(Ảnh: Shutterstock)
Nói Elon Musk là một trong những người nổi tiếng nhất hành tinh hiện nay chắc chắn không hề quá lời. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, hình ảnh ông nhiệt tình ủng hộ ông Donald Trump tràn ngập khắp nơi – không chỉ góp sức, ông còn góp tiền. Ông thậm chí gây tranh cãi khi có hành động chào tay giống kiểu Đức Quốc xã, và hình ảnh ông cõng con trai nhỏ trên vai cũng để lại ấn tượng sâu sắc.
Sau khi ông Trump đắc cử, ông Musk đương nhiên được bổ nhiệm đứng đầu “Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ” (US DODE – Department of Government Efficiency), một cơ quan mới được thành lập. Tại đây, ông dẫn dắt một nhóm nhỏ gồm những thiên tài chưa đến 26 tuổi, thực hiện nhiệm vụ “dọn đường để tháo dỡ bộ máy quan liêu của chính phủ, cắt giảm các quy định và chi tiêu lãng phí không cần thiết, đồng thời tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.
Chỉ trong 80 giờ sau khi thành lập, nhóm của ông Musk tuyên bố đã loại bỏ được 420 triệu USD chi tiêu lãng phí. Ông cam kết sẽ tiết kiệm được 1.000 tỷ USD trước ngày 30/9, tương đương tiết kiệm 4 tỷ USD mỗi ngày. Đến đầu tháng Hai, các vụ việc mà DOGE phanh phui khiến công chúng sốc nặng, đáng chú ý nhất là USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ). Cơ quan này bị cáo buộc sử dụng khoản tài trợ khổng lồ cho các mục đích khó tin, như: 45 triệu USD cho học bổng DEI tại Myanmar, 520 triệu USD cho các dự án ESG ở châu Phi, 1,2 tỷ USD không rõ người nhận, và thậm chí nhiều khoản tiền bị cho là chuyển đến các tổ chức thù địch với Mỹ như Taliban (Afghanistan) và Hamas. Ông gọi USAID là “tổ chức tội phạm” và kêu gọi đóng cửa.
Dù hành động của ông được công chúng khen ngợi vì tính triệt để và hiệu quả, nhưng ông cũng đối mặt với nhiều chỉ trích. Đảng Dân chủ cho rằng ông không phải quan chức do dân bầu, không đủ tư cách làm những việc như vậy, và việc thành lập hay giải thể cơ quan chính phủ là quyền của Quốc hội. Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện phát biểu: “Đây không phải là một startup công nghệ, đây là cơ quan công quyền.”
Cuối cùng, chính ông Trump phải lên tiếng trấn an, đảm bảo rằng ông Musk sẽ bị giám sát bởi chính phủ và các dự án của DOGE sẽ tiếp tục triển khai. Tuy vậy, ông Musk âm thầm gánh chịu áp lực cực lớn. Ban đầu ông ước tính có thể tiết kiệm 2.000 tỷ USD, nhưng do các phán quyết từ tòa án và rào cản hành chính, con số này liên tục bị cắt giảm, đến đầu tháng Năm chỉ còn 150 tỷ USD, trong đó phần lớn dùng để chi phí kiện tụng. Có người cảm thán: “Nếu ngay cả ông Musk, với sự hậu thuẫn tối đa từ Tổng thống Mỹ, mà còn không làm nổi, thì ai có thể?”
Việc ông Musk tham gia chính trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp sản xuất. Tesla bị mất mối quan hệ với các khách hàng lớn, doanh số và giá cổ phiếu lao dốc. Thậm chí một số đại lý bị tấn công, xe Tesla bị phá hoại. Xe của người dân cũng bị nhắm mục tiêu. Cuối cùng, ông buộc phải rút lui khỏi sân khấu chính trị, trở lại tập trung vào việc cứu vãn danh tiếng và doanh thu công ty. So với vài tháng trước, ông trở nên ít thẳng thắn hơn. Có người nhận xét rằng “thị trường đã khiến ông tỉnh táo trở lại”, quay về với kinh doanh và rời xa vũng lầy chính trị.
Cách đây 10 năm, ông Elon Musk vẫn là một doanh nhân tự do, nghiêng về cánh tả. Các nhà hoạt động môi trường xem xe Tesla như biểu tượng cho lý tưởng của họ. Nhưng có lẽ trải nghiệm trong đại dịch COVID-19 đã thay đổi ông. Khi chính phủ các nước siết chặt kiểm soát doanh nghiệp, ông Musk cảm thấy nền văn minh đang bị đe dọa. Ông cam kết sẽ không đóng cửa nhà máy, bất chấp mọi lệnh phong tỏa. Để phản đối, ông rút Tesla khỏi bang California và chuyển trụ sở khỏi Delaware. Từ đó, ông bắt đầu công khai chỉ trích các chính sách của chính phủ và văn hóa “thức tỉnh” (woke).
Ông biến cam kết thành hành động, quyết định mua lại Twitter – một nền tảng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và mang đậm màu sắc tuyên truyền – để biến nó thành nền tảng X tự do hơn, thúc đẩy dư luận công chúng và đóng góp to lớn vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông sa thải ⅘ nhân viên, thay đổi mạnh mẽ nền tảng này, khiến nó trở thành ứng dụng tin tức và mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu.
Có lẽ chính vì những hành động đó mà ông Elon Musk đã giành được ảnh hưởng to lớn trong việc hoạch định chính sách dưới thời chính quyền Trump nhiệm kỳ hai, giúp ông được giao trọng trách đứng đầu DOGE. Tại đây, ông đã thực hiện việc cải tổ các cơ quan chính phủ giống như những gì từng làm với Twitter, khiến bộ máy trở nên hiệu quả hơn và ở một mức độ nhất định đã nâng cao tính minh bạch của tài chính chính phủ. Hành động của ông được gọi là một kỳ tích — ông đã giúp khôi phục quyền tự do ngôn luận, loại bỏ lãng phí và hành vi gian lận, đơn giản hóa quy trình hành chính của chính phủ, đồng thời thiết lập tiêu chuẩn mới cho quản trị kế toán và nhân sự.
Không nghi ngờ gì nữa, ông Musk chính là người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ tự lái, một công nghệ có khả năng thay đổi hoàn toàn ngành giao thông vận tải ở nhiều khía cạnh. Tất cả hành động của ông đều dựa trên tinh thần khai phá công nghệ. Ông đã công khai phản đối tất cả các quy định cưỡng chế, chính sách trợ cấp, thậm chí phản đối việc bảo hộ bằng sáng chế, điều này quả thực rất đáng khâm phục.
Ông Jeffrey A. Tucker, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Viện Brownstone (Brownstone Institute), viết rằng ông Musk dấn thân vào chính trị với những ý định tốt đẹp nhất: chấm dứt kiểm duyệt, kiềm chế tham nhũng, cải tổ tài chính chính phủ. Ông cho rằng Musk luôn làm việc tận tụy từ đầu đến cuối và đã đạt được những thành tựu phi thường, nhưng không chỉ không nhận được phần thưởng, mà ngược lại còn chịu tổn thất tài chính nghiêm trọng và bị tấn công cá nhân dữ dội từ nhiều phía.
Ông Tucker Carlson cho rằng toàn bộ sự việc đã khơi dậy một sự suy ngẫm sâu sắc về đời sống công cộng, lòng dũng cảm và việc kiên trì theo đuổi công lý. Ông Musk đã cố gắng tạo ra sự thay đổi và thể hiện sự can đảm khi chấp nhận rủi ro tài chính khổng lồ để mua lại Twitter, và rủi ro đó cuối cùng đã được đền đáp. Tuy nhiên, ông còn chấp nhận mạo hiểm danh tiếng của tất cả các công ty mình sở hữu để ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Lẽ ra ông có thể chọn cách giữ mình an toàn, nhưng lại quyết định đi con đường khác. Ông Tucker đặt câu hỏi: Tại sao ông Musk lại liều một phen như vậy? Bởi vì Musk tin tưởng một cách sâu sắc rằng đó là điều đúng đắn phải làm – điều này thật đáng quý trong thời đại mà chủ nghĩa khuyển nho đang thịnh hành. Nhưng thật đáng buồn, sự hy sinh của ông Musk không những không được đền đáp, mà còn bị trừng phạt.
Ông Tucker than thở rằng điều này đã gửi một thông điệp tiêu cực đến toàn bộ văn hóa doanh nghiệp – rằng đừng đứng lên bảo vệ công lý, ngược lại, hãy càng thuận theo và làm vừa lòng những người đang nắm quyền lực.
Ông Tucker cho rằng đối với giới doanh nghiệp nói chung, đây là một tín hiệu đáng tiếc. Một người thành công và nổi tiếng như vậy trong giới kinh doanh, lại có thể đứng lên bảo vệ công lý và sự thật – quả thật rất hiếm thấy. Ông cảm thấy ông Musk xứng đáng nhận được lòng biết ơn của tất cả những ai tin vào tự do. Có thể nói rằng hành động của ông Musk đã cứu lấy tự do khi nó đang gặp nguy hiểm. Dù phải trả giá đắt, nhưng ông đã làm điều đúng đắn vào thời khắc quan trọng nhất.
Cá nhân tôi (tác giả bài viết này) tin rằng chắc hẳn có rất nhiều người đồng tình với đánh giá tích cực của ông Tucker dành cho vị tỷ phú giàu nhất thế giới này. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người giữ quan điểm hoài nghi hoặc tiêu cực. Nhà báo Feroz Siddiqui có thể được xem là một đại diện tiêu biểu. Trong cuốn sách mới phát hành mang tên “Sự phân hóa tột độ của Musk – Sáng tạo, tranh cãi và thách thức mang tính lật đổ trong tương lai” (Hubris Maximus: The Shattering of Elon Musk), ông đã dành 17 chương trong một cuốn sách dày 400 trang, vừa kể chuyện vừa bình luận, để viết về những gì ông quan sát được trong suốt 6 năm tiếp xúc gần gũi với ông Musk. Cuốn sách dựa trên cơ sở lịch sử, sử dụng hình thức văn học để thuật lại cuộc đời ông Musk cho đến năm 54 tuổi (ông sinh năm 1971 tại Nam Phi).
Khi cuốn sách được phát hành, cũng là lúc ông Musk tiếp quản DOGE. Tác giả cho rằng ông Musk đã nhận được toàn quyền ủy thác từ chính quyền Trump, qua đó ông có thể cải tổ chính phủ liên bang theo ý mình, tập trung vào các mục tiêu như cắt giảm nhân sự liên bang, thay đổi hệ thống công nghệ lạc hậu của chính phủ, và giảm một nghìn tỷ USD chi tiêu công.
Tác giả chỉ ra rằng các trợ lý của ông Musk đã thâm nhập vào nhiều cơ quan liên bang, một số vượt xa quyền hạn được giao. Hành động của họ thiếu sự giám sát, động cơ không rõ ràng, và thậm chí một số người từ chối tiết lộ danh tính. Ông Musk từng ám chỉ rằng việc công khai danh tính cấp dưới của ông là một hành vi phạm tội.
Tác giả chỉ trích rằng ông Musk hầu như không thực hiện bất kỳ hành động nào để xoa dịu những lo ngại của công chúng về xung đột lợi ích trong kinh doanh của ông, trong khi nhiều hành động từ những ngày đầu của ông Musk đã dấy lên nghi ngờ về mặt pháp lý. Tác giả bày tỏ lo ngại rằng bất kể phán quyết của tòa án trong tương lai ra sao, ông Musk đã sớm tạo ra ảnh hưởng – ảnh hưởng này không chỉ gây ra hiệu ứng lạnh gáy cho người dân Mỹ, mà còn gây tổn hại đến hình ảnh quốc gia của Mỹ.
Tác giả nói, ông ước gì có thể nói rằng mình cảm thấy bất ngờ trước tất cả những điều này. Nhưng với tư cách là một nhà báo theo sát ông Musk trong thời gian dài, cảm nhận của ông hoàn toàn ngược lại: “Những việc đang xảy ra không hề bất thường, thậm chí rất phù hợp với hành vi và phong cách điều hành nhất quán của Musk trong suốt hàng chục năm qua.”
Tác giả chỉ ra rằng ông Musk đã tự xây dựng hình ảnh là “người làm việc chăm chỉ nhất nước Mỹ” và “pháo đài cuối cùng của giới tinh hoa”, một hình ảnh được chống đỡ bởi một nhóm người trung thành và hiệu quả. Ông Musk dùng chính hình ảnh này để biện hộ cho những hành động cấp tiến của mình, coi đó là những bước đi cần thiết nhằm ứng phó với một “cuộc khủng hoảng sinh tồn”.
Tác giả bày tỏ lo ngại sâu sắc về quy mô quyền lực ngày càng lớn mà ông Musk đang nắm giữ, cũng như những hậu quả rộng lớn hơn có thể xảy ra đối với người dân Mỹ khi một cá nhân như vậy kiểm soát quyền lực lớn đến thế. Để giúp công chúng hiểu ông Musk sẽ làm gì trong tương lai, tác giả đã viết cuốn sách này nhằm nhìn lại cách ông Musk từng sử dụng quyền lực trong quá khứ, từ đó giúp người dân sớm nhận biết và phòng tránh, giảm thiểu rủi ro bị tổn hại.
Đúng vậy, “nghìn vàng khó mua được hai chữ ‘biết sớm’”. Hành vi và quyết sách của một nhân vật tầm cỡ hiếm có như ông Musk không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến người dân Mỹ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn nhân loại. Việc hiểu sớm ông Musk sẽ hành động ra sao để kịp thời chuẩn bị ứng phó thực sự là điều “đáng giá nghìn vàng”. Vậy thì, làm sao có thể không lập tức đọc cuốn sách này chứ?
Vào thứ Bảy (ngày 17/5), CEO của NVIDIA – ông Jensen Huang – cho biết…
Bé gái 9 tuổi đang chơi bị rơi xuống giếng. Người cha trèo xuống để…
Chiều ngày 16/5, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có phiên đàm phán cấp bộ…
Vừa dừng xe trước tín hiệu đèn đỏ trên Quốc lộ 20, đoạn qua trung…
Chuyến đi của ông Trump tới Trung Đông đã xúc tiến những chính sách phù…
Tưởng Giới Thạch nổi tiếng không chỉ vì sự kiên định và phẩm chất tốt…