“Những ngài đại sứ” là tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Hans Holbein con. Nó không chỉ là bức chân dung của hai ngài đại sứ giàu có, có học thức và đầy quyền lực; mà còn ẩn giấu những mâu thuẫn trong thời đại mà Holbein sinh sống và một triết lý nhân sinh sâu sắc của ông thông qua chiếc đầu lâu xuất hiện thật đặc biệt trong tác phẩm.
Hans Holbein con (1497-1543) là một trong những họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng nhất của thế kỷ 16. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bắt đầu nghiên cứu hội họa cùng với cha là Hans Holbein bố. Hans Holbein con rời quê hương sang Thụy Sĩ từ năm 18 tuổi và định cư tại Basel, nơi ông nhanh chóng trở nên thành thục với tư cách một họa sĩ vẽ minh họa sách, một nhà thiết kế, và một chuyên gia vẽ tranh chân dung. Cuộc đời của ông bị ảnh hưởng bởi những chia rẽ bên trong Cơ đốc giáo, khiến ông phải rời bỏ vợ con và dành trọn 11 năm cuối đời của mình tại nước Anh, phục vụ cho vua Henry VIII. Ước tính trong 10 năm cuối đời, Holbein con đã vẽ xấp xỉ 150 bức chân dung, cả tranh thu nhỏ lẫn kích cỡ thực, cho cả hoàng gia lẫn quý tộc. Những bức chân dung này rất đa dạng, từ các nhà buôn người Đức đang làm việc tại London cho tới chân dung kép hai nhà đại sứ, thậm chí cả chân dung nhà vua và những bà hoàng.
“Những ngài đại sứ” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Holbein. Nó không chỉ là một bức chân dung của Jean de Dinteville và Georges de Selve, mà còn hàm chứa những biến động tôn giáo và chính trị, cũng như triết lý nhân sinh của bản thân Holbein.
Đây là bức tranh vẽ chân dung của hai ngài đại sứ: bên trái là Jean de Dinteville, 29 tuổi, đại sứ Pháp tại Anh năm 1533; bên phải là bạn của ông, Georges de Selve, 25 tuổi, giám mục Lavaur, đại sứ cho nhà vua ở nước Cộng hòa Bắc Ý.
Hai người đàn ông đứng hai bên chiếc bàn với rất nhiều đồ vật liên quan tới “tứ khoa” – bốn bộ môn chính thời bấy giờ là: số học, hình học, thiên văn, âm nhạc.
Các dụng cụ đươc bày trên giá tượng trưng cho sự phân chia quan niệm:
Ở giá dưới, bên cạnh Dinteville (người đứng bên trái), một người sống vật chất hơn, là một bản sao cuốn sách của Peter Apian, nói về tính toán trong giao thương xuất bản tại Ingolstadt năm 1527.
Ở giá dưới, bên cạnh Selve (người đứng bên phải), một giám mục, là một bản sao cuốn “Geystliches Gesangbüchlein” (sách Thánh ca) của Johann Walther xuất bản tại Wittenberg năm 1524, cuốn sách bao gồm cả những bản thánh ca của Martin Luther. Cuốn Thánh ca đang mở ra tại trang có bản thánh ca “Come, Holy Ghost, Our Souls Inspire” (Tạm dịch: Xin đến đây, hỡi Thánh linh, truyền cảm hứng cho linh hồn chúng con).
Một chiếc đàn luýt đứt dây ở trên giá dưới, tượng trưng cho xích mích bên trong Cơ đốc giáo thời bấy giờ, trong khi cuốn thánh ca có thể còn đại diện cho một lời cầu xin khẩn thiết cho sự hài hòa của Cơ Đốc giáo.
Phía bên trái trên cùng, đằng sau rèm là một cây thánh giá bạc nửa ẩn nửa hiện.
Bố cục ổn định, cân đối và hài hòa của bức tranh chỉ bị phá vỡ bởi một hình thù kỳ quái màu xám dài nằm vắt chéo trên sàn nhà. Khi nhìn từ một góc thích hợp (phía trên bên phải hoặc phía dưới bên trái), hình thù này có thể được nhận thấy là một chiếc đầu lâu…
Tại sao một chiếc đầu lâu lại xuất hiện bên dưới bức tranh về hai ngài đại sứ giàu có, có học thức và đầy quyền lực? Hans Holbein muốn truyền tải thông điệp gì thông qua bức “Những ngài đại sứ”?
Đầu lâu tất nhiên là một biểu tượng của sự chết chóc. Không ai có thể thoát được cái chết, vì vậy đầu lâu là biểu tượng của sự phán xét cuối cùng của sinh mệnh. Nó cũng cho thấy rằng chỉ có thời gian mới có được sự trường tồn.
Hai vị đại sứ có được địa vị, sự giàu có, học vấn và danh tiếng, nhưng họ không có vẻ tự hào hay thỏa mãn, mà lại mang nét buồn bã, u sầu. Có lẽ họ đã nhận ra rằng đời người thật ngắn ngủi và tạm bợ, danh tiếng và sự giàu có rồi sẽ sớm trở thành hư không. Ngay cả tình bạn giữa họ cũng sẽ chỉ là ký ức được lưu giữ trên bức tranh này. Nghệ thuật có thể trường tồn hơn kiếp nhân sinh, nhưng chỉ có chân lý mới trường tồn mãi mãi.
Bức tranh này nhắc nhở chúng ta về một thực tế phũ phàng là cái chết, và còn hơn thế nữa. Khi người xem nhìn bức chân dung này từ góc chính diện, họ có thể bị rung động bởi những chi tiết đẹp đẽ và coi chiếc đầu lâu chỉ là một cái bóng. Thế nhưng khi quan sát từ góc lệch, người xem sẽ trông thấy chiếc đầu lâu rõ ràng, còn hai người đàn ông và căn phòng sang trọng sẽ trở nên méo mó và hư ảo. Đâu là chân thật? Đâu là ảo tưởng? Holbein dường như muốn nói rằng con người ta có xu hướng bị mê mờ bởi những thứ trên bề mặt. Họ thường lấy cái mê làm cái thật, và cái thật làm cái mê.
Bức “Những ngài đại sứ” có kỹ năng thuần thục, trông y như thật, sử dụng hiệu ứng thị giác và mang hàm ý thâm sâu, đúng là một trong những kiệt tác hàng đầu của hội họa Phục Hưng.
Quang Minh biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…