Phạm Thế Lịch làm quan tận tụy nhiều lần giúp cả dân và quan khỏi bị hàm oan, nhưng khi ông mở kho thóc phát chẩn cứu dân thì bị vu oan.
Vào cuối thế kỷ 18 ở làng Quần Mông, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường (nay là thôn Lạc Quần, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có ông Phạm Đình Kham làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân, kết hôn với cô Mai Thị Duyên vốn là con gái của ông Hương trưởng trong làng.
Năm 1791, hai vợ chồng sinh hạ được người con trai đặt tên là Phạm Thế Lịch.Năm 7 tuổi cậu bé Lịch đã có tiếng thông minh bởi học đâu nhớ đấy, học một biết mười.
Năm 14 , Thế Lịch dự thi khảo hạch, đề ra bài phú “Nhật trung vi thị ” (giữa ngày họp chợ), bài của Thế Lịch được mọi người khen hay.
Năm 1819, Phạm Thế Lịch dự thi, quyển của ông được trúng ưu hạng nhất, nhưng quy chế thi nhà Nguyễn rất khó, dù văn hay nhưng ông bị chấm trượt vì “viết không hợp cách”. Bố vợ thấy thế thì khuyên ông dừng đi thi, làm Lý trưởng để có đất kiếm sống, nhưng ông không nghe, quyết học cho khoa thi sau. Nhưng các kỳ thi sau đó Phạm Thế Lịch dự thi đều không đỗ.
Lúc này ở Thăng Long định kỳ có tổ chức bình văn, Phạm Thế Lịch tham gia, từ đó mà tài văn của ông được nhiều người biết đến.
Thời điểm này Phạm Thế Lịch tiếp xúc với Phan Bá Vành – thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa được dân nghèo tham gia, từ đó ông không còn hứng thủ với khoa cử nữa.
Tuy nhiên anh của ông là Phạm Đình Khương lại tiếc tài văn của em mình nên luôn động viên ông dự thi. Đến kỳ thi ông làm bài cũng không muốn nộp quyển, anh ông phải nộp quyển cho ông.
Khoa thi năm 1828, Phạm Thế Lịch đỗ Á nguyên, sang năm vào kỳ thi Hội ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, cùng khoa với Phạm Thế Hiển và Ngô Thế Vinh. Nhà Vua tặng cả 3 vế đối:
Thế Lịch, Thế Hiển, Thế Vinh
Tam Thế đồng khoa Vinh Hiển Lịch.
Khi Phạm Thế Lịch quyết tâm thi đỗ thì lại không đỗ, lúc ông không còn muốn đỗ nữa thì lại đỗ tiến sĩ.
Phạm Thế Lịch làm quan qua các chức vụ khác nhau, đến năm 1836 thì ông làm Tả thị lang bộ Lễ, được cử đi sứ sang nhà Thanh. Bằng tài đối đáp và ngoại giao giỏi, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, được vua Thanh tặng cho 2 bộ triều phục.
Sau đó ông có 3 năm làm quan ở Hưng Hoá, giúp phát triển văn hóa ở đây. Ở Hưng Hoá xảy ra việc 40 người Trung Quốc vào rừng đốn gỗ tứ thiết – đây là 4 loại gỗ quý được Triều đình bảo vệ là đinh, lim, sến, táu. Dân chúng bắt được giải lên quan.
Tổng đốc Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) là Nguyễn Công Hoán xử theo luật định, 40 người này bị xử tử. Tuy nhiên Phạm Thế Lịch cho rằng 40 người này không biết luật vô ý mà phạm tội, nên không đáng tội chết. Nguyễn Công Hoán không nghe.
Cả Nguyễn Công Hoán và Phạm Thế Lịch đều gửi mật tấu về Triều đình báo sự việc. Mật tấu của Nguyễn Công Hoán gửi đến trước và Vua đồng ý cho xử tử, Phạm Thế Lịch kiên trì cố can ngăn xin dời lại ít ngày.
Hai ngày sau Vua nhận được mật tấu của Phạm Thế Lịch thì cho tha cho nhóm người này. Nhờ có sự nhẫn nại can thiệp kịp thời của Phạm Thế Lịch mà 40 người Trung Quốc thoát khỏi tội oan, họ về nhà thờ ông ngay từ khi còn sống. Từ đó các thổ hào ở Hưng Hoá đều tin phục ông.
Năm 1845, Phạm Thế Lịch được tin tưởng cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, hoàn thành niệm vụ trở về ông được thăng làm Hữu thị lang bộ Hộ, đồng thời làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An.
Phạm Thế Lịch làm quan không chỉ giúp dân, mà nhiều vụ việc ông còn tâu giúp cho các quan trong Triều đình tránh khỏi bị tội oan. Đến năm 1848 ông được thăng làm Hữu Tham tri bộ Lại, sung Kinh Diên giảng quan, kiêm quản Hàn lâm viện. Năm 1849 ông làm Giảng quan hàng ngày giảng sách cho vua nghe ở tòa Kinh Diên.
Bấy giờ có Vũ Đăng Dương khi yết kiến Phạm Thế Lịch đã không tuân theo lễ nghi của các quan nên bị mắng vô lễ. Từ đó Vũ Đăng Dương để bụng thù ghét mà tìm dịp trả đũa.
Năm 1850, Phạm Thế Lịch làm Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Ninh – Thái (Bắc Ninh, Thái Nguyên). Có năm mất mùa đói kém, ông mở kho thóc phát chẩn cứu dân rồi báo về Triều đình, nhờ đó mà dân chúng vượt qua được năm đói kém.
Tuy nhiên Vũ Đăng Dương lại tâu lên rằng không có chuyện mất mùa, Phạm Thế Lịch tự ý mở kho thóc phát cho dân nhằm được lòng dân và kể công với Triều đình. Lập tức Triều đình cách chức và yêu cầu ông phải hoàn lại số thóc đã phát cho dân.
Năm 1852, Phạm Thế Lịch về quê vui thú với ruộng vườn. Lúc này Trương Đăng Quế là Phụ chính Đại thần mến tài của ông nên muốn ông đến Kinh đô giữ chức Kinh diên nhưng ông không muốn làm quan nữa. Trương Đăng Quế muốn ông làm Đốc học ở tỉnh nhà nhưng ông cũng từ chối.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…
Tiếng đàn du dương của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của một…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử cựu cầu thủ bóng bầu dục…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố vào thứ Sáu (22/11) rằng ông…