Biết dừng lại trước khi bắt đầu là một cảnh giới của trí tuệ. Tuy nhiên, khi cần thiết thì người thông minh vẫn biết dừng lại…!

NGUOI THONG MINH

Vào dịp sinh nhật lần thứ 50 của mình, nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi thấy hầu hết những thời khắc khó khăn nhất của mình thường là phải ‘dừng lại’ một việc gì đó, hơn là lúc bắt đầu nó. Thú thực, khó khăn đầu tiên với tôi là việc phải ‘dừng nhậu’. Nhớ lại lúc bắt đầu, chỉ đơn giản là có mấy cậu bạn rủ đi làm vài ly bia cuối ngày làm việc, rồi vào dịp cuối tuần, sau đó là cuối tháng, và không thể bỏ qua những ngày cuối năm (tất niên). Tóm lại, ngày nào đi nhậu thì ngày đó có lý do để nhậu…! Cho đến một ngày, vì sức khoẻ của mình (các chỉ số xấu trong nội tạng đều tăng quá ngưỡng), tôi đã buộc phải dừng nhậu. Bỏ hay dừng một ‘thói quen’ dù xấu hay tốt đều không bao giờ là dễ, trừ phi bạn có ‘lý do đủ lớn’ để làm điều đó. Do vậy, cách thông minh hơn là, biết dừng lại trước khi bắt đầu, để nghĩ xem mình có thực sự muốn làm cái việc này trọn đời hay không…(?!)

Có câu ‘ai nên khôn chẳng dại đôi lần’. Thực tế là, nhiều việc tôi mắc sai lầm nhiều hơn ‘đôi lần’, mà vẫn tiếp tục mắc phải…! Có một vài người bạn, rõ ràng mình đã từng giúp họ, chưa được lời cảm ơn lại còn bị nói xấu, thậm chí có người còn gạt mình. Tới lúc phải dừng lại những mối quan hệ đó, tôi nghĩ ‘nhẽ ra’ không nên bắt đầu. Có vài dự án đầu tư, đành ‘bỏ của chạy lấy người’, vì càng theo càng lỗ, tôi lại nghĩ ‘biết thế’ đã không nên tham gia. Những việc ‘nhẽ ra’, ‘biết thế’, ‘giá như’.., xảy ra khá nhiều trong quá trình công tác và trong các mối quan hệ xã hội của tôi. Cũng không hiểu tại sao, đã ‘dại’ nhiều lần vậy, mà vẫn chưa ‘khôn’ ra được(?!) Danh nhân William Arthur Ward từng nói: “Phạm phải sai lầm là con người; vấp ngã là chuyện bình thường; có thể cười vào chính mặt mình là sự trưởng thành.” 

WhatHowWhy

Cho tới một ngày được đọc cuốn sách “Hãy bắt đầu với Tại sao” (Start With WHY) của tác giả Simon Sinek, thì tôi đã hiểu ra…! Nguyên do chủ yếu của những nuối tiếc và ân hận mà tôi phải trải qua, là bởi trước khi bắt đầu việc gì đó, tôi chưa có thói quen chất vấn bản thân mình với câu hỏi ‘tại sao?’, ‘để làm gì?’, hay chính là lý do, mục đích khi mình muốn làm một việc gì đó. Tập trung vào mục đích và lý do (WHY) trước, rồi mới tìm cách làm (HOW), và hành động để tạo ra kết quả (WHAT) mà mình mong muốn, đó là cách bắt đầu của một người thông minh, của một nhà lãnh đạo có ‘tầm’.

Xuất phát từ tư duy thực dụng, con người hôm nay chủ yếu quan tâm tới kết quả mà mình muốn có, rồi tìm mọi cách để đạt được, và thường không nghĩ một cách thấu đáo về mục đích và lý do. Người dám bất chấp mọi việc để đạt được điều họ muốn, thường được cho là ‘người mạnh mẽ’. Theo lẽ tự nhiên, con người ta dễ bị choáng ngợp hoặc cuốn hút bởi những thứ mà mình đang ao ước, đang muốn có… Ví dụ, người đang muốn tìm một công việc ít vất vả, mà có thể mang lại nhiều thu nhập ‘phụ lớn hơn chính’. Và khi gặp cơ hội, họ sẵn sàng trả tiền, thậm chí rất nhiều tiền để ‘mua công việc’ mơ ước. (‘Mua việc’ chắc là chỉ có ở xứ ta!). Sau này họ có thể nhận ra đó không phải là công việc yêu thích và còn nhiều điều không thích khác, nhưng không dễ để dừng lại. Năm tháng đã trôi qua, tuổi không còn trẻ, biết tìm việc gì đây?!

Tôi có mấy người bạn, thấy người ta đầu tư chứng khoán họ cũng bỏ tiền vào chứng khoán, thấy người ta đầu tư bất động sản họ cũng tìm mua đất mua nhà và cả chung cư cao cấp nữa. Người ta được tiền ở đâu không biết, còn họ thì mất hết cả số tiền tích luỹ từ bao năm làm việc. Lại giống tôi khi xưa, chỉ tự cười mình ‘sao mà dại thế’, chứ không dám khóc! “Tiên trách kỉ hậu trách nhân”, không nên oán trách ai cả, cũng là bởi do mình, ‘tự rước về’ những phiền toái đó. Xã hội sẽ không có đất cho những ‘dự án giấy’, ‘công ty ma’, hay những kẻ chuyên đi gạt người, nếu con người ta biết kiềm chế dục vọng kiếm tiền và mong muốn làm giàu nhanh của mình. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Hãy cẩn thận với điều mình ước!”

Nói cách khác, sai lầm hay thất bại thường đến ngay từ cách chúng ta bắt đầu, từ những động cơ và mục đích của chúng ta. Con người ta thường phạm sai lầm hoặc phải trả giá, nếu không phải vì chữ ‘lợi’ (lòng tham) như nói ở trên, thì cũng là vì chữ ‘danh’ (vị trí, bằng cấp). Có vài người bạn học của tôi, cho dù đã tốt nghiệp đại học, vẫn chịu khó bỏ ra thêm vài năm đèn sách để nâng cấp ‘tấm bằng’. Không hẳn vì yêu cầu của công việc, mà để ‘giữ ghế’ đang có, hoặc dễ bề thăng tiến sau này, nên có vẫn hơn không. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ (chưa nói đến phó giáo sư, phó tiến sĩ, thạc sĩ). Có những người ‘lao tâm khổ tứ’ gần hết đời người, chỉ để đạt được một vị trí công việc nào đó, rồi về hưu, hoặc đổ bệnh. Cá nhân tôi biết một vài vị như vậy, từng là đối tác, làm việc ở các cơ quan nhà nước. Vừa mới nghe tin họ nhậm chức tổng giám đốc này, cục trưởng cục kia, chưa được bao lâu thì lại nhận được tin họ phát bệnh. Phần lớn là những bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường hoặc không may là đột quỵ, ung thư, đều có cả. ‘Stress’ do căng thẳng tinh thần trong những cuộc đấu trí và cạnh tranh quyền lực, chính là ‘sát thủ vô hình’, làm con người ta suy kiệt một cách từ từ cho đến lúc sụp đổ hoàn toàn. Dẫu biết rằng, “một người làm quan cả họ được nhờ”, có chức và có quyền thì dễ bề lo nhiều việc, và còn có biệt thự này, hay biệt phủ kia… Nhưng nếu đã đổ bệnh rồi thì liệu sẽ hưởng được bao lâu?! Đổi sức khoẻ lấy tiền thì còn được, nhưng có bao nhiêu tiền cũng không mua được sức khoẻ. Đó là chưa nói, ngày càng có nhiều vị quan tham, mới lên chức chưa ấm chỗ thì đã vướng vào vòng lao lý. Cũng bởi nhiều thứ có thể giấu, nhưng nhà cửa, đất đai và tài sản thì biết giấu đi đâu?! Người xưa dạy: “Bất thất giả bất đắc, đắc tựu đắc thất”. Nghĩa là, không mất thì không được, muốn được thì phải mất. Thử hỏi, cái ‘được’ so với cái ‘mất’ đó, có thực là đáng không..(?!)

Dịp về Hà Nội cách đây ít năm, khi đi qua một điểm đến quen thuộc của cánh nhậu chúng tôi hàng chục năm trước, “Phố thịt chó” Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), với 50 nhà hàng tấp nập khách nhậu ngày đêm, giờ chỉ còn duy nhất một nhà hàng hoạt động nhưng cũng vắng khách. Sau đó đọc trên các báo tôi được biết là đã xảy ra những câu chuyện, những tai họa liên tiếp ập xuống với các chủ quán ở đó, nên họ phải đóng cửa để sống “yên thân”. Bà chủ quán Anh Tú Béo nổi tiếng nhất, cũng phải thừa nhận rằng: “Đã là con vật thì con nào cũng có linh hồn, nhất là loài chó gần gũi với con người nhất, nên giết hại là có tội”… Và vì thế họ đã lặng lẽ ‘dừng lại’ việc kinh doanh này, dù kiếm được tiền nhưng sẽ bị báo ứng, và trên thực tế việc đó đã xảy ra. Những báo ứng đã đến với các ông chủ, bà chủ ở “Phố thịt chó”, hy vọng đây cũng là ‘lời cảnh tỉnh’ cho những ai đang bất chấp sự an toàn và tính mạng của người tiêu dùng, mà vẫn đưa ra thị trường những thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại..!! Dân gian có câu rằng “Trên đầu ba thước có Thần linh”. Kỳ thực, tất cả hành vi, từng ý từng niệm của con người đều có Thần linh giám sát, ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi, lời nói của bản thân mình.

Suy cho cùng, mọi rắc rối hay kết cục ngoài mong muốn, đều phát xuất từ những ‘lựa chọn’ của chúng ta khi bắt đầu. Do vậy người thông minh là người biết dừng lại TRƯỚC khi bắt đầu, để tự hỏi mình câu hỏi ‘tại sao’, làm như vậy ‘để làm gì’, và những gì có thể xảy ra..?! Bởi nhẽ, không ít những việc chúng ta đã và đang làm, dù là việc cá nhân hay việc quốc gia, có thể phù hợp với quan niệm của xã hội bây giờ, có thể ‘đúng quy trình’ và quy định hiện thời, nhưng lại là trái với đạo lý, trái với lương tâm, và có thể làm tổn hại đến lợi ích của người khác, của người dân..!!

Cũng cần làm rõ, rằng ‘dừng lại’ không có nghĩa là bỏ cuộc hay thất bại như một số người có thể nghĩ. Biết sai hoặc không hiệu quả mà vẫn tiếp tục đó là ‘cực đoan’, biết trái với đạo lý hoặc gây tổn hại cho con người mà vẫn làm đó là ‘bất lương’, và đều đáng lên án. Dừng lại cũng không có nghĩa là kết thúc, mà có thể là một sự khởi đầu mới. Có câu nói “Khi cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra”. Thượng đế thường ban cho con người nhiều hơn một cơ hội, để sửa chữa những sai lầm của mình. Dừng lại để bước tiếp với sự bắt đầu mới, sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn là cảnh giới của người thông minh..!!

Le Thanh HaiBlog Lê Thanh Hải

Doanh nhân, Singapore

Xem thêm: