Trương Tam Phong được dân gian coi là Chân Nhân, hàm ý là một người đã tu luyện đắc Đạo, trường sinh bất lão. Nhiều truyền kỳ về ông trải khắp các triều Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Theo “Minh sử”, không ai rõ nguồn gốc xuất thân của Trương Tam Phong, chỉ đưa ra phỏng đoán rằng ông có thể là người triều Kim (cùng thời Nam Tống). Đồng thời “Minh sử” cũng cho biết, không ai rõ chuyện sống chết của Trương Tam Phong, bởi vì mỗi triều đại đều có người gặp được ông.
Trong Đạo giáo, Chân Nhân hàm ý chỉ Thần tiên, có thể trường sinh bất tử, sống cùng trời đất. Trường sinh bất tử là giấc mơ của mọi người, các hoàng đế nhiều triều đại Trung Hoa thường đi tìm thuốc tiên để giúp trường sinh bất tử. Tần Thủy Hoàng cử phương sĩ Từ Phúc đi tìm thuốc trường sinh bất tử, Hán Vũ Đế sai phương sĩ Lý Thiếu Quân luyện tiên đơn để giúp trường sinh bất tử, mặc dù tất cả đã kết thúc trong thất bại, nhưng các hoàng đế vẫn không từ bỏ hy vọng.
Thời nhà Minh, tên tuổi của Trương Tam Phong làm kinh động triều đình, vì thế Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương hạ chiếu cầu gặp, nhưng Trương Tam Phong từ chối đến gặp. Minh Thái Tổ viết thư cho Trương Tam Phong thể hiện lòng ngưỡng mộ, tôn kính, nói rằng Trương Tam Phong “đạo đức tối cao, vượt trên tất cả, là tụ hội của tự nhiên, thần cơ diệu toán”, chắp tay cung kính mong thần tiên cho gặp mặt, nhưng Trương Tam Phong vẫn không động lòng.
Thực ra Trương Tam Phong nắm rõ mọi sự, hiểu rằng Minh Thành Tổ muốn tìm gặp là để xin giúp “trường sinh bất lão”, vậy nên Trương Tam Phong nhất quyết không gặp, chỉ gửi thư và cho đệ tử giao cho Minh Thành Tổ. Trong thư cũng đã ghi rõ điều Minh Thành Tổ cần biết:
Hoàng đế phụng mệnh của trời đất cai quản thiên hạ, là người thông hiểu chính sự và quy thuận lòng người, tại hạ thân phận hèn mọn, chỉ là người thường vô dụng, nhưng xin có đôi lời góp vui, mong được thánh thượng lắng nghe, bí quyết trường sinh bất lão là “thanh tâm quả dục”, tôn kính đạo đức, khắc chế dục vọng, giữ lòng thanh tịnh, không màng danh lợi, thần tiên cũng không có cách gì đặc biệt mà chẳng qua là “thanh tâm quả dục”.
Không gặp được Trương Tam Phong, Minh Thành Tổ cũng không nản lòng. “Minh sử” có ghi, Minh Thành Tổ bổ nhiệm quan Công bộ Thị lang giám sát hơn ba trăm ngàn người để đại tu những tòa kiến trúc tại núi Võ Đang, chi tiêu hàng triệu lượng bạc, đặt tên là “Thái Hòa Thái Nhạc Sơn”, cho binh lính đến trấn giữ.
Minh Thành Tổ xây dựng một quần thể kiến trúc hùng vĩ: “cung Thái Hòa” để thờ Đại đế Chân Võ (một vị thánh của Đạo giáo); xây dựng “cung Ngộ Chân” tế Trương Tam Phong; tổng cộng có 8 cung, 2 quan, 36 am ni cô, 72 miếu, 39 cây cầu, 12 đình đài. Từ đó mà chấn hưng Đạo giáo.
Minh Vĩnh Lạc năm thứ 14, Minh Thành Tổ tiếp tục ban chiếu cho Thượng thư Hồ Quảng tiếp tục tìm Trương Tam Phong. Hồ Quảng lên đường không quản đêm ngày đến núi Võ Đang, thắp nhang cầu nguyện, nước mắt rơi lã chã. Trương Tam Phong thấy Hồ Quảng hành động sâu sắc chân thành, vậy nên cưỡi mây bay đến cung đình.
Lúc đó Minh Thành Tổ đang thượng triều, trông thấy Trương Tam Phong liền phấn khởi hỏi “Con đường tu đạo”; Trương Tam Phong liền ca “Tìm cầu đạo đi tận chân trời” (Đạo gia tiên ca). Lời ca vừa dứt Trương Tam Phong ung dung đi xuống bậc thềm, “bất chợt một đám mây hiện ra trải đầy cung điện, rất lâu mới tan”. Sau đó Trương Tam Phong bay đi khiến hoàng đế và các quan đại thần ai nấy kinh ngạc.
Minh Thành Tổ thực ra vẫn chưa hiểu được rằng, con đường tu đạo Trương Tam Phong vốn đã chỉ ra cho ông ngay từ đầu rồi, ấy chính là “thanh tâm quả dục”.
Gặp nhau tại cung điện, Trương Tam Phong có cho Minh Thành Tổ thuốc tiên để trường sinh bất tử không? Không có. Ngay từ trong thư, Trương Tam Phong đã cho biết bí quyết trường sinh bất tử không có gì đặc biệt, đó là “thanh tâm quả dục”.
Tại sao “thanh tâm quả dục” lại có thể trường sinh bất tử? Đạo lý này được Trương Tam Phong nói rõ trong “Luận về đại đạo”.
Ông cho rằng giữa trời và đất, con người là linh hồn của vạn vật, cao quý nhất, nhưng đáng tiếc là nhiều người chìm đắm vào vòng danh lợi, vào ân tình dục vọng, lòng tham lam vô tận, giống như con bướm lao vào ngọn lửa, khi cái chết đến muốn hối cũng không kịp.
Trương Tam Phong nói, có ai biết phương thuốc “trường sinh bất tử”? Ai có thể được lĩnh ngộ sự linh diệu của linh dược này? Thực tế, không phải thế gian không có loại linh dược này, mà ngay khi chào đời đã có, gọi là xa tận chận trời, gần ngay trước mắt.
Theo đó, “Tiên đạo giả, trường sinh chi đạo dã” (Người theo đạo tiên thì trường sinh bất lão). Đạo của trường sinh chính là tu tiên, là tu luyện, vì chỉ có thần tiên mới trường sinh bất lão; cho nên tu luyện chính là phương thuốc “trường sinh bất lão”, tu luyện chính là “linh dược”.
Trương Tam Phong nói: “Nội dược dưỡng tính, ngoại dược lập mệnh; tính mệnh song tu, phương hợp thần tiên chi đạo”, nghĩa là thuốc trong là dưỡng tính, thuốc ngoài là lập mệnh; tu hai thứ đó là đạo thần tiên. Tu tính chính là tu thân, là tu tâm tính, cần trọng đạo đức, “thanh tâm quả dục”, nên gọi là “nội dược” (nội đan). Tu mệnh nghĩa là cần luyện những động tác của đạo gia (ngày nay thường gọi là các động tác khí công hoặc dưỡng sinh), thông qua đó mà cải biến thân thể, là ngoại dược (ngoại đan).
Vậy thì tu tính và tu mệnh, điều gì quan trọng hơn? Trương Tam Phong chỉ ra: “Tu đạo quan trọng nhất là tu thân, nhưng tu thân trước tiên cần chính tâm thành ý, ý thành tâm chính, tức bỏ lòng tham”, tâm tưởng đoan chính, lòng không tạp niệm, bỏ tà niệm, không sa đà vào vật dục, đó chính là “thanh tâm quả dục”. Xem nhẹ danh lợi, “thanh tâm quả dục”, như thế mới đạt đến “thần toàn khí tráng, tủy mãn tinh đầy”, cơ thể dạt dào tinh, khí, thần. Như vậy phải tu tính rồi, thay đổi tâm của mình rồi, thì tu mệnh mới có được hiệu quả.
Sau lần triển hiện Thần tích với Minh Thành Tổ, Trương Tam Phong còn nhiều lần hiển linh vào các đời Minh Anh Tông, Minh Thế Tông, Minh Hi Tông, nhằm giáo hóa uốn nắn hoàng đế. Ông trở thành vị thần bảo vệ giang sơn triều Minh, và cũng để lại bí quyết trường sinh “thanh tâm quả dục”, tính mệnh song tu cho người đời sau.
Tiếc rằng ngày nay chúng ta chỉ biết đến Thái Cực Quyền như một võ phái, thiếu đi mất bộ phận tu tính quan trọng nhất. Dẫu vậy, bộ phận tu mệnh là Thái Cực Quyền vẫn có tác dụng đáng kinh ngạc, khiến nhiều người khỏi bệnh nan y.
Theo Vision Times tiếng Trung
Quang Minh
Xem thêm:
Mời xem video:
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…