Vị “lưỡng quốc thám hoa” giúp ổn định vùng biên giới phía Bắc

Vua Càn Long quý trọng tài đức của vị Thám hoa Đại Việt giúp ổn định vùng biên giới giữa Đại Việt và nhà Thanh, nên phong cho ông làm “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa”, đồng thời trao tặng áo cẩm bào với cúc và khuy áo bằng vàng cùng một thanh kiếm bằng vàng.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Nổi tiếng thần đồng từ tấm bé

Thời Lê Trung Hưng ở làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh ) có hai vợ chồng nhà Nho nghèo. Chồng là Phan Quan từng đỗ tam trường, được ban hàm thiếu đoãn; người vợ thuộc dòng họ vọng tộc, khoa bảng.

Cuối năm 1715, hai vợ chồng sinh được một người con trai đặt tên là Phan Kính. Theo dòng tộc họ Phan ghi lại, năm 3, 4 tuổi Phan Kính đã thuộc nhiều cao dao, tục ngữ, lại tỏ ra hay chữ sáng dạ. Thấy vậy ông Phan Quan liền dạy con mình học chữ từ năm 6 tuổi, cũng năm đó cậu bé Phan Kính đã học và chép lại được cả cuốn sách “Thiên gia nhi” không có sai sót.

Thấy đứa trẻ sáng dạ, một người cậu là Giám sinh trường Quốc tử giám đã kèm cặp Phan Kính từ năm lên 7, chẳng bao lâu cậu bé đã nổi tiếng khắp vùng là thần đồng.

Năm 1722, xã Lai Thạch có cuộc thi sát hạch, Phan Kính mới chỉ 8 tuổi nên chưa đủ tuổi tham gia nhưng vẫn bí mật ghi tên dự thi. Đề thi năm đó là một bài thơ thất ngôn và một bài văn sách, sau khi công bố kết quả Phan Kính đã đậu với bài thơ thất ngôn, trong đó có hai câu thơ chữ Hán:

Đệ nhất hoa huân thâm hoán tưởng,
Khả tam sự nghiệp đốc tư duy.

Tạm dịch:

Nhất lập huân công lòng nổi dậy,
Ba kỳ sự nghiệp chí vươn lên.

Bài thơ được Giám sinh Quốc tử giám Nguyễn Quỳnh đánh giá cao. Khi biết tác giả chỉ là đứa trẻ mới 8 tuổi, tức chưa đủ tuổi để đi thi, ông không phạt mà còn khen đứa trẻ này mai sau sẽ là bậc anh tài.

Năm 1724, Phan Kính mới 10 tuổi đã đăng ký thi Hương ở trường huyện Lai Giang. Quan giám khảo là người Đức Quang (Đức Thọ) thấy bài của Phan Kính rất tốt, đạt ưu, đỗ đầu. Nhưng nhìn lại thì thấy thí sinh chỉ là đứa trẻ quá nhỏ liền ra thêm một vế đối. Phan Kính liền đối lại. Câu đối tốt, quan giám khảo liền chấm Phan Kính đỗ đầu kỳ thi Hương.

15 tuổi đã đứng đầu “Nghệ An Ngũ Tuyệt”

Lúc này ông nội qua đời, gia cảnh nghèo khó nên vợ chồng ông Phan Quan phải vất vả cày ruộng để có cái ăn. Từ năm 13 tuổi, Phan Kính cũng vất vả làm lụng để giúp đỡ thêm cho bố mẹ, kể cả những việc nặng nhọc như đồng áng. Tối đến cậu chuyên cần đọc sách. Không có giấy viết, cậu bé phải tìm giấy đã viết chữ lộn mặt trái mà viết, hoặc viết trên lá chuối tươi.

Năm Phan Kính 14 tuổi, ông Phan Quan đưa con đến học với một Thám hoa ở Nghệ An. Thấy cậu bé thông minh, vị Thám hoa này viết thư giới thiệu ra Thăng Long học với bảng nhãn Hà Tông Huân đang giữ chức Hựu thị lang Bộ Công. Từ đó sức học của Phan Kính ngày càng tăng tiến.

Năm 1730 có đến 400 sĩ tử trình văn ở Quốc tử giám, thế nhưng người đỗ đầu là Phan Kính. Dù khi ấy mới chỉ 15 tuổi, Phan Kính vẫn được suy tôn là đứng đầu “Nghệ An Ngũ Tuyệt” (5 người văn chương tuyệt tác của xứ Nghệ ở Thăng Long). Ai cũng thán phục “Thầy Cống Lai Thạch nhà nghèo mà học rộng đến thế!”

Lúc này Phan Kính đã đàm đạo với những danh nhân lớn như Đặng Trần Côn tác giả của “Chinh phụ ngâm khúc”, Lê Quý Đôn thần đồng đất Diên Hà sau này trở thành nhà bác học.

Sau 5 năm học ở Thăng Long, năm 1735, Phan Kính trở về Nghệ An, được cụ Nguyễn Danh Nho trọng tài đức mà gả người con gái cho, người vợ này cũng là chị gái của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Theo kế hoạch hai vợ chồng sẽ dùng của hồi môn để xây nhà. Thế nhưng sau lễ cưới hai vợ chồng quyết định dùng toàn bộ của hồi môn giúp người dân trong làng thoát cảnh giáp hạt.

Đỗ đầu được ban danh vị Thám hoa

Năm 1737, Phan Kính lại ra Thăng Long học với nhân sĩ nổi tiếng Kinh thành lúc đó là Liêu Đình Hầu. Năm 1743, Phan Kính khi đó đã 29 tuổi đăng ký tham dự thi Hội.

Trên đường đi thi, vì giúp một gia đình viết điếu văn cho người quá cố nên Phan Kính bị muộn giờ không kịp làm thủ tục, sáng hôm sau thi nhưng hôm đó tới tối Phan Kính mới đến trường. Bấy giờ đã hết giờ làm thủ tục. Lệ thi thời ấy rất nghiêm, nên Phan Kính chán nản nghĩ đành chờ mấy năm nữa để thi khoa sau.

Thế nhưng đêm hôm ấy trời đổ mưa to gió lớn, lều chõng của các sĩ tử bị đổ hết, ướt nhem, ban giám khảo phải xin phép hoãn thi lại 1 ngày. Nhà Vua đồng ý cho hoãn đồng thời cho xem xét các trường hợp làm thủ tục chậm được vào thi, nhờ thế mà Phan Kính được dự thi năm đó. Kết quả bài thi của Phan Kính được chấm đỗ cao nhất.

Phan Kính nhận sắc phong của Vua. (Ảnh từ vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Bước vào kỳ thi Đình, bài thi của Phan Kính đỗ đầu, được vua Lê ban cho danh vị Thám hoa. Năm đó nhà Vua không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn.

Hết lòng vì Giang Sơn Xã Tắc

Phan Kính được bổ dụng làm quan ở các chức vụ khác nhau. Năm 1748, ông được cử làm Hiệp đồng trấn Sơn Tây, nơi có cuộc khởi nghĩa của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương mà suốt mấy năm triều đình vẫn không dẹp được.

Đến Sơn Tây, chiến lược của ông khác hẳn với những người khác, ông không đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của người dân, mà lắng nghe tìm hiểu nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân rồi chiêu an họ.

Đi các nơi tìm hiểu, ông thấy cuộc sống người quá cơ cực, nên làm biểu xin triều đình giảm tô thuế, bãi bỏ các luật lệ hà khắc để người dân yên ổn làm ăn, vì thế người dân rất phục ông. Nhờ đó trấn Sơn Tây dần dần được thu phục.

Giúp ổn định vùng biên giới phía bắc

Năm 1758, Phan Kính được cử làm Đốc đồng xứ Tuyên Quang, nơi biên giới phía bắc. Thổ phỉ từ bên kia biên giới hay sang quấy nhiễu người dân, những cuộc tranh chấp về cột mốc biên giới nhiều lần khiến nhà Thanh gửi thư sang yêu cầu thương thuyết.

Triều đình cử Phan Kính làm Kinh lược sứ, nhiều vấn đề hệ trọng như xác định cột mốc biên giới, việc buôn bán đi lại giữa hai nước, tiêu diệt thổ phỉ, v.v.. đều được Phan Kính giải quyết.

Những chuyến đi sứ của ông đã khiến vua Càn Long khen ngợi và ban cho ông danh vị “Lưỡng quốc Đình nguyên Thám hoa” và tặng cho chiếc áo cẩm bào với cúc áo, khuy áo được làm bằng vàng, cùng một thanh kiếm bằng vàng, và 2 bức trướng, có ghi dòng chữ “Thiên triều đặc tứ Bắc Đẩu dĩ Nam nhất nhân nhi dĩ” (về phía Nam sao Bắc Đẩu chỉ có một người mà thôi).

Theo gia tộc họ Phan thì sau khi hoàn thành việc diệt giặc cỏ, xác định đường biên giới, năm 1761 nhà Thanh tổ chức liên hoan bên hồ Động Đình, triều đình nhà Lê cử Phan Kính đi dự. Sau khi dự tiệc, Phan Kính về nhà nghỉ ở hồ Động Đình thị bị đột tử, khi ấy ông mới 47 tuổi. Nghe tin, vua nhà Thanh bày tỏ thương tiếc, cho đóng 18 cỗ quan tài, khâm liệm rồi đưa về nước.

Tưởng nhớ

Khi thi hài Phan Kính về đến Thăng Long, vua quan triều đình đến phúng viếng. 23 năm sau ngày ông mất, vua Lê Hiển Tông sắc phong cho ông là Thành hoàng, gia phong là “Anh nghị đại vương”, cử thợ giỏi về địa phương xây dựng đền thờ, lăng tẩm ông tại thôn Vĩnh Gia.

Bạn cùng thời với ông là danh nhân Đặng Trần Côn, tác giả “Chinh phụ ngâm”, viết về ông rằng: “Học sâu như biển, kình nghê vùng vẫy trận văn, lời sắc hơn dao, phù dung tơi bời ngọn bút”.

Hàng năm cứ đến ngày mất của ông, người dân xã Song Lộc cùng các vùng lân cận, và dòng tộc họ Phan tổ chức lễ giỗ để nhớ ơn công đức của ông.

Hiện nay trong khu nhà thờ họ Phan, có nhà tưởng niệm Thám Hoa Phan Kính, lưu giữ những tài liệu nói về cuộc đời của ông. Nơi đây vẫn còn lưu giữ tấm áo cẩm bào mà vua Càn Long tặng; nhưng cúc áo, khuy áo bằng vàng, cùng thanh kiếm bằng vàng đã bị mất.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

3 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

40 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

58 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago