều.

Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, một ứng viên của một chính đảng cánh tả lớn đã công khai quảng bá chủ nghĩa xã hội. Trong ngôn ngữ của chủ nghĩa cộng sản đã nói rất rõ rằng chủ nghĩa xã hội là “giai đoạn sơ khai” của chủ nghĩa cộng sản. Bản thân vị ứng cử viên đó cũng thừa nhận rằng: “Tôi biết có rất nhiều người, hễ nghe đến từ ‘chủ nghĩa xã hội’ thì vô cùng căng thẳng”. Vậy mà người đó không tránh né, mà còn giới thiệu tư tưởng chủ nghĩa xã hội. Điều không ngờ là, trong cuộc tranh cử, người đó đã trở thành một trong hai ứng viên dẫn đầu của chính đảng đó.

Cuộc thăm dò dư luận cuối kỳ bầu cử năm 2016 cho thấy, trong một trong những chính đảng cánh tả lớn, 56% số người tự nhận là có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội. Xu thế nghiêng về chủ nghĩa xã hội này sớm đã được chỉ ra trong cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2011. Cuộc thăm dò này cho thấy 49% công dân Mỹ từ 30 tuổi trở xuống có quan điểm tích cực về chủ nghĩa xã hội, nhưng chỉ có 47% đánh giá tích cực về chủ nghĩa tư bản. Điều này cho thấy sự chuyển dịch về phía cánh tả của toàn bộ hình thái ý thức xã hội là có quan hệ mật thiết với việc cánh tả cổ xúy chủ nghĩa xã hội và một thế hệ người trẻ tuổi không hiểu về chủ nghĩa cộng sản.

Thực ra, ảo tưởng của người phương Tây hiện nay về chủ nghĩa xã hội cũng hết sức tương tự như ảo tưởng của vô số thanh niên nhẹ dạ ấp ủ chủ nghĩa cộng sản trong 100 năm qua ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác. Thế hệ trẻ thì thiếu mất khả năng lý giải thấu đáo lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc mình, không có sức đề kháng trước chủ nghĩa xã hội có vẻ ngoài ôn hòa, nhân văn. Màn diễn của thế kỷ 20 đang tái hiện ở thế kỷ 21.

Vậy làm sao để thoát khỏi cái bẫy vận động đấu tranh xã hội của phe cực tả? Vấn đề xã hội thì không thể không lên tiếng, đây là quyền, nghĩa vụ, và là hoạt động dân sự cần thiết. Như vậy có mâu thuẫn hay không?

Điều này kỳ thực rất đơn giản nếu bạn biết rõ bản chất vấn đề. Chủ nghĩa cộng sản giỏi lợi dụng sự “thù hận” trong nhân tính để kích động đấu tranh. Vì thế dù ở phe nào, thời thời khắc khắc, khi tham gia vào những cuộc “đấu tranh xã hội” này, hãy tự hỏi mình xem, khi mình thực hiện hành vi này, khi mình nói câu nói này, khi mình ủng hộ người này…, mình có đang mang tâm thái bực bội, ghét bỏ, kích động hay thù hận không? Nếu cảm thấy bản thân có một chút kích động, bộc phát nhiệt tình, hứng khởi hò hét, đầu có chút nóng nảy, hãy dừng lại và đừng tiến tới.

Bạn không thích Trump? Hãy thực hiện quyền bầu cử của mình. Bạn muốn cải tổ hệ thống cảnh sát? Hãy cẩn thận suy nghĩ cụ thể về cách thức cải tổ và nói lên điều đó. Bạn ghét phe cánh tả và cái gọi là “những người bị lợi dụng”? Đừng ghét, hãy nói ra phân tích của mình một cách đường hoàng, không tự cao, không cay nghiệt. Hãy tâm niệm rằng tôi ôn hòa mà đến, tôi ôn hòa tranh luận, tôi ôn hòa mà đi, không vì mục đích không thực hiện được mà kích động. Hãy hiểu rõ và hãy tự hỏi bản thân một cách cụ thể xem bạn muốn gì, và hãy tìm cách giải quyết mong muốn đó lý trí và ôn hòa, thay vì vào hùa theo những người khác để rồi trong tâm lý bầy đàn mà rơi mất chính mình.

Da trắng và da đen không phải là một mâu thuẫn sống chết bên trong xã hội Hoa Kỳ. Có rất nhiều mối quan hệ xã hội đặt trên cơ sở cộng sinh, mà không phải là bình đẳng. Vì thế, đừng yêu cầu người da đen phải giống người da trắng, cũng đừng bắt người da trắng phải giống người da đen. Tâm thái, tính cách, thể chất, thói quen của mỗi tộc người là khác nhau, hãy tôn trọng điều đó, đừng cào bằng nó. Xã hội tôn trọng sự cộng sinh tự nhiên sẽ có cách phân phối thích hợp cho từng cá thể. Con người là bình đẳng trước quy luật xã hội, bao gồm cả luật pháp, nhưng lại sống cộng sinh với nhau, không có khái niệm bình đẳng sai lầm về của cải vật chất, địa vị, và rất nhiều loại quyền lợi.

Nguyễn Vĩnh

Nguyễn Vĩnh

Published by
Nguyễn Vĩnh

Recent Posts

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

5 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

7 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

16 phút ago

Nhà Hậu Trần – P5: Giằng co cản bước quân Minh nam tiến

Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…

26 phút ago

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

36 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

43 phút ago