Categories: Xã luậnBlog

Bảo tồn di sản văn hóa đô thị cần những công cụ nào?

Đánh giá giá trị di sản đô thị cần nhìn tổng thể quy hoạch kiến trúc, cảnh quan và giá trị của hệ thống các công trình kiến trúc chứ đừng chỉ nhìn một công trình cụ thể nào đó. Nếu chỉ nhìn cục bộ một công trình, một con đường thì thành phố sẽ còn bị phá thêm nhiều di sản có giá trị văn hóa lịch sử khác.

Dinh Thượng Thơ năm 1890 (góc đường Tự do-Gia Long). (Ảnh: Nguyễn Thành Tân/Flickr)

Từ khi chuẩn bị kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – TP.HCM (1698 – 1998), công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đó có cảnh quan đô thị TP.HCM đã được chính quyền thành phố xác định là một trong những việc quan trọng và có ý nghĩa để xây dựng thành phố văn minh – hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, từ đầu những năm 2000 trong “cơn lốc” hiện đại hóa nhất là ở trung tâm thành phố, công tác bảo tồn di tích và cảnh quan đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí một số khu vực công tác này đã “thất bại” trước cơn lốc xây dựng các công trình mới như “đô thị mới”, trung tâm thương mại, khách sạn… và các công trình hạ tầng như metro, cầu, mở rộng đường…

Năm 2014 chính quyền thành phố ban hành “Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM” tại Quyết định số 2751/QĐ-UBND. Trong đó đã xác định ý nghĩa “Bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là một vấn đề thiết yếu trong việc quản lý, phát triển đô thị, đặc biệt là đối với TP.HCM có quá trình phát triển qua nhiều thời kỳ với những đặc điểm đa dạng về kiến trúc đô thị”, đồng thời nêu rõ Mục tiêu của Chương trình nhằm xác định các yêu cầu, đối tượng và quan điểm định hướng trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án này đã chậm hơn thực tế di sản đô thị bị phá hủy và biến dạng từng ngày!

Gần đây nhất là việc “Dinh Thượng thơ” hơn 150 tuổi – một tài liệu cho biết tòa nhà xây dựng năm 1864, có thể nói đây là công trình công sở hiện diện sớm nhất tại Sài Gòn – sẽ bị phá để xây dựng công trình mới. Thông tin này một lần nữa làm dư luận lên tiếng về việc bảo tồn di sản đô thị tại thành phố. Giới chuyên môn (kiến trúc, lịch sử, văn hóa) và quản lý văn hóa lại một lần nữa phải đối diện câu hỏi: sau công trình đã bị phá thì đến lượt công trình nào? Và làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Nghiên cứu và khảo sát hệ thống di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP.HCM cần coi đô thị là một đối tượng có thể tiếp cận và là tổng hợp của các cách tiếp cận từ các khía cạnh sau: không gian vật thể (từ một ngành cụ thể như khảo cổ, kiến trúc, quy hoạch…), khía cạnh kinh tế (trị giá của bản thân các công trình và giá trị phát sinh từ đó), khía cạnh chính trị – chính sách (ứng xử với quá khứ, với sự đa dạng của xã hội dân sự) và khía cạnh văn hóa – xã hội (ký ức cộng đồng, truyền thống sinh hoạt cộng đồng). Và chỉ khi tiếp cận đa chiều như vậy mới có thể nhận biết và ứng dụng hệ thống những “công cụ” đa chiều vào việc bảo tồn di sản đô thị.

Công cụ pháp lý:

Thực hiện nghiêm ngặt việc khoanh vùng di sản để hạn chế mật độ xây dựng, chiều cao và quy mô công trình, hạn chế mật độ dân số, lưu lượng giao thông… nhằm hạn chế tác động xấu đến cảnh quan chung và các di sản.

Thường xuyên kiểm kê, xếp hạng các cấp bậc (danh mục cần được bảo tồn, di tích lịch sử – văn hóa cấp Thành phố, cấp quốc gia) cho các công trình có niên đại khoảng 100 năm trở lên là biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng di tích bị phá hủy hoặc sửa chữa làm biến dạng, cũng như căn cứ vào đó đưa ra phương thức và thực thi công tác trùng tu một cách phù hợp.

Việc xếp hạng di tích: Kiểm soát việc thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa và những luật khác áp dụng cho đô thị cho tất cả các đối tượng: người dân, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước… Tránh trường hợp chỉ có người dân bị kiểm soát còn các đối tượng khác thì không. Cần có quy định các cơ quan nhà nước đang sở hữu hoặc sử dụng những công trình cổ có giá trị phải gương mẫu thực hiện gìn giữ, bảo vệ công trình và có trách nhiệm cùng cơ quan chức năng làm hồ sơ công nhận di tích.

Cần có những quy định khen thưởng cho những cá nhân, tổ chức nào giữ gìn tốt giá trị di sản văn hóa đô thị. Hiện nay trong Luật Di sản văn hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành đã có điều khoản khen thưởng cho người phát hiện di tích di vật quý. Di sản văn hóa đô thị chưa được coi trọng đúng mức. Tuy nhiên nếu các tổ chức xã hội liên quan có những giải thưởng hay hình thức khen thưởng động viên, ghi nhận sự bảo vệ, bảo tồn gìn giữ DSVH đô thị thì đó là việc làm cần thiết, một hình thức “xã hội hóa” làm cho ý thức cộng đồng ngày càng cao hơn.

Công cụ hỗ trợ về tài chính: 

Ngoài nguồn ngân sách ít ỏi của nhà nước dành cho việc bảo tồn di sản cần có thêm nguồn kinh phí khác của xã hội tham gia và có nghĩa vụ tham gia: kinh phí từ các nhà đầu tư bất động sản vào khu vực di sản, cơ quan nhà nước sử dụng công trình di sản. Ngoài việc tuân thủ các quy định khác của khu vực di sản thì cần phải có nghĩa vụ về tài chính đóng góp vào việc bảo tồn cảnh quan và chính công trình di sản, bởi vì khu vực di sản mang lại giá trị tinh thần cho cộng dồng nói chung và nhà đầu tư có thể khai thác “chuyển hóa” thành giá trị kinh tế. Chính sách này tương tự nhiều nước đã có chính sách về “thuế môi trường”: ở khu vực môi trường càng trong sạch, đẹp, có cảnh quan tự nhiên… thì thuế nhà đất ở đó cao hơn những nơi khác.

Một góc khác của Dinh Thượng Thơ (cuối góc đường Tự do-Gia Long). (Ảnh: dẫn qua Nguyễn Thành Tân/Flickr)

Khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản văn hóa dưới sự hướng dẫn kiểm soát về chuyên môn, kỹ thuật của các cơ quan khoa học. Ưu đãi chính sách thuế hoặc nguồn thu dịch vụ có từ di sản văn hóa cho các cá nhà và nhà đầu tư… như ở Campuchia và Thai Lan đã thực hiện rất có hiệu quả.

Chính quyền TP.HCM cần đưa chiến lược bảo vệ di sản đô thị vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bởi vì di sản cũng có thể làm ra những giá trị kinh tế, chứ không phải chỉ được bảo tồn như những hiện vật nằm trong tủ kính của viện bảo tàng.

Công cụ thông tin: 

Cung cấp cho cộng đồng và du khách những thông tin cụ thể về di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP.HCM. Quảng bá về di sản văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng tham gia các chính sách và giám sát công tác bảo tồn di sản văn hóa. Từ đó thúc đẩy sự đổi mới trong nhận thức và ứng xử với di sản văn hóa.

Các cơ quan đang làm công tác quản lý các di sản văn hóa đô thị như Bộ VHTTDL, các Sở VHTTDL, TT bảo tồn di tích các tỉnh thành, các di sản văn hóa thế giới tại VN… kết hợp với ngành giáo dục và các cơ quan nghiên cứu để giáo dục, quảng bá giá trị văn hóa di sản cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Hiện nay chưa có chiến lược nào nhằm làm cho người dân và thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn, đúng hơn về gía trị DSVH địa phương cũng như cả nước. Hệ thống các di tích và bảo tàng, một vài chương trình truyền hình, chuyên mục trên một số tờ báo… chưa đủ để mang lại sự yêu thích và khơi dậy ý thức bảo vệ di sản văn hóa, nhất là di sản ở đô thị. Mặt khác các chương trình còn nặng về “khai thác” du lịch mà chưa chú ý đến việc làm cách nào làm tăng giá trị cho di sản, đó là yếu tố tri thức, nhận thức của con người.

Các cơ quan truyền thông có vai trò đặc biệt trong việc ngăn ngừa và kể cả cứu vãn các giá trị di sản văn hóa vì luôn phản ánh, thông tin kịp thời về kiến thức tri thức khoa học mới về di sản văn hóa; phản ánh ý kiến nhiều chiều (người dân, nhà khoa học, nhà quản lý…) khi có một sự việc vi phạm di sản văn hóa. Khi cần có tiếng nói “trái chiều” để bảo vệ di sản văn hóa thì báo chí, truyền thông có lợi thế được dư luận xã hội chú ý và lên tiếng ủng hộ.

Làm thay đổi thái độ xã hội đối với di sản và việc bảo vệ di sản thông qua các trường đào tạo chuyên ngành (ở Pháp có trường Quốc Gia di sản và một số trường cao đẳng truyền dạy nghề như nghề vẽ tranh kính ở nhà thờ…), báo chí truyền thông đa phương tiện, tổ chức các diễn đàn, sự kiện về bảo tồn di sản, kết nối các nguồn lực thông qua những dự án về bảo tồn di sản… 

***

Đánh giá giá trị di sản đô thị cần nhìn tổng thể quy hoạch kiến trúc, cảnh quan và giá trị của hệ thống các công trình kiến trúc chứ đừng chỉ nhìn một công trình cụ thể nào đó. Nếu chỉ nhìn cục bộ một công trình, một con đường thì thành phố sẽ còn bị phá thêm nhiều di sản có giá trị văn hóa lịch sử khác. Phải chăng vì tầm nhìn hạn chế như vậy nên di tích đô thị dễ dàng bị phá bỏ? Cũng như cánh cửa ngôi nhà cổ bị hỏng, người ta có thể nào thản nhiên tháo bỏ và lắp vào đó một cánh cửa EuroWindow dù rất đẹp, rất hiện đại? Hiểu được sự trái khoáy này mới thấy sự cần thiết của ngành quy hoạch bảo tồn di sản đô thị, vì chỉ chú trọng xây mới từng công trình như hiện nay thì công trình cổ bỗng trở nên lạc lõng “xấu xí” giữa những công trình mới hiện đại xung quanh, và thế là người ta sẽ đập bỏ đi, làm như “tội lỗi” thuộc về công trình cổ.

Trong quá trình phát triển của đô thị, tiếng nói của cộng đồng có vai trò quan trọng đối với các quyết sách của chính quyền. Nếu trước năm 2000, TP.HCM đưa ra khá nhiều thông tin quy hoạch nhưng công chúng gần như không biết, hoặc có biết thì cũng chưa đủ hiểu biết và sự quan tâm, thời gian tìm hiểu để có ý kiến thì từ sau thời điểm ấy, đặc biệt từ 2010 đến nay công chúng đã có sự quan tâm và tri thức nhiều hơn về di sản văn hóa, lịch sử đô thị.

Những người trong công chúng ở các lĩnh vực khác nhau đã có những kiến thức nhất định về bảo tồn, cho nên họ có thể đóng góp với chính quyền những ý kiến xác đáng. Vì vậy chính quyền TP.HCM cần tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của công chúng, không phải chỉ để điều chỉnh những quy hoạch mà sáng kiến của công chúng còn giúp ích cho chính quyền làm những dự án, kế hoạch phù hợp hơn với sự phát triển, nhất là đáp ứng tốt hơn các nhu cầu bảo vệ di sản, văn hóa.

Sài Gòn, tháng 5/2018

Theo Facebook TS Nguyễn Thị Hậu

Xem thêm:

Nguyễn Thị Hậu

Published by
Nguyễn Thị Hậu

Recent Posts

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

10 phút ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

42 phút ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

56 phút ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

1 giờ ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 giờ ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

2 giờ ago