Ký sự: Nhà thờ Thủ Thiêm – Di sản của mất mát
- Cát Minh
- •
Trên vùng bán đảo ngàn mẫu này, hàng ngàn hộ dân đã di dời xong, hàng chục cơ sở tôn giáo gồm cả đình cổ, chùa chiền, tịnh xá… đều đã được giải tỏa và “đền bù”. Chỉ còn một nhà thờ, một tháp chuông cùng dãy nhà cổ kính hiền hòa của Hội dòng Mến Thánh giá, vẫn bám trụ lại nơi đây với niềm hy vọng mong manh được giữ gìn lịch sử của mình, được trở thành một phần của tương lai đô thị…
Chiều nhuộm vàng, cha Thế, phó xứ Thủ Thiêm dẫn chúng tôi qua nhà dòng. Lúc ấy đang giờ lễ, không gian cô vắng, tĩnh mịch. Chúng tôi được một sơ già sắp xếp nghỉ lại trong phòng khách. Sơ lấy cho chúng tôi mượn cuốn kỷ yếu hội dòng, dặn chúng tôi ngồi đợi sơ Mỹ Hạnh về. Sơ Mỹ Hạnh là thư ký nhà dòng; việc đi lại trong khuôn viên tu viện, hay chụp ảnh, phỏng vấn cần phải được sơ dẫn đi. Vậy là, chúng tôi ngồi lại đọc cuốn kỷ yếu.
Câu chuyện bắt đầu kể từ sau cái chết của Tả Quân Lê Văn Duyệt, người bảo vệ các tín đồ Cơ đốc khỏi chính sách bế quan tỏa cảng và bài xích đạo của vua Minh Mạng. Sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt), nhà vua cho rằng dân đạo và giáo sĩ theo giúp quân nổi dậy, nên đã cho bắt đạo tàn khốc gắt gao. Trên đường trốn lánh cơn bách hại của vua Minh Mạng, một số nữ tu trú ẩn nay đây mai đó, rồi kẻ trước người sau dừng chân ở miệt Thủ Thiêm. Thủ Thiêm khi ấy vẫn là rừng rậm hoang vắng, rải rác vài ba mái nhà, chùa miễu của người Miên, người Thổ; lại có đủ loại thú rừng, cũng là bến uống nước của trâu rừng và voi.
Tại vùng đất này, nhà dòng Mến Thánh Giá được thành lập năm 1840. Ban đầu, tu viện chỉ là căn chòi lá dựng gần gốc me. Ban ngày các nữ tu lao động kiếm sống, buổi chiều đi thăm viếng và dạy đạo cho người dân sống xung quanh.
Một tờ báo Công giáo phát hành bên Pháp năm 1845 đã nói về các nữ tu Mến Thánh Giá như sau: “Các phụ nữ đạo đức này rất đáng quý, nhất là trong thời bắt đạo, vào thời khai sinh đã phải lo việc giáo dục các trẻ nữ; và ngày nay nữa, họ tận tâm lo nâng đỡ kẻ bệnh hoạn và việc trở lại cho các phụ nữ bê bối. Họ sinh sống bằng công việc tay chân của mình, chỉ dùng hai bữa thanh đạm mỗi ngày. Họ ăn chay vào các ngày thứ sáu và thứ bảy mỗi tuần. Hằng ngày họ dâng lên Thiên Chúa những lời kinh dài và sốt sắng”.
Khi ấy sơ già quay trở lại, nói dẫn chúng tôi đi chụp ảnh gốc me khi trời còn sáng. Chúng tôi vội bước đi theo, vì sơ nhỏ người nhưng đi nhanh lắm, sơ vừa đi vừa giới thiệu, nói cũng rất nhanh, đôi khi tôi nghe không kịp.
Chúng tôi đi một vòng quanh tu viện, thăm cây me cổ thụ, và đến những nơi mà sơ nói lệ thường không cho người ngoài vào. Khi chúng tôi đứng trong khuôn viên nhà khấn trọn, xem bốn mô hình Xưa, Gieo, Nay, Gặt và nghe sơ nói về sự quy tụ, hình thành và con đường gian khó mà nhà dòng đã đi qua, chúng tôi nhìn thấy một con quạ đen lớn bay đậu lên ngọn cây thánh giá trên nóc nhà nguyện, cất tiếng kêu thảm khốc. Tiếng kêu báo hiệu tai ương.
Sơ Mỹ Hạnh đón tiếp chúng tôi, giọng sơ lo lắng bồn chồn. Chúng tôi tránh không đề cập đến việc giải tỏa khu vực Nhà thờ giáo xứ và Hội dòng trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc mà ai cũng biết là như thế nào, chỉ ngập ngừng đề nghị sơ được gặp các sơ lớn tuổi nhất trong tu viện để hỏi về lịch sử nhà dòng. Cha Thế nói với chúng tôi, có sơ đã 104 tuổi, còn minh mẫn và nhớ nhiều chuyện lắm.
Trước khi ra về, chúng tôi vào tham quan nhà nguyện. Đã hết giờ lễ, trong mênh mang thánh điện, và trong ánh sáng vàng yếu ớt của buổi chiều tà bên ngoài khung cửa, tôi nhìn thấy một nữ tu còn ngồi lại đọc kinh.
Ra khỏi cổng Hội dòng, chúng tôi dừng chân một chút bên bờ sông Sài Gòn. Các bạn trẻ đang chụp ảnh cho nhau; bên kia sông hiện diện những gì hào nhoáng nhất của một Sài Gòn “hiện đại hóa”; và bên đây sông, hàng loạt những biển quảng cáo khổng lồ mọc lên với những khẩu hiệu cổ động như in vào trí não người ta, bất tri bất giác. Trên vùng bán đảo ngàn mẫu này, hàng ngàn hộ dân đã di dời xong, hàng chục cơ sở tôn giáo gồm cả đình cổ, chùa chiền, tịnh xá… đều đã được giải tỏa và “đền bù”. Chỉ còn một nhà thờ, một tháp chuông cùng dãy nhà cổ kính hiền hòa của Hội dòng Mến Thánh giá, vẫn bám trụ lại nơi đây với niềm hy vọng mong manh được giữ gìn lịch sử của mình, được trở thành một phần của tương lai đô thị; và câu hỏi vì sao quy hoạch lại cứ nhất định phải phá dỡ di sản, chà đạp văn hóa, xóa bỏ lịch sử? Vì sao cứ nhất định phải ra tay gắt máu? Đã có quá nhiều câu trả lời… nhưng như ai đó đã nói, mọi câu trả lời đều sẽ qua đi, chỉ còn lại câu hỏi lớn cứ treo mãi trên nền trời.
Khi viết bài viết này, trong đầu tôi cứ vang vọng mãi những tiếng “Di sản của mất mát”, nhan đề tác phẩm giành giải Man Booker năm 2006 của nữ sĩ Kiran Desai (cũng là năm mà các lớp học tình thương cho trẻ em nghèo từ mẫu giáo đến cấp 1, các lớp huấn nghệ, giới thiệu học nghề miễn phí, hay quán cơm tình thương… mà Nhà dòng mở ra, đều phải ngưng lại vì chính sách di dời giải tỏa). Cuốn tiểu thuyết nói về những kẻ chối bỏ quê hương.
Thế giới hiện đại được biết đến với các cuộc chiến tranh, ly tán, đến toàn cầu hóa và dòng người di cư như những vệt máu âm ỉ lan khắp trái đất. Người ta bắt đầu nói thật nhiều về cảm thức tha hương; trong những xung đột về văn hóa, về sắc tộc ở vùng đất mới, trong sự lạc lõng và nỗ lực hòa nhập, có những người gạt bỏ quá khứ để đi tìm cho mình một quê hương mới, có những người trong tâm khảm vẫn hoài niệm giấc mộng cố hương.
Ly hương, tha hương, không chỉ nói về những người, trong biến cố cuộc đời phải dời miền cố thổ, mà đâu đó trong thế giới bề bộn này, còn có cả những người đang phải sống tha hương trên chính quê hương của họ. Quê hương là gì? Là con nước, mái đình, là tiếng chuông nhà thờ và ánh đèn chùa leo lắt, là dải đất núi sông, là gia đình họ tộc… quê hương là ký ức, là tuổi thơ, là cội rễ cho ta mầm sống và được sống. Từ bờ sông Sài Gòn nhìn về nhà thờ Thủ Thiêm, những giáo dân đang về lễ muộn, tôi hiểu rằng với họ, với các cha xứ, với các dì các sơ bên nhà dòng, nơi đây chính là nhà, là quê hương thân yêu của họ. Trong một buổi chiều bình yên không có tiếng kèn rúc ma quái của máy xúc, máy ủi, tôi vẫn cảm nhận được sự bất an, và nỗi lo âu của những con người hiền lành trước viễn cảnh phải ly hương.
Nhưng dầu sao, họ vẫn đã có, đang có, và sẽ có một quê hương. Điều đáng sợ thực sự là dành cho những tâm hồn què quặt còn không thể nhận ra nó đang phải tha hương trên mảnh đất của chính mình. Một tâm hồn què quặt sẽ sinh ra trái tim vô cảm và lý trí vô tri. Nhà văn John Donne từng nói: “Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình… Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy ”. Đằng sau dự án đô thị mới Thủ Thiêm là tư tưởng nhân bản đô thị vô tính vô hồn, không có cốt lõi văn hóa và ý thức dân tộc, là sự vô tri không ý thức được quê hương. Các công trình vẫn sẽ tiếp tục mọc lên như những nấm mồ của tư duy tàn tật, không còn lắng nghe được tiếng chuông đang nguyện hồn cho bản thân mình từ cái chết của ký ức và di sản văn hóa dân tộc.
Chúng ta sẽ có gì trong tương lai?
Chỉ còn lại những di sản của mất mát.
Tôi nhớ chiều muộn hôm trước, khi nói chuyện với cha Thế trong khuôn viên nhà thờ, cha hào hứng kể cho chúng tôi nghe về lịch sử tháp chuông, trên đó còn đang treo 5 quả chuông đồng được đúc vào những năm 1889-1892 tại xưởng đúc tốt nhất của Pháp. Chuông vẫn được gióng hằng ngày theo cách thức dùng cần đạp chân đã có từ xưa. Từng có đoạn thời gian, cha Thế muốn lắp thêm một mô tơ tự động để gióng chuông bằng điện, nhưng rồi cha nghĩ lại, đây là điều của lịch sử cần được bảo tồn.
Hôm sau, tôi lại đến nhà thờ từ sáng sớm, ngắm bình minh lên… và lắng nghe tiếng chuông nhà thờ vang vọng.
Cát Minh
Xem thêm:
Từ khóa kiến trúc cổ Cơ đốc giáo nhà thờ sài gòn bảo tồn di sản