Đất Kinh Bắc xưa là nơi giang sơn tụ khí, là vùng đất khoa bảng sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Việt. Chẳng thế mà vùng Kinh Bắc vẫn lưu truyền câu phương ngôn: “Một giỏ ông Ðồ, một bồ ông Cống, một đống Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”. Nơi cây có làng Kim Đôi, được mệnh danh là “lò tiến sĩ”.

“Lò tiến sĩ” Kim Đôi

Làng Kim Đôi xứ Kinh Bắc đóng góp 25 vị tiến sĩ trong lịch sử khoa bảng. Đây là làng có người đỗ đạt cao thứ hai trong nước, chỉ sau làng Mộ Trạch. Vì thế mà dân gian có lưu truyền câu:

Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh
Hai mươi lăm vị khoa danh rõ ràng

Xưa kia dân trong làng kiếm sống bằng nghề dủi tôm dủi cá, ấy thế mà vẫn có nhiều người đỗ đạt làm quan, vì thế mà gọi là làng Dủi Quan.

25 vị đỗ tiến sĩ ở Kim Đôi đều nằm trong hai họ là họ Nguyễn và họ Phạm. Trong đó họ Nguyễn chiếm hết 18 vị, 7 vị còn lại là họ Phạm.

Họ Nguyễn lập hàng loạt kỷ lục khoa bảng

Họ Nguyễn làng Kim Đôi chiếm kỷ lục duy nhất là dòng họ có 13 đời liên tiếp đỗ đại khoa, trong đó có 9 anh em chú cháu cùng làm quan đại thần một triều. Có 5 anh em ruột họ Nguyễn đều đỗ tiến sĩ và làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, đặc biệt nữa là cả 5 anh em đều đỗ đạt khi còn rất trẻ, chỉ từ 15 đến 19 tuổi, gồm:

– Nguyễn Nhân Thiếp đỗ Hoàng Giáp năm 1466 khi mới 15 tuổi, làm quan tới chức Thượng thư bộ Lại.

– Nguyễn Nhân Bỉ đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1466 khi 19 tuổi, từng được cử đi sứ nhà Minh và sau này được thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Ông cũng là thành viên trong hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập ra.

– Nguyễn Nhân Phùng đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1469 khi 19 tuổi, được ngự bút của vua Lê Thánh Tông nên đổi thành Nguyễn Trọng Xác, sau thành Nguyễn Xung Xác và làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc chưởng viện sự kiêm Lễ bộ tả thị lang, cũng là thành viên trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.

– Nguyễn Nhân Dư đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1472 khi mới 17 tuổi, làm quan đến chức Hiến sát sứ.

– Nguyễn Nhân Đạc đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1475 khi 18 tuổi, làm quan đến chức Hàn lâm viện Hiệu thảo.

Vì việc này, vua Lê Thánh Tông ban tặng 8 chữ vàng cho làng là “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” (nghĩa là gia thế ở Kim Đôi áo đỏ, áo tía đầy triều).

5 anh em ruột đỗ đạt khi còn rất trẻ đều là con của bà Hoàng Thị Hay. Tấm bia đá trong nhà thờ họ Nguyễn do Trạng nguyên Lương Thế Vinh biên soạn năm 1484 dù chỉ một đoạn ngắn nhưng có thể hiểu được công lao của người mẹ dạy dỗ các con to lớn thế nào:

“Con đi học xa, áo chưa rách đã bảo người nhà may sẵn cho, sợ bị cảm lạnh mà tổn hại đến việc học. Thức ăn chưa hết đã bảo người nhà mang đến, sợ bị đói mà tổn hại đến việc học. Các con cảm động vì tình nghĩa giáo huấn của cha mẹ nên dốc lòng tu chí về nghiệp học mà thành danh”.

Họ Phạm

Họ Phạm làng Kim Đôi có 7 tiến sĩ, đặc biệt những năm cuối nhà Lê Trung Hưng có các trung thần là Phạm Nguyễn Đạt cùng anh em Phạm Đình Phan và Phạm Đình Dư.

Phạm Nguyễn Đạt đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1757, làm quan đến Đông Các Đại học sĩ. Khi được cử đi sứ sang nhà Thanh, ông gặp vua Càn Long và hoàn thành tốt công việc, khi về nước được phong làm Thừa chánh sứ, tước Kim Vân bá.

Phạm Đình Phan đỗ tiến sĩ khoa thi võ học năm 1763. Khi quân Tây sơn tiến ra bắc, Phạm Đình Phan trung thành với nhà Lê, chạy đến Bắc Giang tập hợp quân phò Vua chống lại Tây Sơn. Việc không thành, ông uống thuốc độc bảo toàn khí tiết với nhà Lê.

Phạm Đình Dư là em của Đình Phan, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1775, giữ chức Tham tri chính sự, Thiêm đô ngự sử, tước Quỳnh Hà bá. Khi nhà Lê mất ông cũng về quê ở ẩn.

Thời nhà Nguyễn, họ Phạm cũng có đại diện của mình. Phạm Bá Thiều đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1832. Ông làm Tế Tửu Quốc Tử Giám ở Huế và làm quan đến chức Trung nghị đại phu, Thái bộc tự khanh sung Toản tu Quốc Sử Quán.

Sau khi nghỉ hưu, Phạm Bá Thiều về quê mở trường dạy học, ông có nhiều trò đỗ đạt và thành danh trong lịch sử như: Bảng nhãn Vũ Duy Thanh; Thám hoa Mai Anh Tuấn; Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Hoàng Đình Tá, Nguyễn Khắc Cần; các tiến sĩ như Phạm Phú Thứ, Đặng Trần Chuyên, Nguyễn Quý Tân.

den tho tien si kim doi
Đền thờ các tiến sĩ làng Kim Đôi. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Tiếp nối truyền thống

Việc làng Kim Đôi lập nhiều kỷ lục khoa bảng mà không làng nào có được khiến nhiều người tìm hiểu đồn đoán, người thì cho rằng nơi đây có long mạch; người thì cho rằng nhà thờ họ Nguyễn và họ Phạm đều hướng về phía tây nơi có ngọn núi Tam Thai giống như cây bút chấm xuống mực là nước sông Cầu.

Bên cạnh sự chăm sóc dạy dỗ của gia đình còn có sự động viên trợ giúp của làng, làng có ruộng khuyến học cho người đỗ tiến sĩ trở lên. Văn chỉ cấp huyện có quy định rằng: Người dự lễ tế phải có học vị, nếu không có học vị thì dù giữ chức quan nào cũng không được vào lễ tế.

Nối tiếp truyền thống hiếu học, ngày nay làng Kim Đôi có hàng trăm cử nhân, hàng chục người là thạc sĩ và tiến sĩ. Hàng năm các dòng họ đều có tổ chức khen thưởng nhằm khuyến học giúp các thế hệ con cháu đều nối tiếp truyền thống khoa bảng mà cha ông để lại.

Họ Nguyễn có đền thờ 18 tiến sĩ, hàng năm đều tổ chức giỗ tổ vào ngày 28/2. Cứ 5 năm một lần dòng họ vinh danh cho con cháu có thành tích học vị cao. Tính đến năm 2021 dòng họ có 9 tiến sĩ, 43 thạc sĩ, 136 cử nhân đại học, 133 học sinh đạt giải cấp thành phố, 60 học sinh đạt giải cấp tỉnh.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: