Niên hiệu là dấu hiệu của một thời đại, của một đời Hoàng đế. Trong lịch sử, các đời Đế Vương đều dùng niên hiệu để biểu lộ rõ sứ mệnh. Đồng thời niên hiệu còn biểu thị lý niệm trị quốc của Hoàng đế, gửi gắm nguyện vọng quốc thái dân an, giang sơn vĩnh hằng của người làm Thiên tử.
Thời Trung Hoa cổ đại, ban đầu các triều đại thường dùng số năm Đế Vương tại vị để ghi năm. Ví như, năm Chu Tuyên Vương thứ nhất, năm Lỗ Ẩn Công thứ ba… Đây là cách mà bốn triều đại gồm Hạ, Thương, Chu, Tần và tiền Tây Hán thường dùng.
Năm 140 TCN, Hán Vũ Đế sáng tạo ra niên hiệu “Kiến Nguyên”. Đây là niên hiệu đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Từ đó về sau, các đời Đế Vương Trung Nguyên bắt đầu sử dụng niên hiệu để ghi năm, không sử dụng cách dùng năm Đế Vương tại vị để ghi năm nữa. Đồng thời, các niên hiệu này thường có xuất xứ từ Chu Dịch.
Vào triều đại nhà Hán, các đời Hoàng Đế thường dùng chữ “Nguyên” trong Chu Dịch để định niên hiệu. Trong mười niên hiệu mà Hán Vũ Đế đặt định ra thì có bảy niên hiệu có sử dụng chữ “Nguyên”. Hán Chiêu Đế lấy “Thủy Nguyên”, “Nguyên Phượng”, “Nguyên Bình” làm niên hiệu. Hán Tuyên Đế dùng “Nguyên Khang” làm niên hiệu. Hán Nguyên Đế dùng “Sơ Nguyên”, còn Hán Thành Đế đặt “Nguyên Duyên” làm niên hiệu. Thời Đông Hán còn có các niên hiệu “Nguyên Hòa”, “Vĩnh Nguyên”, “Nguyên Hưng”, “Nguyên Sơ”, “Nguyên Gia”. “Nguyên” nằm trong quẻ đầu tiên của Chu Dịch là Quẻ Càn, mang ý nghĩa chỉ vị trí đứng đầu, sự khởi đầu.
Hoàng đế đầu tiên của Tây Tấn là Tư Mã Viêm lên ngôi đặt niên hiệu là Thái Thủy. “Thái Thủy” thể hiện ý nguyện hy vọng mở ra một thời đại trời đất giao hòa yên bình của Hoàng đế. Về sau, Tư Mã Viêm đặt niên hiệu mới là “Hàm Ninh”. Niên hiệu này có xuất xứ từ “Thoán truyện”. Trong đó viết: “Thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh“, ý tứ là Quân Vương thi hành thiên đạo thì thiên hạ sẽ đều có trật tự và được an ổn thái bình.
Triều đại nhà Đường, mỗi một Đế Vương đặt định niên hiệu cũng đều có liên quan với Chu Dịch. Hoàng đế Đường Thái Tông chỉ dùng một niên hiệu Trinh Quán. “Trinh Quán” có nguồn gốc từ Chu Dịch. Chữ “Trinh” có ý nghĩa là chính đạo, đúng đắn, hợp lý. Việc đời cát hung, đất nước thịnh hay suy đều được quyết định ở việc có hành chính đạo hay không. “Trinh Quán” chính là dùng chính đạo để trị vì quốc gia. Hoàng đế Đường Thái Tông đã thi hành chính đạo mà cuối cùng xác lập được một thời đại huy hoàng trong lịch sử, nổi danh với tên gọi “Trinh Quán chi trị”.
Đường Duệ Tông đặt định niên hiệu “Văn Minh”, có nguồn gốc câu: “Kiến long tại điền, thiên hạ văn minh”, thấy rồng ở ruộng là thiên hạ văn minh phát đạt. Niên hiệu “Thái Cực” có xuất xứ: “Thị cố dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi”, Dịch có Thái Cực, Thái Cực sinh lưỡng nghi. Đường Huyền Tông đặt niên hiệu: “Tiên Thiên” cũng có xuất xứ từ câu: “Tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thì”, tiên thiên thì không trái với trời, hậu thiên phụng sự thiên thời.
Ngoài ra, niên hiệu “Kiền Nguyên” thời Đường Túc Tông, niên hiệu “Vĩnh Thái” thời Đường Đại Tông, niên hiệu “Trinh Nguyên” thời Đường Đức Tông, niên hiệu “Vĩnh Trinh” thời Đường Thuận Tông, niên hiệu “Thái Hòa”, “Khai Thành” thời Đường Văn Tông, niên hiệu “Đại Trung” thời Đường Tuyên Tông, niên hiệu “Hàm Thông” thời Đường Ý Tông, niên hiệu “Kiền Ninh”, “Thiên Hữu” thời Đường Chiêu Tông đều có xuất xứ từ Chu Dịch.
Từ triều đại nhà Minh trở về sau, các niên hiệu mang ý nghĩa bày tỏ nguyện vọng của Hoàng đế. Niên hiệu đầu tiên của triều đại nhà Minh là “Hồng Vũ” do Chu Nguyên Chương sáng lập. “Hồng” nghĩa là thịnh đại, to lớn, “Vũ” là võ công, mang ý nghĩa thành tựu về mặt quân sự. “Hồng Vũ” mang ý nghĩa biểu dương công lao của Chu Nguyên Chương đã tiêu diệt quần hùng, đánh đuổi quân Nguyên Mông.
“Kiến Văn” là niên hiệu thời Minh Huệ Tông, ý nghĩa là kiến lập thành tựu về văn hóa giáo dục, mang ý nghĩa tương đối trái ngược với “Hồng Vũ”.
“Vĩnh Lạc” là niên hiệu do Minh Thành Tổ đặt ra, mang ý nghĩa là thiên hạ vĩnh viễn thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Thời niên hiệu Vĩnh Lạc, sức mạnh của nhà Minh thực sự đạt đến mức cường thịnh, uy danh của triều Minh cũng tăng lên.
“Hồng Hi” là niên hiệu thời Minh Nhân Tông, biểu thị mong muốn quốc gia ngày càng cường thịnh. Hoàng đế Minh Tuyên Tông khi lên ngôi lại lấy niên hiệu là “Tuyên Đức”. “Tuyên Đức” tức là lấy đức làm đầu. Vào những năm Tuyên Đức, đất nước thái bình dân chúng an vui, là thời kỳ ổn định nhất của triều đại nhà Minh. Sau này khi Hoàng đế Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn lên ngôi vẫn tiếp tục sử dụng niên hiệu này. “Thiên Thuận” là niên hiệu do Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn sau này đặt ra, ngụ ý là thừa lệnh ý chỉ của Trời.
Triều nhà Thanh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã lấy “Thiên Mệnh” làm niên hiệu. “Thiên Mệnh” có xuất xứ từ cuốn Thượng Thư, mang ý nghĩa là Thiên Thượng hạ lệnh cho ta đến cai quản thiên hạ. “Sùng Đức” là niên hiệu thứ hai của nhà Thanh, có nghĩa là tôn sùng đức trị, dùng đức giáo hóa con người.
Vị Hoàng đế thứ tư của nhà Thanh là Ái Tân Giác La Huyền Diệp đã đặt “Khang Hy” làm niên hiệu. “Khang” là trật tự, an ổn, “Hy” là hưng thịnh, vươn lên. “Khang Hy” tức là vạn dân an khang, thiên hạ hưng thịnh. Niên hiệu “Khang Hy” được sử dụng liên tục trong 61 năm Hoàng đế tại vị, mở ra một thời đại thịnh thế, đồng thời cũng là niên hiệu được sử dụng lâu dài nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Trong lịch sử, mỗi khi thay đổi triều đại, hay mỗi lần gặp điềm lành, thiên tai, các Hoàng đế đều thay đổi niên hiệu cũ, sử dụng niên hiệu mới. Ví như thời Tam Quốc, Tôn Quyền thấy ở Vũ Xương, Hạ Khẩu xuất hiện con phượng hoàng, vì thế ông đã đổi tên thành “Hoàng Long”.
Thời kỳ Hán Tuyên Đế, ở Sơn Đông xảy ra động đất, cổ nhân xuất phát từ tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, cho rằng động đất là cảnh báo của đại địa đối với người cai trị đất nước. Vì thế, Hán Tuyên Đế hạ “Tội kỷ chiếu” (thư trách tội mình), hy vọng đại địa lượng thứ, tiết chế. Cho nên đã cải sửa niên hiệu thành “Địa Lễ”. Về sau, Trời giáng sương ngọt, nên Hán Tuyên Đế lại sửa niên hiệu thành “Cam Lộ” (sương ngọt).
Cũng có khi là do cục diện chính trị có sự biến hóa nên các Hoàng đế sẽ thay đổi niên hiệu. Thời kỳ Hán Nguyên Đế, dân tộc Hung Nô kêu gọi vua Hung Nô yết kiến Hán Nguyên Đế để đôi bên ước định dừng lại chiến tranh. Vì thế, Hán Nguyên Đế đã cải sửa niên hiệu thành “Cánh Ninh”, nhằm biểu đạt biên cảnh vĩnh viễn bình an.
Trong hơn 2000 năm lịch sử, các đời Đế Vương của Trung Hoa đã sử dụng hơn 600 niên hiệu hy vọng chính bản thân và thiên hạ của mình có tương lai tốt đẹp và lâu dài. Nhưng có giang sơn cơ nghiệp nào là kiên cố bền vững mãi mãi? Việc thay đổi triều đại xem ra có lẽ là điều tất yếu của lịch sử, đồng thời cũng là thiên ý.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: Vì sao hành thiện nhưng không được phúc báo?
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…