Bát Tràng: Làng gốm, làng khoa bảng
- Trần Hưng
- •
Nói đến đồ gốm thì người miền Bắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến gốm Bát Tràng. Mặc dù ngày nay làng hầu như không còn làm gốm mà chỉ nhập đồ gốm về bán, nhưng trước đây trong một khoảng thời gian dài, làng nổi tiếng về làm đồ gốm từ thời nhà Lý. Hơn nữa Bát Tràng cũng là một làng có tiếng về khoa bảng.
Làng gốm
Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nằm ở bờ phía đông (tả ngạn) của sông Hồng. Khu đất này được hình thành từ rất xa xưa với 72 gò đất sét màu trắng, vì vậy mà người dân gọi là Bạch Thổ.
Dòng họ đầu tiên đến vùng đất này làm nghề gốm là dòng họ Nguyễn từ Ninh Tràng nên thường được gọi là họ Nguyễn Ninh Tràng.
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đặt tên cho Kinh đô mới là Thăng Long. Trung tâm kinh tế lớn chuyển đến Thăng Long, cách xa Hoa Lư.
Trước đó, nghề gốm tập trung ở Làng Bồ Bát thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (huyện Yên Mô, Ninh Bình ngày nay), gần Hoa Lư. Những sản phẩm đồ gốm tinh xảo đều xuất phát từ ngôi làng này. Trong làng có 5 dòng họ nổi tiếng nghề gốm là họ Trần, Vượng, Nguyễn, Lê, Phạm.
Sau khi Kinh đô chuyển về Thăng Long, 5 dòng họ làm gốm làng Bồ Bát quyết định đến Thăng Long để xem xét lập ghiệp.
Biết được vùng đất Bạch Thổ có các gò đất sét trắng, có thể làm ra đồ gốm rất tốt, lại ở gần sông Nhị (tức sông Hồng) thuận lợi cho việc giao thông, chuyên chở và trao đổi hàng hóa, nên 5 dòng họ này quyết định dừng chân lập nghiệp.
Năm dòng họ từ làng Bồ Bát đến Bạch Thổ, cùng với họ Nguyễn Ninh Tràng ở đây tạo thành 6 dòng họ, cùng mở các lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường, nghĩa là phường đất trắng.
Lúc này Kinh đô mới còn rất thô sơ, nhiều nghệ nhân và thợ giúp Vua xây dựng Kinh đô khang trang hơn. Vật liệu chính xây thành Thăng Long là loại gạch Vĩnh Ninh Trường được sản xuất ngay tại Bạch Thổ phường.
Kinh thành được xây dựng xong, vua Lý Thái Tổ cảm kích các nghệ nhân ở Bạch Thổ đã trao tặng 4 chữ “Bạch Thổ danh sơn”.
Thuận theo dòng thời gian, nhiều người dân di cư lần lượt đến Bạch Thổ, khiến nơi đây thêm đông đúc, trở thành trung tâm đồ gồm nổi tiếng.
Đến cuối thời nhà Trần, Bạch Thổ được gọi là phường Bát Đàn, sang đầu nhà Lê được gọi là Bát Tràng.
Đến thời kỳ nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng, nghề gốm Bát Tràng phát triển đến cực thịnh, đa dạng chủng loại và được vận chuyển đi khắp nơi. Khu chợ nơi đây luôn tấp nập, sách Đại Nam Nhất thống chí có ghi chép rằng: “Chợ Bát Tràng ở gần bờ bắc sông Nhị (sông Hồng), thuyền buôn tụ tập, mỗi ngày họp hai buổi sáng và chiều”.
Thời kỳ này Bát Tràng không chỉ nổi tiếng làm đồ gốm, mà còn nổi tiếng về buôn cau khô và nước mắm.
Đến thời nhà Nguyễn, gốm Bát Tràng xuống dốc, không có thêm được sản phẩm nghệ thuật nào. Đến thời thuộc Pháp, dù phải cạnh tranh với nước ngoài nhưng gốm Bát Tràng vẫn vững vàng phát triển, có những chủ lò gốm rất giàu có vào thời kỳ này.
Đến năm 1936, nhà địa lý học Pháp Pierre Gourou đã nhận xét về Bát Tràng như sau:
“Bát Tràng chắc chắn là làng gây ấn tượng mạnh mẽ nhất vùng châu thổ sông Hồng về mặt tổ chức công nghiệp, với những cái lò đồ sộ, dài 12 m, cao 2,60 m, rộng 3,60 m, những ngôi nhà chen chúc nhau – ở đó không trông thấy trâu hay nông cụ – những đống củi cao lù lù từ 7 tới 8 m3. Nhưng ngôi làng hầu như hoàn toàn công nghiệp này, gần như không có đất trồng trọt, đang ở buổi suy tàn; hiện chỉ còn lại bốn năm lò hoạt động; dân chúng quy sự suy tàn này cho tình trạng khó khăn về tìm đất và giá cả quá cao mà họ phải trả”.
Làng khoa bảng
Bát Tràng có 8 vị đỗ đại khoa như Vương Thì Trung, hiệu là Chất Trai, đổ tiến sĩ thời nhà Mạc; Trần Thiện Thuật đỗ tiến sĩ thời Lê Trung Hưng; Nguyễn Đăng Liên đỗ tiến sĩ thòi vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Tự khanh, khi mất được phong Hàn lâm viện thị độc, v.v…
Làng có 2 người được sắc phong Quận công, riêng dòng họ Lê có 9 người là quan đại thần trong Triều.
Làng rất giữ lễ nghĩa, các quan đại thần khi về làng thì đến bờ đê đều bỏ võng lọng đi bộ vào làng, ở Đình làng khi nào cũng giữ lễ nghĩa ngồi sau các bô lão.
Người Kinh Bắc có câu:
Sống làm trai Bát tràng,
Chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ.
Một bài thơ về làng Bát Tràng do cụ Đặng Huy Chú viết năm 1867, say này được nhà giáo Đỗ Hải dịch như sau:
Đất thiêng người giỏi nức quê xưa
Từ chiếc bàn xoay hưởng lộc vua
Chất củi đun lò nên nghiệp cả
Đất sông luyện gốm nổi cơ đồ
Góp công ham nghĩa lời vua tặng
Đỗ đạt cao danh phúc tổ thừa
Này đất đáng yêu phong vị đẹp
Đầy trời ngan ngát khí xuân đưa.
Tâm linh tín ngưỡng ở Bát Tràng cũng rất phát triển với Đình, Văn chỉ, Hào chỉ, Chùa, Miếu, tất cả đều khá khang trang. Văn chỉ Bát Tràng là nơi thờ Khổng Tử, các vị Thánh Hiền và 364 vị tiên nho của làng. Nơi đây cũng thờ Sĩ Vương, vị Thái thú giúp Giao Châu có giai đoạn thịnh vượng, truyền chữ nghĩa, giúp người Việt yên ổn trong thời Tam Quốc chiến loạn.
Đồng thời Văn chỉ cũng là nơi dạy học, nơi sơ khảo các học trò trước khi đi thi, nơi Hội tư văn bàn chuyện học hành. Hội tư văn là Hội của những người học chữ Thánh Hiền, đây là Hội có uy tín và tiếng nói quyết định trong làng.
Đình Bát Tràng là một trong những ngôi Đình lớn nhất, thờ 5 vị Thần có công đánh giặc giữ nước.
Chùa Kim Trúc (còn gọi là chủa Bảo Minh) cổ kính, có 74 trụ làm bằng đá vuông, 4 mặt cột đều chạm khắc câu đối tinh xảo ca ngợi Phật Pháp, khuyên bảo con người làm điều thiện, tránh xa việc ác.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng làng nghề Bát Tràng