Thưa chị…, câu chuyện mà chị chỉ “viết cho riêng mình”, không muốn cho người đời thóc mách, 8 năm sau “bị” em biên tập lại. Dĩ nhiên là em có thay đổi tính danh và chỉnh lại một vài chi tiết. Nhớ lời chị dặn trong chuyến về thăm Vũng Tàu năm 1990, nên dù hoàn tất đã lâu nhưng em vẫn để yên bản thảo trong hộc tủ. “Chị ‘phải’ đọc cho em nghe, nếu không chắc sẽ nổi điên. Nhưng xin em đừng kể lại cho ai.”

Bao năm qua, cuộc đời đã trải nhiều thăng trầm dâu bể, tôi đã cố tìm quên. Nhưng mỗi khi ký ức lắng đọng tìm về, tôi lại thấy lòng mình quặn thắt. Nỗi niềm đó ít khi tôi kể lại cho ai, ngay cả với những người thân nhất, nhưng hôm nay không hiểu sao tôi lại viết ra đây. Có thể trong tiềm thức, viết là để giải toả những ẩn ức chìm lắng trong một góc kín đáo nào đó của tâm tư, nhưng cũng có thể khởi đi từ một ước mong khiêm tốn là có người đọc nó, để niềm đau của tôi không đến nỗi thành vô ích.

*

Khi anh Quang theo học năm đầu khoa báo chí Vạn Hạnh thì đất nước đổi thay. Trong biến loạn 1975, gia đình mất hẳn tin anh. Cả mấy tháng sau đó cũng chẳng ai biết thêm gì. Dù mong manh ý nghĩ là có một điều bất thường nào đó đã đến với anh, nhưng không ai dám nghĩ là mất anh vĩnh viễn.

Kinh tế đổi thay, tôi phải bỏ học đi làm để phụ giúp gia đình. Thời gian sau tôi lấy chồng, sinh con đẻ cái. Cuộc sống khá chật vật và khó khăn, nhưng tôi vẫn bền gan phấn đấu, rồi sau đó cũng dần dần ổn định. Thủa ấy không lúc nào là tôi không nghĩ đến Quang, người anh trai mê sách, mê đến nỗi những khi cúp điện lúc nào anh cũng có sẵn một mớ đèn cầy để đốt và đọc thâu đêm. Nhiều hôm bị ba tôi bắt gặp, bảo tắt đèn đi ngủ, anh lại trùm chăn che ánh sáng và đọc tiếp nên có lần bị cháy xém một mảng tóc mà ngày thường anh rất nâng niu. Cuối cùng phải cạo trọc, bị các bạn gọi là “đầu đà thi sĩ”, anh chỉ mỉm cười, không giận, nhưng suốt mấy tháng liền trên đầu anh lúc nào cũng dán chặt chiếc mũ vải.

Anh Quang vui tính và rất hay kể chuyện nên tôi thường quấn quít bên anh. Giọng anh trầm trầm, chậm rãi bắt từ chuyện này sang chuyện khác, chứng tỏ một kiến thức rất dồi dào, thu lượm được qua hàng nghìn trang sách.Thỉnh thoảng anh chen vào những nhận xét tế nhị hoặc nói vài câu pha trò làm tôi cười lên vui vẻ. Nhưng những kỷ niệm tươi đẹp ấy giờ đã tan rồi. Anh Quang của tôi đã biến mất như bóng chim tăm cá. Chẳng biết anh lưu lạc về đâu hay có một bất hạnh kinh khủng nào đã đến với anh?

Nhưng khi niềm tin và đợi chờ của gia đình sắp kiệt thì lại có thư về. Anh không nói rõ bằng lý do nào đã thoát ra ngoại quốc, chỉ kể là thời gian đầu có qua Mỹ nhưng sau vài tháng anh lại xin chuyển hồ sơ qua Pháp. Trên phong bì có đóng con dấu bưu điện Nice, một thành phố miền nam nước Pháp, nằm trên bờ biển Côte d’Azur, gần vương quốc Monaco. Hôm đó nhà tôi tưng bừng mở hội. Phép lạ đến bất ngờ như một sự hồi sinh.

*

Những gói quà và tiền bạc sau đó do anh thường xuyên gửi về đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Nhờ tháo vát và bén nhạy với tình hình tôi đã mau chóng tạo vốn và bắt đầu thành lập một cơ sở kinh doanh nhỏ. Gặp nhiều may mắn và thuận lợi nên công việc làm ăn của tôi phát triển đều.

Lúc đầu tôi cũng rất ái ngại vì công sức của Quang. Tôi định bàn với gia đình khuyên anh ấy nên dành dụm để lo cho mình vì bên ấy đâu có ai thân thích. Nhưng suy đi, tính lại tôi lại thôi. Thời điểm đó cũng chính là lúc người ta vượt biên rất nhiều, ai định cư ở nước ngoài có vài tháng cũng đều gửi hình về, chụp bên cạnh những chiếc xe hơi bóng lộn. Người ta đua nhau kể chuyện dễ thành công trong xã hội Tây phương, ai cũng có công ăn việc làm và hái ra tiền.

Thực ra trong thâm tâm tôi cũng chẳng tin những chuyện này. Ba tôi cũng thường bảo là trong xã hội vật chất Âu Tây, muốn có tiền phải trả giá đắt chứ không sao dễ được. Nhưng chồng tôi thì lại nói: “Anh ấy có trình độ nên chắc dễ thành công hơn người khác – vả lại bên đó bỏ vài trăm quan mỗi tháng thì có nhằm nhò gì!”. Em dâu tôi cũng bảo: “Lo gì, anh ấy tự động gửi chứ chúng ta có đòi hỏi gì đâu! Vả lại, nếu không dư dả thì chắc anh ấy đã không gửi đều đều như thế”. Bà chị họ tá túc trong gia đình góp ý: “Cậu ấy biết liệu cơm gắp mắm chứ! Dì đừng lo hão!” Em trai tôi không nói gì. Mẹ tôi chỉ than: “Tội nghiệp thân nó!”. Còn tôi dù chưa thật an tâm, nhưng những lời của chồng và của em dâu, chị họ đã giúp tôi trấn áp được nỗi lo.

Đúng ra thì qua những bức thư anh Quang chưa bao giờ than thân trách phận. Thư anh chỉ nói chung chung, còn thì khuyên vợ chồng tôi ăn ở với mẹ cha sao cho có tình có nghĩa, yêu thương nhau,cố gắng làm ăn nhưng phải dành thì giờ để dạy cho con cái học hành, hướng dẫn chúng đi vào con đường tốt. Anh thường nhắc, cái đầu tư lớn nhất là tạo kiến thức và khả năng cho con cái. Dẫu thời thế có đổi thay, tiền bạc địa vị có thể mong manh, đảo lộn, nhưng nếu chúng còn sống thì bản lãnh có được sẽ không bao giờ mất. Nhưng máu kinh doanh đã làm tôi lạc vào mê hồn trận. Nhìn đâu đâu cũng cảm thấy bị ám ảnh bởi bạc tiền và danh vọng. Tôi xem những lời khuyên của Quang như là những lời nói hão huyền, không thực tế.

Anh Quang ít nói về mình, về những công việc đang làm. Chỉ thỉnh thoảng, và chỉ thỉnh thoảng thôi, anh mới than buồn vì không có bạn bè để đàm luận văn chương hay tán gẫu chuyện đời. Người Việt nơi anh sống quá ít, sách vở Tây phương anh đọc khá nhiều nhưng rất thèm sách tiếng Việt mà lại khó kiếm, có tiền cũng không dễ gì mua được. Anh ví von như người đã ăn đủ thứ cao lương mỹ vị, nhưng cuối cùng dưa muối quen thuộc đầu đời vẫn là món ưa thích nhất.

Những dịp tết tôi vẫn thường gửi thiệp chúc mừng anh. Nhiều lần tôi có ý mua vài số báo xuân, bài vở phong phú mà ngày xưa anh rất thích… nhưng cuối năm công việc rất nhiều, chuyện bán buôn, sổ sách, nợ nần vay mượn dập dồn… tôi không có thời gian nên cuối cùng lại quên đi mất. Sau đó nếu có nhớ, thì chỉ đành chép miệng thở dài. “Thôi, chờ dịp khác!”

Công việc kinh doanh của tôi mỗi ngày một thêm phát triển nhưng tiền bạc và quà cáp anh Quang vẫn thi thoảng gửi về. Lúc này những món quà ấy không còn cần thiết cho cuộc sống của tôi như xưa nữa,nhưng nhiều năm qua nhận nó đã trở thành một thói quen. Vả lại có mất gì đâu! Tôi mặc nhiên chấp nhận và gần như xem đó là một bổn phận không thoái thoát được của Quang. Thật thế, sau này nghẫm lại tôi vỡ lẽ ra là tất cả những ân huệ ban đầu, những ơn nghĩa thường xuyên, với thời gian người nhận vô tình bạc nghĩa như tôi thường xem đó chỉ là những điều bắt buộc.

Tôi sung sướng thả đầu óc mình ngụp lặn trong những toan tính làm ăn và tự hào về những thành đạt của mình. Tôi hãnh diện thấy chồng mình uy nghi trên những chiếc xe đời mới, luôn cập nhật để nở mặt với đời. Thời buổi này có tiền mà không chưng ra cho thiên hạ lé mắt thì thà không có còn hơn. Tôi không còn thì giờ để lo cho con cái nữa. Chồng tôi thì tương đối rảnh rang. Anh có thừa thì giờ để đi tắm biển, chơi bi da, tennis… và phó thác mọi việc lên vai tôi. Không hiểu sao anh Quang lại biết chuyện này, và có lần khuyên tôi nên sắp xếp cho hợp lý nhưng tôi thấy ở Việt Nam chuyện vợ làm chồng chơi là một chuyện bình thường. Ai cũng thế mà! Mình cam phận phục tùng chứ có ai bắt buộc đâu. Tuy thế cũng có lần, trong một bức thư, anh Quang viết bóng gió là tại sao lại có người không biết tự ái và vô trách nhiệm với vợ con đến thế.

Mấy năm trước, có lẽ do một chuyện không vừa ý trong gia đình, tôi chợt nhớ đến anh. Nhớ da diết. Tôi bùi ngùi hồi tưởng đến những kỷ niệm ngày xưa, rồi thấm thía với nỗi buồn ly biệt. Những câu chuyện cũ anh kể cho tôi lại lờ mờ hiện đến, đoạn nhớ đoạn không. Tôi lang thang trên bờ biển một mình rồi chợt nhớ là từ ngày xa cách đến nay tôi chưa hề gửi một món quà dù rất nhỏ cho anh. Cuống cuồng, tôi bươn bả chạy vào hiệu sách, nhưng không biết mua gì. Lâu nay tôi nào có thì giờ rớ vào sách vở nên biết đâu mà chọn. May có cô bán sách là một tay mê truyện, đã chọn hộ cho tôi bộ tiểu thuyết hai quyển và một tuyển tập truyện ngắn. Tôi hối hả mang về. Đang định viết cho anh một bức thư dài để gửi kèm thì nhà lại có khách.

Bẵng đi mấy tháng, khi tình cờ kiểm lại các sổ kinh doanh tôi lại thấy ba quyển sách vẫn nằm yên trong hộc tủ.Tôi vừa định lôi ra bao bì để đi bưu điện thì chuông cửa reo vang. Khi ra mở cửa thì thấy ông Vĩnh Phát. Ông là một thương gia lớn bậc nhất thị xã, đến thăm và để đề nghị một áp phe. Suốt đêm ấy tôi không tài nào chợp mắt, lòng miên man nghĩ đến những mưu kế làm ăn.

Cứ thế việc kinh doanh của tôi cứ tiến triển đều và công việc phát triển bao nhiêu tôi lại càng bận rộn bấy nhiêu. Tôi dành hết thì giờ cho công việc và đầu óc không còn chỗ cho những điều vặt vãnh khác. Cơm nước và các việc gia chánh tôi đều phó thác cho người làm. Còn con cái thì năm khi mười hoạ tôi mới ngó ngàng đến và nếu tình cờ thấy chúng xớ rớ thì cũng chỉ hỏi qua loa về chuyện học hành, nhiều khi chưa kịp nghe các câu trả lời nhát gừng của chúng tôi đã thả hồn vào những chuyện làm ăn. Chồng tôi thì vắng mặt suốt ngày. Mới đầu tôi cũng có hỏi nhưng sau cho đó là một thói quen, một chuyện tự nhiên… mà dẫu có cho là bất thường đi chăng nữa thì tôi cũng đâu có thì giờ để quan tâm đến.

Anh Quang vẫn gửi quà và tiền bạc liên tục cho tất cả mọi người trong gia đình. Chồng tôi khen: “Anh Quang tình cảm thật. Đáng phục! Đâu phải như mấy đứa em nhà anh qua Đức mấy năm mà chả có thư từ gì”. Em trai tôi thường hay im lặng, tính nó ít nói nhưng đứa em dâu và bà chị họ thì cũng khen không tiếc lời: “Anh ấy thật chu đáo, không bỏ sót một ai”; “Người tình cảm như vậy thật hiếm. Hy vọng cậu ấy sẽ kiếm được một cô vợ đảm đang”.

Phải, cô vợ đảm đang. Quái thật, anh Quang khá lớn tuổi, nhưng anh chưa bao giờ đề cập đến chuyện tình cảm của mình. Và chúng tôi cũng ít khi nhắc nhở, nếu có cũng chỉ hỏi qua loa vì tò mò thôi. Thì giờ đâu! Chuyện mình lo chưa hết, hơi sức đâu lo chuyện bên Tây. Sau này, khi tất cả mọi chuyện đã qua, xét lại lòng mình tôi thấy vô cùng hổ thẹn. Có lẽ có một giai đoạn nào đó trong đời chúng tôi đã có lần thầm mong là anh cứ ở vậy, đừng lập gia đình để có thì giờ lo cho tất cả chúng tôi trong đại gia đình còn kẹt lại bên này.

Bởi quà cáp và tiền bạc gửi về đều đặn quá nên chúng tôi cứ nghĩ là anh Quang có cơ sở kinh doanh hái ra tiền. Và có lẽ do vậy nên anh không bao giờ dám đề cập đến? Nhưng ba tôi thường trầm ngâm và gạt phăng giả thuyết này: “Thằng Quang là thằng thông minh và tháo vát nhưng không có máu làm ăn. Nó nặng tình nên hết lòng chứ không có cơ sở gì đâu. Ba nghĩ đó là mồ hôi của nó”. Người ta hay nói “biết con không ai bằng cha” và dù không ai dám cãi vì kính trọng cha, nhưng lũ chị em chúng tôi không đứa nào tin. Lẽ dễ hiểu là chúng tôi không muốn tin điều đó. Vả chăng phải có lý do thầm kín gì nên anh mới giấu kín chuyện làm ăn của mình chứ. Trong các bức thư ngắn ngủi gửi cho anh, chồng tôi còn chỉ cho tôi gợi ý một cách khéo léo là cần nhiều vốn để kinh doanh.

Thời gian sau, cũng là dịp gần Tết, tôi lại tình cờ thấy ba quyển sách nằm chình ình hứng bụi trên góc tủ. Lần này tôi không định viết thư nữa, thôi thì viết vài hàng trên bưu thiếp để gửi kèm cho anh cũng được. Tôi đóng gói và cột dây cẩn thận, nhưng vừa ghi tên người gửi thì thình lình có khách đến thăm. Bác Tường, giám đốc sở thuế. Công việc làm ăn của tôi xưa nay tiến triển cũng là nhờ công ơn bác.

Gần năm sau, ba tôi mất bất ngờ sau một cơn bạo bệnh. Anh Quang không về kịp. Lúc đó những người vượt biên chưa được phép về rộng rãi. Anh viết một bức thư thật dài nói lên những bi thương và đau đớn của mình. Trong đó có một câu mà có lẽ suốt đời tôi cũng sẽ không sao quên nổi: “Nếu phải đổi mười năm tuổi thọ của anh để một lần từ biệt với ba anh cũng sẵn lòng”. Rồi sau đó gia đình gần như bặt tin anh. Tôi biết anh đau xót lắm. Trong gia đình anh gắn bó với ba tôi nhất và hay tâm sự với ba như một người tri kỷ. Vắng ba, anh không còn ai để tâm sự nữa. Những vấn đề mà anh quan tâm, về triết lý cao xa, chúng tôi không ai tha thiết nên không biết viết gì cho anh. Anh đã không còn ai để kể lể tâm tình. Điểm tựa vững nhất để anh bám vào quê hương đã không còn nữa. Thư anh có viết thì cũng chỉ vài hàng ngắn ngủi, gượng ép kể chuyện vặt vãnh khác hẳn nội dung sâu xa như trước. Chỉ một lần duy nhất là anh có than buồn và đề cập đến chuyện nhờ tôi mua giùm một mảnh đất, hay một ngôi nhà thật nhỏ, để lúc già anh có thể được về chết trên quê hương. Anh nói lá rụng phải về cội. Lần ấy tôi xót xa và thương anh vô hạn. Tôi mường tượng hiểu là cái chết của ba đã xáo động cái mặt hồ yên tĩnh như tấm lòng nhạy cảm của anh.

Rồi những bí ẩn về cuộc đời tình cảm của anh cũng được phơi bày. Một hôm, thu xếp lại những giấy tờ của ba, tôi bắt gặp một phong thư anh viết khá dài. Có lẽ ba tôi đã ngấm ngầm dọ hỏi và như mọi lần, anh đã không ngần ngại tỏ bày với ba những suy tư thầm kín trong ruột gan mình.

Anh cho biết là anh chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Anh không muốn vướng bận vào những ràng buộc nào khác, bởi anh còn có bổn phận phải lo cho những người thân còn kẹt lại Việt Nam. Đời sống bên nhà khó khăn, hiện tại anh là người duy nhất có khả năng phụ giúp. Anh xem đó như là món nợ tinh thần đối với những người thân, bởi trong lòng không lúc nào xoá bỏ được cái mặc cảm tội lỗi đã bỏ rơi gia đình trong lúc gian nan và biến động kinh khủng nhất. Hãng xưởng bị kiểm kê, nhà cửa, tài sản bị trưng thu, cha già bị giam hãm… chỉ còn anh là con trai trưởng, chưa dính dấp gì đến chính trị, không tham gia vào chính quyền cũ, bạn bè đông… có thể xoay xở và an ủi gia đình thì lúc đó lại cao chạy xa bay, phó mặc cho mọi người chịu trận. Anh viết cho ba là sẽ không bao giờ dám tạo cho mình một mái gia đình, vì một khi đã quyết định chia ngọt sẻ bùi với người bạn trăm năm, anh không thể đã không mang được gì cho người ta mà lại còn buộc người ta phải trả món nợ của riêng mình… Tôi rơi nước mắt. Quái! Cuộc sống đầy những lọc lừa, lường đảo – đời tôi chỉ thấy người ta quịt nợ chứ chưa thấy ai tình nguyện nhận nợ như anh! Tôi giữ kín tâm sự này và chỉ kể lại với đứa em trai mà thôi. Khi nghe chuyện anh, nó chỉ yên lặng không nói gì. Nhưng nét buồn hiện lên trên khuôn mặt hiền từ của cậu ấy còn khổ đau hơn những lời bi thiết nhất.

Việc làm ăn của tôi vẫn tiến triển khả quan. Chẳng mấy chốc cơ sở làm ăn của tôi đã trở thành một trong những công ty lớn nhất thành phố. Bạn bè của tôi toàn những kẻ tai to mặt lớn, loại có máu mặt, đầy quyền thế, nhất hô bá ứng. Tôi bận rộn vô cùng. Liên lạc đầu này, giao tế đầu kia, tổ chức việc đầu tư này, thi hành kế hoạch nọ. Tôi làm việc đầu tắt mặt tối mới lo cho xuể những sáng kiến hái ra tiền. Người tôi gầy rạc đi nhưng tôi thật vô cùng mãn nguyện. Tiền vô như nước. Xung quanh tôi bao nhiêu người quanh quẩn, như những vệ tinh bay vòng quỹ đạo. Họ sẵn sàng chờ lệnh tôi và răm rắp tuân hành.

Dạo đó, đôi khi tôi cũng có nghe một vài tin gián tiếp về Quang. Một người quen sống ở Paris, trong dịp tháng tám đi nghỉ hè ở miền nam có gặp anh Quang. Ông ta nói lúc này anh gầy lắm vì phải làm hai việc, vừa tan sở nơi này lại tranh thủ làm thêm buổi tối ở một cơ quan khác. Anh bận bù đầu. Ông ta có mời anh đi ăn cơm nhưng anh không hứa chắc và cuối cùng không đến. Chồng tôi không tin, cho là ông ta ghét nên nói xấu và rủa anh Quang. “Chắc chắn anh ấy có cơ sở làm ăn chứ đi làm công cho người ta thì sao có thể dư dả để gửi nhiều tiền như thế”. Em dâu tôi cũng cùng một nhận định. Mặc dù thời gian gần đây ở Việt Nam người ta cũng bắt đầu biết những khó nhọc của những đồng hương sống ở nước ngoài, nên tôi nghĩ số tiền anh thường gửi đâu phải là ít ỏi. Nhưng chồng tôi quả quyết: “Khả năng gửi tiền như vậy không thể là của một người đi làm công. Thằng cha Thanh láo khoét”. Cô em dâu tôi cũng tán đồng: “Miệng đời thiệt độc địa! Lâu nay anh ấy cố tình không tiết lộ công việc chắc cũng có lý do riêng…”. Tôi thật phân vân.

Rồi một hôm khi tình cờ xếp lại những hồ sơ, giấy má, tôi bắt gặp một gói giấy rơi sau bộ luật pháp kinh doanh trên kệ sách. Gói giấy màu vàng hình chữ nhật, có cột dây gai thành chữ thập. Bên góc trái có ghi tên người gửi. Tên tôi. Lạ quá. Có lẽ tôi đã định gửi mẫu hàng gì cho ai đây rồi bận việc, quên đi. Tôi cố tình moi óc và nghĩ mãi mà không biết mình định gửi cho nhà buôn nào.

Khi lấy kéo cắt dây thì bên trong hiện ra ba quyển sách. Trời ơi! Tôi bàng hoàng vì cho đến lúc ấy tôi vẫn chưa gửi 3 quyển sách cho Quang.

Suốt buổi chiều hôm ấy tôi thẫn thờ như người mất trí. Một chút lương tri còn sót lại và nỗi ân hận đang âm thầm dày xéo lòng tôi. Thôi, thà muộn còn hơn không. Tôi đập đập một góc sách bị mối ăn nham nhở lên cạnh bàn rồi thay giấy gói lại. Suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt, lòng tôi nóng như lửa đốt, chỉ mong đến sáng để gửi sách cho anh. Sáng hôm sau chưa kịp điểm tâm tôi đã đích thân ra bưu điện. Mãi đến khi làm xong thủ tục gửi bảo đảm, lúc về nhà lòng tôi mới hân hoan trở lại.

Rồi những ngày sau đó, công việc dập dồn đã đưa tôi trở lại cường độ cũ. Tôi quay cuồng trong nhịp điệu đam mê của bạc tiền, danh vọng. Tôi lại quên Quang đi. Nhưng lương tâm của tôi cũng đã ổn rồi, tôi đã gửi sách cho anh và như thế là món nợ tinh thần với anh coi như đã trả xong.

Cuối năm đó, những may mắn của đời tôi bỗng nhiên xoay lưng lại. Sau những đợt đầu tư thất bại vì tình hình thay đổi, cơ sở làm ăn của tôi bắt đầu xuống dốc. Nhưng vố đau đớn nhất của tôi là số lớn vốn liếng dành dụm được lâu nay đã bị chồng tôi lén lút đem nướng trên chiếu bạc đỏ đen. Lúc tối cần để xoay xở gỡ gạc tôi lại không còn một xu dự trữ. Hạnh phúc gia đình tôi có nguy cơ bị lung lay. Bất hoà và lo nghĩ như một mảng lưới đen ngòm phủ chụp xuống gia đình tôi.

Anh Quang lúc này lại bặt tin. Quái! Mấy tháng gửi sách chắc đã đến tay rồi sao anh ấy lại không viết vài hàng để báo cho tôi biết.

Công việc làm ăn của tôi mỗi ngày mỗi thêm bết bát. Gỡ nhỏ, thua nhỏ; gỡ lớn, mất lớn… Chẳng bao lâu cơ sở chỉ còn có nợ. Bạn bè kinh doanh ngày xưa, kẻ xa lánh, người rút vốn, kẻ đòi lại phần hùn. Thậm chí có kẻ còn lợi dụng sự bối rối của tôi để quịt nợ và lường gạt nữa. Còn những tay chân thân tín, như những vệ tinh thình lình mất đi hấp lực, rơi lả tả như lá mùa thu. Tôi bơ vơ và trơ trọi ngay trên chính quê hương mình.

Đến lúc này tôi mới tha thiết nghĩ đến Quang. Chỉ có anh là điểm tưạ duy nhất còn sót lại của tôi. Vợ chồng tôi bàn tính rồi hội ý viết một bức thư thật lâm ly cầu cứu, mượn anh một số tiền để gầy dựng lại. Nhưng thư đi mà chẳng có tin về. Sốt ruột, chồng tôi nổi cáu: “Bộ thằng chả mất hết cả lương tâm rồi sao? Hai mươi năm sống bên đó chắc đã thành Tây lai rồi. Người gì đâu mà bạc bẽo!”. Lòng tôi nhói đau lên, nhưng tôi vẫn im lặng, không một lời biện hộ cho Quang.

Rồi một hôm tôi nhận được một bưu phẩm từ thành phố Nice. Mừng rú lên. Đó là một gói giấy có cột dây gai. Nhưng lạ quá, tên người gửi lại đề tên tôi. Khi đọc mảnh giấy gửi kèm của bưu điện tôi mới biết điạ chỉ gửi cho Quang không còn người nhận nữa.

Thế là thế nào?

Tôi không biết làm gì hơn là chờ đợi. Nhưng tin Quang một lần nữa lại bặt vô âm tín. Chồng tôi nóng ruột, nổi khùng: “Nhất định là thằng chả làm ăn khấm khá nên đi mua villa rồi. Mới nghe hỏi tiền nên làm bộ trả sách về để dàn cảnh cho dễ trốn đó thôi. Bộ chả tưởng lấy vải thưa mà che mắt thánh được à? Đúng là đồ ích kỷ và vô trách nhiệm!” Lòng tôi hoang mang và vô cùng bối rối.

*

Người đàn bà dừng lại như để lấy giọng, nhưng mãi thật lâu vẫn không thấy bà lên tiếng.Tôi sốt ruột nhưng không dám giục, kiên nhẫn chờ bà đọc nốt phần cuối câu chuyện.

– Thú thật viết đến đây chị như không còn đủ can đảm để viết thêm. Bao nhiêu năm dâu bể đã qua, nhưng cứ mỗi lần ngẫm lại, lòng chị lại buốt đau như có ai vừa cắt từng khúc ruột. Chị đã muốn đốt đi những trang giấy và chôn kín tâm sự trong lòng, nhưng thời gian đâu có phải là dòng suối giảm đau.

“Sau đó thì tôi nhận được tin Quang. Nhưng lần này lại không do anh viết. Tin đó qua trung gian một người bạn Pháp mà tôi nghĩ là một người bạn gái rất yêu anh. Trên trang thư có lấm tấm những vòng tròn bằng đồng xu có lẽ đó là những giọt nước mắt giờ đã khô giòn. Người mà tôi nhờ phiên dịch khó khăn lắm mới đọc được những dòng chữ nguệch ngoạc và run rẩy trên trang giấy mỏng:

Đầu mùa đông năm ấy anh Quang bị sưng phổi nên phải vào bệnh viện. Tháng sau khi đã tạm bình phục, bác sĩ khuyên anh nên ăn uống và nghỉ ngơi điều độ, cấm hẳn việc làm ban đêm, sợ đi khuya về lạnh có thể làm bệnh tình tái phát.

Nhưng anh vẫn bướng bỉnh không nghe. Ra viện, anh phải thuê một căn nhà nhỏ và thiếu tiện nghi hơn vì vốn liếng dành dụm đã chi phí thuốc men, nên không thể trang trải tiền thuê căn nhà cũ vốn không lấy gì sang cả lắm. Anh vẫn tiếp tục đi làm hai việc để gửi tiền về phụ giúp chúng tôi. Sức khoẻ anh suy sụp và vơi dần như cái chai bị nứt. Một đêm tháng giêng, khi tan việc thì đã khuya, anh lái xe về nhà, phần mệt mỏi, phần sương mù, trong một cơn buồn ngủ xe lao vào cột điện, lăn mấy vòng rồi bốc lửa. Bị cột thắt bởi dây an toàn, xác anh bị cháy thành than.”

Đọc đến đây bà Trâm cuốn tròn quyển nhật ký cho vào túi xách rồi đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Dưới những lọn tóc chớm bạc đang bay bay loà xoà trên trán là đôi mắt vô hồn, sâu thăm thẳm. Tôi yên lặng cảm thông nỗi thống khổ của bà. Lòng tôi xót xa trước những cảnh ngộ trớ trêu của những kiếp người. Thời gian mong manh hữu hạn nhưng hình như chúng ta không dành cho cuộc sống, cứ mãi chạy theo những ảo ảnh hão huyền và lầm lạc. Rồi đến khi mất mát, dẫu ân hận vô bờ cũng không làm sao kéo lại.

Sau tiếng thở dài, tôi tò mò hỏi:

– Vậy quyển sách gửi đi cuối cùng chị vẫn còn giữ?

– Vâng, chị sẽ giữ mãi, để tự nhủ lòng mình.

– Thưa chị, quyển tiểu thuyết đó tên gì?

“Một tấm lòng vàng”.

Tôi thấy bà lấy khăn chặm hai dòng nước mắt vừa ứa ra hai bên má, rồi sau tiếng thở dài bà chép miệng: “Dù sau này có ai thông cảm và tha thứ cho tôi, nhưng chính tôi không bao giờ có thể tự tha cho mình được.”

Vài hàng cuối truyện:

Thưa chị…, câu chuyện mà chị chỉ “viết cho riêng mình”, không muốn cho người đời thóc mách, 8 năm sau “bị” em biên tập lại. Dĩ nhiên là em có thay đổi tính danh và chỉnh lại một vài chi tiết. Nhớ lời chị dặn trong chuyến về thăm Vũng Tàu năm 1990, nên dù hoàn tất đã lâu nhưng em vẫn để yên bản thảo trong hộc tủ. “Chị ‘phải’ đọc cho em nghe, nếu không chắc sẽ nổi điên. Nhưng xin em đừng kể lại cho ai.”

Bây giờ dưới lớp bụi thời gian, 15 năm qua đã là chứng nhân biết bao thay đổi: Bác gái và chị đều đã qua đời vì bạo bệnh và những người liên quan đã không còn ai sống ở VN nữa: Chồng chị và các cháu được gia đình bảo lãnh qua Canada, gia đình người em trai sinh sống ở Na Uy còn người chị họ về sau lấy một Việt kiều và hiện giờ định cư ở Mỹ…

Dù không quên lời dặn và không muốn phản bội niềm tin mà chị đã gứi gắm cho mình, nhưng lúc này thì em lại nghĩ rằng câu chuyện trên trang nhật ký đó, trên thực tế nó chẳng phải là của riêng ai, mà là một cách sống có thực của một thời, của một giai đọan khó khăn và tình người đảo lộn, nên quyết định gửi bản thảo cho một tạp chí văn chương. Em hy vọng là ở bên kia thế giới chị cũng sẵn sàng chia sẻ với suy nghĩ của em, còn nếu không thì em ngàn lần xin linh hồn chị thiêng liêng thứ lỗi.

Trương Văn Dân, 8-2006

Trương Văn Dân, Milano, 1-1998

Đăng dưới sự cho phép của tác giả.

Trương Văn Dân

Published by
Trương Văn Dân

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

40 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

1 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

3 giờ ago