Văn Hóa

Trần Xuân Soạn và phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa

Ở phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa có ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi, đây là nơi thờ thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hoá – Trần Xuân Soạn.

Trần Xuân Soạn sinh năm 1849 trong gia đình làm nông nghèo khó ở làng Thọ Hạc, tổng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa (nay là phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), từ nhỏ ham võ nghệ, học côn quyền. Nhưng do nhà nghèo nên ông phải chăn trâu làm thuê cho nhà giàu trong vùng, không được học hành chữ nghĩa.

Năm 18 tuổi gia đình lâm cảnh khó khăn, Trần Xuân Sọan quyết định đi lính thay cho một nhà giàu trong vùng để có tiền cho mẹ.

Thời gian này, bị quan lại nhà Thanh trấn áp, đám thổ phỉ đất bắc tràn sang và thường quấy rối cướp bóc các tỉnh phía bắc nước ta. Vua Tự Đức giao cho Tôn Thất Thuyết đánh dẹp, Trần Xuân Soạn được điều động đánh đám thổ phỉ này.

Giúp quân Triều đình chuyển bại thành thắng

Bấy giờ Trần Xuân Soạn chỉ là binh nhất tức lính trơn. Trong một trận đánh, chẳng may quân bị thất thế, vị tướng chỉ huy cánh quân của Trần Xuân Soạn bị tử trận. Quân lính mất chỉ huy thì trở nên hoảng loạn không còn giữ được đội hình và sắp bị đánh tan.

Trần Xuân Soạn dù chỉ là lính nhưng trước tình thế nguy nan, ông đốc thúc mọi người giữ vững đội hình giao tranh với đám thổ phỉ. Quân nhà Nguyễn dần dần lấy lại bình tĩnh, chuyển từ thất thế đến giành lợi thế và đánh thắng.

Sau trận này Tôn Thất Thuyết không tiếc lời khen ngợi và phong cho Trần Xuân Soạn làm Phó Lãnh binh. Lãnh binh là chức vị chỉ huy cả một Liên cơ 500 đến 600 binh lính.

Thăng tiến nhanh chóng

Lúc này là cuối năm 1873, quân Pháp tiến đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, thành Hà Nội thất thủ. Tình hình đánh dẹp đám thổ phỉ phương bắc đã yên hơn, nên Tôn Thất Thuyết đề cử với Triều đình để Trần Xuân Soạn từ Tuyên quang đến Nam Định giữ chức Đề đốc. Đề đốc là chức quan võ chỉ huy một Doanh quân (khoảng từ 2.500 đến 4.800 quân.

Năm 1882, Trần Xuân Soạn được Triều đình cử về Kinh thành làm Vệ úy lãnh kinh thành Phó Đề đốc, không lâu sau thăng lên Vũ Lâm Đề đốc – đây là chức vụ bảo vệ Kinh thành và nhà Vua. Đến năm 1884 thì ông được thăng làm Chưởng vệ.

Nói về Trần Xuân Soạn, sách “Thành phố Thanh Hóa xưa và nay” viết rằng:

“Từ một binh nhất thất học, trong khoảng 15 năm Trần Xuân Soạn đã lần lượt lên mười mấy nấc thang từ thấp đến cao, đến hai chức tột đỉnh trong quân đội”

“…lại còn tinh thông chữ nghĩa binh thư, trở thành kẻ sĩ. Thật là một hiện tượng tiến thân hiếm thấy”.

Thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa

Sau khi vua Tự Đức mất, trước sự xâm lăng của quân Pháp, Triều đình nhà Nguyễn chia làm 2 phe là chủ chiến và chủ hòa. Trần Xuân Sọan đi theo phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu.

1 giờ sáng ngày 5/7/1885, quân nhà Nguyễn thực hiện kế hoạch của Tôn Thất Thuyết, bất ngờ tấn công đánh úp quân Pháp tại tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Bị đánh bất ngờ, quân Pháp cố thủ với vũ khí hỏa lực vượt trội, đến sáng thì đánh lui quân nhà Nguyễn và tiến vào Kinh thành. Vua Hàm Nghi phải chạy đến Tân Sở và phát động phong trào Cần Vương chống Pháp.

Tai Thanh Hóa quê hương của Trần Xuân Soạn, các cuộc khởi nghĩa Cần Vương diễn ra nhưng mang tính cục bộ mà không có hỗ trợ lẫn nhau. Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đã đến Thanh Hóa gặp các thủ lĩnh nơi đây như Cầm Bá Thước, Tống Duy Tân… bàn về kế sách chống Pháp. Trần Xuân Soạn được giao phụ trách phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa.

Trở thành thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, Trần Xuân Soạn cho củng cố căn cứ, tạo ra mối liên hệ hỗ trợ nhau giữa các cuộc khởi nghĩa. Các thủ lĩnh nghĩa quân đưa ra ý kiến cần xây dựng các căn cứ nơi rừng núi hiểm trở, Trần Xuân Soạn đồng ý nhưng cũng đề xuất thêm ý kiến cần xây dựng củng cố địa bàn hoạt động ở đồng bằng vì nghĩa quân không tách khỏi dân, đồng thời đồng bằng cũng là điểm đến của các cuộc tấn công của nghĩa quân.

Trần Xuân Soạn cùng nghĩa quân phân chia:

  • Vùng sơn phòng do Tống Duy Tân và các tướng Cao Điển, Cầm Bá Thước phụ trách.
  • Vùng đồng bằng căn cứ Ba Đình ở khu vực huyện Nga Sơn do Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Đinh Công Tráng phụ trách.
  • Vùng bán sơn địa Trần Xuân Soạn giao cho Hà Văn Mao phụ trách xây dựng căn cứ Mã Cao (nay thuộc huyện Yên Định).
  • Trần Xuân Soạn đóng quân ở Thạch Bằng (Quảng Hóa) nhằm hỗ trợ căn cứ Ba Đình (huyện Nga Sơn) và giữ mối liên hệ giữa Ba Đình và Mã Cao.

Nghĩa quân cũng củng cố căn cứ Ba Đình rộng lớn, đây là căn cứ rất quan trọng ở rừng núi giúp nghĩa quân củng cố lực lượng, lại thông xuống đồng bằng giúp nghĩa quân từ nơi đây có thể tiến đánh quân Pháp, dễ dàng nhận được sự giúp đỡ của dân chúng.

Quân Pháp nhiều lần tấn công vào căn cứ Ba Đình đều thất bại. Trần Xuân Soạn chỉ huy 300 quân ở Thạch Bằng cùng hàng trăm nghĩa quân ở căn cứ Mã Cao nhiều lần tiến đánh và mai phục quân Pháp, chặn đánh các tuyến đường liên lạc của Pháp khiến quân Pháp gặp nhiều tổn thất.

Khi quân Pháp tiến đánh căn cứ Ba Đình, Trần Xuân Sọạn cho quân tấn công quân Pháp từ phía sau nhằm hỗ trợ cho căn cứ Ba Đình, khiến quân Pháp lo đối phó mà không thể dốc toàn sức tấn công.

Quân Pháp liền thực hiện kế hèn, cho người đào mộ ông và cha của Trần Xuân Soạn, rồi cho người đến báo nếu ông không hàng thì sẽ ném tất cả xuống sông. Thế nhưng Trần Xuân Soạn vì nghĩa, không vì tình riêng mà đầu hàng, điều này trở thành niềm cổ vũ lớn cho nghĩa quân ở Thanh Hóa.

Rút lui và thiệt hại

Sau khi nhận được viện binh và tăng cường vũ khí, tháng 1/1887, quân Pháp tổng tiến công vào căn cứ Ba Đình. Đinh Công Tráng cùng Phạm Bành chỉ huy nghĩa quân nơi đây chống trả. Nhưng lần này quân Pháp rất đông với vũ khí mạnh nên cuộc chiến diễn ra kéo dài, nghĩa quân chống trả đến cạn kiệt cả đạn dược và lương thực nên phải rút đến Mã Cao.

Trần Xuân Soạn cho quân tấn công quân Pháp ở phía sau và ở vùng ngoại vi căn cứ Ba Đình khiến quân Pháp phải phân tán lực lượng, giúp nghĩa quân Ba Đình rút đi an toàn.

Quân Pháp tiếp tục truy đuổi, đưa quân tiến đánh căn cứ Mã Cao. Không thể chống nổi quân Pháp rất mạnh, Trần Xuân Soạn đưa quân rút đến Điền Lư (nay thuộc huyện Bá Thước) ở miền núi. Quân Pháp tiến đến nơi đây đánh phá ác liệt khiến nghĩa quân không thể xây dựng và củng cố lực lượng.

Mắc kẹt và qua đời

Quân Pháp tập trung lực lượng khiến phong trào Cân Vương ở Thanh Hóa thiệt hại nặng. Năm 1888, Trần Xuân Soạn quyết định sang Long Châu (Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết đang ở đây để xây dựng các toán quân về chống Pháp.

Được sự giúp đỡ của các sĩ phu người Hoa, Trần Xuân Soạn tổ chức được mấy toán quân. Nhưng lúc này quân Pháp tập trung đông nơi biên giới Việt – Trung, khiến các toán quân chỉ hoạt động ở biên giới mà không thể vào trong nước được.

Sau này Trần Xuân Soạn cũng bị kẹt luôn ở Trung Quốc không về nước được dù luôn mang nỗi niềm phục quốc. Ông mất ở Long Châu năm 1923, thọ 74 tuổi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Hà Nội tìm nhà đầu tư dự án Nhà hát Opera tại Hồ Tây

UBND quận Tây Hồ vừa thông báo tìm nhà đầu tư dự án xây dựng…

11 phút ago

Ký ức tiền kiếp: Hành trình khám phá qua không gian và thời gian

Nếu ý thức của chúng ta không biến mất khi qua đời, thì nó sẽ…

13 phút ago

Hà Nội đề xuất sửa chữa các hư hỏng của cầu Vĩnh Tuy 1

Cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đi vào khai thác năm 2009, có…

14 phút ago

Vụ cấp sai quy định 5 thửa đất ở Long Xuyên: GĐ Văn phòng đất đai bị bắt

Liên quan đến vụ sai phạm đất đai cấp 5 thửa đất không đúng đối…

35 phút ago

Đăng ký kết hôn năm 2024 ở Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 45 năm

Những năm qua Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để…

49 phút ago

Giá xăng đồng loạt tăng sau 3 kỳ giảm liên tiếp

Giá mỗi lít xăng RON 95-III tăng 150 đồng, E5 RON 92 tăng 150 đồng…

1 giờ ago