Tham tài đoản thọ, quả báo khó thoát

“Luận Ngữ – Lí Nhân” viết: “Phú quý và vinh hiển ai cũng thích. Không dùng đạo nhân mà đạt được thì không nên làm. Nghèo khó và thấp hèn, chẳng ai ưa. Không dùng đạo nhân để thoát nghèo thì không làm.” Trong “Luận Ngữ – Thuật Nhi”, cũng giảng: “Bất nghĩa mà giàu có, phú quý, thì ta coi như phù vân vậy”. “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử xem trọng tiền tài, nhưng không tùy tiện nhận. Tiền tài hợp với đạo thì không thể không quý trọng, bởi đó là của cải do bản thân làm ra, không thể tiêu xài hoang phí. Không phải là của cải do lao động, thì dẫu nhất thời có thể chiếm đoạt, nhưng cuối cùng vẫn là “Của thiên trả địa”, tham tài thì tay trắng lại hoàn trắng tay, thậm chí còn khiến gia đình suy bại.

(Tranh minh họa: Ismoon, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Trong “Tống bại loại sao” thời nhà Thanh có ghi lại một câu chuyện về những kẻ chiếm đoạt của cải bất chính cuối cùng rơi vào cảnh mạt vận như vậy.

Vào thời nhà Tống, tại Phúc Đường, có một người tên Chương Tư Văn, gia đình nhiều đời nghèo khổ. Đến đời của anh ta, lại càng khốn khó. Chương Tư Văn nhìn thấy những người khác sống một cuộc đời ấm no, tốt lành, trong tâm anh ta rất ghen tị. Anh ta vắt óc suy nghĩ muốn phát đại tài.

Sau này, Chương Tư Văn tìm được một công việc ở huyện Hoa Đình, Tú Châu, nhưng tiền công không nhiều, cuộc sống vẫn không có gì khởi sắc. Lúc đó, một người tên là Võ Sĩ Nguyên làm giám quan ở xưởng muối huyện Hoa Đình. Bấy giờ triều đình thực hiện chính sách muối và sắt chuyên trách, cấm tư nhân bán muối, do vậy nhiều người bán muốn nghĩ cách hối lộ quan chủ quản muối để được cấp phép. Võ Sĩ Nguyên tham tài không bỏ lỡ cơ hội này. Ông ta nhận những khoản tiền hối lộ lớn từ những người buôn muối và lén lút bán giấy phép. Đối với những thương nhân không có giấy phép bán muối, ông ta sẽ cử người truy lùng họ khắp nơi. Những người không có tiền sẽ bị đánh đập thương tích hoặc bị cầm tù. Những thương nhân buôn bán muối này thà khuynh gia bại sản còn hơn phải chịu cảnh tù đày. Bằng cách này, Võ Sĩ Nguyên thu được một lượng lớn tiền tài.

Nhận thấy tiền tài của Võ Sĩ Nguyên cuồn cuộn như nước, Chương Tư Văn vô cùng ngưỡng mộ, bèn thông qua các mối quan hệ, kết thành bạn bè với Võ Sĩ Nguyên. Võ Sĩ Nguyên cũng sẵn lòng tìm một trợ thủ trong huyện, để có thể thảo luận trong trường hợp gặp rắc rối. Bằng cách này, Chương Tư Văn lên kế hoạch và Võ Sĩ Nguyên cử người đi thực hiện.

Hai người cấu kết trục lợi, lợi nhuận kiếm được chia chác lại cho nhau. Lúc đó, Võ Sĩ Nguyên vẫn còn tại vị, không dám vận chuyển một số lượng lớn vàng bạc về nhà, cũng không dám để lại nơi ở. Vì sợ bị cướp, ông ta bèn gửi tiền tại chỗ Chương Tư Văn, dự định chờ đến khi ông ta miễn nhiệm sẽ chở về nhà. Võ Sĩ Nguyên rất tin tưởng vào Chương Tư Văn, để vàng bạc ở chỗ ông ta, cảm thấy rất an toàn.

Một năm sau, Võ Sĩ Nguyên miễn nhiệm, phải tới nơi khác làm quan. Trước khi rời đi, Võ Sĩ Nguyên đã đến chỗ Chương Tư Văn lấy lại vàng bạc.

Chương Tư Văn tham tài trở mặt, nói: “Ông thật hài hước, sao lại có thể vô cớ đến nhà tôi đòi vàng bạc? Nếu ông không có tiền để về quê, tôi có thể nể mặt bạn bè mà cho ông mượn.” Võ Sĩ Nguyên nghe thấy điều này, nổi trận lôi đình, nhất quyết bắt ông ta phải giao nộp. Chương Tư Văn nói: “Nếu ông để vàng bạc ở chỗ tôi, vui lòng mang chứng cớ ra đây.”

Ngay khi Võ Sĩ Nguyên nghe thấy lời này, ông ta xúc động mạnh và ngã xuống. Ban đầu, khi gửi vàng bạc ở chỗ Chương Tư Văn, Võ Sĩ Nguyên vốn cũng muốn viết giấy gửi tiền, nhưng Chương Tư Văn nói: “Viết giấy dễ bị lộ, tốt hơn là không nên viết. Huống hồ là bạn bè, có viết giấy hay không cũng không hề gì.” Võ Sĩ Nguyên nghe cũng thấy có đạo lý, lại sợ rằng Chương Tư Văn nói mình không tin tưởng ông ta, vì vậy Võ Sĩ Nguyên không nhất quyết đòi viết nữa. Bây giờ, Chương Tư Văn lại yêu cầu Võ Sĩ Nguyên đưa ra chứng cớ, thì làm thế nào có thể đưa ra được? Đây là chuyện khuất tất không thể kiện cáo, bản thân Võ Sĩ Nguyên đã miễn nhiệm, vì vậy Võ Sĩ Nguyên đành nuốt cục giận này và trở về trong sự phẫn nộ.

Võ Sĩ Nguyên về đến nhà và nghĩ đến số tiền tích cóp của mình vài năm qua, chỉ trong chốc lát đã bị người khác nuốt mất. Ông ta tức giận tới mức đổ bệnh, vài ngày sau thì nôn ra máu và chết. Vị tham quan này cuối cùng vì tham tài mà chết.

Khi Chương Tư Văn nghe tin Võ Sĩ Nguyên đã chết, ông ta rất phấn khích. Ông ta vận chuyển một lượng lớn vàng bạc châu báu về nhà, mua rất nhiều đất, xây dựng lầu các, bao nuôi thê thiếp.

Nhưng Chương Tư Văn mãi vẫn không có con trai. Nghĩ đến tài sản không có người thừa kế, ông ta nóng lòng như lửa đốt. Tuy nhiên, thê thiếp của ông ta cũng chẳng thể làm gì khác. Người thì không thấy bụng to lên, người thì sinh con chưa đầy 3 ngày đã chết.

Năm này qua năm khác, Chương Tư Văn cũng già đi, nhưng tham vọng sinh con trai vẫn không hề thuyên giảm. Khi ông ta 60 tuổi, vẫn còn muốn cố lần cuối và cưới một cô nương trẻ. Một năm sau, cô gái cũng sinh được một bé trai. Chương Tư Văn vui mừng khôn xiết, mở đại tiệc đãi khách. Đứa trẻ này cơ thể yếu nhược, ba ngày một lần ốm nhẹ, dăm bữa một trận ốm nặng. Chương Tư Văn tiêu tiền như nước để chữa trị cho con trai, nhưng vô ích. Mặc dù đứa trẻ lắm bệnh, nhưng dần dần cũng lớn lên. Chương Tư Văn dành gần như tất cả tiền tài của mình để nuôi đứa bé trưởng thành.

Đến sáu, bảy tuổi, đứa trẻ vẫn là một con bệnh. Mặc dù Chương Tư Văn nổi tiếng là một phú ông, nhưng sau những lần dày vò như vậy, gia sản cũng dần trống trơn, cuộc sống trở nên nghèo khó. Nhưng vì có một đứa con trai, nên ông ta cũng không quá đỗi thương tâm, trong lòng vẫn tràn đầy hy vọng. Thật không may, con trai ông lại mắc bệnh nặng và cuối cùng không thể qua khỏi, mà chết như những đứa con trước đó của Chương Tư Văn. Ông ta đau khổ tuyệt vọng, chỉ hận là mình không thể chết thay con. Ông ta đã chuẩn bị quan tài và chôn cất con trai mình cùng với một món quà của người trưởng thành.

Khi phải đậy nắp quan tài, Chương Tư Văn vẫn rất luyến tiếc, vẫn muốn nhìn mặt con lần cuối. Mọi người dìu ông ta tới bên quan tài, lật tấm vải che mặt lên. Nhưng điều Chương Tư Văn nhìn thấy không phải là khuôn mặt của con trai ông ta, mà là khuôn mặt của Võ Sĩ Nguyên! Đôi mắt Võ Sĩ Nguyên mở to trừng trừng giận dữ, mái tóc dựng đứng, khuôn mặt dữ tợn, dường như muốn vồ lấy Chương Tư Văn. Chương Tư Văn hét lên thất thanh, kinh hoàng tới mức phát ngất. Mọi người vội vã dìu ông ta rời đi.

Chưa đầy một tháng sau, Chương Tư Văn cũng đổ bệnh qua đời. Khi ông ta sắp chết, gia sản gần như khánh kiệt. Thê thiếp của ông ta tranh quyền đoạt lợi, không ai quan tâm đến việc chôn cất Chương Tư Văn.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video:

Thiên Cầm

Published by
Thiên Cầm

Recent Posts

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

14 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

1 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

2 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

3 giờ ago