Năm 1558, khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng được phép vào trấn đất Thuận Hóa thì vùng đất này chỉ gồm hai xứ thừa tuyên là Thuận Hóa và Quảng Nam, song theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, đến đầu thập niên 1570, đã có khá nhiều thuyền buôn các nước đến buôn bán với hai xứ Thuận Quảng rồi. Trong một tác phẩm viết về sự truyền đạo Thiên Chúa tại Đại Việt thời kỳ này, Romanet du Caillaud cho biết vào năm 1583, giáo sĩ Diego Aduarte đã nhìn thấy sự hiện diện của một chiếc tàu Nhật quanh vùng Tourane (Đà Nẵng).
Tuy nhiên, trước năm 1592, thuyền buôn Nhật đến các nước trong vùng chỉ có tính tự phát, không chịu sự kiểm soát của chính quyền nơi xuất phát. Từ năm 1592 trở đi, một chế độ mới được ban bố, thuyền buôn Nhật muốn rời bến đi sang nước khác phải có một loại giấy phép gọi là châu ấn trạng (shuin-jo). Việc làm này nhằm mục đích kiểm soát, đồng thời hạn chế số thuyền buôn ra nước ngoài. Dù vậy, trước năm 1592, số người Nhật đến Đại Việt và trú ngụ lâu dài đã khá đông. Theo một tài liệu do tiến sĩ Lê Văn Hảo phổ biến vào tháng 5 năm 2004, đầu thế kỷ 17, nhiều thương nhân Nhật nhờ làm ăn phát đạt, đã mua lại của chính quyền Đàng Trong 20 mẫu đất để xây dựng phố xá và cất lên ngôi chùa Tùng Bổn Tự. Họ dựng bia, đúc chuông, đúc tượng Phật để thờ phụng. Một số đàn ông Nhật cưới vợ người Việt.
Tại Faifo (Hội An), vào thời này, có hẳn hai khu vực cư ngụ và buôn bán riêng biệt; một khu vực của người Hoa và một khu vực của người Nhật, chia cách nhau bởi chiếc cầu Nhật Bản có mái che do người Nhật xây dựng năm 1593, nay vẫn còn nguyên trạng. Cầu lợp ngói để che mưa nắng cho người lưu thông trên đó nên vào thời kỳ đầu, cư dân địa phương gọi một cách đơn giản là Cầu Ngói, về sau, căn cứ vào sự hiện diện của một ngôi chùa nhỏ trên cầu, người ta gọi chung là Chùa Cầu. Riêng người Pháp gọi là Pont japonais (cầu Nhật Bản) hay Pont couvert (cầu có mái che).
Năm 1719, trong dịp vào thăm Hội An, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho cầu cái tên “Lai Viễn Kiều” – “cầu nơi khách phương xa tìm đến” (một tài liệu của người Pháp đã nhầm khi viết rằng người đến thăm cầu là vua Lê Hiển Tông, do sự trùng hợp giữa miếu hiệu Hiển Tông của vua Lê và miếu hiệu Hiển Tông của chúa Nguyễn Phúc Chu).
Ở một đầu cầu Nhật Bản , người Nhật đắp tượng hai con chó bằng đất trong tư thế ngồi xổm, đầu cầu bên kia là tượng hai con khỉ. Căn cứ vào chi tiết này, một vài tài liệu giải thích rằng cầu được khởi công xây dựng vào năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất, tức hai năm sau đó. Lời giải thích trên hoàn toàn sai lạc, vì cầu được xây dựng vào năm 1593 (chi tiết này không bị ai phản bác) là năm Quý Tỵ, không liên quan gì đến các năm Thân, Dậu, Tuất cả.
Riêng ngôi chùa nhỏ trên cầu có tên là Bắc Đế Trấn Vũ, thờ một viên tướng Tàu, còn được gọi là Huyền Thiên Đại đế, do các bang hội người Hoa ở Minh hương xã lo việc thờ cúng. Hàng năm, lễ hội dành cho vị thần này diễn ra vào ngày 20 tháng 7 âm lịch. Căn cứ vào những chữ đại tự trên rầm cầu, được biết vào năm Gia Long thứ 16 (1817), các quan lại, bô lão, bang trưởng và cư dân làng Minh hương đã tiến hành việc trùng tu cầu. Công việc này được tiếp tục vào những năm 1823, 1875 và đến năm 1915, một cuộc trùng tu toàn diện chiếc cầu được tiến hành với những chi tiết trang trí còn tìm thấy ngày nay. Ngôi chùa nhỏ bị hư hại trong một cơn bão trước đó vài năm, đến những tháng đầu năm 1917 mới được tái thiết.
Vào những thập kỷ đầu thế kỷ 20, có lời truyền tụng về hai ngôi mộ xây của người Nhật ở Hội An, trên đường từ thị trấn ra biển. Điều này khiến cho nhiều người Nhật sang thăm Việt Nam luôn tìm đến đó để nhớ tới kỷ niệm về cha ông họ từng có thời sinh sống ở đấy. Tuy nhiên, theo các bô lão sống lâu đời tại địa phương, đấy chỉ là những ngôi mộ Việt chứ không phải của một người ngoại quốc nào. Ngoài ra, trong tác phẩm Guide de l’Annam (Sách chỉ dẫn về nước An Nam), tác giả Ph. Eberhardt có đề cập đến dấu tích của một ngôi nhà gỗ được người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, nằm ở trung tâm Hội An, cạnh một con kênh: “Bên trong thị trấn (Faifoo), gần con kênh Chợ Được, người ta để ý đến một ngôi nhà gỗ được người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17, ông Rougier, lúc đó làm công sứ ở thị trấn này, đã tìm thấy hai tấm bảng đồng có chạm trỗ rất đẹp mang các con số thuộc về một gia đình hiệp sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 15”. Tiến sĩ Sallet, tác giả một bài viết đăng trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) năm 1919 cho biết đã không tìm thấy vị trí ngôi nhà mô tả trên, vì không có kênh Chợ Được mà chỉ có chợ Chợ Được nằm gần con kênh nối liền Faifoo với Tam Kỳ.
Trong những dấu ấn quan trọng của người Nhật vào các thế kỷ 17-18 liên quan đến xã hội Đại Việt, có hai tác phẩm hội họa quý giá, một là bức Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (vượt biển thông thương với nước Giao Chỉ) và hai là bức Thác kiến Quán thế âm. Cả hai tác phẩm đang được lưu trữ tại chùa Jomyo ở thành phố Nagoya và được mọi người xem là một bảo vật. Cũng theo mô tả của tiến sĩ Hảo, bức Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ là một bức tranh màu nước đồ sộ dài 498 cm, cao 78 cm, đã bị mất một phần, các phần còn lại miêu tả bốn cảnh quan: cảnh thuyền châu Âu rời cảng Nagasaki đi Giao Chỉ và cập bến Hội An; cảnh thương nhân Nhật dâng lễ vật cho một người được tin là chúa Nguyễn; cảnh khu phố Nhật ở Hội An; và cảnh một ngôi nhà lớn trong đất liền. Tranh Thác kiến Quán thế âm vẽ tượng Phật Quán thế âm, nói lên phần nào sự thịnh hành của đạo Phật dưới thời các chúa Nguyễn.
Nhiều cuộc khai quật dưới thời Pháp thuộc còn cho thấy một số hiện vật do người Nhật sở hữu vào thời ấy như đồ gốm, lọ sứ, vại, chai hoặc ly uống rượu saké; nhưng độc đáo nhất có lẽ là những chiếc gương đồng tiêu biểu cho nếp sống văn hóa và sự tinh tế trong nghề thủ công của các nghệ nhân Nhật. Theo sử liệu của người Nhật, chiếc gương đồng đầu tiên là tác phẩm của hai vị thần Ishi-Koro Mikoto và Ama Tsu-ma-ra trong nỗ lực khiến cho nữ thần mặt trời Amaterasu phải ra khỏi hang động của bà. Chiếc gương đồng ấy có tên Yata-no-Kagami đang được bảo quản tại một ngôi đền ở I-sé. Từ đó, nó trở thành một trong ba biểu tượng của vương quyền ở Nhật Bản. Trong lịch sử Nhật Bản, vào năm 100, dưới triều đại Kei-Kô (71-130), lần đầu tiên có những gương đồng được mài bóng. Tại Nara, trong kho báu hoàng gia Sho-so no, người ta lưu giữ nhiều gương đồng có lẽ có từ thế kỷ thứ 7. Từ đó, và cho đến ngày nay, người Nhật sử dụng một kỹ thuật khác để làm gương đồng. Mặt sau gương được trang trí bằng những hình chạm khắc tinh xảo theo kỹ thuật khảm men huyền, khảm xà cừ, với kim loại mạ vàng và sơn mài. Người Nhật Bản xưa cũng có những điều mê tín liên quan đến gương đồng, chẳng hạn đặt nó dưới gối hay dưới giường một đứa trẻ đang đau yếu có thể làm cho sức khỏe của nó hồi phục nhanh hơn; người nào soi gương vào lúc 2 giờ sáng thì sẽ biết được hậu vận của mình; gương đồng được chôn theo người chủ của nó khi an táng…
Vào nửa đầu thế kỷ 20, trong bộ sưu tập của viên quản thủ Bảo tàng Huế J.H. Peyssonaux, có 6 chiếc gương đồng, và qua những nghiên cứu về sản phẩm độc đáo này, ông ta đã có một bài viết đăng trên Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) năm 1933, nói về lịch sử những chiếc gương đồng và phương pháp chế tạo chúng qua những thời điểm khác nhau. Peyssonaux phân biệt hai loại gương đồng chính: loại có tay cầm bằng gỗ hay kim khí và loại nhỏ hơn có khoét lỗ trên lưng để xỏ dây treo. Gương đúc từ thế kỷ 16 trở về sau thường có hình tròn, được làm bằng một loại đồng hơi nhạt màu, mặt sau gương tạc hình những khóm tre, rặng thông, hoa, cảnh trí, loài vật hoặc những câu chuyện thần thoại trong lịch sử. Một vài loại gương được chế tạo tinh tế đến độ khi ánh sáng mặt trời rọi vào, chúng làm ẩn hiện lên đường viền những hình ảnh cẩn sau mặt gương. Nét văn hóa của gương đồng còn thể hiện ở những nghi lễ thần bí, ở đó, người Nhật tin rằng chúng có thể khám phá những bí ẩn sâu kín nhất và báo trước cho con người những diễn biến tương lai của họ.
Gương đồng, đó là những chứng nhân theo sát cuộc sống thăng trầm của người Nhật trong suốt quá trình lịch sử phát triển của đất nước Phù tang. Giá trị của chúng vượt lên trên tính chất tầm thường của những vật trang điểm trên tay bà mệnh phụ, vì nhờ có chúng, người ta có thể nhìn thấy những bước đi của lịch sử và các chuyển biến trong đời sống của nhiều thế hệ khác nhau. Những chiếc gương đồng của doanh nhân Nhật tìm thấy trên đất Việt, cũng như di vật quý báu của nàng công nữ Việt trên đất Phù tang là những dấu tích văn hóa Nhật đáng lưu giữ cho đời sau.
Lê Nguyễn
7.8.2018
Đăng tải dưới sự đồng ý của tác giả
Bài đã đăng trên Văn hóa Nghệ An
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…