Thời cổ đại, lễ nghi được coi là một phần quan trọng của cuộc sống, chính là có lễ thì an, vô lễ thì nguy. Lễ được dùng để để trị sửa tính khí và hun đúc tâm tính. Ăn uống sinh hoạt có lễ có tiết, dung mạo thái độ cung kính, tiến lui bước đi có phong độ, đây là điều mọi người đều mong muốn. Giữa nam nữ thì cũng có sự ý tứ trong lễ nghi, gọi là “nam nữ hữu biệt”.
Thời kỳ Xuân Thu, Quý Khang Tử là quan lớn của nước Lỗ. Một lần, cô của ông là Kính Khương đến thăm. Quý Khang Tử chào hỏi cô nơi triều chính, cô không trả lời. Quý Khang Tử cho rằng có chỗ chưa được chu đáo, bèn đi theo Kính Khương tới tận cửa phòng, hỏi cô rằng mình có sai sót gì. Kính Khương lúc này đã vào trong phòng, mới trả lời rằng phụ nữ chỉ xử lý những sự việc trong nhà, không hỏi chuyện đàn ông trong triều trên chính đường. Sau này, khi Quý Khang Tử đi thăm cô, Kính Khương luôn mở cửa và nói chuyện với Khang Tử, Khang Tử cũng đứng ở ngoài chứ không bước vào cửa một bước. Khổng Tử ca ngợi Kính Khương là người hiểu lễ nghĩa. Lễ nghĩa ở đây là lễ nghĩa đối với chức phận của người phụ nữ, đồng thời cũng là lễ nghi nam nữ.
Những năm cuối đời Đông Hán, có cô gái hái dâu là Tần La Phu dung mạo diễm lệ, là mỹ nhân nổi tiếng, cũng là người rất giỏi đàn tranh. Triệu Vương thấy La Phu khí chất cao nhã, bèn muốn chiếm lấy. La Phu từ chối. Triệu Vương không cam tâm, La Phu bèn đàn và hát khúc “Mạch thượng tang”, có đoạn rằng:
“…Sứ quân sao quên ư!
Sứ quân đã có vợ,
La Phu có trượng phu.
Phía đông hơn ngàn ngựa,
Có chồng thiếp dẫn đầu.
Sao nhận ra chồng thiếp?
Bạch mã cùng ly câu.
Tơ xanh buộc đuôi ngựa,
Vàng quấn ở trên đầu…”
Triệu Vương cảm phục tài năng và đức hạnh của La Phu, nên liền rời đi. Người sau khen rằng La Phu là cô gái biết lễ, giữ lễ, có thể dùng tài năng đàn hát để cảm hóa người khác. (Xem bài: Về một chi tiết đẹp ít người biết trong Chinh phụ ngâm)
“Lễ ký – Khúc lễ thượng” có chép rằng: Nam nữ không được ở cùng nhau, không được dùng chung giá quần áo, khăn mặt, lược, không được đích thân đưa và nhận đồ. Chị dâu và em trai chồng không được qua lại hỏi thăm. Mẹ thứ (tức người thiếp của cha) không được giặt quần áo của con mà không phải mình sinh ra. Những sự việc bên ngoài của đàn ông không được nói với phụ nữ trong gia đình. Phụ nữ cũng không được nói chuyện trong gia đình cho người bên ngoài. Sau khi đính hôn, phụ nữ phải đeo đai màu, những người khác không có việc đại sự thì không được vào khuê phòng của người phụ nữ. Cô, chị gái, em gái, và con gái mình, sau khi xuất giá mà trở về nhà mẹ đẻ, cũng không được ngồi cùng, không được ăn cơm cùng với anh em trai. Giữa cha và con cũng không được ngồi cùng.
Giữa nam và nữ không có người mai mối nói chuyện thì không được hỏi tên của nhau. Người nữ khi chưa tiếp nhận sính lễ thì hai gia đình không được thân thiết qua lại. Hai bên nam nữ sau khi đính hôn, lựa chọn ngày lành tháng tốt cử hành hôn lễ, cần phải trai giới bẩm báo tổ tiên, thờ tế quỷ Thần, làm tiệc rượu mời làng xóm và thân hữu.
“Lễ ký – Nội trắc” có ghi chép: Giữa nam và nữ, nếu không phải cử hành lễ tế và làm tang lễ, thì không được dùng tay trao đồ. Nếu cần trao đồ, thì phải có một chiếc giỏ tre làm trung gian để trao nhận, nếu không có đồ trung gian trao nhận, thì người trao đồ ngồi xuống, đặt đồ cần trao lên đất, sao đó người nhận đồ ngồi xuống, nhặt đồ từ mặt đất. Nam nữ không được lấy nước ở cùng một cái giếng, không được sử dụng cùng một nhà tắm, không được dùng chung một chiếc chiếu, không được mượn đồ của nhau. Quần áo của nam nữ không được mặc lẫn. Những lời nói trong khuê phòng không được truyền ra ngoài. Những lời nói ngoài khuê phòng không được truyền vào trong. Đàn ông vào phòng trong không được suỵt bài tỏ ý, cũng không được dùng tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Ban đêm đi đường, bất kể nam nữ, đều phải đốt đèn đuốc. Không có đèn đuốc thì không được ra ngoài. Phụ nữ ra ngoài còn phải có vật che mặt. Khi đi đường, đàn ông phải đi vào bên phải, phụ nữ phải đi vào bên trái.
Ngoài ra, phụ nữ khi đón tiễn khách cũng không được bước ra ngoài cửa, khi gặp mặt anh em trai của mình, cũng không được bước qua ngưỡng cửa. Trẻ con trong nhà, khi đến 7 tuổi thì nam nữ không được cùng ngồi ăn cơm, không được ngủ cùng bên 1 lò sưởi. Khi con trai 10 tuổi, phải ra ngoài bái thầy học tập. Con gái đến 10 tuổi, không được ra ngoài cầu học.
Người xưa tại sao coi trọng lễ nghi nam nữ khác biệt như thế này? Vì sao lại có nhiều quy định đến như vậy?
Kỳ thực cũng không phải là nghiêm khắc. Những quy định gọi là lễ nghi này chung quy lại chính là để ngăn cản người ta có suy nghĩ bất chính, làm điều bất chính. Bởi vì “Vạn ác dâm vi thủ”, trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu. Sự không ý tứ giữa nam và nữ có thể gây ra rất nhiều điều xấu.
Nếu xét ra thì đây không chỉ là giá trị hay tư tưởng của phương Đông, cũng không chỉ mình Nho giáo là có tư tưởng này. Chẳng hạn 10 điều răn của Do Thái giáo có một điều là: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.” Còn Chúa Jesus giảng đại ý là không thể gian dâm, người nào mà nhìn thấy phụ nữ liền động niệm này thì đã mắc tội rồi. Trong năm đại giới mà Phật Thích Ca Mâu Ni giảng, cũng có “giới tà dâm”, mà loại giới này cũng là giới cấm cả ý nghĩ, “thân, khẩu, ý”. Như vậy sự ý tứ giữa nam và nữ là một giá trị phổ quát của nhân loại, không phân Đông Tây, không phân tôn giáo.
Thời xưa, khi mức độ đạo đức của con người còn cao thượng, người ta đều tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục thì nhất định sẽ được phúc báo. Còn những người tham lam dâm dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý, thậm chí mới chỉ có những suy nghĩ bất chính thì cũng đã là có tội và phải chịu sự trừng phạt. Do đó sự tồn tại của lễ nghi là để tạo ra một rào cản vô hình, khởi tác dụng ước thúc con người, giữ chuẩn mực đạo đức của con người.
Ngày nay, người hiện đại có thể cho rằng lễ nghi nam nữ khác biệt này là cổ hủ. Nhưng cũng không cần nói đâu xa, HIV từng được coi là căn bệnh thế kỷ, cũng là căn bệnh nhắm vào sự hỗn loạn quan hệ giữa nam và nữ. Một ví dụ khác, năm 2021, khi thế giới thương tiếc cho hơn 5 triệu người chết trong đại dịch COVID-19, thì người ta lại không hề để ý rằng cũng trong năm này, 42,6 triệu thai nhi đã bị phá bỏ trên toàn thế giới. Con số nào khủng khiếp hơn? Trong số 42,6 triệu thai nhi đó, bao nhiêu đã có thể được cứu nếu như lễ nghi nam nữ khác biệt vẫn còn tồn tại, nếu như giá trị phổ quát về nam nữ của người xưa vẫn được tôn kính và duy trì?
Tất nhiên, có người sẽ thắc mắc rằng: Vậy nhỡ có người phụ nữ rơi xuống nước thì nam giới có nhảy xuống cứu hay không? Kỳ thực đây là cách hiểu sai lầm. Lễ nghi là “phương tiện”, chứ không phải là “mục đích”. Sách “Thuần chính mông cầu” có chép một cố sự như vậy.
Liễu Hạ Huệ là một người sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Một hôm vào đêm đông giá rét, có một người phụ nữ vô gia cư đến nhà ông tìm nơi trú ẩn nhờ. Liễu Hạ Huệ lo ngại rằng cô gái này có thể sẽ chết vì lạnh, nên ông đã để cô vào trong nhà mình. Hơn nữa, do tình trạng sức khỏe của cô gái ấy, ông đã để cô ngồi trên đùi, quấn áo mình quanh người của cô và áp cơ thể của cô vào mình để cô gái đỡ lạnh. Họ đã ngồi như vậy suốt đêm và ông đã không làm bất kỳ điều gì không đứng đắn.
Theo sử sách ghi chép, Liễu Hạ Huệ vừa có tài an bang lại có đủ đạo đức của một chính nhân quân tử. Khổng Tử, Mạnh Tử đều cho rằng ông là hiền nhân, có đạo đức cao thượng.
Bởi vậy có thể thấy rằng lễ nghi nam nữ khác biệt không phải là tuyệt đối, bởi nó là “phương tiện” chứ không phải “mục đích”. Mục đích của nó chính là sự ý tứ giữa nam và nữ, là an định lòng người, nói xa hơn là ngăn chặn sự xuống dốc của xã hội.
Ninh Sơn biên tập
Tài liệu tham khảo:
Xem thêm:
Mời xem video:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…