1- Một giờ khuya đêm qua, ảnh hưởng bởi thời sự “nhà hát lớn” qua phát ngôn của Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM kiêm Chủ tịch HĐND TP.HCM, tôi cùng vài anh em vượt hầm Thủ Thiêm qua bên kia quận 2, để ngắm khu đô thị Sa La lộng lẫy ánh đèn cùng các đại lộ mới toanh rộng rãi. Phải công nhận là nó đẹp, nếu so với một vài khu đô thị cũ nằm bên kia sông. Nếu nhà hát 1.500 tỷ đồng cùng quảng trường thành phố mọc lên, quả tình đây là khu đô thị đáng mơ ước đối với những kẻ ít tiền, thuộc thành phần ăn lương nhà nước như tôi. Nếu được ở đây, tôi sẽ ở chứ? Vâng, dĩ nhiên tôi sẽ ở- tôi tự hỏi và trả lời với chính mình.
Nhưng làm sao tôi có thể đặt chân mình vào khu đô thị đắt tiền này được khi giá đất của nó mấy trăm triệu đồng/m2, lại không có xe hơi để đi lại? Vậy thì chắc có lẽ để đến kiếp sau vậy!
Chỉ là một người ngoạn cảnh, nhìn ngắm Thủ Thiêm qua con mắt không có ký ức gì với mãnh đất này, nên tôi chẳng phải nặng lòng trước ánh đèn của các khu đô thị như Sa La, có khi còn là vui thích nữa vì cái đẹp của nghệ thuật kiến trúc. Nhưng, giả như tôi là một người dân Thủ Thiêm, bị cưỡng ép rời khỏi nơi cư trú một cách vô lý, nhìn thấy cái nền nhà của mình bây giờ biến thành cái nền của một khu đô thị mới, thì sao nhỉ? Tôi sẽ tức tối? Uất hận? Hay nguyền rủa?
2- Trong những hình ảnh mà nhà báo trẻ Trương Châu Hữu Danh quay được về Thủ Thiêm, tôi ấn tượng nhất với đoạn phim bà cụ già cùng con chó nhỏ của bà, đã lang thang 20 năm ròng rã sau khi mất đất mất nhà, để rồi cuối cùng, chủ và chó cùng dắt díu nhau chui vào một cái gầm cầu thang trú ngụ. Còn trong “bút ký Thủ Thiêm” của nhà báo về hưu Võ Đắc Danh, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là hình ảnh viên thiếu tá công an đang có tương lai sáng lạn trong guồng máy chuyên chính vô sản, đảng viên, cũng vì phản ứng trước việc bị tước đoạt nhà cửa đất đai oan ức của gia đình nên bị giáng cấp, ra khỏi ngành để rồi cuối cùng kết thúc thân phận bi thảm của mình bằng một sợi dây treo cổ.
Khi màu sắc ánh đèn của khu đô thị hào nhoáng nào đó vừa mọc lên (hay sẽ mọc lên) bị ám bởi máu và nước mắt của những người dân vô tội, thì sự lung linh của nó bỗng dưng biến mất. Tinh thần cái đẹp kiến trúc của nó sẽ bị hoen ố bởi những oan khốc mà cường quyền vô lý đã gây ra cho những cuộc đời người ở Thủ Thiêm như cụ già có con chó và viên sĩ quan công an kia…
3- Khi UBND TP.HCM tổ chức họp báo để xin lỗi nhân dân Thủ Thiêm sau 4 nhiệm kỳ chủ tịch thì người dân Thủ Thiêm đã trải qua nỗi đau của 20 năm bị đẩy đuổi khỏi căn nhà thân yêu của mình, ra khỏi nơi chốn mà họ đặt bàn thờ ông bà và chôn nhau rốn của nhiều đứa trẻ. Cũng trong khoảng thời gian dài đó, tại Hà Nội, có một khu nhà trọ được đặt biệt danh là “làng Thủ Thiêm”, nơi những người dân Thủ Thiêm khăn đùm cơm gói từ Sài gòn ra thủ đô tá túc để tìm cách cất lên tiếng nói oan ức của mình. Nhưng một hệ thống chính quyền lớn mạnh cùng với Đảng quang vinh đã ko lắng nghe tiếng nói của họ.
4- Lời xin lỗi của UBND TP.HCM hôm nay được đánh đổi bằng nước mắt trong 20 năm dài của người dân Thủ Thiêm – khoảng thời gian bằng với cuộc chiến Bắc Nam mà Trịnh Công Sơn đã phản ảnh trong ca khúc “Gia tài của mẹ”. 20 năm đủ để giải quyết xong (một) cuộc chiến Việt Nam tàn khốc bậc nhất ảnh hưởng đến cục diện chính trị toàn cầu nhưng vẫn không đủ để giải quyết một ổ ung nhọt bé nhỏ Thủ Thiêm của Sài Gòn, thật là vô cùng nghịch lý!
Một lời xin lỗi nhẹ hều, thoáng qua với một câu ghi chú thòng theo: “Không thể tùy tiện nêu danh tính của những người gây ra lỗi lầm“. Quá thông minh , kính thưa quý vị, danh tính những kẻ gây lỗi lầm quan trọng hơn nước mắt, nỗi đau, thân phận khổ ải của hàng ngàn người dân trong 20 năm của cuộc đời họ! Có thứ công lý nào nghiệt ngã bần cùng như vậy trên thế giới này không? Chắc là chỉ có ở Việt Nam chúng ta.
5- Năm 2010, khi làm trưởng Ban thời sự Xã hội của TT, tôi có chỉ đạo phóng viên phụ trách nhà đất tìm hiểu về vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm. Đó là phận sự của tôi, của vị trí mà tôi phụ trách. Một tuần sau, cậu phóng viên 11 năm tuổi nghề báo cáo: “Thưa anh, không làm được đâu anh ơi, vì có làm báo cũng không dám đăng; nếu đăng cũng sẽ không đi đến đâu, vì đất ở đó đại gia đình “anh Hai” đã thâu tóm hết rồi“.
>> Vấn đề đất Thủ Thiêm: Thủ tướng nói gì?
Chúng tôi, và rất nhiều nhà báo nữa đã ko làm tròn được cái gọi là “sứ mệnh “của kẻ được xã hội gọi là nhà báo, nhưng trong hệ thống đó, lúc ấy, một thằng nhà báo như tôi, như cậu phóng viên nọ sẽ làm được gì khi Tổng biên tập mới được cử về là phó Ban tuyên giáo thành ủy, là đệ tử ruột của anh 3Đ – người đã ký quyết định số 6565 ngày 27/12/2005 chỉnh sửa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, dẫn đến nỗi đau của hàng ngàn người?
Báo chí hầu như im lặng. Mà im lặng là đồng lõa. Thời điểm đó, nỗi đau của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài được 12 năm! Ở đất nước này, có quá nhiều quan chức quay lưng lại trước nỗi đau của con người…
6- Mất 20 năm, mất rất nhiều thứ, từ tài sản vật chất và tinh thần, mất những năm tháng hạnh phúc quý báu của đời người, mất niềm tin và… rất nhiều nước mắt, thì một lời xin lỗi mới được đưa ra từ phía chính quyền. Những kẻ gây tai họa cũng là những kẻ cầm nắm chính quyền trong tay. Sau lời xin lỗi đó, người dân Thủ Thiêm sẽ được đền bù gì cho những tổn thất của họ?
Hay chỉ vỏn vẹn là một lời xin lỗi?
Với người dân Thủ Thiêm, nhà hát 1.500 tỷ đồng không phải là một cách đền bù. Họ cần được trả lại (và phải trả lại họ) những gì họ đã mất đi và… có lãi. Vay thì phải có trả, và trả thì phải có lãi như luật nhân quả và luật của ngân hàng, đất nước của tôi ạ!
Theo Facebook Nhà báo Ngọc Vinh
(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết so với nguyên bản.
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…