“Thượng phương bảo kiếm” nguyên ban đầu chỉ là một loại kiếm do thuộc quan của Thiếu phủ (một trong Cửu khanh thời cổ đại) là Thượng phương chế tạo ra. Về sau cụm từ này chuyên chỉ thanh kiếm mà Đế vương mang bên người, tượng trưng cho quyền lực chí cao.
Ghi chép về “Thương phương bảo kiếm” xuất hiện trong “Hán Thư. Chu Vân truyện”. Trong đó viết rằng: “Thần nguyện tứ thượng phương trảm mã kiếm, đoạn nịnh thần nhất nhân dĩ lệ kì dư”, nghĩa là: Thần mong bệ hạ ban cho thanh Thượng phương trảm mã kiếm để chém đầu tên nịnh thần. Đây là một câu chuyện về quan can gián thời xưa.
Theo sử sách ghi chép lại, Thời Hán Thành Đế, Chu Vân là huyện lệnh địa phương, rất thích kết giao với những người trọng nghĩa, nổi danh là người có dũng khí và sức lực. Đương thời, Thừa tướng An xương hầu Trương Vũ từng là thầy của Hán Thành Đế Lưu Ngao, rất được sủng hạnh. Ông ta chiếm một số lượng lớn đất đai và tài vật làm của riêng, vô cùng xa xỉ. Bởi vì bị bệnh nên ông ta đã xin từ quan. Hoàng đế ban thưởng cho ông ta xe tứ mã, trăm cân hoàng kim, đồng thời cho phép ông ta được cáo lão hồi hương. Ngoài ra, cũng bởi vì Trương Vũ từng là thầy của Hoàng đế nên được gia phong đặc biệt và được đối xử như một tể tướng.
Một lần, Chu Vân viết thư xin gặp Hoàng đế. Lúc được diện kiến, trước mặt các quan đại thần, Chu Vân nói:
“Hiện giờ các đại thần trong triều, đối với bên trên thì không thể phò tá Hoàng thượng, đối với bên dưới thì không giúp ích gì cho dân chúng, đều là chiếm chức vị hưởng bổng lộc mà không làm được gì. Thần thỉnh cầu ban cho Thượng phương trảm mã kiếm, chém một gian thần để khích lệ các quan viên khác”.
Hán Thành Đế hỏi Chu Vân: “Ngươi muốn chém ai?”
Chu Vân trả lời: “An xương hầu Trương Vũ”.
Hoàng thượng vừa nghe thì nổi cơn thịnh nộ. Ngự sử đẩy Chu Vân xuống dưới điện, trói lại. Chu Vân liều mạng ôm chặt lan can, ra sức giằng co, đến nỗi lan can bị gãy.
Chu Vân lớn tiếng nói:
“Vi thần có thể kết giao cùng với Quan Long Phùng, Tỷ Can ở dưới Cửu Tuyền thì cũng đã mãn nguyện rồi, chỉ là không biết triều đình rồi sẽ ra sao?”
Quan Long Phùng là đại thần của Hạ Kiệt, Tỷ Can là đại thần của Thương Trụ Vương, hai người đều bởi vì hết lòng khuyên can vua mà bị giết.
Lúc ấy, Tả tướng quân Tân Khánh Kỵ đã cởi bỏ mũ quan, ấn quan của mình và dập đầu ở trước đại điện, nói:
“Chu Vân luôn chính trực thẳng thắn. Nếu ông ta nói có lý thì không thể giết, còn nếu nói không đúng thì cũng nên khoan dung. Thần nguyện lấy cái chết để bảo vệ ông ta”.
Tân Khánh Kỵ không ngừng dập đầu cho đến lúc trên trán chảy máu. Đến lúc này, sự tức giận của Hoàng đế cũng đã tiêu tan nên miễn tội chết cho Chu Vân.
Sau đó, khi nói về chuyện sửa lan can, Hoàng đế đã nói:
“Không cần phải thay! Hãy sửa lại lan can cũ một chút, dùng nó để khen ngợi các quan đại thần đã dám lên tiếng can gián”.
Đây chính là câu chuyện “Chu Vân chiết hạm”, Chu Vân làm gãy lan can. Sau này nó thường được dùng để ví với việc bề tôi ngay thẳng liều chết tiến gián. “Thượng phương trảm mã kiếm” được nói đến trong câu chuyện chính là chỉ thanh kiếm đặc biệt như vậy.
Vậy vì sao bảo kiếm mà Hoàng đế sử dụng lại được gọi là “Thượng phương bảo kiếm”? Trong quan chế thời cổ đại, thời Tần Hán đã thiết lập chế độ tam công cửu khanh, lấy Hoàng đế làm trung tâm. Tam công phụ trách: hành chính, giám sát và quân sự. Cửu khanh là chín quan chức chủ yếu trong chính phủ trung ương. Thiếu phủ là một trong Cửu khanh, phụ trách việc thu thuế núi, biển, ao hồ, những thứ địa phương tiến cống cho triều đình và chế tạo thủ công nghiệp cung cấp cho hoàng thất.
“Thượng phương” là một thuộc quan của Thiếu phủ. Thượng phương chủ yếu phụ trách việc chế tạo, cất giữ, cung ứng đao kiếm, quần áo, thực phẩm và đồ dùng hàng ngày cho Đế vương và hoàng cung sử dụng. Nhà Tần thiết lập Thượng phương lệnh. Cuối thời nhà Hán lại chia Thượng phương thành trung, tả, hữu. Thời Ngụy và Tấn vẫn tiếp tục như vậy. Thời nhà Đường gọi là “Thượng thự” và chia làm ba loại là trung, tả, hữu. Đến thời nhà Nguyên chỉ thiết lập trung thượng giám, và đến thời nhà Minh thì hủy bỏ.
“Thượng phương bảo kiếm” chính là bảo kiếm do “Thượng phương” đúc, là bảo kiếm mà Hoàng đế thời cổ đại ngự dụng, còn được xưng là Thế kiếm, Thượng phương kiếm. Khi Hoàng đế phái đại thần xử lý các vụ án quan trọng thì thường ban cho “Thượng phương bảo kiếm”, bày tỏ ý rằng người giữ thanh kiếm này có toàn quyền quyết định tùy theo tình hình mà giải quyết, được hưởng đặc quyền “tiền trảm hậu tấu”.
Ngoài ra, bởi vì thanh kiếm do Thượng phương chế tạo và được Hoàng đế ngự dụng này có lưỡi sắc bén và có thể giết chết ngựa, cho nên nó còn được gọi là “Thượng phương trảm mã kiếm”. Nhan Sư Cổ thời nhà Đường đã chú thích rằng: “Thượng phương, thuộc quan của Thiếu phủ, cung cấp đồ vật cho Vua ngự dụng, cho nên có trảm mã kiếm, kiếm sắc có thể giết ngựa”.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tâm Ngộ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…
Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…
Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…