Thành thị và nông thôn

Trong khoảng gần 30 năm qua tính từ khi thực hiện “công cuộc đổi mới”, cho dù còn là một nước “đang phát triển”, xã hội Việt Nam đã có những thay đổi lớn, nhanh chóng. Sự thay đổi quá nhanh này làm cho nhiều người choáng váng và không thể thích nghi.

Sẽ rất thú vị khi quan sát sự đổi thay ở phương diện xã hội của Việt Nam trong suốt quãng thời gian này. Ở đó, ta sẽ bắt gặp những hiện tượng xã hội và xu hướng thú vị và rất đáng suy ngẫm. Ở đây, xin được tạm phác vài nét về hai xu hướng “Đô thị hóa nông thôn và nông thôn hóa đô thị”.

Nghe qua có vẻ vô lý nhưng nhìn vào thực tế sẽ thấy xã hội Việt Nam suốt 30 năm qua luôn diễn tiến song hành hai xu hướng đối lập này.

Đô thị hóa nông thôn

Ở khắp nơi người ta sẽ nhìn thấy những tấm biển “nông thôn mới”. Trên báo chí, người ta cũng sẽ đọc được những tin tức về sự kiện một đơn vị hành chính nào đó được công nhận là “nông thôn mới”. Những yếu tố liên quan đến “nông thôn mới” là những yếu tố thuộc về đô thị như “đường bê tông”, “nước sạch”, “điện”…Tất nhiên đó là các yếu tố đô thị mang tính chất vật lý thuần túy. Ở nông thôn người ta cũng thấy nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhà cao tầng đặc biệt là nhà ống cao tầng vốn là một “sản vật” của đô thị, với tư cách như là một giải pháp tận dụng không gian đã trở thành thứ quen thuộc, thậm chí là vật “mơ ước” ở thôn quê. “Ở nhà tây” hay “nhà tầng” là một ước mơ lớn của người sống ở nông thôn.

Cùng với sự thay đổi trong hạ tầng, lối sống ở nông thôn cũng thay đổi. Nếu như trước kia người dân thích “sống ở giữa làng” và coi thường những nơi như “đầu đường xó chợ” thì giờ những ai có khả năng đều muốn dời trung tâm làng ra sống ở ven đường, ở các ngã ba đường, khu chợ. Sự phân biệt giữa người sở tại và dân ngụ cư, sự coi thường người buôn bán hay ở vỉa hè, lề đường dần phai nhạt, thậm chí nó đổi sang một thái cực khác là “ngưỡng mộ người giỏi buôn bán và nhiều tiền”.

Nếp sinh hoạt của nông thôn cũng thay đổi. Do sự phổ cập của tivi, ở nông thôn hầu như không còn hiện tượng đi xem nhờ tivi hay cùng xem tivi với nhau như thập niên 90 của thế kỉ trước. Các sinh hoạt buổi tối đã thu hẹp lại trong không gian gia đình giống như ở phố. Người nông thôn cũng bắt đầu ăn sáng ở bên ngoài gia đình tại các hàng quán mọc lên quanh làng. “Văn hóa người lạ” – văn hóa vốn hình thành và lưu hành ở đô thị – nơi tập trung sinh sống của những người không quen biết nhau đã xâm nhập vào nông thôn. Sự giao tiếp, giao lưu giữa hàng xóm giảm đi. Các thế hệ đi ra khỏi làng nhờ đi học, đi làm nghề khi trở về đã không còn thật sự biết mặt các thành viên sống cùng làng trước đó. Họ trở thành những người lạ và gặp nhau đôi khi không có giao tiếp chào hỏi như phong tục thường thấy ở nông thôn.

Sinh hoạt về đêm của nông thôn cũng xuất hiện với các quán internet, quán Karaoke. Nhiều người thoát ly sản xuất nông nghiệp và đến lao động tại các nhà máy như một công nhân thực thụ. Ruộng đồng có thể bỏ hoang hoặc trở thành nơi trồng rau, cây ăn quả thay vì trồng lúa.

Tựu trung, ở nông thôn, người ta thấy lốm đốm những nét văn hóa của đô thị.

Nông thôn hóa đô thị

Nhìn vào các đô thị, kể cả các đô thị có lịch sử 1000 năm như Hà Nội người ta lại thấy một xu hướng trái ngược – nông thôn hóa đô thị.

Đấy là sự tồn tại và ngày càng tăng của các quán cóc vỉa hè với nước trà, điếu cày, bàn cờ tướng. Sinh hoạt của những khách vây quanh nơi đây gợi nhớ đến cảnh giải trí lúc nông nhàn của các bác thợ cày. Các chợ cóc mọc lên khắp nơi và họp từ mờ sáng thu hút người đi chợ từ khắp các vùng lân cận đổ về. Dù là siêu thị, cửa hàng, đường phố hay là công viên, người ta đều thấy màu áo và các gương mặt nông thôn. Điều này khá khác biệt nếu như so sánh với các đô thị khác trên thế giới. Ở đó, nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài, người ta khó mà biết được người khác từ đâu tới, làm nghề gì. Thậm chí, như nhiều người Nhật phát hiện, Hồ Gươm giống như một ao làng hơn là một hồ nằm trong thành phố vì bao quanh nó thiếu những khoảng không gian rộng lớn như quảng trường, đại lộ và các công trình phục vụ nhu cầu giải trí của thị dân.

Thú vị hơn nữa, sinh hoạt của người dân sống trong thành phố, cho dù là thành phố lớn như thủ đô vẫn mang đậm dáng dấp thôn quê. Trong các con phố trung tâm, người ta vẫn thấy bếp than tổ ong, bếp củi, vẫn thấy giếng nước, vẫn thấy rổ rá, thúng mủng. Hơn nữa, “trồng rau, nuôi gà” vẫn tồn tại ngay trong thành phố. Nếu để ý khi ngủ đêm trong thành phố, người ta sẽ nghe được cả tiếng gà gáy sáng khắp nơi.

Tâm thức của người sống ở thành phố hướng về nông thôn vẫn rất mạnh. Những người sống trong thành phố vẫn là thành viên của các hội đồng hương, mỗi khi Tết đến hay có kì nghỉ dài, người trong thành phố vẫn nườm nượp đổ về quê làm tắc đường khắp nơi.

Và cuối cùng, như ở trên đã nói, ngay ở cách thành phố vẫn có chuyện huyện nào đó được công nhận là “nông thôn mới”.

Những đặc điểm trên nói lên nhiều điều trong đó có cả những bất ổn trong chính sách phát triển nông thôn và đô thị. Sự thay đổi nhanh chóng với sự tan vỡ của không gian truyền thống làng xã và sự hình thành nóng của các đô thị đã gây ra hàng loạt vấn đề trong đó đầu bảng là ô nhiễm môi trường. Rác đô thị (túi ni lông, vỏ chế phẩm công nghiệp…) ở nông thôn không được xử lý đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Cùng với rác là ô nhiễm nguồn nước. Sau cùng là ô nhiễm tiếng ồn. Karaoke – văn hóa của đô thị, gắn với không gian được riêng tư hóa và cách âm đã được du nhập vào nông thôn nhanh chóng. Ở đó, trong tâm thế của người làm nông nghiệp người dân đã hát cho cả làng, cả xóm nghe mà không hề có sự cân nhắc đến sự riêng tư hay ô nhiễm tiếng ồn.

Tương tự, người dân từ nông thôn di động ra thành phố tìm kiếm việc làm cũng đã sinh hoạt ở đô thị trong tâm thế của người nông thôn và tạo ra nhiều ma sát văn hóa. Hiện tượng phân biệt “người Hà Nội gốc” và người nhà quê sống ở Hà Nội có thể coi là một ví dụ dễ hiểu minh họa cho điều đó.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

5 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

6 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

7 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

8 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

9 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

10 giờ ago