Trong lịch sử, người ta nói nhiều đến sự hiện diện của những người Pháp tự nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quân đội của chúa Nguyễn Ánh, song hình như ít ai biết về mối quan hệ của những người phương Tây khác với các anh em nhà Tây Sơn. Trên thực tế, trong thời gian diễn ra cuộc nội chiến tại Đàng Trong, cũng đã có những cuộc gặp gỡ, quan hệ giữa nhà Tây Sơn với một số người phương Tây, trong đó có một người Anh đang tìm cơ hội chen chân vào thị trường Đại Việt.

Đầu thập niên 1770, cùng với sự thao túng của quyền thần Trương Phúc Loan tại phủ chúa Nguyễn sau cái chết của chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, đời sống kinh tế xã hội của Đàng Trong gặp nhiều khó khăn, nạn tham nhũng tràn lan, thuế má tăng cao, trung tâm thương mại Hội An ít tàu đến buôn bán… Chính vào thời điểm này, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở ấp Tây Sơn, phủ Qui Nhơn quyết định khởi binh mượn danh nghĩa trừ diệt quyền thần Trương Phúc Loan để lật đổ nhà Nguyễn. Tháng 9 năm 1773, họ bất thần đánh chiếm phủ lỵ Qui Nhơn, làm bàn đạp xâm chiếm nhiều khu vực khác.

Trong khi đó, tại Đàng Ngoài, chúa Trịnh Sâm nhận được sớ trình của Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt báo cáo tình hình rối ren ở kinh đô Phú Xuân của nhà Nguyễn, và cảm thấy đây là cơ hội tốt để ra tay. Ngay lúc nửa đêm, Sâm cho mời hai Đại tư đồ Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm (thân sinh thi hào Nguyễn Du) vào phủ để bàn bạc và đi đến sự nhất trí là cử binh Nam tiến. Hoàng Ngũ Phúc được giao trách nhiệm chỉ huy đoàn quân đi đầu với sự phụ tá của Bùi Thế Đạt. Khi đến Hà Tĩnh, Phúc gửi thư thống trách chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần hèn yếu và ban hịch kể tội chuyên quyền, bạo ngược của Trương Phúc Loan. Định vương hiểu rõ thâm ý của Phúc, viết thư trả lời, yêu cầu Phúc đưa quân trở ra bắc. Biết không thể thuyết phục chúa Nguyễn đầu hàng, Hoàng Ngũ Phúc cho quân áp sát lũy Trấn Ninh (thuộc Quảng Bình, giáp đất Trấn Ninh của Lào) rồi đánh chiếm căn cứ này. Thắng lợi đầu tiên khiến Trịnh Sâm phấn khởi, tháng 11 âm lịch năm 1774, ông tự thống lĩnh quân đội, hướng về Đàng Trong. Quân Trịnh tiến công như chẻ tre, trên đường họ đi qua, các thành lũy hoặc thất thủ, hoặc đầu hàng.

Trong tình thế bất lợi, phần vì thấy chúa Trịnh cử quân đánh Đàng Trong với chiêu bài diệt quyền thần Trương Phúc Loan, phần vì cũng muốn trừ khử kẻ quyền thần, các tướng sĩ của chúa Nguyễn họp bàn và quyết định bắt Loan giao nộp cho quân Hoàng Ngũ Phúc. Dân Thuận Hóa được tin này rất mừng, vào cướp phá nhà Loan, lấy hết của cải và giết cả những người thân tín của Loan. Theo một số nguồn tư liệu khác, Hoàng Ngũ Phúc biết Loan rất giàu có nên đòi hối lộ và nhận rất nhiều vàng bạc của Loan. Có tư liệu cho rằng chính con cháu Loan mang vàng đi nộp cho Hoàng Ngũ Phúc để xin tha mạng cho Loan. Có lẽ do vậy mà Hoàng Ngũ Phúc chỉ tạm giam Loan rồi cho giải ra Đàng Ngoài. Song ở dọc đường, do mất tinh thần và sức khỏe suy kiệt mà Loan đã chết trước khi nhìn thấy đất Tràng An.

Đầu năm 1775, liệu không chống nổi quân Trịnh, chúa Định vương quyết định rút về Quảng Nam, lập cháu kêu bằng chú là Nguyễn Phúc Dương (con thế tử Nguyễn Phúc Hiệu) làm Đông cung Thế tử (Phúc Thuần không có con trai). Mấy tháng sau, anh em Tây Sơn mang quân từ Qui Nhơn ra uy hiếp Quảng Nam. Trong tình thế lưỡng đầu thọ địch, mặt bắc phải chống quân Trịnh, mặt nam bị quân Tây Sơn tấn công, Định vương quyết định để Đông cung Dương ở lại cự địch, còn ông và một người cháu khác là Nguyễn Phúc Ánh (con Nguyễn Phúc Luân) xuống thuyền chạy vào Gia Định.

Trước hai thế lực kình chống nhau (quân Trịnh và quân Nguyễn), anh em nhà Tây Sơn chọn một đối sách khôn ngoan là tùy tình hình mỗi lúc để nghiêng về bên này hay bên kia. Biết được là dân chúng chỉ căm ghét Trương Phúc Loan, lòng người vẫn hướng về các chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc dùng sức mạnh của quân đội bức ép Đông cung Dương về Qui Nhơn, tôn làm minh chủ, rồi gả con gái là Thọ Hương cho, lấy danh nghĩa phò nhà Nguyễn, đánh quân Trịnh. Về sau, khi thanh thế quân Trịnh quá mạnh, Nhạc cho người mang thư và vàng lụa dâng nộp cho Hoàng Ngũ Phúc và xin làm tiền khu đi đánh chúa Nguyễn Phúc Thuần ở Gia Định. Phúc thấy thế cũng tiện cho quân Trịnh nên thuận theo đề nghị của Nguyễn Nhạc, đồng thời xin Trịnh Sâm cho đóng quân tại Thuận Hóa để dưỡng quân. Tuy nhiên, không lâu sau Hoàng Ngũ Phúc bị bệnh mất, binh quyền được chúa Trịnh trao cho Bùi Thế Đạt, có sự phụ tá của Lê Quí Đôn, nhà bác học của Đại Việt vào thế kỷ XVIII.

Năm 1775, tại Thuận Hóa, ngoài chuyện binh đao, một trận đói lớn đã diễn ra khiến người dân khốn đốn. Chi tiết của sự kiện này được Giám mục Labartette kể rõ trong thư gửi cho giáo sĩ Boiret. Qua năm sau (1776), Nguyễn Lữ đưa quân vào nam đánh lấy thành Sài Côn (Sài Gòn) thuộc đất Gia Định rồi thu 200 thuyền gạo chở về Qui Nhơn. Cũng trong năm này, biết được mưu đồ của Nguyễn Nhạc chỉ muốn mượn danh nghĩa mình để chiếm lấy quyền hành, Đông cung Dương trốn xuống thuyền chạy về Gia Định, được Định vương nhường ngôi cho với vương hiệu Tân Chính vương, phần ông lên làm Thái Thượng vương. Song sang năm 1777, hai biến cố lớn xảy ra cho dòng họ các chúa Nguyễn: Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương (cũng là rể Nguyễn Nhạc) bị quân Tây Sơn bức tử tại Ba Việt và sau đến phiên Thái Thượng vương bị họ sát hại tại Long Xuyên. Người duy nhất còn sống sót và chạy thoát là Nguyễn Ánh, cũng là cháu của Định vương Nguyễn Phúc Thuần.

*******

Vào thập niên 1770, người Anh bắt đầu dòm ngó Đàng Trong. Khoảng cuối năm 1777, đầu năm 1778, một tàu Anh có tên Rumbold đi từ Ấn Độ đến Tourane (Đà Nẵng) để phối kiểm những tin tức mà người của họ đã thu thập được về Đàng Trong. Nhân dịp này, một giáo sĩ Pháp tên De Loureiro từng là y sĩ riêng của chúa Võ vương liên lạc với thuyền trưởng tàu Rumbold xin theo về Bengale, nhân tiện nhờ chở giúp hai viên quan của chúa Nguyễn (không rõ tên) vào Sài Gòn để bắt liên lạc lại với chủ cũ. Đề nghị của De Loureiro được viên thuyền trưởng chấp thuận. Tuy nhiên, trên hành trình trở về Bengale, khi tàu Anh đến cửa sông Sài Gòn, một trận gió mạnh đột ngột nổi lên khiến tàu không vào Gia Định được, viên thuyền trưởng phải quay mũi tàu, đưa tất cả sang Bengale. De Loureiro và hai viên quan Đại Việt được Toàn quyền Anh Warren Hasting đối xử tử tế. Tháng 4.1778, hai viên quan của chúa Nguyễn được thuyền trưởng Hutton của tàu Jenny đưa về nước, song trên hành trình, một trong hai người này mắc bệnh và qua đời. Đồng thời với chiếc Jenny, một tàu khác tên Amazon với thuyền trưởng Maclennan và một viên chức của Công ty Thương mại Anh là Charles Chapman cũng được phái sang Đàng Trong để phát triển các mối quan hệ về thương mại.

Một chút quan hệ của người phương Tây với phong trào Tây Sơn
Người Đàng Trong ở Đà Nẵng thời Tây Sơn – Tranh của họa sĩ người Anh William Alexander. (Tranh qua wikipedia)

Khoảng cuối tháng 6.1778, tảu Amazon thả neo ở Qui Nhơn, Chapman lên bờ tìm cách yết kiến các anh em nhà Tây Sơn. Ông ta được gặp Nguyễn Nhạc, trình bày mục đích chuyến đi. Nguyễn Nhạc cũng tỏ rõ nỗi vui mừng được tiếp xúc với người Anh, hứa cho họ được đến buôn bán tại các hải cảng do nhà Tây Sơn kiểm soát. Ông còn đi xa hơn, với lời đề nghị mượn hai tàu Jenny và Amazon để vào Nam đánh quân của chúa Nguyễn. Chapman khôn khéo trả lời rằng ông được lệnh không tham gia vào những cuộc chiến đang diễn ra trong xứ.

Trong một lần gặp khác, Nguyễn Nhạc ngỏ ý nhờ Chapman thuyết phục viên Thống đốc Bengale cử người có tài sang Đại Việt giúp huấn luyện quân sĩ của ông. Mặt khác, ông cần sự giúp sức của tàu Anh để chinh phục toàn bộ Đại Việt và hứa sẽ nhượng đất để đền bù. Chapman hứa sẽ chuyển đến Toàn quyền Anh ở Ấn Độ những đề nghị của Nhạc và sẽ trả lời sau. Song ông ta không chỉ gặp Nhạc. Ông ta được viên quan Đại Việt đi theo tàu Jenny về và đang ẩn lánh gần Phú Xuân đưa đi gặp một số hoàng thân quốc thích và quan lại cũ của chúa Nguyễn, những người này cũng ngỏ ý nhờ người Anh giúp khôi phục đất đai cũ.

Ngày 28.7.1778, Chapman giong buồm lên phía bắc, thả neo ở vịnh Tourane ngày 2.8 và gặp thủy thủ bốn chiếc tàu từ Macao đến. Những người này than phiền về sự thua lỗ trong buôn bán do phải nộp thuế quá nặng. Chapman đi thăm Faifo lúc đó đã bị chiến cuộc phá hủy một phần, rồi sau đó ra Phú Xuân, được hướng dẫn yết kiến viên trấn thủ của chúa Trịnh tại đây (chưa rõ là ai). Để khích lệ mối quan hệ thương mại giữa thương nhân Anh và người bản xứ, vị trấn thủ đồng ý miễn cho Chapman thuế neo tàu và một số loại thuế khác. Tuy nhiên, khi Chapman đến thăm và tặng quà viên Tổng chỉ huy quân sự tại Phú Xuân (có lẽ là Bùi Thế Đạt) thì chỉ nhận được sự tiếp đón chiếu lệ của ông này. Dù vậy, Chapman cũng tiến hành được một số vụ giao dịch, bán được một số kim loại như đồng, chì, sắt, đồ ngũ kim, đồ thủy tinh, vải mua từ Madras, Bengale… Tháng 10.1778, Chapman được tin là viên tướng tổng chỉ huy quân đội ở Phú Xuân đã kích động phần lớn bộ tham mưu chống lại ông ta và viên trấn thủ khó mà che chở cho ông ta được. Chapman còn được biết là do sự thúc giục của viên tướng kia, chúa Trịnh đã ra lệnh bắt giữ tàu Jenny đang thả neo trên con sông dẫn vào Phú Xuân. Ông ta và những người Anh đi theo buộc phải hành động nhanh chóng. Họ cho tàu Jenny nhổ neo ngay và bắt liên lạc với tàu Amazon đang đậu ở vịnh Tourane. Dù thời tiết chưa thuận lợi, Chapman cũng quyết định đi đến Qui Nhơn để gặp lại Nguyễn Nhạc một lần nữa. Tuy nhiên, giông bão nổi lên, hai chiếc tàu Anh phải tiếp tục neo đậu tại Tourane, mãi đến tháng 12.1778 mới nhổ neo được, song không thể ghé lại Qui Nhơn mà phải theo hướng Poulo Condore (Côn Đảo) và đến 16.2.1779 thì về tới Calcutta (Ấn Độ) sau 8 ngày dừng lại ở Malacca. Tại Ấn Độ, ông ta cố thuyết phục chính quyền Anh về vị trí thuận lợi của Đàng Trong do ở gần Trung Quốc, Đàng Ngoài, Nhật Bản, Chân Lạp, Xiêm… Song do nhiều khó khăn lúc bấy giờ, chính quyền Anh tại Ấn Độ đã không thực hiện đề nghị của Chapman.

Như vậy, mưu định của Nguyễn Nhạc muốn nhờ sự giúp đỡ của người Anh, thông qua thương nhân Charles Chapman, đã không thành, và một lần nữa người Anh vẫn không đạt được mục đích tranh giành thị trường với người Pháp trên bán đảo Đông Dương.

Lê Nguyễn
9.1.2018

Đăng dưới sự cho phép của tác giả.

Xem thêm:

Mời xem video: