Đôi bạn tiến sĩ thời Lê Trung Hưng – P2: Lấy lại vùng đất Tụ Long
- Trần Hưng
- •
Trong khi Bùi Sĩ Tiêm tấu 10 điều răn, nêu ra những việc thiết yếu đối với vận mệnh Giang Sơn, thì trước đó Vũ Công Tể được tín nhiệm giao cho trọng trách lấy lại vùng đất giàu tài nguyên ở biên giới phía Bắc.
- Xem phần 1: Bản tấu 10 điều răn
Vùng đất màu mỡ và giàu tài nguyên bị nhà Thanh chiếm
Thời đó Tụ Long là một xã thuộc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, phía Tây giáp phủ Khai Hóa (Trung Quốc), phía Bắc giáp với Ngưu Dương (Trung Quốc). Hai nước lấy con sông Đổ Chú làm biên giới.
Nơi đây ruộng đất màu mỡ, vào vụ mùa mỗi năm thu được 20 gánh thóc/mẫu; nơi đây cũng có gỗ thông nổi tiếng mà người Trung Quốc rất thích; ngoài ra còn có tài nguyên khoáng sản quan trọng là mỏ bạc và mỏ đồng ở làng Nà Ngọ.
Mỏ đồng ở Tụ Long mỗi năm nấu được 45 vạn cân đồng (1 cân ta = 605 gam). 100 cân đồng trị giá 9 lạng bạc. Nơi đây có khu đúc đồng đông đúc với 300 nóc nhà và hàng vạn người đúc.
Thấy mảnh đất Tụ Long màu mỡ giàu tại nguyên khoáng sản, lại nằm ngay sát biên giới với mình, nhà Thanh bên Trung Quốc liền tìm cách chiếm đoạt lấy.
Trận chiến giành vùng đất Tụ Long
Năm 1687, quan lại thuộc phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam của nhà Thanh đã cho binh lính đến lấn chiếm khu vực mỏ đồng. Nhà Thanh gửi thư báo cho Đại Việt biết rằng biên giới giữa hai nước không phải là sông Đổ Chú như trước nữa mà là sông Ninh Biên, đồng thời cho rằng trước đây Đại Việt lập bia mốc về phía Bắc nên lấy mất phần đất của Trung Quốc, nay phía nhà Thanh lấy lại phần đất này.
Triều đình Lê – Trịnh đã có công văn kháng nghị gửi đến tuần phủ Vân Nam nhưng ông ta đã gửi công văn trả lời là phía Đại Việt làm việc “càn rỡ” và yêu cầu phải làm bản tâu khác để tạ tội.
Chúa Trịnh Cương cho quân sẵn sàng đánh trả để lấy lại mỏ đồng, nhưng không giao chiến trước, mà kiên trì dùng ngoại giao.
Thế nhưng khi Đại Việt đang kiên trì dùng ngoại giao thì năm 1724, Tổng đốc Vân Nam là Cao Kỳ Trác cho quân vượt biên giới là sông Đổ Chú chiếm các mỏ đồng làng Bán Gia và mỏ kẽm Khai Khôn.
Chúa Trịnh Cương cho quân phối hợp cùng các Tù trưởng và Thổ dân chặn quân Thanh lại. Trấn thủ Trịnh Kinh đưa quân chặn quân Thanh lại tại làng Phù Lung.
Cuộc chiến ngoại giao lại tiếp tục rất căng thẳng. Trước những lý luận của Đại Việt, Tổng đốc Vân Nam Cao Kỳ Trác viết thư cho rằng: “Phía chúng tôi cũng không thiếu các yếu tố để thiết lập lại quyền của mình. Các ông không có căn bản để nói rằng các bằng chứng của các ông thì chắc chắn đúng ở từng chữ và tài liệu của Trung Hoa thì đáng nghi ở mọi chi tiết…”
Lúc này trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn ở biên giới quanh các mỏ đồng, hai bên quyết định cùng nhau hội đàm. Chúa Trịnh Cương bèn phái Tiến sĩ Hồ Phi Tích và Thám hoa Vũ Công Tể lên Tụ Long cùng với quan lại nhà Thanh hội đàm.
Cuộc đàm phán rất căng thẳng vì các quan nhà Thanh muốn mở rộng biên giới xuống phía Nam nhằm chiếm lấy các vùng khoáng sản giàu có. Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi chép lại rằng: “Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hợp đồng với viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn, hai bên vẫn giằng co không giải quyết được”.
Cuối cùng nhà Thanh đuối lý, hoàng đế nhà Thanh phải gửi chỉ dụ cho vua Lê, công nhận vùng đất 40 dặm (gồm cả vùng đất Tụ Long) là của Đại Việt, nhưng vẫn giữ thái độ trịnh thượng nước lớn nói là “thưởng” cho vùng đất 40 dặm này:
“Nay quốc vương đã cảm ơn hối lỗi, nhảy múa kính theo, nghĩ thưởng cho đất 40 dặm, đã cử đặc phái viên đại thần phụng sắc thư đi đường Quảng Đông. Vậy quốc vương (vua Lê) cần cử quan đại thần đón tiếp, đến phủ Khai Hóa nhận đất và lập địa giới.”
Ngay sau đó chúa Trịnh Cương đã cho cắm mốc biên giới trên sông Đổ Chú nhằm khẳng định vùng đất thuộc chủ quyền của Đại Việt, đồng thời cho hơn 2.000 quân đến bảo vệ các nơi khai thác mỏ đồng. Cả hai bên cùng khắc bia đá ghi rõ địa phận của mình.
Trong việc lấy lại được vùng lãnh thổ này, trên bàn ngoại giao, Thám hoa Vũ Công Tể đã dùng sự mềm dẻo cùng tài ngoại giao để khẳng định chủ quyền của Đại Việt, góp công lớn trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản vùng biên giới.
Sau này khi chúa Trịnh Doanh lên ngôi, Vũ Công Tể được thăng đến Tham Tụng, Lại Bộ Thượng Thư, tước Lãng Quận Công, sau khi ông mất được phong hàm Thiếu Bảo.
Tiếc rằng sau này người Pháp khi phân chia biên giới, vì muốn mở tuyền đường sắt Lào Cai – Vân Nam đi đến vùng Hoa Nam của Trung Quốc, nên đã cắt vùng đấ Tụ Long cho nhà Thanh. Đến ngày nay vùng đất này vẫn thuộc về Trung Quốc.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thời nhà Nguyễn thế kỷ 19: Lãnh thổ Việt Nam rộng lớn gấp 1,7 lần hiện nay
- Diện tích nước Việt cổ lớn gấp 10 lần ngày nay
Mời xem video:
Từ khóa tài nguyên lịch sử Việt Nam Nhà Thanh lãnh thổ Việt Nam chúa Trịnh