Văn Hóa

Muốn có “cải cách giáo dục từ dưới lên” cần phải có các “thực tiễn giáo dục”

Cũng giống như các cuộc cách mạng nhằm cải tạo xã hội, cải cách giáo dục khi nhìn nhận dưới góc độ lịch sử có thể được chia làm hai loại: “Cải cách giáo dục từ trên xuống” và “Cải cách giáo dục từ dưới lên”. “Cải cách giáo dục từ trên xuống” được hiểu là cuộc cải cách xuất phát từ phía nhà nước – các cơ quan quản lý giáo dục đứng đầu là Bộ giáo dục và đào tạo. Cuộc cải cách này được tiến hành thông qua các chính sách và chỉ đạo có tính chất hành chính, bắt buộc. Trái lại, “cải cách giáo dục từ dưới lên” đúng như tên gọi của nó được tiến hành bởi các giáo viên ở các trường học. Cuộc cải cách giáo dục phong phú và linh hoạt này được tiến hành chủ yếu bằng các “thực tiễn giáo dục”.

“Thực tiễn giáo dục” là gì?

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng “thực tiễn giáo dục” là tất cả những gì người giáo viên thiết kế, tiến hành và thu được ở hiện trường giáo dục. Các “thực tiễn giáo dục” này là kết quả nghiên cứu chuyên môn tâm huyết, tự chủ và sáng tạo của các giáo viên trên cơ sở nghiên cứu mục tiêu giáo dục, chương trình khung, SGK, tình hình thực tế của nhà trường, học sinh. “Thực tiễn giáo dục” có thể không hoàn toàn trùng khớp hay chỉ là sự minh họa, diễn giải những gì được trình bày trong SGK. Nói một cách ngắn gọn nó là sản phẩm của sự sáng tạo mang đậm dấu ấn của người giáo viên, của ngôi trường họ đang dạy học. Chính vì vậy “thực tiễn giáo dục” thường được gọi bằng cái tên gắn liền với ngôi trường hoặc người giáo viên sáng tạo ra nó. “Thực tiễn giáo dục” nói tới ở đây có thể là những gì người giáo viên tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn như một vài tiết học khi thực hiện một chủ đề học tập, trong một học kỳ, một năm học hoặc cũng có thể là cả quãng đời dạy học.

Vai trò của “thực tiễn giáo dục”

Có thể coi “thực tiễn giáo dục” là một con đường đi giữa những chỉ đạo về nội dung và phương pháp giáo dục của cơ quan hành chính giáo dục và tình hình thực tế trường học nhằm đi đến cái đích là “mục tiêu giáo dục”. Đây là nơi thể hiện tài năng nghề nghiệp của người giáo viên. Khi thiết kế và thực thi “thực tiễn giáo dục”, người giáo viên phải xử lý một cách khéo léo nhất mối quan hệ giữa chương trình, SGK, mục tiêu giáo dục, yêu cầu thực tế của xã hội, nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu truy tìm chân lý nội tại của học sinh và tình hình thực tế của nhà trường, địa phương.

Bằng việc thiết kế và thực hiện các “thực tiễn giáo dục” có tính độc lập tương đối và mang tính sáng tạo cao, những người giáo viên sẽ tạo ra sự thay đổi thích cực ở ngay hiện trường giáo dục. Hàng ngàn, hàng vạn “thực tiễn giáo dục” như vậy khi hợp lại với hiệu quả cộng hưởng sẽ làm nên cuộc “cải cách giáo dục từ dưới lên”. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, các cuộc “cải cách giáo dục từ trên xuống” cho dù ban đầu có quy mô đến bao nhiêu đi nữa thì về sau nó cũng dần dần nguội lạnh. Vì vậy, các cuộc “cải cách giáo dục từ dưới lên” với vô vàn các “thực tiễn giáo dục” vừa có tác dụng thúc đẩy, duy trì vừa có tác dụng điều chỉnh cuộc “cải cách giáo dục từ trên xuống”. Nói cách khác, trong cuộc cải cách giáo dục, người giáo viên sẽ không phải chỉ đóng vai trò gống như một người thợ, một người thừa hành thuần túy mà họ, bằng lao động nghề nghiệp giàu tính chủ động, sáng tạo, thấm đẫm tinh thần tự do sẽ dẫn dắt giáo dục đi đúng hướng và thực hiện mục tiêu giáo dục.

Ở phạm vi hẹp hơn, các “thực tiễn giáo dục” còn tạo cơ hội cho các giáo viên trong trường học và các đồng nghiệp xa gần có dịp trao đổi chuyên môn thực sự. “Thực tiễn giáo dục” được ghi chép, tổng kết lại cũng sẽ là những tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu.

“Thực tiễn giáo dục” được ghi lại như thế nào?

Tiến hành các “thực tiễn giáo dục” là công việc thường xuyên của giáo viên. Đó là sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, công việc của giáo viên không chỉ dừng lại ở việc thiết kế và tiến hành các “thực tiễn giáo dục”. Giáo viên cần phải ghi lại, tổng kết các “thực tiễn giáo dục” của bản thân và công bố chúng.

Thông thường, một “thực tiễn giáo dục” ở quy mô nhỏ (thường là một chủ đề học tập với dung lượng 3-7 tiết học) được ghi lại với cấu trúc sau:

  • Tên “thực tiễn giáo dục”: Có thể trùng với tên của chủ đề học tập hoặc tên riêng thể hiện mục tiêu, phương châm giáo dục của giáo viên.
  • Thời gian – địa điểm: Ghi rõ ràng, chính xác thời gian bắt đầu, kết thúc, địa điểm tiến hành thực tiễn (trường, địa phương, lớp)
  • Đối tượng: Học sinh lớp mấy, số lượng, đặc điểm học sinh.
  • “Giáo tài”: Tài liệu dùng để giảng dạy và “chuyển hóa” nội dung giáo dục thành nội dung học tập của học sinh.
  • Mục tiêu của “thực tiễn” (chủ đề học tập): Về tri thức (hiểu biết), kĩ năng, mối quan tâm, hứng thú, thái độ…
  • Kế hoạch chỉ đạo (giáo án): Bao gồm các chỉ đạo cụ thể của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh.
  • Quá trình thực hiện: Ghi lại khách quan, trung thực và đầy đủ tối đa về diễn tiến của thực tiễn trong thực tế, chú trọng các phát ngôn và hành động của giáo viên và học sinh.
  • Hồ sơ giờ học: Tập hợp các cảm tưởng, bài viết, bài kiểm tra, ghi chép của học sinh, sản phẩm của học sinh tạo ra trong thực tiễn…
  • Tổng kết thực tiễn: giáo viên tự đánh giá về thực tiễn trong tham chiếu với mục tiêu đặt ra và những điểm cần lưu ý rút ra cho bản thân.
  • Phụ lục: Tài liệu sử dụng hoặc liên quan đến thực tiễn

Các thực tiễn giáo dục khi đã được “văn bản hóa” như trên có thể được trao đổi thông qua các buổi thuyết trình, thảo luận chuyên môn hoặc công bố trên các tập san, tạp chí. Gần đây với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật số giáo viên có thể ghi lại “thực tiễn giáo dục” bằng hình ảnh. Các thực tiễn này cũng sẽ là dữ liệu quý cho các sinh viên, nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát, nghiên cứu.

Một “thực tiễn giáo dục” được tổng hợp lại của cô Kawasaki Kayoko
Các cảm tưởng, ý kiến học sinh trong “thực tiễn giáo dục” của cô Kawasaki Kayoko

Cơ hội tiến hành các thực tiễn giáo dục ở Việt Nam

Thành thật mà nói, ở Việt Nam do nhiều yếu tố trong đó có sự tồn tại quá lâu của cơ chế “SGK quốc định” (một chương trình-một sách giáo khoa), các “thực tiễn giáo dục” với ý nghĩa như vừa phân tích ở trên gần như không tồn tại. Sự giống nhau từ nội dung, phương pháp đến tài liệu giảng dạy, ngày giờ tiến hành của các bài học trên cả nước là biểu hiện cụ thể cho hiện thực đó. Nhận thức của giáo viên về “thực tiễn giáo dục” và vai trò chủ động, sáng tạo khi tiến hành các “thực tiễn giáo dục” cũng là một vấn đề đang đặt ra.

Tuy nhiên, bằng việc chấp nhận cơ chế “một chương trình-nhiều sách giáo khoa” trong cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành, Bộ giáo dục và đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên tiến hành các “thực tiễn giáo dục”. Đây là “cơ hội vàng” cho các giáo viên ở hiện trường giáo dục thực thi và tổng kết các thực tiễn. Các “thực tiễn giáo dục” sẽ trở thành chủ đề của các buổi sinh hoạt chuyên môn hoặc được công bố trên các tạp chí có liên quan. Các “blog” cá nhân của giáo viên hay trang “web” của các trường phổ thông cũng có thể là nơi công bố các “thực tiễn giáo dục”. Sự phong phú của các “thực tiễn giáo dục” sẽ tạo ra sinh khí cho các trường học và đem đến niềm vui cho cả giáo viên và học sinh. Bằng việc tiến hành hàng ngàn, hàng vạn các “thực tiễn giáo dục” trên cả nước không ngừng nghỉ, “cải cách giáo dục từ dưới lên” nhất định sẽ thành công góp phần tạo ra những người công dân mơ ước có tư duy độc lập và tinh thần tự do.

Nguyễn Quốc Vương
Nhật Bản, 31/12/2014

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

12 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

18 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

29 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

33 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

33 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

43 phút ago