Vua Lê Đại Hành (P1): Ngai vàng trở thành thử thách lớn

Trong lịch sử dân tộc thì trường hợp lên ngôi của vua Lê Đại Hành thật đặc biệt, nhận được nhiều lời khen chê của hậu nhân. Bên cạnh đó, ngai vàng còn giống như một thử thách to lớn: chống đỡ cuộc tấn công của quân Tống hùng mạnh muốn giành lấy mảnh đất Giao Châu.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Điềm lạ

Lê Hoàn sinh vào ngày rằm Trung Thu 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) ở vùng Ái Châu (Thanh Hóa), cha là ông Lê Mịch, mẹ là bà Đặng Thị.

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép câu chuyện Lê Hoàn được sinh ra như sau:

… khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua. Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét. Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.

Lớn lên Lê Hoàn theo giúp Nam Việt Vương Đinh Liễn dẹp loạn các sứ quân, rất được Đinh Liễn trọng dụng. Khi Đinh Liễn từ Cổ Loa về Hoa Lư gặp lại cha mình là Đinh Bộ Lĩnh, liền giới thiệu với cha về Lê Hoàn, từ đó Lê Hoàn rất được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng trong việc đánh dẹp các sứ quân còn lại, thống nhất giang sơn.

Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng, tên nước là Đại Cồ Việt. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng bắt đầu quy định cấp bậc văn võ. Lê Hoàn được tin tưởng giao chức Thập đạo tướng quân, tức tổng chi huy quân đội. Đây là chức quan võ cao nhất.

Lên ngôi – Cướp ngôi?

Năm 979 diễn ra sự kiện chi hậu nội nhân Đỗ Thích làm phản giết hại cả vua Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Đinh Liễn, con thứ là Đinh Toàn lên ngối ngôi nhưng mới chỉ 6 tuổi, nên Lê Hoàn làm nhiếp chính, xưng là Phó Vương. Sự kiện này gây ra rất nhiều tranh cãi cho hậu thế, có một số nhà nghiên cứu cho rằng Lê Hoàn cùng hoàng hậu Dương Vân Nga âm mưu làm phản (Xem bài: Nhìn nhận về những lời tiên tri xoay quanh việc vua Đinh Tiên Hoàng bị mưu sát).

Cũng năm 979, nhóm đại thần trong triều đình là những người bạn thân thiết của Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Trịnh Tú cho rằng Lê Hoàn có ý muốn cướp ngôi vua nên đã dấy binh chống lại. Với tài thao lược của mình, Lê Hoàn đã đánh bại nhóm đại thần này.

Bàn về sự kiện nội chiến trên, các nhà chép sử có cái nhìn rất khác nhau:

Lê Văn Hưu bàn: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được. Có người hỏi: Đại Hành với Lý Thái Tổ ai hơn? Thưa rằng: Kể về mặt trừ dẹp gian trong, đánh tan giặc ngoài, làm mạnh nước Việt ta, ra oai với người Tống thì Lý Thái Tổ không bằng Lê Đại Hành có công lao gian khổ hơn. Nhưng về mặt tỏ rõ ân uy, lòng người suy tôn, hưởng nước lâu dài, để phúc cho con cháu thì Lê Đại Hành không bằng Lý Thái Tổ lo tính lâu dài hơn. Thế thì Lý Thái Tổ hơn ư? Đáp: Hơn thì không biết, chỉ thấy đức của họ Lý dày hơn họ Lê, vì thế nên nói theo họ Lý.

Ngô Sĩ Liên bàn: Tam cương là đạo thường của muôn đời, không thể một ngày rối loạn. Khi Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương tuy còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành tự xưng là Phó Vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được rắp tâm, rắp tâm thì ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu, người người điều được nêu lên mà thi hành. Nguyễn Bặc, Đinh Điền sao có thể nhẫn tâm điềm nhiên mà nhìn? Rồi lui về dấy quân hỏi tội, mưu giữ xã tắc, thế là bầy tôi trung nghĩa đấy. Việc không xong mà chết, thế là bề tôi tử tiết đấy. Lời bàn của Văn Hưu lại đánh đồng với hàng loạn tặc, khiến cho đạo nhân luân không được sáng tỏ với đời sau, gây mầm mống tiếm đoạt, để cho những kẻ có quyền lực tranh nhau bắt chước, quét sạch cương thường, vì thế không thể không biện bác.

Điều đáng ghi nhận về Lê Đại Hành là ông đã không đuổi cùng giết tận đối với hậu nhân của các đại thần trong triều, lại trao cho họ chức vị quan trọng. Hành động này cho thấy Lê Đại Hành vẫn là người xem trọng đại cục, cũng biết thực thi nhân nghĩa (Xem bài: Cuộc nội chiến bi hùng năm 979 ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc).

Lúc này ở phương Bắc, nhà Tống đã đánh bại các cát cứ trong nước, thống nhất Trung Hoa. Tháng 5/980, sứ nhà Tống là Lư Tập đến Hoa Lư, thăm dò nội tình, sau đó trở về báo lại tình hình rồi ren ở xứ Giao Châu.

Tháng 6 năm Canh Thân 980, trấn thủ Ung Châu là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng lên Tống Thái Tông “Đắc Giao Châu sách” (tức kế sách lấy Giao Châu). Kế sách này nêu rõ Giao Châu đang rồi ren, vua mới mất, con mới lên ngôi còn nhỏ, trong nước lại xảy ra binh biến, đây là thời cơ tốt nhất để đánh đoạt lấy, đồng thời xin được về triều để bẩm báo trực tiếp lên Tống Thái Tông.

Thế nhưng Tể tướng Lư Đa Tốn lại cho rằng việc để Hầu Nhân Bảo về bẩm báo rất mất thời gian. Hơn nữa Đinh Liễn, người đã được chính hoàng đế nhà Tống phong chức, lại bị hại. Việc phong Liễn cho thấy nhà Tống thừa nhận ngôi vị của Liễn. Đây là nguyên nhân chủ yếu mà nhà Tống dựa vào để đem quân tiến đánh Giao Châu.

Tháng 8 năm 980, hoàng đế nhà Tống xuống chiếu đem quân sang, nhưng vẫn sai Lư Đa Tốn đem thư nói rằng:

Ngươi có theo về hay không, chớ mau chuốc lấy tội. Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho, nếu trái mệnh ta sẽ sai quân đánh. Theo hay chống, lành hay dữ, tự ngươi xét lấy

Trong khi đó, Tống Thái Tông cử Hầu Nhân Bảo cùng các tướng Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn… chuẩn bị tập hợp quân thủy bộ tiến đánh Giao Châu.

Quan trấn thủ Lạng Sơn gấp gáp đến kinh thành Hoa Lư báo tin quân Tống đang chuẩn bị tấn công. Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi chép như sau:

Quan giữ đất Lạng Châu (vùng Lạng Sơn và Quảng Ninh ngày nay) đem việc đó (tức việc Tống đánh Đại Cồ Việt) tâu lên, Dương Thái Hậu bèn sai Lê Hoàn tuyển lựa dũng sĩ để chống lại. Triều đình cho Phạm Cự Lượng (em của Phạm Hạp, người từng theo nhóm đại thần chống Lê Hoàn) làm Đại Tướng, được quyền bày mưu tính kế đánh giặc. Phạm Cự Lượng cùng các tướng, mặc nguyên quân phục, vào thẳng nội điện, nói thẳng với mọi người rằng:

– Thưởng người có công, trị người phạm tội, ấy là phép dùng binh. Nay, chúa thượng thì thơ ấu, dẫu bọn ta có liều chết mà đánh rồi may lập được chút công lao, thì ai sẽ là người biết cho? Vậy thì chi bằng trước hãy tôn ngay quan Thập Đạo Tướng Quân (tức Lê Hoàn) lên ngôi Thiên Tử rồi sau đó mới xuất quân.

Quân sĩ nghe vậy thì đều tung hô “vạn tuế”. Dương Thái Hậu cũng một lòng mến phục, liền sai lấy tấm Long Cổn khoác lên người Lê Hoàn, rồi cũng chính Dương Thái Hậu khuyên Lê Hoàn lên ngôi. Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc, giáng Hoàng Đế là Đinh Toàn xuống làm Vệ Vương như cũ.

Dẫu việc lên ngôi của Lê Hoàn được chính sử chép là vậy thì nghĩa vua tôi của ông cũng không được trọn, lẽ đâu vì tướng dưới sợ không có ai ghi công lao mà người phụ chính lại chiếm ngôi? Nếu so ra thì ông kém Lý Thường Kiệt, một vị tướng tài gồm thâu công trạng, uy danh hiển hách, đánh Tống bình Chiêm, hai lần làm tể tướng dưới thời Lý Nhân Tông và là một trong 3 người phụ chính khi vua còn nhỏ tuổi. Sau này việc Lê Hoàn phong Dương Vân Nga làm hoàng hậu cũng gặp phải sự chỉ trích nặng nề, vì ông không chỉ lấy ngôi vua, mà còn cướp cả mẹ vua.

Chuẩn bị đánh Tống

Mùa đông, tháng 10, Lê Đại Hành sai nha hiệu là Giang Cự Vọng, Vương Thiệu Tộ đưa thư sang nước Tống giả làm thư của [Vệ Vương] Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban cho mệnh lệnh chính thức, ý muốn hoãn binh nhà Tống.

Vua Tống lại tiếp tục đưa thử trả lời, trong thư có đoạn:

Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn (tức Đinh Toàn) làm thống soái, khanh làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang quy phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẻ có điễn lễ ưu đãi và sẻ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một.

(Đại Việt Sử ký Toàn thư)

Vậy nhưng Lê Đại Hành đều không chọn. Ông tranh thủ thời gian tập trung binh lực chuẩn bị đánh Tống. Nhiều tuyến phòng thủ được xây dựng, đáng chú ý nhất là tuyến phòng thủ Bình Lỗ. Đồng thời vua Lê Đại Hành cũng cho cắm cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số sông khác để đối phó quân Tống.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

35 giây ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

47 phút ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

2 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

3 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

4 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

4 giờ ago